Quân đội hùng mạnh của Trung Quốc được coi là bậc thầy trong việc che giấu ý định của mình. Nhưng việc họ lên kế hoạch ra sao để tiêu diệt các tàu sân bay Mỹ nếu đối địch trở thành chiến tranh lại chẳng có gì bí mật.

Tại triển lãm hàng không được tổ chức 2 năm một lần vào tháng 11/2018 ở thành phố Chu Hải phía Nam Trung Quốc, nhà sản xuất tên lửa lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước là Tập đoàn công nghiệp và khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc đã chiếu một đoạn phim hoạt hình cho thấy một “lực lượng xanh” đối địch, bao gồm một tàu sân bay, các tàu hộ tống và máy bay tấn công, tiếp cận lãnh thổ của “lực lượng đỏ”.

Trên màn hình khổng lồ, đoạn phim cho thấy một loạt tên lửa của công ty Trung Quốc được phóng từ các tàu chiến, tàu ngầm, khẩu đội pháo bờ biển và máy bay của “lực lượng đỏ” phá hủy các tàu hộ tống xung quanh tàu sân bay. Trong loạt phóng cuối cùng, 2 tên lửa đã lao xuống sàn tàu sân bay và tên lửa thứ ba đâm vào sườn tàu gần mũi tàu.

Số phận của con tàu này là một thông điệp rõ ràng gửi tới Mỹ, vốn từ lâu đã thống trị toàn cầu từ các tàu sân bay hùng mạnh và mạng lưới rộng lớn gồm hàng trăm căn cứ của họ. Quân đội Trung Quốc hiện đang có những bước tiến lớn hướng tới việc thay thế Mỹ trở thành cường quốc tối cao ở châu Á. Với việc cuộc chiến tốn kém kéo dài gần 2 thập kỷ ở Trung Đông và Afghanistan khiến cho Lầu Năm Góc bị phân tâm, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tận dụng một giai đoạn gia tăng ngân sách kéo dài và cải tiến kỹ thuật nhanh chóng để xây dựng và triển khai một kho vũ khí gồm các tên lửa tiên tiến.

Nhiều tên lửa trong số này được thiết kế đặc biệt nhằm tấn công các tàu sân bay và căn cứ, vốn tạo thành xương sống của ưu thế của quân đội Mỹ trong khu vực và trong nhiều thập kỷ đã bảo vệ các đồng minh gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Theo các quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm trong quân đội Mỹ hiểu biết về các vụ phóng thử nghiệm của PLA, các nhà phân tích quân sự Đài Loan và Trung Quốc, và các thông số kỹ thuật được công bố trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, trên hầu khắp tất cả các loại vũ khí này, dù đặt trên đất liền, trang bị trên máy bay tấn công hay triển khai trên các tàu chiến và tàu ngầm, các tên lửa Trung Quốc đều ngang ngửa hoặc vượt trội so với các tên lửa trong kho vũ khí của Mỹ và các đồng minh.

Trung Quốc cũng đã giành được độc quyền thực sự đối với một loại tên lửa thông thường - tên lửa hành trình đạn đạo tầm trung trên đất liền.

Theo Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một thỏa thuận thời Chiến tranh Lạnh nhằm làm giảm bớt mối đe dọa của một cuộc xung đột hạt nhân, Mỹ và Nga bị cấm triển khai loại tên lửa với tầm bắn từ 500-5.500 km này. Nhưng Bắc Kinh, vốn không bị kiềm chế bởi Hiệp ước INF, đang triển khai chúng với số lượng rất lớn.

Theo các nhà phân tích quân sự Trung Quốc và phương Tây, trong số này, có những tên lửa được gọi là “diệt tàu sân bay” như DF-21D, với khả năng nhắm mục tiêu vào các tàu sân bay và các tàu chiến khác đang di chuyển trên biển ở cự li lên tới 1.500 km. Nếu được đưa vào sử dụng, những tên lửa này sẽ đem lại cho Trung Quốc khả năng hủy diệt mà không lực lượng quân đội nào khác có được. Trung Quốc có khả năng vẫn duy trì lợi thế đối với loại tên lửa này trong tương lai có thể thấy trước, bất chấp quyết định hồi tháng 2/2019 của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nước Mỹ khỏi Hiệp ước INF sau 6 tháng.

Trung Quốc cũng đã có những bước tiến nhanh chóng trong việc phát triển các tên lửa được gọi là siêu thanh, có khả năng cơ động nhạy bén và di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh (thậm chí nhanh hơn). Hiện tại, theo các quan chức Lầu Năm Góc, Mỹ không có hệ thống phòng thủ nào trước một tên lửa như vậy.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Tập đoàn công nghiệp và khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc không trả lời các câu hỏi từ phía Reuters về năng lực tên lửa của Bắc Kinh. Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và Lầu Năm Góc không đưa ra bình luận gì.

Khoảng cách tụt hậu về hệ thống tên lửa

Kho vũ khí tên lửa ngày càng gia tăng của Trung Quốc chưa từng được thử thách trong một cuộc đụng độ trên thực tế và một số quan chức Trung Quốc đã nói giảm nhẹ khi đề cập tới những tiến bộ của họ. Nhưng dưới thời Chính quyền Trump, Washington đã tiến tới coi Trung Quốc như một đối thủ quyết tâm thay thế Mỹ ở châu Á. Chính quyền Trump tin rằng sự chênh lệch về năng lực tên lửa trong thời hiện đại này đang nổi lên như một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với uy thế quân sự của Mỹ ở châu Á kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Lầu Năm Góc hiện đang ráo riết tìm kiếm những vũ khí và chiến lược mới nhằm chống lại kho vũ khí tên lửa của PLA.

James Fanell, một thuyền trưởng Hải quân Mỹ về hưu và là cựu sĩ quan tình báo cấp cao thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói: “Chúng tôi biết Trung Quốc sở hữu lực lượng tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất trên thế giới. Họ có khả năng áp đảo các hệ thống phòng thủ mà chúng tôi đang theo đuổi”.

Fanell đã bị Lầu Năm Góc gạt ra ngoài lề trước khi nghỉ hưu vào năm 2015, sau khi cảnh báo về việc Trung Quốc tăng cường sức chiến đấu của lực lượng vào thời điểm Tổng thống Barack Obama tìm kiếm sự hợp tác với Bắc Kinh. Hiện tại, chính sách của Lầu Năm Góc rất giống với quan điểm của Fanell rằng Trung Quốc có ý định thay thế Mỹ trở thành cường quốc chi phối châu Á.

Các sĩ quan quân đội Trung Quốc nhất trí rằng giờ đây họ có thể ngăn chặn các tàu sân bay Mỹ. Sáu nhân vật ở Trung Quốc được Reuters phỏng vấn, trong đó có các sĩ quan PLA nghỉ hưu và một người có quan hệ với ban lãnh đạo Bắc Kinh, cho rằng năng lực tên lửa được tăng cường của Trung Quốc là một yếu tố tạo thế cân bằng quan trọng và sẽ giúp ngăn chặn Mỹ tiếp cận quá gần bờ biển Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn, một đại tá PLA nghỉ hưu nói: “Chúng tôi không thể đánh bại Mỹ trên biển. Mỹ có 11 tàu sân bay trong khi Trung Quốc chỉ có 2 tàu. Nhưng chúng tôi có những tên lửa chuyên nhắm mục tiêu vào các tàu sân bay để ngăn chặn họ tiếp cận vùng lãnh hải của chúng tôi nếu xảy ra xung đột”.

Một người có mối liên hệ với ban lãnh đạo Trung Quốc và từng phục vụ trong quân ngũ cũng đưa ra thông điệp tương tự: “Nếu các tàu sân bay của Mỹ tiếp cận quá gần đường bờ biển của chúng tôi trong một cuộc xung đột, thì các tên lửa của chúng tôi có thể phá hủy chúng”.

Tập Cận Bình, người nắm quyền kiểm soát trực tiếp lực lượng chiến đấu lớn nhất thế giới, đóng vai trò then chốt trong việc nâng cấp lực lượng tên lửa Trung Quốc. Ông đã mang lại sự thúc đẩy mạnh mẽ cho uy tín và tầm ảnh hưởng của đơn vị tinh nhuệ chịu trách nhiệm về các tên lửa hạt nhân và thông thường của Trung Quốc, đó là Lực lượng Tên lửa PLA.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mô tả các lực lượng tên lửa là “yếu tố cốt lõi của sự răn đe chiến lược, một trụ cột chiến lược cho vị thế cường quốc chủ yếu của đất nước và là nền móng xây dựng an ninh quốc gia”. Tập Cận Bình đã đưa các cựu sĩ quan cấp cao trong lực lượng tên lửa vào nhóm cố vấn quân sự nòng cốt thân cận nhất khi ông củng cố sự kiểm soát đối với PLA bằng một cuộc thanh trừng sâu rộng các sĩ quan cấp cao bị buộc tội tham nhũng hoặc bất trung.

Lực lượng tên lửa vẫn luôn được hưởng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng dưới thời Tập Cận Bình, đơn vị bí mật một thời này, trước đây được gọi là Lực lượng pháo binh hai, đã trở thành tâm điểm của sự chú ý. Kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012 với cam kết phục hưng Trung Quốc với tư cách một nước lớn, những tên lửa thông thường và hạt nhân mới nhất của Lực lượng tên lửa đã đóng vai trò chính trong một số cuộc diễu binh lớn nhất.

Trong một trong những buổi trình diễn này, vào năm 2015, những dòng chữ trắng ghi số hiệu của các tên lửa mới, trong đó có tên lửa “diệt tàu sân bay” DF-21D, được sơn ở mặt bên của tên lửa. Theo các nhà phân tích quân sự phương Tây theo dõi cuộc diễu binh ở Bắc Kinh, việc ghi nhãn táo bạo này trực tiếp nhắm tới các khán giả nước ngoài. Tại một cuộc diễu binh do Tập Cận Bình chủ trì nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập PLA vào năm 2017, những tên lửa cũng được trình diễn một cách nổi bật.

Tín hiệu cảnh báo

Cuộc trình diễn được dàn dựng công phu của những tên lửa mới nhất, mạnh mẽ nhất đã làm nền cho Tập Cận Bình “đánh bóng” tên tuổi của mình với tư cách nhà lãnh đạo quân sự tối cao của Trung Quốc. Những tin tức về các vụ phóng thử nghiệm, các đầu đạn mới và những đột phá kỹ thuật chiếm lĩnh các phương tiện truyền thông quân sự do nhà nước kiểm soát.

Nhưng đó không chỉ là diễn kịch. Sự quảng bá có phối hợp này về khả năng của Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công tầm xa thông thường mà không phải chịu nguy cơ làm tổn hại tới máy bay, tàu chiến hay gây thương vong là một yếu tố then chốt trong chiến lược của PLA dưới thời Tập Cận Bình. Các nhà phân tích quân sự nước ngoài cho rằng điều đó phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc có khả năng chống lại sự can thiệp khi nước này mở rộng quyền kiểm soát đối với các vùng rộng lớn ở Biển Đông, tăng cường các lực lượng xuất kích của hải quân và không quân xung quanh Đài Loan và mở rộng hoạt động sang vùng lãnh thổ mà nước này tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Một điều chắc chắn là trong khi việc đội tên lửa của Trung Quốc đã trở nên đáng gờm hơn là điều không thể phủ nhận, thì độ tin cậy, độ chính xác và trọng tải của các vũ khí của nước này vẫn chưa được thử thách trong chiến trận. Trung Quốc chưa từng chiến đấu trong bất kỳ cuộc chiến nào kể từ khi xâm lược Việt Nam vào năm 1979. Trái lại, kho vũ khí tên lửa phóng từ trên không và trên biển của Mỹ đã được thử thách và chứng tỏ nhiều lần trong các cuộc chiến trong 2 thập kỷ qua.

Người ta cũng không rõ liệu các hệ thống tên lửa của PLA có thể sống sót sau các cuộc tấn công điện tử, tấn công mạng và tấn công vũ lực nhắm vào các cơ sở phóng, hệ thống dẫn đường và trung tâm chỉ huy và kiểm soát hay không. Các nhà phân tích quân sự chỉ ra rằng vẫn còn một số nghi ngờ về việc liệu Trung Quốc đã nắm vững bí quyết để một tên lửa đạn đạo “diệt tàu sân bay” phát hiện, theo dõi và bắn trúng mục tiêu đang di chuyển ở xa bờ biển Trung Quốc hay chưa.

Các chỉ huy quân đội Mỹ và những người theo dõi PLA cũng thừa nhận rằng vẫn có thể có những yếu tố lừa gạt liên quan đến việc công khai thông tin về các tên lửa của Trung Quốc. Theo truyền thống, sự lừa dối là một yếu tố then chốt trong chiến lược quân sự của Trung Quốc. Các chuyên gia ảnh vệ tinh cho biết PLA nhận thức rõ ràng rằng Mỹ và các đối thủ tiềm năng khác sẽ theo dõi chặt chẽ các địa điểm thử nghiệm của họ.

Một số sĩ quan PLA đã nghỉ hưu trả lời phỏng vấn của Reuters đã nói giảm nhẹ khi đề cập tới khả năng của tên lửa Trung Quốc.

Khi thảo luận về một chủ đề nhạy cảm với truyền thông nước ngoài, một cựu đại tá PLA giấu tên nói: “Tên lửa Mỹ vượt trội so với tên lửa của chúng tôi về chất lượng và số lượng”. Một nhà phân tích quân sự Trung Quốc nói: “Nếu chúng tôi thực sự tiên tiến hơn Mỹ thì chúng tôi đã giải phóng Đài Loan rồi”.

Tuy nhiên, các quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm trong quân đội Mỹ cho biết dựa trên việc theo dõi chặt chẽ nhiều vụ phóng thử của Trung Quốc, họ tin chắc rằng các tên lửa của PLA là một mối đe dọa thực sự.

Cuộc chiến tầm bắn

Theo Robert Haddick, một cựu sĩ quan lính thủy đánh bộ Mỹ hiện là giảng viên cấp cao thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell có trụ sở tại Arlington, Virginia, Mỹ, điều khiến cho các tên lửa của Trung Quốc nguy hiểm đến vậy đối với Mỹ và các đồng minh châu Á là việc PLA đang chiến thắng trong “cuộc chiến tầm bắn”. Trong khi Mỹ đang ở trong cái mà Haddick mô tả là “một kỳ nghỉ dài” trong việc phát triển tên lửa hậu Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đang nhắm tới những mục tiêu ở xa, phát triển các tên lửa có thể bay xa hơn những tên lửa trong kho vũ khí của Mỹ và các đồng minh châu Á của nước này.

Lầu Năm Góc đã bắt đầu công khai thừa nhận rằng chí ít là trong lĩnh vực tên lửa, Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong. Đô đốc Harry Harris, cựu chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đã phát biểu trong buổi điều trần trước Ủy ban quân lực của Thượng viện Mỹ vào tháng 3/2018: “Chúng ta đang ở thế bất lợi so với Trung Quốc hiện nay ở chỗ Trung Quốc có các tên lửa đạn đạo trên mặt đất đe dọa các căn cứ của chúng ta ở Tây Thái Bình Dương và các tàu của chúng ta”.

Vào thời điểm đó, Harris giải thích rằng Mỹ đã không thể đối chọi bằng những tên lửa tương tự là do Hiệp ước INF năm 1987 với Nga, vốn cấm các loại vũ khí này.

Những ràng buộc của hiệp ước đã khiến Mỹ không còn vũ khí nào tương đương với tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc, vốn có tầm bắn lên tới 4.000 km và có thể tấn công vào căn cứ quan trọng của Mỹ ở Guam. Trung Quốc cho biết tên lửa này có phiên bản diệt tàu sân bay với khả năng bắn trúng mục tiêu đang di chuyển trên biển. Các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản nằm trong tầm bắn của một tên lửa khác của PLA, đó là tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10, với tầm bắn khoảng 1.500 km, theo ước tính của Lầu Năm Góc.

DF-16 có tầm bắn 1.000 km và có thể tấn công các mục tiêu ở Đài Loan.

DF-21 có tầm bắn 2.150 km và có thể nhắm vào các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, bao gồm cả căn cứ chủ chốt của Mỹ tại Yokosuka. Phiên bản diệt tàu sân bay DF-21D có tầm bắn khoảng 1.500 km.

DF-26 có tầm bắn 4.000 km, đe dọa căn cứ chủ chốt của Mỹ trên đảo Guam. Tên lửa này cũng có phiên bản “diệt tàu sân bay”.

Tuy nhiên, Chính quyền Trump dường như đang dọn đường để Mỹ cạnh tranh. Ngày 1/2/2019, Trump tuyên bố Washington sẽ rút khỏi INF, cáo buộc Moskva vi phạm thỏa thuận. Trong một tuyên bố, ông nói rằng Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận trong 6 tháng trừ phi Nga tuân thủ trở lại. Trump cũng nói rằng Trung Quốc có hơn 1.000 tên lửa với tầm bắn thuộc phạm vi được bao hàm trong Hiệp ước INF. Ông nói thêm rằng Mỹ giờ đây sẽ phát triển một tên lửa thông thường phóng từ mặt đất, vốn bị hiệp ước này cấm đoán. Các chuyên gia quân sự cho rằng việc này có thể giúp tạo thế cân bằng trước ưu thế của Trung Quốc, nhưng Mỹ sẽ phải mất thời gian, có lẽ là nhiều năm, để phát triển và triển khai những vũ khí này.

Trung Quốc chỉ trích tuyên bố của Trump, với việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói rằng hiệp ước này có ý nghĩa quan trọng trong việc “bảo vệ sự cân bằng và ổn định chiến lược toàn cầu”. Tuy nhiên, ông Cảnh đã không đề cập đến kho vũ khí loại này của riêng của PLA hay việc chính Trung Quốc không tham gia hiệp ước này. Ông nói rằng Trung Quốc phản đối việc đàm phán một hiệp ước mới mà sẽ bao hàm cả các quốc gia khác cũng như Nga và Mỹ.

Sự chênh lệch này trong năng lực tên lửa báo hiệu về một sự biến động quân sự. Một số tên lửa chống tàu mạnh mẽ của PLA giờ đây có tầm hoạt động xa hơn nhiều so với máy bay tấn công được triển khai trên các tàu sân bay của Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định quân sự Mỹ đang phải vật lộn với một kịch bản mà cho đến gần đây vẫn chưa hề tồn tại: Các tàu sân bay Mỹ có thể trở nên lỗi thời trong một cuộc xung đột gần Trung Quốc đại lục. Nếu bị buộc phải hoạt động ngoài phạm vi của máy bay của chúng khi tiếp cận Trung Quốc, những con tàu lớn chạy bằng năng lượng hạt nhân này sẽ kém hiệu quả hơn nhiều. Nếu tiến đến quá gần, chúng sẽ trở nên dễ bị tổn thương.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hải quân Mỹ đã có thể sử dụng các tàu sân bay của mình để giáng đòn tấn công các đối thủ yếu hơn, tiếp cận đủ gần để tiến hành không kích, tự tin rằng không gì có thể chạm tới các tàu chiến khổng lồ của họ. Giờ đây, trong trường hợp xung đột với Trung Quốc ở Đông Á, các nhà hoạch định thuộc Lầu Năm Góc và quân đội các nước khác trong khu vực cho biết họ đang phải vật lộn với cách đối phó với vấn đề mà họ chưa từng gặp phải kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai: sự trở lại của cuộc cạnh tranh cao độ trong chiến tranh trên biển.

Đối với quân đội Mỹ, người ta lo ngại rằng một loạt tên lửa rẻ tiền và có thể bị hy sinh của Trung Quốc có khả năng vô hiệu hóa những tàu chiến đắt tiền nhất từng được chế tạo. Trung Quốc không công bố chi phí sản xuất các tên lửa của nước này. Theo Hải quân Mỹ, một phiên bản hiện đại của Harpoon, tên lửa chống hạm chủ lực cận âm cổ điển thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ và các đồng minh, có giá 1,2 triệu USD. Các quan chức quân sự phương Tây cho rằng chi phí sản xuất thấp hơn của Trung Quốc đồng nghĩa với việc nước này có thể sản xuất những tên lửa tương tự nhưng ít tốn kém hơn. Để chế tạo tàu sân bay mới nhất của Mỹ, tàu USS Gerald R. Ford, cần khoảng 13 tỷ USD - gấp khoảng 10.000 lần chi phí sản xuất tên lửa Harpoon.

Nước Mỹ do dự

Trong hơn nửa thế kỷ từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949, một PLA quy mô lớn nhưng lạc hậu về công nghệ phần lớn bị giới hạn trong châu Á lục địa và các vùng biển ven bờ. Một lực lượng nhỏ các đầu đạn hạt nhân nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công trước bao gồm những vũ khí tầm xa quan trọng duy nhất trong kho vũ khí của PLA. Trong phần lớn giai đoạn đó, Mỹ và hải quân các nước khác đã tập trận, tuần tra, rình mò và thường xuyên đi vào vùng biển ngoài khơi Trung Quốc, giống như họ đã làm trong suốt thời kỳ thực dân khi Trung Quốc bất lực trong việc ngăn chặn nước ngoài xâm phạm lãnh thổ của họ.

Theo các quan chức Mỹ đương nhiệm và các cựu chiến binh từng tham gia các hoạt động của Hải quân Mỹ ở châu Á, mối đe dọa đến từ những tên lửa mới của Trung Quốc, cùng với số lượng tàu ngầm hải quân PLA gia tăng nhanh chóng, đồng nghĩa với việc các tàu chiến của Mỹ và hải quân các nước khác giờ đây tuần tra một cách do dự và không thường xuyên ở một số vùng biển then chốt gần Trung Quốc đại lục và Đài Loan.

Giới cầm quyền Trung Quốc chưa từng công bố số lượng tên lửa thuộc sở hữu của PLA. Nhưng Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, tổ chức thanh niên của Đảng Cộng sản, đã tiết lộ một vài số liệu trên tài khoản chính thức của họ trên Weibo, một trang mạng tương tự Twitter, vào tháng 10/2016. Đoàn Thanh niên cho biết Lực lượng tên lửa Trung Quốc tự hào sở hữu quân số 100.000 người và khoảng 300 tên lửa đạn đạo tầm trung, 1.150 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và 3.000 tên lửa hành trình.

Theo ước tính của Mỹ và các nước phương Tây khác, Trung Quốc có khoảng 2.000 tên lửa thông thường thuộc phạm vi các điều khoản của Hiệp ước INF về tên lửa - đủ để tiến hành các cuộc tấn công dồn dập vào các căn cứ không quân, cảng hoặc cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Đài Loan.

Ngoài những vũ khí được bao hàm trong Hiệp ước INF mà ở đó Trung Quốc nắm độc quyền, kho vũ khí của PLA còn có các tên lửa khác vượt trội so với các tên lửa tương đương của Mỹ. Trong số đó là 2 tên lửa hành trình siêu thanh chống tàu, đó là YJ-12, với tầm bắn 400 km, và YJ-18, với khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 540 km.

Để đối chọi với những tên lửa này, Mỹ dựa vào tên lửa chống tàu cận âm Harpoon vốn đã được sửa đổi để đạt tầm bắn tối đa khoảng 240 km. Haddick, cũng là một cố vấn cho Bộ chỉ huy hoạt động đặc biệt của Mỹ, nói: “Đó là một khoảng cách rất lớn. Năng lực tên lửa chống tàu của Trung Quốc vượt trội so với Mỹ về tầm bắn, tốc độ và hiệu suất cảm biến”.

Như một phần trong công cuộc cải tổ sâu rộng các lực lượng vũ trang, vào cuối năm 2015, Tập Cận Bình đã nâng cấp lực lượng tên lửa lên ngang tầm với một quân chủng, bên cạnh lục quân, hải quân và không quân. Trong một buổi lễ được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, Lực lượng pháo binh hai đã được đổi tên thành Lực lượng tên lửa PLA. Hai nhân vật kỳ cựu thuộc lực lượng này là Tướng Ngụy Phượng Hòa và Tướng Trương Thăng Dân giờ đây là ủy viên Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản, cơ quan kiểm soát quân đội tối cao do Tập Cận Bình làm chủ tịch.

Một nhân vật kỳ cựu khác của Lực lượng tên lửa là Tướng Cao Tân được coi là ngôi sao đang lên của quân đội Trung Quốc. Khi lực lượng tên lửa được đổi tên, ông Cao đã được bổ nhiệm đứng đầu một nhánh mới của PLA, đó là Lực lượng hỗ trợ chiến lược, chịu trách nhiệm về chiến tranh mạng, điện tử và không gian. Theo các nhà phân tích quân sự Mỹ và Trung Quốc, ông Cao là nhân vật chủ chốt trong quá trình chuyển biến của Lực lượng tên lửa, vốn là một hệ thống răn đe hạt nhân chuyển sang vai trò kép hiện tại của nó vừa là lá chắn hạt nhân, vừa là mũi nhọn trong khả năng tấn công thông thường của PLA.

Cuộc tấn công kiểu Trân Châu Cảng

Đối với Mỹ và các đồng minh khu vực, ưu tiên hàng đầu là giành lại vị trí dẫn đầu trong cuộc chiến tầm bắn.

Người ta đang vắt kiệt hiệu suất bổ sung của các tên lửa cũ phóng trên không và trên biển của Mỹ. Boeing đang nâng cấp tên lửa chống tàu Harpoon. Một phiên bản chống tàu của tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk lừng danh của Raytheon - với tầm bắn hơn 1.600 km - đang được thử nghiệm.

Hải quân Mỹ đang nỗ lực mở rộng tầm bắn cho máy bay tấn công trên tàu sân bay, và các vũ khí mới đang được chuẩn bị. Tháng 12/2018, Lockheed Martin cho biết họ đã chuyển giao tên lửa chống tàu tầm xa mới đầu tiên của mình cho Không quân Mỹ sau một loạt thử nghiệm thành công. Tên lửa tàng hình này cũng có thể được triển khai trên các tàu chiến.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục cải thiện hỏa lực của mình. Hai bộ ảnh vệ tinh trên Google Earth, được chụp cách nhau 3 năm, cho thấy Lực lượng tên lửa của Trung Quốc thử nghiệm kho vũ khí đang phát triển của mình như thế nào.

Trong một bộ ảnh, có thể thấy rõ hình dáng đặc biệt của một chiếc máy bay chiến đấu trên cái có vẻ là một đường băng giả ở vùng sa mạc xa xôi của Trung Quốc. Được chụp vào giữa năm 2013 ở vùng viễn Tây Trung Quốc, những hình ảnh này cho thấy đường viền của một máy bay cánh tam giác ở đầu phía Nam của đường băng. Hình ảnh chụp vào cuối năm 2016 lại kể một câu chuyện khác. Phần cánh và đuôi nằm rải rác ở những góc kỳ lạ trong một đống đổ nát.

Sean O’Connor, từng là nhà phân tích tình báo thuộc Không quân Mỹ và hiện là nhà phân tích nghiên cứu chính tại công ty thông tin quốc phòng Jane’s, cho rằng “có vẻ chiếc máy bay đó đã bị bắn”.

Đường băng bản sao với các hố va chạm lỗ chỗ ở một đầu là một phần của cái được O’Connor và các nhà phân tích hình ảnh vệ tinh khác xác định là phạm vi thử nghiệm tên lửa của PLA. Tại đây cũng như tại các địa điểm xa xôi khác ở miền Tây Trung Quốc, PLA đã bắn tên lửa vào các mục tiêu có vẻ là mô phỏng các căn cứ không quân, kho nhiên liệu, cảng, tàu, trung tâm liên lạc, radar mảng và các tòa nhà.

Một số mô hình dường như bắt chước các mục tiêu ở Nhật Bản và Đài Loan. Theo báo cáo năm 2017 của 2 sĩ quan Hải quân Mỹ là Trung tá Thomas Shugart và Trung tá Javier Gonzalez, hình ảnh vệ tinh về phạm vi thử nghiệm với đường băng giả cũng cho thấy Trung Quốc đang diễn tập các cuộc tấn công vào căn cứ then chốt của Hải quân Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản và các cơ sở quan trọng khác.

Hai sĩ quan này đã xác định được một mục tiêu giả có vẻ rất giống với bến cảng bên trong căn cứ Yokosuka, cảng nhà của tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ và nhóm tàu tác chiến của nó. Trong báo cáo của họ cho Trung tâm nghiên cứu An ninh Mỹ mới, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, 2 sĩ quan này cho biết mục tiêu này có những đường nét của cầu tàu có góc giống như các cầu tàu ở Yokosuka và hình dạng của 3 tàu chiến có cùng kích cỡ với các tàu khu trục của Mỹ tại cảng này.

Kịch bản mà Shugart và Gonzalez vạch ra gợi nhớ về khoảnh khắc đen tối nhất trong lịch sử hải quân Mỹ. Họ viết rằng có thể diễn giải rằng bản sao này được dùng cho một cuộc tập dượt tấn công bất ngờ theo kiểu Trân Châu Cảng. Trận đòn làm tê liệt đó đã đánh chìm hoặc phá hoại những yếu tố then chốt của hạm đội Mỹ, khiến hơn 2.300 người Mỹ thiệt mạng và đẩy Mỹ vào Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng Nhật Bản đã không đánh chìm được các tàu sân bay của Mỹ thường được bố trí tại Trân Châu Cảng vì các tàu này khi đó ở trên biển.

Trong đoạn phim hoạt hình tại triển lãm hàng không gần đây của Trung Quốc ở Chu Hải, “lực lượng đỏ” đã không mắc phải sai lầm tương tự. Sau khi các tên lửa của “lực lượng đỏ” tấn công tàu sân bay của “lực lượng xanh”, đoạn phim hoạt hình kết thúc với dòng chữ: “Hoạt động phản công phòng thủ đã đạt kết quả như mong đợi”.

Báo cáo do David Lague và Benjamin Kang Lim thực hiện, Peter Hirschberg biên tập. Báo cáo được đăng trên Reuters.

Trần Quang (gt)