"Bản Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng" Nhật-Mỹ đầu tiên năm 1978 đã phản ánh trọng tâm của Mỹ là bảo vệ Nhật Bản trước Liên Xô và cố gắng đưa ra một định nghĩa rõ ràng hơn về vai trò và nhiệm vụ trong liên minh. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, bản hướng dẫn sửa đổi đầu tiên được công bố năm 1997 nhằm thay đổi trọng tâm của liên minh từ bảo vệ Nhật Bản, theo Điều V của Hiệp ước An ninh, đến mở rộng sang Điều VI, đề cập đến “hòa bình và an ninh quốc tế tại Viễn Đông”. Tuy nhiên, hạn chế chủ yếu trong hợp tác liên minh là việc Tokyo “cấm” mở rộng phòng vệ tập thể, chỉ giữ vai trò hỗ trợ ngoài lãnh thổ Nhật Bản cho các lực lượng Mỹ ở mức tối thiểu.

Bản sửa đổi mới là một bước tiến quan trọng của liên minh Mỹ-Nhật, khẳng định rằng các tình huống ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh của Nhật Bản “không thể được xác định về mặt địa lý”. Liên minh mở rộng hợp tác ra phạm vi toàn cầu và bao gồm các lĩnh vực vũ trụ và không gian mạng. Ở một mức độ nào đó, điều này chỉ đơn giản là bắt kịp với thực tế rằng Mỹ và Nhật Bản đã hợp tác ở nhiều lĩnh vực an ninh khác nhau.

Tuy nhiên, "Bản Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng" Mỹ-Nhật mới được sửa đổi đã nêu bật yêu cầu cấp bách phải bảo vệ Nhật Bản. Điều này phản ánh mối lo ngại sâu sắc của Mỹ và Nhật Bản về sức mạnh quân sự và những hành động gây hấn trên biển của Trung Quốc cũng như tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Trong tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ-Nhật và trong "Bản Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Nhật" mới, Mỹ tái khẳng định cam kết bảo đảm an ninh tuyệt đối cho Nhật Bản theo Điều V và mở rộng đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời nhắc lại lời cam kết rõ ràng của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Tokyo hồi tháng 4 năm ngoái. Tăng cường răn đe cũng nằm trong bản hướng dẫn sửa đổi lần này, bao gồm tất cả các khả năng, kể cả các lực lượng hạt nhân của Mỹ.

Trung Quốc và Triều Tiên không được nêu một cách rõ ràng, nhưng trong bản hướng dẫn sửa đổi, Mỹ và Nhật Bản xác định nhiều lĩnh vực tăng cường hợp tác cơ bản, bao gồm phòng không và phòng thủ tên lửa, tình báo, giám sát và trinh sát, an ninh biển và hàng không, xây dựng năng lực đối tác. Khu vực Đông Nam Á và Biển Đông cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh của bản hướng dẫn.

"Bản Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Nhật" mới nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác song phương thông qua việc tạo ra các cơ chế hoạch định chính sách và phối hợp thường trực của liên minh. Điều này có thể giúp bù đắp cho việc thiếu một cơ cấu chỉ huy chung, đó vẫn là một điểm yếu của liên minh. Hướng dẫn sửa đổi khuyến khích một cách tiếp cận toàn bộ chính phủ và tận dụng tài sản khu vực tư nhân. Điều này áp dụng rõ ràng nhất cho không gian mạng, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ hậu cần và các cảng biển và cảng hàng không dân sự ở Nhật Bản mà các lực lượng Nhật và Mỹ có thể sử dụng.

Mặc dù bản hướng dẫn tạo ra một khuôn khổ chỉ đạo cho liên minh, song Mỹ và Nhật Bản không có ràng buộc và việc thực hiện bản hướng dẫn giữa hai nước vẫn chủ yếu phụ thuộc vào cam kết chính trị ở Nhật Bản. Chừng nào Thủ tướng Shinzo Abe còn nắm quyền, có lẽ đến năm 2018, xung lượng trong hợp tác liên minh vẫn sẽ được duy trì mạnh mẽ.

Bản hướng dẫn quốc phòng Mỹ-Nhật mới có ám chỉ gì đối với Úc? Úc đã hai lần được đề cập trong Tuyên bố chung, được coi như một “đối tác quan trọng” cho hợp tác an ninh ba bên, đặc biệt cho các hoạt động xây dựng năng lực ở khu vực Đông Nam Á. Các quan chức Úc, Nhật Bản và Mỹ đã tổ chức một cuộc đối thoại ba bên hàng năm, Diễn đàn hợp tác an ninh-quốc phòng để đẩy mạnh hợp tác trong cứu trợ thiên tai, gìn giữ hòa bình và xây dựng năng lực biển. Hợp tác ba bên có khả năng được tăng cường dưới sự thúc đẩy của Bản hướng dẫn mới.

Úc cũng ngầm được đề cập trong khuôn khổ liên quan đến mục tiêu chung của việc tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực, và vấn đề mới trong bản hướng dẫn này là việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có thể triển khai lực lượng trong trường hợp một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một nước có quan hệ gần gũi với Nhật Bản.

Bản hướng dẫn sửa đổi với những điều chỉnh linh hoạt hơn sẽ mở rộng các lựa chọn cho Nhật Bản, Mỹ và Úc hoạt động cùng nhau nhiều hơn, không chỉ trong các hoạt động hỗ trợ hòa bình ở những khu vực xa xôi mà còn trong các nhiệm vụ cứu trợ thiên tai, sơ tán và hoạt động ổn định ở gần Úc hơn, bao gồm cả ở Timor Leste và Nam Thái Bình Dương.

Theo "Interpreter"

Anh Thư (gt)