Tháng 10/2012 đánh dấu 50 năm cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc vào Ấn Độ, một cuộc chiến tranh nước ngoài duy nhất mà nước Trung Quốc cộng sản giành thắng lợi. Nhưng cuộc chiến tranh đó đã không giải quyết được cuộc xung đột giữa hai nước đông dân nhất thế giới này và di sản của nó tiếp tục đè nặng lên mối quan hệ song phương giữa hai nước. Trong khi sức nặng kinh tế của hai nước đang được quốc tế chú ý, sự cạnh tranh chiến lược cơ bản trên các vấn đề từ đất đai, nước, đến ảnh hưởng địa chính trị tại các khu vực khác thông thường lại ít được người ta chú ý đến. Tầm quan trọng quốc tế của mối quan hệ Trung - Ấn thể hiện ở chỗ hai nước này đại diện cho 37% dân số của thế giới. Mặc dù họ có các nền văn hoá hoàn toàn khác nhau và các mô hình phát triển cạnh tranh nhau, nhưng hai nước cùng chia sẽ một sự tương đồng tạo nên nền ngoại giao của hai nước: hai nước cùng tự giải phóng thoát khỏi ách thực dân vào cùng một thời gian. Trong suốt chiều dài lịch sử của họ, nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc đã bị ngăn cách nhau bởi một bình nguyên Tây tạng bao la, hạn chế sự tương tác và ảnh hưởng về văn hoá và tôn giáo của nhau, mối quan hệ chính trị cũng thiếu vắng. Chỉ sau khi Tây tạng bị Trung Quốc sát nhập thì quân lính Trung Quốc gốc Hán mới xuất hiện lần đầu tiên ở Biên giới Himalaya của Ấn Độ. Và chỉ sau một thập kỷ tiếp theo, Trung Quốc đã tấn công chớp nhoáng vào đội quân Ấn Độ không được chuẩn bị bằng nhiều mũi khác nhau tại khu vực Himalaya vào ngày 20/10/1962. Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố rằng cuộc chiến tranh là nhằm dạy cho Ấn Độ một bài học.

Tấn công kẻ thù một cách bất ngờ là một lợi thế sách lược có ý nghĩa và cuộc xâm lược đã gây cho Ấn Độ một cú sốc to lớn về tâm lý và chính trị và làm phóng đại lớn những tiến bộ về quân sự mà Trung Quốc đã đạt được. Cuộc tấn công chớp nhoáng của Trung Quốc đã tạo ra một tâm lý thất bại tại Ấn Độ, buộc quân đội Ấn Độ rút về thế phòng thủ. Lo sợ trước những hậu quả chưa rõ, Ấn Độ thậm chí không sử dụng lực lượng không quân mặc dù quân đội Trung Quốc thiếu sự bảo vệ của không lực cho những lực lượng đang triển khai phía trước. Sau một tháng đánh nhau, Trung Quốc đơn phương tuyên bố ngừng bắn trên thế mạnh, sau khi đã chiếm được lãnh thổ của Ấn Độ. Đồng thời Trung Quốc cũng thông báo họ sẽ bắt đầu rút lực lượng từ 1/12/1962, từ bỏ những khu vực đã chiếm được ở phía Đông (nơi mà biên giới Ấn Độ, Mianma, Tây tạng, Bhutan gặp nhau) nhưng giữ lại khu vực ở phía Tây (vốn là lãnh thổ của bang Jamu và Cát sơ mia). Những kế hoạch rút quân này là nằm trong mục tiêu trước chiến tranh của Trung Quốc. Cũng giống như lúc Mao Trạch Đông xâm lược Tây Tạng khi cả thế giới đang quan tâm cuộc chiến Triều Tiên, và với việc xâm lược Ấn Độ, ông ta cũng chọn một thời điểm rất hoàn hảo như đã dạy trong sách binh thư của Tôn Tử. Cuộc tấn công trùng hợp với cuộc khủng hoảng quốc tế vốn đưa Mỹ và Liên Xô trên bờ vực của cuộc chiến tranh hạt nhân do sự triển khai tên lửa của Liên Xô ở Cu Ba. Trung Quốc đơn phương ngừng bắn cũng trùng với việc Mỹ chính thức dỡ bỏ lệnh bao vây hải quân Cuba, cũng là chấm dứt cuộc khủng hoảng tên lửa.

Thời điểm lựa chọn khôn ngoan của Mao Trạch Đông đã đảm bảo rằng Ấn Độ không có được sự ủng hộ quốc tế. Trong suốt quá trình cuộc xâm lược của Trung Quốc, trọng tâm của dư luận quốc tế đổ dồn về sự đối đầu hạt nhân tiềm tàng Xô - Mỹ, chứ không vào cuộc chiến tranh đẫm máu đang diễn ra ở dưới chân dãy Himalaya. Sự thất bại nhục nhã của Ấn Độ đã đẩy nhanh cái chết của Thủ Tướng J. Nê ru, nhưng nó cùng đã đưa đất nước bắt đầu quá trình hiện đại hoá quân sự và trỗi dậy về chính trị. Năm mươi năm sau, căng thẳng vẫn lại được dấy lên trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ về địa chính trị giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Biên giới hai nước với chiều dài 4.057 km vẫn còn đang xung đột và không có một đường biên giới kiểm soát rõ ràng ở khu vực Himalaya. Tình hình này vẫn kéo dài, mặc dù hai nước đã tiến hành các cuộc thương lượng từ 1981. Thực tế, những cuộc thương lượng này là một quá trình thương lượng dài và vô bổ nhất giữa hai nước trong lịch sử hiện đại. Trong chuyến thăm năm 2010 đến New Delhi, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố thẳng thừng rằng giải quyết các xung đột biên giới sẽ phải “mất khá lâu thời gian”. Nếu vậy thì tại sao Trung Quốc (hoặc Ấn Độ) có được gì khi tiếp tục các cuộc thương lượng. Trong khi những vết thương cũ còn nhức nhối thì những vấn đề mới lại làm xấu quan hệ hai nước. Thí dụ từ năm 2006, Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc tranh chấp lãnh thổ mới với việc khu vực phía Đông (là Bang Arunachal Pradesh, diện tích bằng nước Áo) là lãnh thổ của Trung Quốc mà Trung Quốc rút quân năm 1962, coi nó là Tây tạng phía nam.

Lập trường của Trung Quốc đối với Ấn Độ rõ ràng được cứng lên hơn từ đó cũng được thể hiện ở các hành động khác kể cả những dự án chiến lược của Trung Quốc và sự có mặt của quân đội Trung Quốc tại khu vực Kasơmia do Pakistan chiếm giữ, khu vực mà các tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan tiếp giáp nhau. Các quan chức quốc phòng Ấn Độ thường báo cáo về những vụ vi phạm biên giới do lính Trung Quốc tiến hành trong mấy năm vừa qua. Phản ứng lại, Ấn Độ đã tăng cường triển khai quân lính dọc biên giới để ngăn chặn việc Trung Quốc lấn chiếm đất đai. Ấn Độ cũng tiến hành một chương trình thao diễn thực tế để cải thiện năng lực hậu cần bằng cách xây dựng các con đường, sân bay quân sự, các trạm hạ cánh hiện đại ở khu vực Hymalaya. Sự cạnh tranh chiến lược giữa một chế độ độc đoán lớn nhất và một nền dân chủ lớn nhất cũng đã tăng mạnh hơn, mặc dù thương mại hai nước cũng tăng trưởng nhanh chóng. Trong một thập kỷ qua, thương mại hai chiều đã tăng hơn 20 lần, lên đến 73,9 tỉ USD, cũng là khu vực mà quan hệ hai nước tỏ ra phát triển nhất. Không giúp ích gì cho việc mở sang trang mới của những xung đột cũ, mối quan hệ thương mại này lại bị đồng hành bởi sự cạnh tranh địa chính trị và căng thẳng quân sự ngày càng lớn hơn. Thương mại song phương bùng phát cũng không phải là sự bảo đảm cho sự hoà hợp giữa hai nước.

Mặc dù việc Trung Quốc tiến hành “dạy” cho Ấn Độ một bài học, nhưng chiến tranh 1962 đã không mang lại được một mục tiêu chính trị dài hạn nào cho Trung Quốc, mà chỉ làm cho quan hệ hai nước ngày càng xấu đi. Một bài học tương tự cũng được áp dụng cho bối cảnh Trung - Việt: năm 1979, Trung Quốc đã lặp lại mô hình 1962 với việc tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng chống Việt Nam mà được lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói là “dạy” cho Việt Nam một bài học. Sau 29 ngày, Trung Quốc chấm dứt xâm lược, cao rao rằng Việt Nam đã được dạy đủ. Nhưng bài học mà Đặng đã rút ra cho sự thể hiện nghèo nàn của Quân đội Giải phóng Trung Quốc đối với Việt Nam là Trung Quốc giống như Ấn Độ cần thiết phải hiện đại hóa mọi khía cạnh của xã hội của mình/.

Bài viết của Giáo sư Brahma Chellaney, Trung Tâm nghiên cứu chính sách của Ấn Độ

Theo Project-syndicate (ngày 14/10)

Vũ Hiền (gt)