Là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này, tôi mong đợi ngày càng có nhiều phản đối và phản ứng trái ngược trong tương lai vì cả hai bên đều đi sâu về vấn đề Biển Đông, đang cố gắng để dàn xếp và hiểu nhau hơn. Tình trạng này hay tình huống khó xử này cũng đúng với các bên yêu sách khác.

Sẽ không có sự thay đổi lớn nào trong thế cân bằng về địa chính trị ở Biển Đông, đặc biệt trong cạnh tranh quyền lực trong tương lai gần. Tất nhiên, Trung Quốc vẫn ở vị trí trung tâm của những thay đổi trong tương quan địa chính trị khu vực này. Với việc củng cố vị thế chính trị, quân sự và pháp lý của mình ở Biển Đông, tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ là nhân tố chi phối trong tương lai gần, dù Bắc Kinh vẫn chưa thể hiện điều đó. Nhiều nhà phê bình tin rằng sau sự kiện đá Vành Khăn năm 1995 và việc thông qua Tuyên bố năm 2002 về Cách ứng xử của các Bên ở Biển Đông, sẽ có một sự tạm lắng sau cơn giông bão mà ai cũng biết ở Biển Đông. Tuy nhiên cũng không ai lấy làm ngạc nhiên khi điều đó đã không xảy ra.
 
Năm 2009 là một năm đầy sự kiện đối với những người theo dõi tình hình Biển Đông. Chúng ta có thể bắt đầu bằng các cuộc đụng độ giữa tàu do thám Mỹ và các tàu của hải quân Trung Quốc (PLAN). Sự kiện tai tiếng nhất xảy ra vào ngày 8 tháng 3 năm 2009 khi tàu USNS Impeccable bị bắt gặp khi đang do thám vùng  biển Hải Nam. 4 ngày trước sự kiện này, vào ngày 4 tháng 3 năm 2009 một tàu tương tự khác có tên gọi USNS Victorious cũng bị yêu cầu rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc vì có các hoạt động trái phép (do thám).
 
Tuần lễ có ngày 13 tháng 5 năm 2009 là một tuần đặc biệt bận rộn vì Ma-lai-xi-a, Việt Nam và Bru-nây liên tiếp đệ trình yêu sách của các nước này lên Ủy ban của Liên Hợp Quốc về ranh giới thềm lục địa theo Điều 76 của UNCLOS. Manila đòi  hỏi  chủ quyền đối với khu vực từ Benham Rise đến phía Đông đảo Luzon vào ngày 8 tháng 4 năm 2009. Như đã dự báo, đã có sự phản đối từ các nước láng giềng. Trung Quốc và Đài Loan đã phản đối bản đệ trình chung của Ma-lai-xi-a và Việt Nam và hai nước này cũng phản đối các yêu sách riêng của Phi-lip-pin và Việt Nam.
 
Bru-nây đã cung cấp thông tin sơ bộ lên Ủy ban của Liên Hợp Quốc về ranh giới  thềm lục địa vào ngày 12 tháng 5 năm 2009.
 
Ở phía Đông Hải, Nhật Bản là nước đầu tiên đăng ký đệ trình của mình (12 tháng 11 năm 2008), sau đó là Hàn Quốc và Trung Quốc đưa ra thông tin sơ bộ vào ngày 11 tháng 5 năm 2009. Vào tháng 6 và tháng 12 năm 1988, In-đô-nê-xi-a và My-an-ma đã lần lượt đệ trình yêu sách về thềm lục địa của các nước này ngoài Biển Đông.
 
Ngày 11 tháng 3 năm 2009, Tổng thống Gloria-Macapagal-Arroyo đã ký Đạo Luật Đường Cơ sở quần đảo của Phi-lip-pin (Đạo Luật Cộng hoà 9522). Đạo Luật này đã tạo ra sự phản đối mạnh mẽ, chính thức từ phía Trung Quốc vì nước này cho rằng các lãnh thổ mà Manila yêu sách “đã luôn là một phần của lãnh thổ Trung Quốc và rằng Cộng hòa Trung Hoa có chủ quyền không thể bàn cãi đối với các đảo này”. Ngày 16 tháng 3 Việt Nam cũng phản đối Đạo Luật này, coi đây là “một sự vi phạm nghiêm trọng đối với chủ quyền của Việt Nam”.
 
Ngày 14 tháng 3 năm 2009 Đài Loan cũng đưa ra phản đối qua đường ngoại giao đối với Đạo Luật Đường Cơ sở này, kêu gọi Manila đàm phán về tình trạng chủ quyền của các lãnh thổ trên Biển Đông và luôn nhắc lại rằng “Đài Loan có chủ quyền đối với các đảo và bãi đá ngầm trên Biển Đông, bao gồm cả Trường Sa”.
 
Đồng thời, cùng với sự  phát  triển hạm đội của  hải quân Trung Quốc (PLAN), năm 2009, các tàu chiến Trung Quốc bị phát hiện qua lại ở Trường Sa thường xuyên hơn năm ngoái.; các tàu chiến nước ngoài khác cũng xuất hiện ở khu vực dành cho hàng hải quốc tế. Nhưng ngày 16 tháng 3 năm 2009 Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila lại phủ nhận tố cáo của Manila cho rằng Trung Quốc đã gửi một tàu chiến đến Biển Đông. Một nhà ngoại giao Trung Quốc ở Manila khi được hỏi đã nói: “chúng tôi chỉ gửi một tàu tuần tra ngư trường, không phải tàu chiến, tới Biển Đông”. Tổng thống Arroyo, khi ám chỉ trực tiếp đến những phản đối đầu tiên của phía Trung Quốc đối với các yêu sách của Phi-lip-pin ở quần đảo Trường Sa, đã thẳng thắn nhận xét rằng thái độ che đậy như vậy của Trung Quốc là bình thường.
 
Từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 9 năm 2009, Trung Quốc đã đăng cai tổ chức hội đàm tham vấn về quốc phòng và an ninh Trung Quốc-Việt Nam lần thứ ba tại Bắc Kinh. Đây là cuộc hội đàm mà một số người đã hoan nghênh như một quá trình khởi động tích cực giữa các bên đã diễn ra từ năm 2007. Mặc dù nội dung chi tiết của hội đàm trên vẫn còn chưa công khai, việc cuộc hội đàm diễn ra cho thấy cả hai bên đều nhận thức được tầm quan trọng cần  phải duy trì kênh liên lạc này .
 
Ngày 29 tháng 10 năm 2009 Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tới Manila và ký hai thỏa thuận: Kế hoạch hành động chung vì Hợp tác chiến lược Phi-lip-pin – Trung Quốc (JAP) và Hiệp định lãnh sự Phi-lip-pin – Trung Quốc. Những sự kiện này có thể báo hiệu về một chương mới trong quan hệ Trung Quốc – Phi-lip-pin sau khi Trung Quốc phản đối Đạo luật Đường cơ sở của Manila vào ngày 11 tháng 3 năm 2009. Cần phải thừa nhận là, quan hệ Manila-Bắc Kinh trong quá khứ không hề bằng phẳng, thậm chí mối quan hệ này dưới thời Tổng thống Ramos còn khó khăn hơn nhiều so với thời Arroyo.
 
Ngày 10-11 tháng 11 năm 2009, Ma-lai-xi-a đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khi ông trên đường sang dự hội nghị APEC ở Xin-ga-po. Trung Quốc và Ma-lai-xi-a đã ký năm thỏa thuận trong chuyến thăm này nhằm mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư. Hai bên đều  quan tâm đến việc thúc đẩy “quan hệ chiến lược và hợp tác”. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hài lòng với chuyến thăm này vì Ma-lai-xi-a đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt tới 53 tỉ USD trong năm vừa qua.
 
Tất nhiên, chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Obama đến Trung Quốc vừa kết thúc gần đây (16-17 tháng 11) sẽ làm tăng hơn nữa vị thế của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế. Mặc dù Tổng thống Obama đã nói rằng Mỹ và Trung Quốc không phải đối thủ của nhau, và rằng Washington không muốn kiềm chế Trung Quốc cũng như áp đặt bất cứ hệ thống quản lý đặc biệt nào đối với Trung Quốc, tuy nhiên nhân chuyến thăm này ông cũng đã chỉ trích Trung Quốc về chính sách nhân quyền. Sự mập mờ này cũng hoàn toàn dễ hiểu. Theo tờ The Economist, Obama phải hành động một cách thận trọng để có thể  cân bằng “giữa mong muốn của ông nhằm có được sự hợp tác với Trung Quốc trong việc  giải  quyết các vấn đề toàn cầu với yêu cầu trong nước đòi  ông phải chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề như nhân quyền và thương mại.”
 
II.    Biển Đông đã trở thành cái Ao của Trung Quốc
 
Theo đánh giá của tôi, Bắc Kinh đã thành công trong việc biến Biển Đông thành cái ao của Trung Quốc từ năm 1974-1975. Tôi không hề có ý xúc phạm hay chơi chữ gì khi nhận xét điều này. Cách gọi “Cái Ao” chủ yếu đề cập tới phần nước mà Trung Quốc coi như lãnh thổ của mình, nhưng Trung Quốc cũng đã chuẩn bị để dành cho bên liên quan các quyền và nghĩa vụ được sử dụng cái ao này miễn là chúng không gây nguy hại tới an ninh của Trung Quốc. Chẳng hạn, Trung Quốc sẽ không can thiệp các quyền về hàng hải kể cả với các tàu chiến nước ngoài miễn là các quyền này không ngầm phá hoại an ninh của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tiến hành các thăm dò dưới đáy biển và thu thập thông tin có thể được sử dụng để ngầm phá hoại an ninh của Trung Quốc như trường hợp tàu Impeccable và Bowditch là không thể chấp nhận được. Tương tự như vậy, theo tôi, Trung Quốc sẽ tiếp tục cho phép sự có mặt quân sự của các nước có yêu sách ở ao này miễn là các bên này không kết bè đảng với nhau để phá hoại an ninh của Trung Quốc.
 
Trung Quốc sẽ không chấp nhận, ví dụ, sự có mặt của một cường quốc quân sự bên ngoài hùng mạnh ở Biển Đông, vì lo ngại điều đó sẽ làm phá vỡ cân bằng quân sự ở cái Ao này. Bất kỳ nỗ lực nào của bất kỳ bên yêu sách nào, ví dụ, muốn tìm kiếm một hiệp ước quân sự với một cường quốc bên ngoài (Mỹ) sẽ tạo thành mối đe dọa với Bắc Kinh. Mặc dù vẫn chưa sẵn sàng công khai thách thức Mỹ ở Biển Đông do sự chênh lệch về sức mạnh quân sự nhưng Trung Quốc có các phương tiện để tiến hành chiến tranh làm tiêu hao sinh lực của bên yêu sách. Các yếu tố về địa lý, nguồn tài nguyên và thời gian dường  như đều ủng hộ Trung Quốc. Nhiều người cho rằng Mỹ, dù gần đây đã tích cực hơn trong chính sách đối ngoại của mình , vẫn chỉ là một cường quốc ở xa và đang sắp mất đi vị trí bá quyền của mình, sẽ không mong muốn bị lôi kéo vào cuộc đối đầu quân sự ở những vùng đất xa xôi. Một tác giả khác gần đây còn cho rằng bá quyền Mỹ ở khu vực đang dần đi đến hồi cáo chung.
 
Cảnh báo gần đây của Cựu TTg Xingapo Lý Quang Diệu cho rằng Mỹ đang mất dần ảnh hưởng của mình ở khu vực Thái Bình Dương cũng ám chỉ tới điều đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, Washington cũng có những  kết luận tương tự như vậy xét từ góc độ những sáng kiến gần đây của Mỹ ở khu vực. Nhưng tôi cho rằng Mỹ sẽ không sẵn sàng cân bằng lại Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương theo phương cách ôn hòa như gợi ý của Lý Quang Diệu ; ít nhất không phải ở thời điểm hiện tại khi mà Mỹ đang cần Trung Quốc để giúp giảm bớt  suy thoái kinh tế toàn cầu. Cũng tương tự như vậy, tôi cho rằng Mỹ cũng sẽ không đối đầu với Trung Quốc về mặt quân sự ở Biển Đông trong tương lai gần trừ khi Trung Quốc ngăn cản tự do hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, không ai có thể coi nhẹ những quyết tâm của hải quân Mỹ khi họ phản đối lại các chính sách đơn phương mà họ cho là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhưng theo tôi, những quả quyết như vậy là một phần của trò chơi ngoại giao của các quốc gia dân tộc hùng mạnh.
 
Trong khi rất khó để xác định các động cơ và ý đồ, thì vẫn có thể khái quát được một số đặc điểm ứng xử bằng cách xem xét các khuynh hướng trong quá khứ.  Trung Quốc lúc nào cũng chống lại việc xếp các bên yêu sách vào trong một nhóm. Ngược lại, Trung Quốc chỉ nhấn mạnh các quan hệ song phương. Cũng giống như bất kỳ cường quốc nào khác, Trung Quốc không coi các mối quan hệ song phương là giống nhau hoặc trên cơ sở bình đẳng như nhau . Quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam là hoàn toàn thù địch cho tới khi Việt Nam có một số đề nghị hòa bình từ sau năm 2007. Với Ma-lai-xi-a, Trung Quốc duy trì mối quan hệ bền vững mặc dù đôi khi vẫn có những hành động ngoại giao hoặc các công hàm phản đối của phía Trung Quốc những lúc nước này không hài lòng với các hoạt động được xem là để tăng cường địa vị pháp lý của Ma-lai-xi-a. Ví dụ, Trung Quốc đã có phản đối miệng đối với chuyến thăm của Thủ tướng Ma-lai-xi-a tới Đảo Layang-Layang  ngày 3 tháng 6 năm 2009.
 
Các sự cố đáng tiếc liên quan tới tàu Impeccable và Bowditch ở vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc vào tháng 4 năm 2009 được nhiều người ở phương Tây nhìn nhận như một cảnh tỉnh về một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn. Các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây đã không đưa tin về tuyên bố của Trung Quốc cáo buộc các tàu của Mỹ đã vi phạm pháp luật vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Hãy thử hình dung nếu các tàu của Trung Quốc bị bắt quả tang đang đo đạc tầng đại dương cách San Francisco 125 km. Nếu  việc  này  xảy  ra, chắc  chắn cả  Bộ  Ngoại  Giao Mỹ  sẽ  trở  nên náo  loạn !! Trung Quốc đã bị cáo buộc vi phạm luật thông lệ quốc tế vì đã cản trở tự do hàng hải trên biển cả khi yêu cầu tàu USNS The Impeccable rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình vào ngày 9 tháng 4 năm 2009 với lý do đã vi phạm luật pháp của Trung Quốc. Đây không phải là một vụ việc rắc  rối riêng lẻ nữa. Ngược lại, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không do dự gây rắc rối cho bất cứ tàu thuyền nước ngoài nào dính líu đến các hoạt động không được phép gây bất lợi cho an ninh của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
 
Cần phải khen ngợi Bắc Kinh vì đã không phản đối những hoạt động của các bên yêu sách khác ở quần đảo Trường Sa. Tôi cho rằng lý do Bắc Kinh không phản đối  các hoạt động  này có thể là vì tính chất không đe doạ của chúng , cho rằng những hoạt động này không giống như các hoạt động của các tàu do thám Mỹ mà Trung Quốc coi là nhằm phá hoại an ninh của họ. Ngược lại, khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh của mình, theo Fravel, “có  một  nghịch lý là Trung Quốc có thể sẽ muốn thỏa hiệp trên một số khía cạnh trong tranh chấp của họ với Việt Nam, vì Trung Quốc thoả hiệp ở thế của kẻ mạnh...” Thỏa hiệp này có thể liên quan tới quyền hàng hải ở các vùng nước quanh quần đảo Hoàng Sa, hoặc có thể chia sẻ các nguồn tài nguyên theo cách tương tự như Hiệp định nghề cá 2020 (dịch nguyên văn) ở Vịnh Bắc Bộ.”
 
III.    Liệu các bên yêu sách có cần lo ngại về Pax Sinica (Nền hòa bình dưới sự thống trị của Trung Quốc) hay không?
 
KHÔNG.
 
Chúng ta không cần phải lo ngại về nền hoà bình dưới sự thống trị của Trung Quốc. Ngược lại, động lực địa chính trị mới có vẻ còn cho rằng một Trung Quốc mạnh và giàu là tốt cho thế giới và khu vực. Trung Quốc thuộc khu vực này; nó là một phần của khu vực. Có một điều khá rõ ràng là Trung Quốc không phải không thức được cái gọi là sự hòa hợp về văn hóa với các bên yêu sách khác chính là điều giúp đề cao những mục tiêu an ninh của Trung Quốc trong khu vực. Mặc dù vậy, Trung Quốc không nên coi hiển nhiên khu vực này là của mình; Trung Quốc không có toàn quyền làm theo ý mình khi có những hành động hăm dọa trên Biển Đông. Trung Quốc phải đáp lại thiện chí này của các bên và tôn trọng nguyên trạng hiện nay để đảm bảo cùng tồn tại hòa bình.
 
Một phần của nỗi lo ngại không có cơ sở rằng trong nền hoà bình dưới sự thống trị của Trung Quốc, nước này sẽ có cách cư xử không đúng đắn giống như Anh và Mỹ đã làm trong quá khứ là do thế giới vẫn còn chưa quen với sự xuất hiện của nền hoà bình dưới sự thống trị của Trung Quốc. Chúng ta đã quen với nền hoà bình dưới sự thống trị của Anh (Pax Britannia) và nền hoà bình dưới sự thống trị của Mỹ (Pax Americana) với những trò chơi địa-chính trị và địa-chiến lược của họ, do đó nhiều người còn chưa sẵn sàng để đón đợi một cường quốc không có nguồn gốc da trắng. Người ta đã không ghi nhận những hành vi  không hiếu chiến của Trung Quốc trong quá khứ, đặc biệt  khi nước này từng kiểm soát hơn 20% kinh tế toàn cầu vào những năm 1860 (mức tương tự như Mỹ vào năm 2009); trong suốt giai đoạn đó, Trung Quốc đã không sử dụng sức mạnh của mình một cách vô trách nhiệm.
 
Có thể quá khứ của một nhà nước văn minh Trung Quốc (sau Martin Jacques) đã không được hiểu đúng và khiến cho nhiều người nhìn nhận sự tái xuất hiện của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế có bản chất thù địch hơn là ôn hòa. Dường như đó là hình ảnh phản chiếu của các cường quốc như nước Anh đối với nước Mỹ khi sự trỗi dậy của Mỹ gắn liền với sự không ổn định và khủng hoảng về chính trị. Ngày 14 tháng 11 năm 2009 Tổng thống Obama đã thừa nhận ở Tokyo vào “trong thế kỷ 21, an ninh quốc gia và sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia không nhất thiết gây hại cho một quốc gia khác... và, trong một thế giới có liên hệ ràng buộc lẫn nhau, các cường quốc không cần chơi trò một mất một còn và các quốc gia không nhất thiết phải lo sợ về sự thành công của quốc gia khác...”. Sự đảm bảo này nhằm ám chỉ tới những  nhận xét của ông Lý Quang Diệu, Bộ trưởng cấp cao của Xin-ga-po, tại Washington rằng Mỹ phải “bảo vệ” vị trí siêu cường trong thế kỷ 21 để cạnh tranh vai trò lãnh đạo ở Thái Bình Dương.
 
Người ta sẽ dễ dàng chỉ trích Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự nếu không nhìn vào động lực địa-chính trị gần đây ở khu vực đã đẩy Trung Quốc vào một trạng thái dễ bị kích động. Sự cố tháng 4/2001 liên quan tới máy bay do thám Mỹ ở Hải Nam và một loạt các cuộc đụng độ của Trung Quốc với các tàu do thám Mỹ trong và xung quanh Biển Đông mà đỉnh điểm là sự cố tàu Bowditch vào ngày 8 tháng 3 năm 2009 đã tạo cớ cho Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự của mình. Quyết định bán vũ khí tinh vi trị giá 6,5 triệu USD của Washington cho Đài Loan vào tháng 10/2008 đã khiến Bắc Kinh đặt câu hỏi về chiến lược quân sự dài hạn của Mỹ ở khu vực. Theo ý kiến của tôi, động lực địa-chính trị hiện nay đã khiến Trung Quốc có một thái độ tự tin hơn ở Biển Đông nơi mà Trung Quốc vẫn coi như cái Ao của mình. Các tham số địa-chính trị sau đây có ảnh hưởng chủ yếu lên chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông:
 
- Sự suy giảm khá rõ rệt ảnh hưởng chiến lược của Mỹ tại khu vực và những nơi khác do kết quả của sự suy giảm kinh tế Mỹ;
 
- Ấn Độ là một nhân tố khu vực có thể đe dọa tới các lợi ích chiến lược của Trung Quốc;
 
- Chính sách tái can dự của Mỹ với Biển Đông đã được một số người mô tả như sự cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Quyết định gửi một đoàn quan chức cao cấp của Washington tới tọa đàm với chính quyền quân sự của My-an-ma và Bà Aung San Suu Kyi vào ngày 4 tháng 11 năm 2009 có thể được xem như nỗ lực của Washington nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với  My-an-ma. Tiếp sau động thái  này là cuộc họp của Tổng thống Obama với các nhà lãnh đạo ASEAN, bao gồm Thủ tướng My-an-ma, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 21 (AELM) ngày 14-15 tháng 11 tại Xin-ga-po cho thấy một sáng kiến mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực.
 
- Nhật Bản cũng chiếm một vị thế cao hơn ở Đông Nam Á. Quyết định tổ chức một cuộc gặp diễn ra trong hai ngày 6-7 tháng 11 năm 2009 của Nhật với các nhà lãnh đạo của năm nước thuộc lưu vực sông Mekong ở Đông Nam Á theo các nhà phân tích đây là một động thái để đối trọng lại ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn ở khu vực. Trung Quốc không được mời tham dự hội nghị mặc dù nước này, giống như My-an-ma, là một bên đối thoại của Ủy hội Sông Mekong từ năm 1996.
 
Kể từ những năm 1990 lợi ích địa-chính trị của Trung Quốc ở Đông Nam Á đã thay đổi vì nước này theo đuổi mục tiêu chi phối các sự kiện toàn cầu. Trung Quốc không quan tâm đến việc  phá vỡ trật tự ở khu vực này nữa. Ngược lại, Trung Quốc dựa vào các quốc gia Đông Nam Á như là các đồng minh ở khu vực; vừa là thị trường quan trọng tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp của nước này; vừa là nguồn vốn và nguồn cung cấp các mặt hàng sơ chế như cao su và dầu cọ. Trong khi một vài  nước ở Đông Nam Á vẫn tỏ ra nghi ngờ các động thái chính trị của Trung Quốc, hầu hết các nước đều coi Trung Quốc như một cường quốc kinh tế thân thiện.
 
Trung Quốc có quan hệ thương mại ổn định, vững chắc trong khu vực. Ví dụ, kim ngạch thương mại ASEAN-Trung Quốc đã tăng gấp hơn 5 lần giữa 1997 và 2005; năm 2007 kim ngạch thương mại ASEAN-Trung Quốc đã vượt mức chỉ tiêu 200 tỷ USD đã đề ra. Vượt qua những trở ngại chủ yếu về tài chính, thương mại trong khu vực được thúc đẩy kể từ Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (CAFTA) năm 2004 và quyết định ký kết một hiệp định đầu tư, giai đoạn cuối cùng của Hiệp định CAFTA vào tháng 4/2009. Khu vực thương mại tự do với Trung Quốc có hiệu lực vào 2010 sẽ là khu vực thương mại lớn nhất thế giới với dân số khoảng 1,8 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội khoảng 2 nghìn tỷ USD. Theo các báo cáo mới đây thặng dư thương mại dầu mỏ  của Trung Quốc vào tháng 10/2009 và sự thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế ở Trung Quốc trong một nền kinh tế thế giới đang suy thoái, đã đem đến hi vọng rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ mang lại sự tăng trưởng hơn nữa ở châu Á.
 
Đồng thời, Trung Quốc đã tăng cường thương mại với một số nước có  yêu sách về chủ quyền. Ví dụ, thương mại song phương giữa Ma-lai-xi-a với Trung Quốc đã vượt quá 50 triệu USD vào năm 2008, hoàn thành chỉ tiêu sớm hơn hai năm so với dự báo năm 2006. Tuy nhiên, vẫn còn những mặt chưa tích cực lắm. Theo các số liệu thống kê của Ma-lai-xi-a, cán cân thương mại có lợi cho Trung Quốc (1,8 tỷ Ringit vào năm 2003, 6,98 tỷ Ringit vào năm 2004, 14,7 tỷ vào năm 2005, 15,5 tỷ vào năm 2006 và 11,8 tỷ vào năm 2007). Tương tự như vậy, quan hệ kinh tế của Việt Nam cũng đã được cải thiện kể từ năm 1991. Tuy nhiên, kể từ 2001, theo một báo cáo, Việt Nam đã phải chịu tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc; năm 2008 là hơn 11 tỷ USD chiếm khoảng 12% GDP. Thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm 2009 đã cho thấy sự sụt giảm đáng kể khoảng 19% (khoảng 9 tỷ USD).
 
IV.    Các quốc gia yêu sách không phải đối thủ của Trung Quốc
 
Các quốc gia yêu sách không phải đối thủ của Trung Quốc. Các bên không đưa ra bất cứ đe dọa đáng kể nào tới an ninh của Trung Quốc. Những người vốn coi Trung Quốc như một nước bá quyền và là một mối đe doạ quân sự thường đưa ra kết luận của mình trên cơ sở của việc hiện đại hóa và sự lớn mạnh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).  Khoản chi ngân sách quốc phòng khá lớn của  Trung Quốc và việc thiết lập một chuỗi các căn cứ quân sự nằm ngay trên các tuyến giao thông đường biển (CIA mô tả chúng như “chiến lược chuỗi ngọc trai”) trải dài từ châu Phi qua Trung Đông, Nam Á tới Viễn Đông được xem như mở rộng cơ sở vật chất chiến lược cho việc phát huy vai trò cường quốc của mình. Thái độ cương quyết của Trung Quốc đối với các tàu do thám Mỹ vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc gần đây đã dẫn tới những bình luận không mấy tích cực của một số nhà phê bình trong khu vực rằng Trung Quốc đang phô trương  sức mạnh của mình.
 
Tôi tin rằng những người theo chủ nghĩa hoài nghi đã sai.
 
Ví dụ, những người theo chủ nghĩa hoài nghi từ chối thừa nhận rằng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc chỉ vào khoảng 3% chi tiêu của Mỹ, và 15% chi tiêu của Nhật Bản, có tính tới tỉ giá hối đoái chính thức. Mức chi phí của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho mỗi người lính thấp hơn nhiều so với người lính ở Ix-ra-en hoặc Xin-ga-po. Nếu xét theo tỷ lệ trong tổng sản phẩm quốc dân, mức 6% cho chi phí quốc phòng của Xin-ga-po còn cao hơn. Người ta đã bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu mục tiêu quân sự của Trung Quốc. Tôi tin rằng sẽ có rủi ro nếu chúng ta chỉ xem xét  năng lực và những mục tiêu (suy luận) của Trung Quốc; bởi vì cách tiếp cận như vậy không phải lúc nào cũng cho kết quả đúng. Hầu hết mọi người đều cho rằng, nếu so với Hải quân Hoàng gia Anh hay Hải quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, thậm chí Hải quân Trung Quốc vẫn còn chưa có khả năng triển khai ở biển khơi. Tuy nhiên, không có ai đánh giá tiêu cực về ý đồ của các cường quốc này. Tôi cho rằng Hải quân Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục chịu búa rìu dư luận cho tới khi khu vực quen với nền hoà bình dưới sự thống trị của Trung Quốc cả trên biển.
 
Cũng có các yêu sách cường điệu rằng việc Trung Quốc chạy đua để dành các nguồn hydrocacbon ngoài khơi ở Biển Đông sẽ tạo ra sự bất đồng giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, và rằng Trung Quốc sẽ phá vỡ tuyến giao thông đường biển trong khu vực Biển Đông đang bị tranh chấp này. Mặc dù Trung Quốc đã gây sức ép ngăn các công ty dầu khí quốc tế không được khai thác ở quần đảo Trường Sa, nhưng Trung Quốc lại không can thiệp vào các hoạt động ngoài khơi tương tự ở Bru-nây, Sabah và Sarawak. Bắc Kinh có thể sẽ tăng cường sự hiện diện hải quân ở quần đảo Trường Sa để ngăn cản các hoạt động quân sự trái phép của các cường quốc bên ngoài (như Mỹ chẳng hạn) không thân thiện với Trung Quốc. Trừ một số trường hợp ngoại lệ liên quan chủ yếu đến Việt Nam và Phi-lip-pin, Trung Quốc đã không sử dụng lực lượng ở quần đảo Trường Sa từ khi Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn năm 1995.
 
Cũng có những ý kiến trái ngược nhau khẳng định rằng Trung Quốc không tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông. Họ đưa ra những bằng chứng là các sự cố vào tháng 3 liên quan tới các tàu do thám Mỹ Impeccable và Bowditch. Sự thật là: các tàu này lúc đó đang tiến hành các hoạt động quân sự không được phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, vi phạm nội luật của Trung Quốc. Dĩ nhiên là Trung Quốc có khả năng quân sự để phá vỡ các tuyến giao thông đường biển (SLOCs) nhưng đó sẽ là một chiến lược đầy nguy hiểm và ngu xuẩn. Thực tế, lợi ích thương mại của Trung Quốc là đảm bảo giao thông đường biển được thông suốt. Ví dụ, ở eo biển Malacca, năm 2006 Trung Quốc đã đồng ý sẽ giúp In-đô-nê-xi-a sửa chữa 5 phương tiện trợ giúp hàng hải trong các vùng biển của In-đô-nê-xi-a đã bị phá hủy do sóng thần ở Aceh năm 2005 vì chính Bắc Kinh cũng có lợi ích quân sự và kinh tế toàn cầu của riêng mình trong việc đảm bảo một tuyến đường biển an toàn cho tàu bè của Trung Quốc qua lại. Tuy nhiên, vì các lý do chiến lược dài hạn, Trung Quốc đã cùng phát triển thêm các tuyến vận  chuyển  đường bộ (chủ yếu là vận chuyển dầu) qua My-an-ma, Pakistan và Nga để đảm bảo an toàn của việc cung cấp dầu trong mọi thời điểm.
 
V.    Các kết luận
 
Là Ao nhà của Trung Quốc, thực tế Biển Đông đã nằm trong vùng ảnh hưởng địa-chính trị của Trung Quốc rồi.
 
Do không nhận ra được những thay đổi trong quan điểm địa-chính trị của Bắc Kinh, trong năng lực kinh tế của Trung Quốc cũng như trong tham vọng can dự vào các trào lưu chính của chính trị quốc tế và tham gia vào các vấn đề lớn hơn trong quan hệ quốc tế (ví dụ như vai trò Trung Quốc đã đóng trong suy thoái kinh tế hiện nay), nên nhiều nước vẫn “mù quáng” tin rằng Trung Quốc tạo ra mối đe dọa quân sự  trong khu vực. Để chứng minh cho khẳng định này những lập luận này thường đề cập tới thái độ quả quyết của Trung Quốc ở Biển Đông khu vực mà nước này vẫn coi như Ao nhà mình. Những chỉ trích như vậy ít khi nhìn vào thực tế địa-chính trị đang diễn ra trong khu vực từ quan điểm của Trung Quốc. Để đối phó với những thay đổi trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, cụ thể là chính sách ngăn chặn của Mỹ (chính quyền Obama đã giảm bớt phần nào), đó là sự trỗi dậy của Ấn Độ và khả năng Nhật Bản có thể  tái khẳng định địa vị chính trị của mình trong khu vực, đòi hỏi Trung Quốc phải thận trọng hơn nữa và điều đó có thể góp phần giải thích cho cơn thịnh nộ của Trung Quốc thi thoảng lại xảy ra ở khu vực.
 
Tôi cho rằng sự mở rộng quân sự của Trung Quốc vẫn còn xa. Tuy nhiên, tôi không tin rằng Trung Quốc đang mở rộng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị quân sự ở Biển Đông để sử dụng nhằm chống lại các bên yêu sách khác, đồng thời cũng là những đồng minh kinh tế của Trung Quốc. Ngược lại, sự phô diễn của  sức mạnh quân sự trội hơn hẳn của Trung Quốc cũng giúp cho nước này dễ có thể thoả hiệp hơn (nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Trung Quốc là từ bỏ các yêu sách của mình). Các khí tài quân sự tinh vi là nhằm bảo vệ Trung Quốc trước một tương lai không chắc chắn trong bối cảnh chiến lược toàn cầu và mang lại sức mạnh cho siêu cường kinh tế đang trỗi dậy với lợi ích địa-chiến lược toàn cầu này.
 
Tôi tin chắc rằng Trung Quốc không coi các bên yêu sách như kẻ thù hay đối thủ quân sự của mình. Tuy vậy, Trung Quốc sẽ thông qua con đường ngoại giao, đưa công hàm phản đối các hoạt động mà Trung Quốc coi là sự vi phạm chủ quyền của mình. Cũng theo quan điểm này, tôi hy vọng các bên yêu sách sẽ tiếp tục phản đối các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông. Các công hàm phản đối như vậy có vẻ như sẽ không mang lại sự xung đột quân sự nào. Các công hàm phản đối qua lại như vậy không những cần thiết cho vấn đề nội bộ các nước mà còn cần thiết cho các mục tiêu chính sách đối ngoại.
 
Nhưng theo tôi, thách thức thật sự là phải thừa nhận rằng bối cảnh địa-chính trị mới ở Biển Đông đã thay đổi với sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc về kinh tế và chính trị; mặc dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc chưa là gì so với sức mạnh quân sự của Mỹ, Trung Quốc vẫn là cường quốc quân sự mạnh nhất ở Biển Đông.
 
Bắc Kinh nhận thức sâu sắc về hiệu quả hạn chế của việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhất là khi sự trỗi dậy của Trung Quốc đi liền với những nghi ngại của các nước; Trung Quốc khó mà triển khai bất kỳ cuộc phiêu lưu quân sự nhiều rủi ro nào chống lại bên yêu sách. Do đó, các bên yêu sách rất muốn có một tạm ước nào đó; nguyên trạng cùng tồn tại hiện nay trong cái Ao của Trung Quốc cho phép các bên yêu sách một không gian nào đó để thể hiện lập trường riêng của họ theo một cách hòa bình (như việc đưa ra các phản đối ngoại giao) có khả năng đem lại sự ổn định chính trị ở Biển Đông.
 
Trong giới hạn đó, vẫn còn an toàn khi bơi trong cái Ao của Trung Quốc./.
 
Ba Hamzah [2], Nghiên cứu viên cao cấp, Đại học Tổng hợp Malaya, Kuala Lumpur, Ma-lay-xi-a
 
 [1] Bản thảo: Đề nghị không trích dẫn
 [2] Liên hệ: bahamzah@pd.jaring.my


 
  Download bản PDF