asean-large.jpg

 

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở nước Anh hồi tháng 6/2016 ủng hộ nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã gây choáng váng cho châu Âu và toàn thế giới. Trong bối cảnh bất ổn hiện nay xung quanh các cuộc đàm phán giữa chính phủ Anh và EU về Brexit, những kỳ vọng và sự hiểu biết về chủ nghĩa khu vực và hội nhập sẽ cần phải được đánh giá lại một cách nghiêm túc. Tại châu Á, việc Anh rời khỏi EU sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc đến việc nhận thức, buộc các nước thuộc ASEAN phải đánh giá lại các nỗ lực hội nhập châu Âu của mình. ASEAN sẽ nuôi dưỡng mối quan hệ với EU như thế nào? Theo như lời của Thủ tướng Anh Theresa May, “Brexit có nghĩa là Brexit”, vậy nó có ý nghĩa gì đối với ASEAN?

EU luôn được coi là một thực thể kinh tế, khi can dự với ASEAN thường đặt thương mại và viện trợ lên hàng đầu. Sau sự kiện Brexit, các nước châu Á sẽ gặp không ít khó khăn trong cách tiếp cận hội nhập châu Âu, đặc biệt liên quan đến chủ quyền và việc ra quyết định về những gì được coi là vai trò nòng cốt của nhà nước. Ở chừng mực nào đó, cuộc khủng hoảng Brexit đã củng cố quan điểm cho rằng EU không phải là một tổ chức được nhân rộng ở những nơi khác, ASEAN và EU là khác biệt. Trong khi một số người cho rằng kết quả trưng cầu dân ý Brexit ở Anh đã đe dọa mô hình hội nhập khu vực của EU, thì ý tưởng EU là hình mẫu của hội nhập từ lâu đã bị các học giả và công chúng bác bỏ. Brexit có thể sẽ củng cố nhận thức hiện tại ở châu Á về EU - hội nhập kiểu châu Âu ít có liên quan đến ASEAN - trái ngược với những hiểu biết mới về bản chất của chủ nghĩa khu vực.

Tuy nhiên, sự khác biệt và phong cách riêng của ASEAN cho thấy rằng việc các nước rời khỏi ASEAN tương tự như Anh rời EU khó có khả xảy ra vào thời điểm hiện tại. Những đặc trưng độc đáo của ASEAN không nhất thiết phải là những điểm mạnh. Giới tinh hoa ASEAN phải tránh chỉ trích EU về những thất bại vừa qua và ASEAN cần có sự cân bằng tốt hơn trong việc duy trì sự tự tin và khiêm tốn để không xúc phạm các đối tác của mình. Điều này là bởi vì có rất nhiều mối quan ngại xung quanh chủ nghĩa khu vực châu Âu có liên quan đến châu Á.

Anh là một đối tác “vụng về” của EU kể từ khi gia nhập vào năm 1973. Vậy, ASEAN có thể học hỏi được gì từ sự kiện Brexit về chủ nghĩa khu vực? Chẳng hạn như liệu Indonesia có muốn theo đuổi lập trường “khó xử” của riêng mình trong ASEAN hay không? Hay cả Việt Nam nữa? ASEAN phải làm thế nào để giải quyết nhu cầu về nhận thức và giáo dục, niềm tin của dân chúng đối với ASEAN như một tổ chức khu vực, các vấn đề hòa nhập xã hội và kinh tế cũng như sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc? Rút cục, chủ nghĩa dân tộc là trọng tâm của ASEAN và là đặc điểm nổi bật trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh.

Đối với các tổ chức khu vực như ASEAN và EU, việc ngăn chặn chỉ trích các tổ chức khu vực như những "người chịu báng" cho những thất bại chính trị là rất quan trọng. Họ cần phải phát triển các chiến lược rõ ràng để duy trì sự phù hợp và đem lại lợi ích cho công dân của mình. ASEAN và EU phải xem xét lại cách họ duy trì sự khiêm tốn để đạt được những thành tựu và sự tự tin mà chủ nghĩa khu vực mang lại lợi ích cho người dân. Giáo sư Paul Taylor đã chỉ ra rằng những thành tựu của hội nhập châu Âu như hòa bình, mở cửa thị trường và biên giới đã bị bỏ qua và được thay thế bằng mối lo ngại về “mất bản sắc dân tộc, xa rời và những kẻ cai trị vô trách nhiệm”.

Cú sốc Brexit thực sự là quá lớn. Các tổ chức khu vực châu Á đối phó với mối lo ngại này như thế nào? Và mối quan hệ EU-ASEAN bị ảnh hưởng bởi sự kiện Brexit như thế nào sẽ là những vấn đề quan trọng trong tương lai. Lợi ích quốc gia không phải là cách tiếp cận như của Anh. Trước bối cảnh đó, tất cả thành viên ASEAN phải tìm cách bảo vệ lợi ích quốc gia. Trên hết, giới tinh hoa của ASEAN phải thừa nhận những lợi ích của các thành viên ASEAN. Trường hợp của Anh đã minh họa cho sự nguy hiểm về “chi phí thành viên tham gia một tổ chức khu vực” khi các nhà lãnh đạo của nước này không khuyến khích hoặc thậm chí nhận ra những lợi ích của một nhóm như vậy. Thời gian tới, EU sẽ tiếp tục can dự chiến lược gần gũi hơn với ASEAN mà không có Anh. Giám đốc Chính sách Đối ngoại của EU, Federica Mogherini, đã nói rõ với các nhà lãnh đạo châu Á rằng EU sẽ tìm cách tham gia sâu rộng hơn nữa vào khu vực này.

Đối với nước Anh, sau sự kiện Brexit, nước này sẽ tìm cách củng cố quan hệ với các đối tác châu Á của mình, nhưng xuất phát từ một điểm khởi đầu khác hẳn vì nước này đã không đàm phán thỏa thuận thương mại kể từ khi gia nhập EU vào năm 1973, vì đây là một thẩm quyền chính sách của EU. Ngoài ASEAN, nước Anh sẽ phải thiết lập lại hoàn toàn vị thế của mình trên thế giới và cần phải đàm phán lại một số lượng lớn các giao dịch, bao gồm cả việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây chắc hẳn sẽ là một chặng đường dài, khó khăn đối với nước Anh và ASEAN cũng có thể muốn tận dụng cơ hội này.

Theo "Diễn đàn Đông Á" (ngày 3/1)

Mỹ Anh (gt)