22(2).jpg

Lào thay đổi lãnh đạo cứ 5 năm một lần. Hai vị trí đứng đầu gây sự chú ý trong thời gian này là Chủ tịch nước đương nhiệm và Thủ tướng đã không tham gia cuộc đua vào Bộ chính trị gồm 11 thành viên tại Đại hội toàn quốc được tổ chức vào tháng 1/2016. Cựu phó Chủ tịch nước Boungnang Vorachith, vừa được bầu làm Tổng Bí thư, nay lại được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội được tổ chức từ ngày 20-22/4 vừa qua. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thongloun Sisoulith được bầu làm thủ tướng. Ông Sisoulith trở thành vị thủ tướng thứ 7 của đất nước Lào với học vị tiến sĩ do Liên Xô đào tạo và từng là Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 2006.

Việc Lào đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN năm 2016 cũng có phần ảnh hưởng đến quyết định bổ nhiệm đội ngũ lãnh đạo mới của đất nước này. Mặc dù trước đây Lào từng tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào năm 2004, nhưng kể từ đó đến nay đã có rất nhiều sự thay đổi. Về mặt kỹ thuật, mỗi năm ASEAN tổ chức khoảng 1.000 cuộc họp, hai Hội nghị thượng đỉnh (Hội nghị ASEAN và Hội nghị ASEAN mở rộng bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) cũng như các hội nghị cấp cao khác, trong đó có Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+). Để phù hợp với các khả năng hạn chế của Lào, các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 và 29 sẽ được tổ chức kế tiếp nhau vào tháng 9/2016.

Có lẽ thách thức lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo mới của Lào là việc bảo đảm rằng nước này có thể điều phối các vấn đề liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến ASEAN trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc có ảnh hưởng sâu sắc đối với Lào nói riêng và khu vực châu Á- Thái Bình Dương nói chung. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào (sau khi đã vượt qua Việt Nam vào năm 2013), và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Trong khu vực, hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra sự bất bình đối với các nước thành viên ASEAN như Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Trước một phán quyết của Tòa nhiều khả năng sẽ mang lại lợi thế cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đã bắt đầu gây sức ép, tác động ảnh hưởng lên các nước thành viên ASEAN nhỏ hơn như Campuchia, Lào, và thậm chí cả Brunei, có hành động có lợi cho Trung Quốc.

Washington cũng đang cố gắng cải thiện quan hệ với Lào. Tổng thống Obama sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN được tổ chức tại Viêng Chăn vào cuối năm nay và trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân tới quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này. Trước khi Tổng thống Obama tới Lào, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến thăm Lào và đó là chuyến thăm thứ hai của ông Kerry trong vòng một năm.

Lào có thể sẽ phải đối mặt với một số thách thức khi làm chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Kinh nghiệm của Campuchia khi làm Chủ tịch ASEAN vào năm 2012 cho thấy đây là một vai trò hết sức khó khăn. Dưới cương vị chủ tịch của Campuchia, ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử của khối này đã không thể thông qua tuyên bố chung về các tranh chấp biển, do những ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Campuchia.

Trên bình diện quốc tế, lãnh đạo mới của Lào phải trả lời một số câu hỏi khó. Lào có khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các cuộc họp liên quan hay không? Và lịch sử của Campuchia khi làm Chủ tịch ASEAN liệu có lặp lại hay không? Sự đoàn kết của ASEAN sẽ phụ thuộc vào khả năng của Lào với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2016 trong việc điều tiết các hành động cân bằng giữa các nước lớn. Do đó, đây là lúc đất nước Lào cần có đội ngũ lãnh đạo mới có năng lực và mạnh mẽ.

Tác giả Buavanh Vilavong là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Chính sách Công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Úc và từng là thành viên nhóm đàm phán của Lào về gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giớ (WTO). Bài viết đăng trên "Diễn đàn Đông Á" (ngày 7/5).

Hương Trà (gt)