61270324-aseanchina-trade.jpg

Dưới thời chính quyền tiền nhiệm Barack Obama, sự can dự của Mỹ tại Đông Nam Á là một phần trong chính sách "tái cân bằng" châu Á của Mỹ. Ông Obama đã nỗ lực tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại châu Á thông qua các cơ chế khu vực, chẳng hạn tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và thể chế hóa Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ. Ông Obama đã tham dự hầu hết các hội nghị thượng đỉnh liên quan tới ASEAN, nổi bật nhất là sự kiện diễn ra hồi tháng 2/2016 khi ông Obama là chủ nhà đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ tại Sunnylands, California. Đó là dấu hiệu đánh dấu sự từ bỏ chính sách thờ ơ đối với châu Á của người tiền nhiệm George W. Bush.

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu tiên của chính quyền Trump, chính sách tái cân bằng Đông Nam Á của ông Obama rõ ràng đã bị gạt sang một bên. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trụ cột kinh tế của chính sách tái cân bằng, đã chấm dứt. Cùng với đó, chủ nghĩa đa phương thông qua cam kết của Mỹ đối với ASEAN đang bị nghi ngờ. Chủ nghĩa đa phương phải dựa trên sự đánh giá về những thứ đạt được trong dài hạn, nhưng điều này không phải lúc nào cũng rõ ràng xét trong các điều khoản về lợi ích - chi phí. Điều này đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và thích nghi giữa các đối tác. Trong khi đó, ông Trump theo đuổi chương trình nghị sự "nước Mỹ trên hết” thông qua cách tiếp cận đạt được ngay các kết quả, khiến phương cách đa phương của ASEAN rất ít cơ hội bởi khối này tập trung vào sự đồng thuận và gia tăng hợp tác.

Các câu hỏi được đặt ra là liệu ông Trump sẽ tham dự EAS và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ thường niên hay không? Sự hiện diện hay vắng mặt của ông có gửi đi tín hiệu mạnh mẽ về việc Mỹ sẽ tiếp tục cam kết với khu vực hay không?

Văn hóa ngoại giao châu Á được coi là kênh rất quan trọng để phát triển mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo. Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Trump trong năm mà Mỹ và ASEAN kỷ niệm 40 năm quan hệ đối tác đối thoại sẽ là một đòn giáng mạnh vào mối quan hệ này.

Đề xuất gần đây của ông Trump về việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 603 tỷ USD và việc Mỹ tái khẳng định đảm bảo an ninh cho Nhật Bản và Hàn Quốc đã phần nào xoa dịu những lo lắng về việc Mỹ rút lui hoàn toàn khỏi châu Á. Mỹ thể hiện họ vẫn là "chiếc ô an ninh" và người giữ vai trò cân bằng chiến lược ở khu vực. Tuy vậy, quân đội Mỹ có thể không nhất thiết ảnh hưởng đến chính trị, đặc biệt là tại Đông Nam Á, nơi mà "ngoại giao tiền bạc" của Trung Quốc đã giúp Bắc Kinh chiếm được lợi thế ở một số nước. Như Thủ tướng Singapore từng đề cập trong một cuộc phỏng vấn hồi năm ngoái, đó là việc Trung Quốc sử dụng thương mại như một phần của chính sách đối ngoại và nước này tiếp cận các nước khác với "đầy kẹo ngọt trong túi", điều mà Mỹ không làm. Do vậy, Mỹ sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc không chỉ trên phương diện quân sự mà còn phải sử dụng cả "sức mạnh mềm". Nói cách khác, dấu ấn của Mỹ tại khu vực không chỉ dựa vào sự xuất hiện của Hạm đội 7 mà còn phải dựa vào độ tin cậy của các cam kết và hoạt động ngoại giao tích cực trong khu vực.

Sự thoái lui của Mỹ khỏi ASEAN, nếu có, sẽ làm suy yếu sự cân bằng tại Đông Nam Á và đưa Trung Quốc vào vị trí trung tâm địa chính trị. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trong khu vực, do không có lựa chọn khác, sẽ rơi vào vòng tay của Bắc Kinh. Một thực tế không thể bỏ qua là hai đồng minh của Mỹ là Philippines và Thái Lan đã rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Sự bỏ rơi hoàn toàn của ông Trump đối với khu vực này sẽ chỉ kéo dài danh sách các nước đi theo xu hướng này.

Mặt khác, sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là điều mong muốn bởi các nước trong khu vực sẽ buộc phải lựa chọn giữa một trong hai nước và có rất ít lựa chọn. Ví dụ, trong vấn đề Biển Đông, những phát biểu của ông Trump và các quan chức cho thấy sự cứng rắn của Mỹ, phù hợp với việc triển khai mới nhất tàu sân bay USS Carl Vinson tới vùng biển đang tranh chấp này. Trong khi đó, Trung Quốc đang từng bước củng cố sự hiện diện quân sự tại khu vực. Nếu không có ASEAN đóng vai trò cầu nối và hòa giải, thì nguy cơ tính toán sai lầm giữa hai cường quốc này là rất lớn.

Một lĩnh vực tiềm năng thúc đẩy hợp tác giữa Washington và ASEAN có thể là chống khủng bố. Đánh bại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) và các nhóm khủng bố cực đoan khác thông qua các đối tác quốc tế là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của ông Trump. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của Đông Nam Á bởi khu vực này là căn cứ tiềm năng của IS do lãnh thổ của chúng tại Trung Đông bị thu hẹp. Nhiệm vụ của ASEAN hiện nay là giữ cho Mỹ can dự đối với khu vực. Cuộc họp giữa bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sắp tới sẽ là một cơ hội cho ASEAN. Bên cạnh đó, điều quan trọng đối với ASEAN là phải kiềm chế, tránh phản ứng quá mức trước những tuyên bố của ông Trump bởi những tuyên bố này đôi khi không phải chính sách thực tế của Mỹ.

Mục tiêu lâu dài của ASEAN trong thời điểm không chắc chắn này là cần phải đoàn kết. Một ASEAN liên kết, ổn định và thịnh vượng sẽ là động lực thôi thúc Washington can dự với khu vực. Về phần mình, Washington cần nhanh chóng phác thảo chính sách đối ngoại của chính quyền mới đối với khu vực Đông Nam Á. Sự không chắc chắn càng kéo dài sẽ làm lãng phí các cơ hội cho cả hai bên.

Tác giả Hoàng Thị Hà là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á-ISEAS, (Singapore). Bài viết đăng trên “ISEAS”.

Vũ Hiền (gt)