Tóm tắt 

Ø  Hội nghị thượng đỉnh kỉ niệm quan hệ ASEAN-Ấn Độ diễn ra vào ngày 25/1/2018 là một dịp để Ấn Độ nhấn mạnh vai trò của mối quan hệ đối tác chiến lược của họ với ASEAN tại trọng tâm chính sách Hành động phía Đông của nước này. 

Ø  Mặc dù Ấn Độ đã đệ trình các đề xuất khác nhau nhằm tăng cường sự can dự về mặt an ninh, kinh tế và văn hóa với ASEAN, nhưng rõ ràng thương mại là một liên kết yếu trong quan hệ ASEAN-Ấn Độ và sự hợp tác trong các lĩnh vực khác vẫn không có gì ấn tượng. 

Ø  Hợp tác hàng hải là ưu tiên của Hội nghị thượng đỉnh, phản ánh sự hội tụ lợi ích của cả hai bên trong lĩnh vực hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Ø  Mặc dù ASEAN miễn cưỡng chấp nhận khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Mỹ đã giới thiệu và được Ấn Độ ủng hộ, nhưng có một sự đồng thuận giữa hai bên khi nhất trí hành động hướng đến “một cấu trúc khu vực có tính cởi mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên các nguyên tắc”. 

Ø  Trung Quốc là một nhân tố quan trọng trong quan hệ ASEAN-Ấn Độ. Bằng việc tăng cường quan hệ đối tác của mình với Ấn Độ, ASEAN tìm cách giảm bớt khả năng dễ bị tổn thương trước Trung Quốc, và có một đối tác khác để duy trì một trật tự khu vực có tính cởi mở, cân bằng và bao trùm ở Đông Nam Á. 

Mở đầu 

Hội nghị thượng đỉnh kỉ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-ẤN Độ được tổ chức vào ngày 25/1/2018 ở New Delhi với chủ đề “Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh”. Văn kiện về kết quả của hội nghị, Tuyên bố Delhi, cho thấy quyết tâm và các sáng kiến cụ thể của cả hai bên nhằm tăng cường và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược của họ. Hội nghị thượng đỉnh được diễn ra cùng với nhiều hoạt động kỷ niệm, đáng chú ‎ý nhất là sự hiện diện của 10 nhà lãnh đạo ASEAN với tư cách là những khách mời chính tại lễ diễu binh chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ, Lễ trao giải thưởng Thanh niên ASEAN-Ấn Độ, Diễn đàn và triển lãm đầu tư và kinh doanh ASEAN-Ấn Độ, lễ khánh thành công viên hữu nghị Ấn Độ-ASEAN ở New Delhi, và lễ trao giải thưởng Padma Shri cho 10 công dân ASEAN. 

Hội nghị thượng đỉnh được truyền thông Ấn Độ và khu vực đưa tin rộng rãi. Trong quá khứ, Thủ tướng Narendra Modi đã đóng góp nỗ lực đáng kể vào việc xây dựng quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo ASEAN. Ông cũng đã nhấn mạnh vai trò của Hội nghị thượng đỉnh, và thể hiện cam kết của Ấn Độ đối với quan hệ đối tác nhiều mặt và chiến lược với ASEAN thông qua nhiều dòng tweet của ông và một bài bình luận với nội dung được viết theo yêu cầu của mỗi nước ASEAN trên các nhật báo tiếng Anh riêng của họ. 

Ngoài những nỗ lực công khai chứng tỏ “quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN tại trọng tâm chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ”, New Delhi đã giới thiệu một số các sáng kiến riêng biệt để tăng cường sự hợp tác ASEAN-Ấn Độ trên diện rộng, tập trung vào hợp tác hàng hải, chống khủng bố và 3-C – thương mại, liên kết và văn hóa. Bài viết này khảo sát các cuộc thảo luận và kết quả của Hội nghị thượng đỉnh để xem Ấn Độ đã làm cho chính sách Hành động phía Đông của họ phù hợp đến đâu với các hành động cụ thể khi thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược của mình với ASEAN và mở rộng ảnh hưởng của họ về phía Đông. 

3-C và chống khủng bố 

Liên kết yếu nhất trong công thức 3-C có lẽ là thương mại mà ở đó việc sớm ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) do ASEAN lãnh đạo sẽ là một phép thử then chốt. Modi vẫn không cam kết bất chấp những lời kêu gọi mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc ký kết RCEP vào năm 2018, chú trọng vào việc đạt được một “thỏa thuận cân bằng và công bằng”. Trong khi các lãnh đạo ASEAN mong chờ một “RCEP chất lượng cao”, thì Modi lại nêu bật các cấp độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia để bảo vệ một thỏa thuận ít tham vọng hơn nhiều. 

Việc Ấn Độ “rút chân” khỏi các cuộc đàm phán RCEP đa phần là do lo sợ về các khoản thâm hụt thương mại lớn hơn với các nước tham gia ngoài ASEAN, đặc biệt là Trung Quốc. Nền chính trị trong nước là một yếu tố khác vì “Ấn Độ đang hướng đến vài cuộc bầu cử cấp bang vào năm 2018 và một cuộc tổng tuyển cử vào năm 2019”. Các xu hướng bảo hộ của Ấn Độ làm xói mòn cơ hội thúc đẩy RCEP để gia tăng khối lượng thương mại ASEAN-Ấn Độ. Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA) cấp thấp, bất chấp quy mô dân số rất lớn của cả hai bên là 1,8 tỷ người, đã thất bại trong việc tạo ra một sự thúc đẩy mạnh mẽ cho thương mại song phương vốn dĩ chỉ đạt đến 58,5 tỷ USD vào năm 2016 (khoảng 2,6% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN), tụt lại đằng sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản. Sự hiện diện hạn chế về kinh tế của Ấn Độ ở Đông Nam Á là một trở ngại cho việc tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn của nước này trong khu vực. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nêu bật điều này trong bình luận của ông sau Hội nghị thượng đỉnh: “Khi bạn ký kết một hiệp định thương mại như thế này, rất hiếm khi hiệp định đó chỉ về kinh tế hoặc thương mại. Nó luôn có một khía cạnh khác như hợp tác song phương, tình hữu nghị và sự toan tính chiến lược”. 

Trái ngược với lập trường của họ về thương mại, Ấn Độ chủ động hơn về vấn đề liên kết, được thúc đẩy bởi các lợi ích kinh tế mà có thể có được từ các nước ASEAN, nhất là những nước nằm ở Đông Nam Á lục địa, và bởi sự lo lắng về Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc đang thâm nhập cả Đông Nam Á lẫn các nước láng giềng của Ấn Độ như Pakistan và Sri Lanka. Hội nghị thượng đỉnh đã thúc đẩy việc ký kết nhanh chóng các thỏa thuận giữa ASEAN và Ấn Độ về vận tải đường không và đường biển, và sớm hoàn thành đường cao tốc giữa ba nước Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan vốn đã bị trì hoãn. Ấn Độ cũng chú ý tới liên kết số và liên kết giữa nhân dân các nước. Modi đã đề xuất các dự án thí điểm thành lập các ngôi làng số ở các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, tổ chức Lễ hội khởi nghiệp ASEAN-Ấn Độ vào năm 2018, và chọn năm 2019 là Năm du lịch ASEAN-Ấn Độ. 

Tuy vậy, vẫn còn nhiều tồn đọng phần nào do sự trì trệ của bộ máy quan liêu của Ấn Độ. Một bài bình luận gần đây trên Jakarta Post khi nói về các dự án cơ sở hạ tầng đã nhận xét: “Nói một cách ẩn dụ, Ấn Độ bị xem là di chuyển một cách chậm chạp như một chiếc xe bò; Trung Quốc thì đã lao lên phía trước như một xe đua Công thức 1”. Tài chính là một “nút cổ chai” nghiêm trọng khác. Không như Trung Quốc, Ấn Độ rõ ràng không có nhiều tiền. Nhưng ngay cả trong những tình huống viết séc thì Ấn Độ cũng không nhất thiết phải thể hiện ra thành hành động trên thực địa. Ví dụ, mức tín dụng 1 tỷ USD thường đươc trích dẫn mà Ấn Độ đã áp dụng cho các dự án liên kết ASEAN-Ấn Độ vẫn chưa được thực hiện bởi lãi suất không hấp dẫn. 

Văn hóa là điểm nổi bật trong Hội nghị thượng đỉnh với việc cả hai bên đều chú trọng vào những liên kết văn hóa và văn minh cổ xưa giữa họ, các đề xuất trao học bổng khác nhau của Ấn Độ và các đề xuất của Modi về việc thiết lập các mạng lưới ảo gồm các trường đại học và bảo tàng của ASEAN và Ấn Độ. Điều này đã được nhấn mạnh tại nhiều sự kiện giáo dục và văn hóa trong suốt Hội nghị thượng đỉnh như các chương trình trao đổi sinh viên và truyền thông ASEAN-Ấn Độ, Lễ hội Ramayana, Liên hoan phim ASEAN-Ấn Độ và Lễ hội văn hóa ở Goa. Các sáng kiến này chỉ rõ một cách tiếp cận toàn diện hơn trong chính sách Hành động phía Đông mà ngày càng nhấn mạnh vào sự hiện diện của văn hóa Ấn Độ ở Đông Nam Á như một phần của “quyền lực mềm” của nước này – một lĩnh vực mà Trung Quốc cũng đang có sự tiến triển trong khuôn khổ BRI. 

Ngoại giao văn hóa của Ấn Độ chưa được thuận buồm xuôi gió. Một ví dụ thích hợp là việc khôi phục trường Đại học Nalanda, một sáng kiến được Ấn Độ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 3 vào năm 2007 mà đã được các nhà lãnh đạo EAS hoàn toàn ủng hộ. Điều bắt đầu như một ví dụ điển hình của sự hợp tác EAS đã dần dần trở thành nạn nhân của nền chính trị quan liêu. Vào tháng 11/2016, ông George Yeo – cựu Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, một đối tác quan trọng trong dự án này – đã từ chức Hiệu trưởng trường Đại học Nalanda khi Chính phủ Ấn Độ cải tổ ban lãnh đạo của trường mà không báo trước cho ông. Động thái của ông Yeo đã diễn ra chưa đầy 2 năm sau khi Giáo sư đoạt giải Nobel Amartya Sen từ chức Hiệu trưởng với lý do tương tự. Ví dụ về trường Đại học Nalanda là một nhắc nhở đáng lo ngại về hoạt động chính trị trong nước và bộ máy quan liêu của Ấn Độ mà có thể gây ra những sự trì hoãn và hiểu sai về các dự án khu vực và thậm chí làm xói món quan hệ hữu nghị và sự thiện chí mà các dự án này có ý muốn thúc đẩy. 

Ngoài 3-C, việc chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan đang nổi lên như một lĩnh vực trọng điểm mới của hợp tác ASEAN-Ấn Độ. So với kế hoạch hành động để thực thi quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ (2016-2020) được thông qua vào năm 2015, Tuyên bố Delhi đã thể hiện mức độ quan tâm cao hơn của cả hai bên đến việc làm sâu sắc thêm sự hợp tác chống lại các hoạt động khủng bố ở cả khía cạnh cứng rắn lẫn mềm mỏng, bao gồm tài trợ và tuyển mộ khủng bố, phát tán các câu chuyện và tuyên truyền về khủng bố, cực đoan hóa thanh niên thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và sự lạm dụng Internet. 

Quả thực Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm và những cách làm tốt nhất để chia sẻ với ASEAN, đặc biệt là về hoạt động xuyên biên giới của khủng bố, và việc ngăn chặn tình trạng cực đoan hóa, khi xét tới sự kiên cường đầy ấn tượng của số lượng lớn thanh niên nước này trước phong trào thánh chiến toàn cầu. Như một số nước ASEAN, Ấn Độ cũng phải đối phó với chủ nghĩa ly khai sắc tộc và các cuộc nổi loạn trong nước mà có khả năng có liên kết với các mạng lưới khủng bố quốc tế. Về mặt này, việc Ấn Độ đóng góp 500.000 USD để ủng hộ những nỗ lực tái thiết của Philippines ở Marawi đã được hoan nghênh là một ví dụ cụ thể cho chính sách Hành động phía Đông của nước này. Tuy nhiên, sự hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố trong phạm vi Hội nghị tham vấn giữa các quan chức cấp cao của ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) với Ấn Độ vẫn trì trệ so với các đối tác tích cực hơn như Nhật Bản, Mỹ và Nga. Đề nghị gần đây của Ấn Độ về việc chủ trì một hội nghị về chống cực đoan hóa trong năm 2018 là một bước khởi đầu đúng hướng, nhưng cần phải làm nhiều hơn để biến những điều khoản của Tuyên bố Delhi thành hành động. 

Hợp tác hàng hải và trật tự khu vực 

Hợp tác hàng hải 

Chủ đề của hội nghị – An ninh và hợp tác hàng hải – đã cho thấy những nỗ lực mạnh mẽ của Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác với ASEAN ở lĩnh vực hàng hải. Các cuộc thảo luận trên phạm vi rộng trong hội nghị và ba đoạn trong Tuyên bố Delhi về chủ đề này cho thấy sự hội tụ của những lợi ích và những quan ngại ở cấp độ cao giữa 2 bên về vấn đề liên kết hàng hải và trật tự trên biển dựa trên các quy tắc, quyền tự do đi lại trên biển và trên không, thương mại không bị cản trở và các giải pháp hòa bình cho tranh chấp. 

Trong suốt Hội nghị thượng đỉnh, cả hai bên đều đưa ra các đề xuất về một loạt rộng lớn các vấn đề của hợp tác hàng hải từ việc quản lý thảm họa, nền kinh tế xanh và vận tải hàng hải cho đến việc chống cướp biển và nhận thức về lĩnh vực hàng hải. Ngoài sự hợp tác thiết thực đôi bên cùng có lợi, các mối quan ngại địa chiến lược và địa chính trị ở lĩnh vực hàng hải đã lộ rõ, đặc biệt có liên quan đến sự hiện diện quân sự và thái độ quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở cả Ấn Độ Dương lẫn Biển Đông. Nêu bật sự hợp tác an ninh và quyền tự do hàng hải trong số các lĩnh vực trọng điểm then chốt của sự hợp tác hàng hải ASEAN-Ấn Độ, Modi đã mạnh dạn đề xuất tăng cường quan hệ giữa quân đội hai bên, bao gồm các chương trình hợp tác hải quân và một hành trình vòng quanh thế giới bằng thuyền buồm với sự tham gia của các nữ hải quân ASEAN-Ấn Độ. 

Sự chú trọng hơn của Ấn Độ đến lĩnh vực hàng hải đã được phản ánh ở việc nước này đề xuất thiết lập một cơ chế cho sự hợp tác hàng hải lớn hơn với ASEAN để giải quyết các thách thức cả truyền thống lẫn phi truyền thống. Tuy nhiên, thỏa thuận về một cơ chế như vậy, như tuyên bố của Ấn Độ trong một buổi họp báo ngắn sau Hội nghị thượng đỉnh, không được phản ánh trong Tuyên bố Delhi, vốn chỉ lặp lại “các cơ chế liên quan đang có, bao gồm cả Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF) để giải quyết các thách thức chung trong các vấn đề hàng hải”. 

Mặc dù ủng hộ việc tăng cường hợp tác hàng hải, nhưng các nước ASEAN lưỡng lự hơn về việc thiết lập một cơ chế riêng mới với Ấn Độ, đặc biệt là một cơ chế mang tính chiến lược, mà có thể được hiểu là nhằm vào Trung Quốc. Hơn nữa, phạm vi làm việc của cơ chế được đề xuất này là không rõ ràng và không dễ xác định khi xét tới tính chất đa chiều của các vấn đề hàng hải. Một số nền tảng hàng hải liên khu vực của ASEAN bao gồm EAMF đang bị thả nổi do thiếu một phương hướng và chỗ đứng rõ ràng. Do vậy, ASEAN sẽ có những bước đi thận trọng đối với vấn đề thể chế hóa, mong muốn cởi mở và bao trùm hơn, và tránh sự trùng lặp với các thể chế hiện có, chẳng hạn như EAMF, Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS). 

Trật tự khu vực mang tính cởi mở, cân bằng và bao trùm 

Ấn Độ ngày càng coi chính sách Hành động phía Đông của mình như một sự chấp nhận mạnh mẽ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. New Delhi coi ASEAN là một chiếc cầu tự nhiên để vươn đến Thái Bình Dương – bằng con đường ngoại giao thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn đầu và cụ thể thông qua các dự án liên kết. Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã làm rõ trong bài phát biểu của ông vào ngày 11/7/2017 ở Singapore: “Thiếu vắng ASEAN, sự biến đổi của châu Á-Thái Bình Dương thành Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hẳn sẽ không bao giờ xảy ra”. 

Thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được Modi nhắc đến trong suốt Hội nghị thượng đỉnh nhưng không được nhắc đến trong Tuyên bố Delhi. Vào lúc này, ASEAN miễn cưỡng chấp nhận khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn còn mới mẻ mà có thể có những ý nghĩa khác nhau đối với những bên tham gia khác nhau. Trong số các nước ASEAN, Indonesia – quốc gia này nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là một thành viên tích cực của Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (IORA) – có lẽ là nước dễ chấp nhận thuật ngữ này nhất. Tuy nhiên, Indonesia vẫn giữ lập trường rằng khái niệm này cần được phát triển hơn nữa “dựa trên tính cởi mở, bao trùm và tinh thần hợp tác”. Về đề xuất của Mỹ về “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” đã được Nhật Bản, Ấn Độ và Úc chấp thuận, ASEAN vẫn rất cẩn trọng. Bất chấp những nhập nhằng của nó, đề xuất này rõ ràng loại trừ Trung Quốc và có khả năng loại bỏ cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm để ủng hộ sự liên kết dựa vào các cường quốc lớn dưới hình thức Bộ tứ. Do vậy, ASEAN chắc chắn rằng Tuyên bố Delhi nhắc lại mức độ liên quan của các khuôn khổ và các cơ chế đang tồn tại do ASEAN dẫn đầu. 

Mặc dù thái độ của họ đối với khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” là khác nhau, nhưng có một sự nhất trí giữa Ấn Độ và ASEAN trong việc đảm bảo một cấu trúc khu vực mang tính cởi mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên các quy tắc”. Tham dự Hội nghị thượng đỉnh và bình luận về sự kiện này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long – đồng chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh – nhấn mạnh rằng “ASEAN và Ấn Độ chia sẻ những lợi ích chung trong một cấu trúc khu vực mang tính cởi mở, cân bằng và bao trùm”. “Cân bằng” không được thường xuyên sử dụng trong danh mục các thuật ngữ về cấu trúc khu vực của ASEAN, do đó, việc đưa thuật ngữ này vào giờ đây tiết lộ rằng các nước ASEAN không muốn có một trật tự khu vực chịu sự sai khiến của bất kỳ một bá chủ nào, cho dù đó là Mỹ, Trung Quốc hay một cường quốc nào khác. 

Yếu tố Trung Quốc 

Yếu tố Trung Quốc đã lộ rõ ở cả Hội nghị thượng đỉnh lẫn trong các mối quan hệ ASEAN-Ấn Độ nói chung. Mô tả của Modi về các mối quan hệ này là “không có những tranh giành và yêu sách” trong bài bình luận của ông là sự tương phản tinh vi với quan hệ ASEAN-Trung Quốc vốn đã xấu đi bởi những căng thẳng theo chu kỳ do các tranh chấp ở Biển Đông cho dù những liên kết sâu sắc về thương mại và đầu tư. Cũng bằng việc đưa ra “một tầm nhìn chung về tương lai, được xây dựng dựa trên cam kết về sự dung nạp và hội nhập, và niềm tin vào sự bình đẳng về chủ quyền của tất cả các quốc gia bất kể kích thước”, Modi rõ ràng đã đánh đúng tâm lý của các nước ASEAN về hình thái của trật tự kinh tế-an ninh khu vực, lợi dụng sự lo lắng thâm căn cố đế của các nước ASEAN về ảnh hưởng ngày càng tăng và cách tiếp cận đôi khi độc đoán của Trung Quốc khi khẳng định các lợi ích ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Biển Đông.

Có những sự tương phản và tương đương khác trong bài bình luận của Modi mà miêu tả Ấn Độ như một sự lựa chọn hay thế cho mô hình phát triển và hội nhập khu vực của Trung Quốc. Sự quả quyết của Modi về “những con đường tự do và cởi mở dẫn đến thương mại và sự can dự” rất giống với “nhiều vành đai, nhiều con đường” đã được Ấn Độ và các nước có cùng quan điểm (Nhật Bản và Mỹ) tán thành nhằm đối phó với BRI của Trung Quốc. Và vì Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-ASEAN chung vận mệnh gần gũi hơn, nên Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh một cộng đồng Ấn Độ-ASEAN lớn hơn dựa trên sự chia sẻ các giá trị và vận mệnh chung, như đã được phản ánh trong chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh. 

Nhiều tin tức truyền thông, đặc biệt là ở Ấn Độ, đã tập trung một cách khác thường vào yếu tố Trung Quốc trong Hội nghị thượng đỉnh, mô tả nó như là “sự phản đòn về mặt ngoại giao của Ấn Độ nhằm vào Trung Quốc”, hay một “dịp để Ấn Độ tự phô trương như là một sự lựa chọn hấp dẫn thay thế cho Trung Quốc” và “để làm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực”. Một mô tả kép như vậy hứng chịu sự chỉ trích từ phía phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, người đã lưu ý đến nỗi ám ảnh ở những phương tiện truyền thông nhất định của Ấn Độ về việc phải “ngay lập tức gắn mọi động thái của chính phủ và các lãnh đạo Ấn Độ với Trung Quốc”. 

Chắc chắn là sự thay đổi của cán cân quyền lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và những mối lo lắng chung về sức mạnh vượt trội của Trung Quốc và sự sao nhãng của Mỹ trong thời đại của Trump đã đưa ASEAN với Ấn Độ xích lại gần nhau hơn. Đối với nhiều nước ASEAN, Ấn Độ là một đối trọng chiến lược với Trung Quốc và là một đối tác kinh tế có lợi trong tương lai để họ từ bỏ sự phụ thuộc ngày càng tăng của mình vào Trung Quốc. Tăng cường sư can dự với Ấn Độ và các cường quốc khác giúp tối đa hóa các lựa chọn của ASEAN, phù hợp với việc nước này theo đuổi một trạng thái cân bằng đa chiều năng động ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, quan điểm nhìn nhận sự tiến bộ của quan hệ ASEAN-Ấn Độ hoàn toàn thông qua tham vọng chống lại Trung Quốc là quá đơn giản. Sự miêu tả này không xét tới các giá trị thực chất của quan hệ ASEAN-Ấn Độ vốn “mang tính độc lập” như tuyên bố của Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran. Không có bất kỳ lời phủ nhận nào đối với sự cạnh tranh và cán cân quyền lực đang tồn tại trong các vấn đề giữa 3 bên ASEAN-Ấn Độ-Trung Quốc, nhưng không theo suy nghĩ cũ rằng các thuật ngữ này được sử dụng thường xuyên vì ASEAN không có khả năng cũng mối quan tâm đến việc kiềm chế Trung Quốc. Điều ASEAN luôn cố gắng đạt được khi chìa tay ra với cả các đối tác bên ngoài là duy trì một trật tự mang tính cởi mở, cân bằng và bao trùm ở Đông Nam Á. 

Kết luận 

Hội nghị thượng đỉnh kỉ niệm quan hệ ASEAN-Ấn Độ đã mang lại cho ASEAN và Ấn Độ một cơ hội có giá trị để chứng tỏ ý chí chính trị của họ trong việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên thông qua các sáng kiến cụ thể và có ý nghĩa. 

Về phần Ấn Độ, Thủ tướng Modi và chính phủ của ông đã đầu tư đáng kể vào Hội nghị thượng đỉnh để mang lại hiệu quả cho chính sách Hành động phía Đông của họ, vốn được nhìn nhận công khai là phù hợp với sự kiện này và các sáng kiến khác được tạo ra để chứng minh cho mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ. Thông qua Hội nghị thượng đỉnh, người ta có thể thấy rằng Ấn Độ đã trở nên chủ động và toàn diện hơn trong việc tăng cường sự can dự nhiều mặt và mang tính chiến lược với ASEAN. Được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và các cải cách trong nước, Ấn Độ giờ đây đang chìa tay ra với ASEAN một cách tự tin và hăng hái hơn. 

Tuy vậy, có một hố sâu ngăn cách giữa tham vọng và khả năng thực hiện của Ấn Độ. Thương mại vẫn là một điểm nhức nhối. Việc hiện thực hóa RCEP là hết sức quan trọng về mặt tài chính và chiến lược đối với cả ASEAN lẫn Ấn Độ, vì thế cần phải đưa ra những đề xuất mang tính đổi mới để thuyết phục Ấn Độ tham gia. Về vấn đề liên kết, chống khủng bố và hợp tác hàng hải, các hành động trên thực địa vẫn không gây được ấn tượng. Nếu Ấn Độ nghiêm túc về mở rộng ảnh hưởng của họ về phía Đông và thể hiện bản thân là một đối tác chiến lược đáng tin cậy của ASEAN, thì họ cần thực hiện và hoàn tất nhiều việc hơn nữa.

Hoàng Thị Hà và Termsak Chalermpalanupap là hai nhà Nghiên cứu hàng đầu (về An ninh Chính trị) tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) – Yusof Ishak Institute. Bài viết được đăng trên ISEAS, số 8 năm 2018.

Trần Quang (gt))