Đề xuất bởi Hội đồng Tư vấn kinh doanh, ý tưởng về Khu vực Mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) đã dần dần được APEC chấp nhận như là một sự lựa chọn trong tương lai dài hạn và đang được nghiên cứu, thảo luận trên  nhiều khía cạnh cụ thể, đặc biệt là các tác động của nó và các cách thức có thể biến sáng kiến này thành hiện thực. Mối quan tâm sâu rộng của APEC đối với tương lai của chính mình được đánh dấu bằng cả sự thống nhất lẫn sự chia rẽ về lợi ích và  quan điểm trong quá trình thảo luận về FTAAP.

 

Chưa bao giờ khu vực châu Á-Thái Bình Dương lại được cả thế giới biết đến nhiều và quan tâm mạnh mẽ như như những năm gần đây. Không phải chỉ vì đây là khu vực rộng lớn nhất chiếm tới hơn một nửa diện tích của trái đất với gần 4 tỷ người (gần 1/3 dân số thế giới), 75 % nguồn tài nguyên thiên nhiên và 62 % GDP của cả thế giới. Cũng không phải chỉ vì khu vực này chứa đựng những nền văn minh lâu đời và vĩ đại. Cũng càng không phải chỉ vì nơi đây xảy ra những cuộc xung đột triền miên, những thảm hoạ động đất hay sóng thần khủng khiếp, mà đặc biệt là vì nơi đây đã diễn ra sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế được mệnh danh là những “con rồng”, “con hổ” và đồng thời với nó là sự nở rộ của hàng loạt cơ chế liên kết kinh tế song phương, tiểu vùng, khu vực và liên khu vực, hình thành một mạng lưới chằng chịt, góp phần làm cho châu Á-Thái Bình Dương trở thành một trung tâm phát triển năng động nhất và là đầu tầu của cả nền kinh tế thế giới. Không ít người nghĩ rằng châu Á-Thái Bình Dương sẽ quyết định tương lai phát triển của thế giới trong thế kỷ 21.

 

Trong sự dâng trào của làn sóng liên kết kinh tế quốc tế dưới tác động của quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ sau chiến tranh Lạnh, đặc biệt, trong những năm gần đây, hàng loạt ý tưởng mới về hội nhập kinh tế khu vực đã ra đời với tâm điểm là châu Á-Thái Bình Dương. Trong số các sáng kiến đó, ý tưởng thiết lập một khu vực mậu dịch tự do bao quát toàn bộ châu Á-Thái Bình Dương là một sáng kiến đáng quan tâm đặc biệt, vì nếu nó được hiện thực hoá sẽ biến cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương thành một khối kinh tế khu vực lớn nhất thế giới trên mọi phương diện, trong đó trao đổi thương mại và giao lưu kinh tế trên nhiều lĩnh vực giữa các nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ trở nên tự do hơn và khu vực này sẽ có cơ hội phát triển thịnh vượng hơn.

 

I. Từ ý tưởng của giới doanh nhân trở thành một khả năng lựa chọn của APEC trong tương lai

 

Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 12 năm 2004 ở Chi-lê, trong báo cáo về tình hình kinh tế khu vực trình các Nhà Lãnh đạo APEC,  Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đã đề xuất ý kiến APEC nghiên cứu khả năng xây dựng Khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).  Ý tưởng này được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp APEC thất vọng trước sự bế tắc của vòng Đàm phán Đô-ha và sự ra đời của hàng loạt hiệp định mậu dịch tự do giữa hai hoặc một số thành viên APEC gây tác động bất lợi cho cơ hội kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, trong hai năm đầu (2004, 2005), kiến nghị của ABAC không  giành được sự quan tâm của các Nhà Lãnh đạo APEC.

 

Năm 2006, trước sự gia tăng nhảy vọt của các hiệp định khu vực mậu dịch tự do trên thế giới và  trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương[1], ABAC một lần nữa nêu lại kiến nghị xem xét việc hình thành FTAAP. Trong báo cáo và khuyến nghị trình lên Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC, ABAC đã chỉ ra rằng quá nhiều FTA trong khu vực đã làm gia tăng sự phức tạp, chi phí, và thủ tục hành chính cho các hoạt động kinh doanh. Do vậy, hình thành  FTAAP sẽ mang lại khả năng hội tụ các quy định thương mại và giảm thiểu các phức tạp gây ra cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ABAC cũng cho rằng cản trở lớn nhất cho một hiệp định FTA rộng khắp khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hiện nay chính là thiếu các thiện chí chính trị từ phía các thành viên APEC[2]. Hội nghị cấp cao APEC Hà Nội năm 2006 đã lần đầu tiên xem xét một cách nghiêm túc kiến nghị nêu trên của ABAC. Trong tuyên bố kết thúc hội nghị, các Nhà Lãnh đạo đã nhắc lại cam kết của mình đối với sự liên kết kinh tế lớn hơn trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và quyết tâm tăng cường các nỗ lực vì mục tiêu này, chia sẻ quan điểm của ABAC về sự cần thiết tiến tới một FTAAP, đồng thời “chỉ đạo các Quan chức tiến hành các nghiên cứu về cách thức và biện pháp để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, bao gồm khả năng xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương như là một triển vọng dài hạn, và báo cáo lên Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2007”[3]. Như vậy, Hội nghị cấp cao Hà Nội 2006 đã ghi một dấu ấn quan trọng: Lần đầu tiên ý tưởng FTAAP được các nhà Lãnh đạo APEC nhìn nhận như là một khả năng và một triển vọng trong tương lai dài hạn của APEC. Kết quả này đạt được sau nhiều cuộc đàm phán và đấu tranh khá căng thẳng giữa các thành viên APEC, đi đầu là Mỹ và Trung Quốc.

 

Tiếp sau đó, tại Hội nghị cấp cao ở Sidney (Úc) tháng 9 năm 2007, các nhà Lãnh đạo APEC đã ghi nhận quan điểm của ABAC về tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự hội tụ của các hiệp định thương mại trong khu vực, nhất trí sẽ xem xét các lựa chọn và bước đi thực tiễn tiến tới FTAAP[4]

 

Đến Hội nghị cấp cao Lima (Pê-ru) tháng 11/2008, các Nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua báo cáo về “Tăng cường hội nhập kinh tế khu vực”, trong đó khẳng định một FTAAP hợp lý phải đáp ứng các tiêu chí WTO cộng (có nghĩa là các cam kết tự do hoá thương mại phải cao hơn mức hiện hành của WTO) và thúc đẩy hơn nữa hội nhập kinh tế khu vực; phải bổ sung và hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu Bô-go và giúp làm giảm tính phức tạp, chồng chéo của các Hiệp định Thương mại khu vực (RTA) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong khu vực. Các nhà Lãnh đạo cũng chỉ ra các vấn đề cần nghiên cứu sâu hơn nữa gồm: các tác động của FTAAP đối với APEC, tính khả thi của FTAAP, biện pháp và cách thức tiến tới một FTAAP và làm thế nào để đánh giá các yêu cầu về xây dựng năng lực để tiến hành các đàm phán trong tương lai[5].

 

Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 17 ở Singapore tháng 11 năm 2009, ABAC tiếp tục kêu gọi các Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo quyết định các bước đi  và một lộ trình cụ thể xây dựng FTAAP. Trong Tuyên bố kết thúc hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết với các mục tiêu Bô-go về tự do hoá thương mại và đầu tư, ghi nhận những lợi ích kinh tế mà FTAAP sẽ mang lại trong khu vực cũng như những thách thức trong quá trình xây dựng nó. Các nhà Lãnh đạo cũng khẳng định tiếp tục các nỗ lực nhằm hướng tới khả năng xây dựng FTAAP trong tương lai và giao cho các Bộ trưởng, quan chức cấp cao  nghiên cứu các cách thức tiến tới FTAAP và trình báo cáo lên Hội nghị cấp cao năm 2010[6]

 

Như vậy, có thể nói từ một đề xuất của giới doanh nghiệp năm 2004 và lúc đầu chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà Lãnh đạo APEC, ý tưởng FTAAP dần dần được APEC đưa vào thảo luận trong chương trình nghị sự, kể cả ở cấp cao nhất, và đã được khẳng định là một khả năng lựa chọn trong dài hạn của APEC, đang được các học giả và giới chức APEC nghiên cứu cụ thể, nhất là các cách thức đi đến mục tiêu này.  

 

II. Các yếu tố thúc đẩy hình thành ý tưởng FTAAP

 

Về mặt lý luận, xu thế toàn cầu hoá khu vực hoá từ sau chiến tranh Lạnh trở lại đây với một trong những biểu hiện quan trọng là sự bùng nổ của hàng loạt các thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do, được thôi thúc chủ yếu bởi các lý thuyết của chủ nghĩa tự do, đặc biệt là thuyết lợi thế so sánh mà trụ cột là David Ricardo[7]. Nhiều khía cạnh của thương mại tự do được tiếp tục phát triển bởi các lý thuyết gia hậu sinh, đáng lưu ý là Jacob Viner với thuyết liên minh thuế quan[8], R. J.Wonnacott với thuyết trục và nan hoa xe đạp[9], Jagdish Bhagwati với thuyết sự lựa chọn tốt thứ hai[10]. Ở góc độ kinh tế-chính trị, thuyết thể chế[11] cũng góp phần bổ sung nền tảng lý luận làm chỗ dựa cho các chủ trương theo đuổi thoả thuận về mậu dịch tự do.

 

Về mặt thực tiễn, nhiều diễn biến quan trọng của tình hình thế giới và  khu vực đã tác động mạnh đến sự hình thành và phát triển ý tưởng FTAAP. Đó là:

 

Thứ nhất, sự bế tắc kéo dài của vòng đàm phán Đô-ha làm chậm tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu và, do vậy, thúc đẩy nhiều nước tập trung vào hướng tìm kiếm các thoả thuận FTA song phương và khu vực để tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế, phục vụ nhu cầu phát triển.

 

Tháng 11/2001, sau khi lỡ hẹn tại Seatlle (Mỹ) năm 2000, vòng đàm phán thương mại toàn cầu mới trong khuôn khổ WTO (có tên là Chương trình nghị sự phát triển Đô-ha- DDA), đã được chính thức khởi động tại Đôha. Lúc đầu, người ta dự kiến vòng đàm phán này sẽ kết thúc trong vòng 5-6 năm. Thế nhưng, đã gần một thập kỷ trôi qua, nó vẫn chưa thể đi đến hồi kết, vì vẫn còn nhiều vấn đề các bên chưa đạt được thoả thuận. Hơn nữa, chương trình nghị sự của vòng đàm phán này cũng chưa bao quát được nhiều vấn đề quan trọng khác có tác động không nhỏ tới quá trình tự do hoá thương mại và liên kết kinh tế giữa các thành viên. Nhiều vấn đề đưa vào đàm phán cũng không thể đạt được thoả thuận với mức tự do hoá cao như nhiều nước thành viên mong đợi. Thất vọng trước tình trạng như vậy của vòng đàm phán Đôha, nhiều nước đã quyết định thúc đẩy mạnh hơn các FTA khu vực và song phương, và hệ quả là trong thập kỷ qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chứng kiến sự  phát triển “nở rộ” của các thoả thuận FTA. Các  nền kinh tế quan trọng trong khu vực đều thiết lập FTA với đối tác. Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ đều có hiệp định FTA với ASEAN. ÚC và Niu-di-lân cũng đang đàm phán hiệp định FTA với ASEAN. Mỹ cũng đã ký hiệp định FTA song phương với Xing-ga-po, Hàn Quốc và đang đàm phán hiệp định tương tự với một số nước khác. Tính đến thời điểm này, có tổng cộng khoảng 50 thoả thuận FTA đã được ký kết, hoặc đang trong quá trình đàm phán, hoặc đang được nghiên cứu và chuẩn bị đàm phán giữa các thành viên của APEC với nhau hoặc giữa họ với các nền kinh tế ngoài APEC.

 

Thứ hai, trào lưu phát triển FTA thời gian gần đây chứa đựng những đặc điểm mới có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc tính toán của các nước khi tham gia các FTA.

 

Một là, các FTA ra đời sau này toàn diện hơn (bao quát nhiều lĩnh vực từ thương mại hàng hoá đến dịch vụ, đầu tư, lao động, môi trường, mua sắm công, chính sách cạnh tranh, chuyển giao công nghệ, hợp tác nâng cao năng lực, v.v.) và có chất lượng cao hơn (thể hiện ở mức độ cam kết tự do hoá cao hơn kể cả trong những lĩnh vực mới vốn chưa được điều chỉnh bởi các quy định hiện hành của WTO và các FTA đã ra đời trước đây- Những cam kết này được gọi là WTO +)[12]. Những nước có trình độ phát triển kinh tế còn thấp và năng lực cạnh tranh kém đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi tham gia các thoả thuận FTA mới này. Do vậy, các nước này cần thận trọng khi quyết định tham gia và tính toán kỹ các phương án đàm phán.

 

Hai là, phần lớn các FTA hình thành ở châu Á-Thái Bình Dương đều xoay quanh trục là các nền kinh tế lớn (Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, Mêhicô, Úc…). Không ít trong số này mang mầu sắc chính trị,  Mỹ tuyên bố chỉ chọn các đối tác “có khả năng”, tức là chỉ các nước có ý chí chính trị và cam kết mạnh đối với tiến trình tự do hoá mới có thể tham gia vào FTA với Mỹ. Xét theo hướng đó, có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà Mỹ lựa chọn Thái Lan để đàm phán hiệp định FTA (Mỹ coi Thái Lan là đồng minh quan trọng ngoài NATO). Cũng không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản và Ấn Độ trở nên sốt sắng đàm phán thoả thuận FTA với ASEAN, sau khi Trung Quốc ký hiệp định lập khu vực mậu dịch tự do với ASEAN (ACFTA).           

 

Ba là, sự hình thành quá nhiều các FTA ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đến hiện tượng “bát mỳ Ý” (spaghetti bowl) gây nhiều tác động tiêu cực đối với quan hệ kinh tế-thương mại trong khu vực.

 

Thời gian đầu, một số nước như Xing-ga-po, Chi-lê, và Mê-hi-cô đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển các FTA tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Gần đây, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, và Nhật tham gia tích cực hơn vào các FTA và, do vậy, đã tạo triển vọng về cấu trúc “trục và nan hoa xe đạp”, trong đó các nước lớn đóng vai trò là “trục”- nằm ở vị trí trung tâm của các FTA kết nối tự do thương mại- các nước nhỏ thì chỉ đóng vai trò giống như nan hoa xe đạp gắn với trục trung tâm. Còn các nước như Xing-ga-po, Chi-lê và Mê-hi-cô cố gắng để trở thành các “trục” thứ yếu, có thể có các mối quan hệ thương mại phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế nhỏ hơn buộc phải tìm kiếm các FTA của chính mình với các đối tác lớn, để tránh bị phân biệt đối xử. Một số nhà nghiên cứu cho rằng hiệu ứng đô-mi-nô khó tránh khỏi, ít nhất là trong ngắn và trung hạn, khi mà các FTA ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng lên không ngừng như vậy. Rober Scollay[13] đã chỉ ra những hệ quả tiêu cực của tình trạng gia tăng quá nhiều các FTA song phương hoặc khu vực nhỏ trong lòng châu Á-Thái Bình Dương, đáng lưu ý nhất là:

 

- Tạo ra sự phân biệt đối xử mới và thiệt hại cho các nước không tham gia FTA, đồng thời làm giảm tính hiệu quả của thương mại trong khu vực.

- Làm tăng chi phí giao dịch thương mại, thậm chí có thể cản trở tiến trình liên kết kinh tế khu vực, do quá nhiều FTA trùng lặp và có những quy định mâu thuẫn nhau, chẳng hạn như đối với quy tắc xuất xứ.

- Làm suy giảm các nỗ lực và nguồn lực của các thành viên dành cho các tiến trình đàm phán đa phương trong khuôn khổ APEC cũng như tại WTO.

- Trong quá trình đàm phán các FTA song phương, các nền kinh tế nhỏ yếu thường ở thế bất lợi, chịu sức ép mạnh từ đối tác lớn mạnh hơn họ, nên có thể phải chấp nhận những cam kết không cân bằng.

 

Từ đó, Scollay kết luận quá nhiều các FTA có thể dẫn tới nguy cơ đổ vỡ hơn là gắn kết các mối quan hệ thương mại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hệ quả tiêu cực của tình trạng này chính là một nguyên nhân quan trọng thúc đẩy ý tưởng lập một FTA cho cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 

Thứ ba, thập kỷ qua đã chứng kiến khu vực châu Á – Thái Bình Dương trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động bậc nhất thế giới và, cũng nhờ vậy, là nơi diễn ra quá trình hợp tác, liên kết kinh tế mạnh mẽ giữa các nền kinh tế trong khu vực. Đây là một nền tảng cần thiết để các nền kinh tế khu vực hội nhập với nhau một cách sâu rộng hơn trong cùng một sân chơi.

 

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao quát đa phần các nước lớn của thế giới với nhiều nền kinh tế quan trọng hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Nga, v.v… Chỉ riêng các nền kinh tế là thành viên của APEC đã chiếm 1/2 dân số, 52 % diện tích lãnh thổ, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới và đóng góp khoảng 57% GDP và hơn 50% thương mại toàn cầu[14], 9 trong tổng số 21 thành viên của APEC là thành viên của G20. Xét trên góc độ địa – chính trị và địa – kinh tế thì khu vực châu Á – Thái Bình Dương có vị trí đặc biệt quan trọng: Đây là nơi tiếp giáp với các đại dương, kết nối các châu lục và là cửa ngõ, yết hầu nối liền một số nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga … với thế giới. Đây cũng là khu vực có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt rất lớn, đồng thời cũng là nơi diễn ra sự trỗi dậy kinh tế của nhiều nước. Chính vì vậy, châu Á-Thái Bình Dương cũng là nơi tập trung nhiều mâu thuẫn về lợi ích và cạnh tranh vai trò, ảnh hưởng của các nước lớn.

 

Một điểm đáng chú ý là quan hệ kinh tế thương mại giữa các nước trong khu vực phát triển rất mạnh trong những năm qua. Từ năm 1992 đến cuối 2008, xuất và nhập khẩu nội khối giữa các thành viên APEC tăng bình quân hàng năm tương ứng là 8,3 % và 8,7 %. Tỷ lệ thương mại hàng hoá nội khối giữa các thành viên (xuất + nhập khẩu) trên tổng thương mại của APEC với thế giới tăng từ 69,2 % năm 1989 lên 71,4 % năm 1993, 72,2 % năm 1995 và giữ cơ bản ở mức trên 70% đến năm 2003. Từ 2004 trở đi tỷ lệ thương mại hàng hoá nội khối của APEC bị giảm dần xuống mức còn 64,9 % năm 2008[15]. Điều này khiến nhiều thành viên APEC quan ngại và mong muốn APEC tăng cường các khả năng và biện pháp thúc đẩy hơn nữa thương mại nội khối, trong đó FTAAP là một giải pháp lớn. 

 

Điểm nổi bật của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là sự phát triển rất năng động của các nền kinh tế trong mấy thập kỷ gần đây, đặc biệt là từ sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh. Nếu tính chung cả khu vực, thì từ năm 2002 đến 2008, châu Á-Thái Bình Dương đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 5,0 % (tính theo giá trị tuyệt đối USD theo thời giá) và 6,1 % (tính theo PPP-giá trên cơ sở sức mua). Nhiều nền kinh tế trong khu vực đạt tăng trưởng ngoạn mục trong nhiều năm liên tục, được ví như những con rồng, con hổ, nổi bật là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, một số nước thành viên ASEAN, Ấn Độ, Braxin, Chi Lê, Mêhicô, Achentina. Các nước này cùng với những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, Úc hợp thành một tổng thể giữ vai trò chủ đạo và dẫn dắt kinh tế thế giới.  Sự phát triển năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng đồng thời là một nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế khu vực. Nhiều nước trong khu vực này coi liên kết kinh tế khu vực thông qua các FTA đa phương và song phương như là chính sách ưu tiên của mình.

 

Hiện nay, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngoài các hiệp định FTA đã ký kết hoặc đang trong giai đoạn đàm phán, còn xuất hiện nhiều sáng kiến liên kết kinh tế khác bên cạnh sáng kiến FTAAP. Đáng lưu ý là sáng kiến do Úc đề xuất về “Cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương” (APC) trên cơ sở tập hợp 3 diễn đàn khu vực hiện nay là Cấp cao Đông Á, Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) và APEC; ý tưởng thành lập một khối thương mại Đông Á dựa vào “ ASEAN + 3” (gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc và 10 nước ASEAN) được thai nghén và thúc đẩy từ nhiều năm nay bởi ASEAN và các nước liên quan. Đặc biệt, gần đây, Nhật Bản đã đề xuất xây dựng Đối tác Kinh tế Chiến lược ở Đông Á nhằm mục tiêu xây dựng một thỏa thuận mậu dịch tự do giữa ASEAN, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Niu-Di-Lân. Song hành với các ý tưởng nói trên,  Mỹ và Xinh-ga-po cũng đang thúc đẩy Hiệp định Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

Thứ tư, hợp tác và liên kết kinh tế trong APEC góp phần tạo lập cơ sở cho việc hình thành FTAAP.

 

APEC được thành lập từ năm 1989 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế giữa các nền kinh tế thành viên. APEC hoạt động trên ba trụ cột chính là: Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, hợp tác kinh tế - kỹ thuật. Trong ba trụ cột này, tự do hoá thương mại và đầu tư là mục tiêu hàng đầu và hai trụ cột còn lại mang tính bổ trợ cho trụ cột thứ nhất. Năm 1994, tại Bô-go (In-đô-nê-xia) các Nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua mục tiêu thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư thông qua việc xoá bỏ dần các rào cản đối với thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và vào năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển (gọi là mục tiêu Bô-go). Sau đó, tại Hội nghị cấp cao Osaka (Nhật Bản) năm 1995, APEC thông qua các biện pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu đề ra, đó là các Kế hoạch hành động riêng của mỗi thành viên (IAP), Kế hoạch hành động tập thể (CAP) và Sáng kiến tự nguyện tự do hoá sớm đối với ngành (EVSL).

 

Tuy nhiên, sáng kiến EVSL đã chết yểu, sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính tiện tệ châu Á năm 1997. Đối với nhiều nhà quan sát, thất bại của sáng kiến EVSL thể hiện 2 hạn chế của tiến trình tự do hóa trong APEC:  Một là, APEC không phù hợp với các đàm phán chính thức về cam kết tự do hóa thương mại; hai là, hầu hết các nền kinh tế phát triển trong APEC đều ủng hộ  kiểu tự do hóa không phân biệt đối xử, nhưng có điều kiện, trong đó yếu tố có đi có lại đóng vai trò quan trọng, trong khi đó, nguyên tắc tự nguyện, không ràng buộc của APEC khó có thể ngay lập tức chuyển thành các cam kết có đi có lại. Điều này ngụ ý rằng bản thân tiến trình APEC ít có khả năng trở thành động lực cho tự do hóa thương mại trừ khi các thành viên chấp nhận các đàm phán dựa trên nguyên tắc có đi có lại hoặc các cam kết ràng buộc.

 

Năm 2005, APEC đã hoàn thành rà soát giữa kỳ quá trình thực hiện mục tiêu Bô-go của các thành viên và đề ra Lộ trình Bu-san, trong đó đưa ra những biện pháp cần thiết nhằm cố gắng thực hiện mục tiêu Bô-go đúng thời hạn. Các IAP của thành viên và việc kiểm điểm giữa kỳ cho thấy APEC đang đi đúng hướng trong việc hoàn thành các mục tiêu Bô-go. Hiện nay, Nhật Bản, Chủ tịch APEC 2010, đang cùng với In-đô-nê-xi-a chủ trì soạn thảo Bản kế hoạch đánh giá việc thực hiện mục tiêu Bô-go của các nền kinh tế thành viên phát triển vào năm 2010. Có nhiều ý kiến khác nhau và trái chiều về việc làm thế nào để đánh giá việc thực hiện mục tiêu Bô-go. Một số học giả cho rằng Bô-go là mục tiêu trừu tượng, do vậy khó có thể đánh giá được việc thực hiện. Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) cho rằng APEC khó có thể thực hiện mục tiêu Bô-go vào đúng thời hạn đầu tiên là năm 2010[16]. Nghiên cứu về khả năng phát triển FTAAP của các chuyên gia Trung Quốc và Niu Di-lân cho rằng FTAAP hay các đề xuất liên quan đến hội nhập kinh tế khu vực phải phù hợp và bổ sung cho mục tiêu Bô-go. Nói một cách khác, FTAAP là bước cụ thể hóa hơn mục tiêu Bô-go. Việc xem xét và nghiên cứu FTAAP sẽ thúc đẩy các nền kinh tế thành viên cân nhắc các bước triển khai phù hợp để đạt được mục tiêu Bô-go[17].  Là một cách để có thể thực hiện hội nhập kinh tế khu vực sâu hơn, FTAAP có thể được xem là một mục tiêu hữu hình, khả thi của mục tiêu Bô-go. Mặc dù trong APEC, rất nhiều ý kiến đánh giá FTAAP là khả thi, song cũng không ít thành viên vẫn coi FTAAP là mục tiêu dài hạn và chỉ nên bàn sau năm 2020. 

(Đọc phần tiếp theo)

TS. Phạm Quốc Trụ, Học viện Ngoại giao

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)



[1] Đến cuối năm 2006, trong khu vực Châu Á-Thái bình dương có 35 hiệp định FTA đã có hiệu lực và 40 thoả thuận FTA khác đang đàm phán.

[2] Báo cáo thường niên của Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC cho các nhà Lãnh đạo kinh tế năm 2006, xem mạng www.apec.org/apec/business_resources/apec_business_advisory .

[3] Tuyên bố của Các Nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Hội nghị cấp cao APEC Hà Nội tháng 11/2006, xem www.apec.org/apec/leaders_declarations/2006.html

[4] Tuyên bố của Các Nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Hội nghị cấp cao APEC Sidney tháng 9/2007, xem www.apec.org/apec/leaders_declarations/2007.html

[5] Báo cáo trình Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC 2007 và Tuyên bố của Hội nghị cấp cao APEC 2007, xem www.apec.org/apecleaders_declarations/2008.html 

[6] Tuyên bố của Hội nghị cấp cao APEC Singapore tháng 11 năm 2009, xem www.apec.org/apecleaders_declarations/2009.html

[7] Theo Ricardo, các nước sẽ đều thu được lợi khi buôn bán tự do với nhau vì mỗi nước sẽ tập trung vào sản xuất những mặt hàng họ có lợi thế hơn cả và trao đổi các sản phẩm đó với các nước khác để lấy những sản phẩm mà họ không tự sản xuất ra. Xem D. Ricardo, Những nguyên tắc của kinh tế chính trị học và thuế, nxb Flammarion, Paris 1971.

[8] Theo Viner, các FTA giúp tạo lập thương mại mới giữa các thành viên và làm dịch chuyển thương mại từ nước thành viên sang nước không phải là thành viên, do nước này được hưởng ưu đãi và do vậy làm chệch hướng thương mại bởi vì các thành viên FTA không có chính sách chung về thuế quan đối với các nước bên ngoài khối. Xem J. Viner, Vấn đề liên minh quan thuế, NY: Carnegie Endowment for International Peace, 1950.

[9] Lý thuyết này cho rằng một nước ký nhiều hiệp định mậu dịch tự do song phương với các nước khác sẽ có thể đóng vai trò là trung tâm trục kết nối tự do thương mại và do vậy được hưởng nhiều lợi ích, đặc biệt là các ưu đãi khác nhau có được nhờ các BFTA này (mỗi BFTA được xem như một chiếc nan hoa kết nối nước đối tác với nước trục). Xem “Thương mại và đầu tư trong một hệ thống trục và nan hoa so với khu vực mậu dịch tự do”, Tạp chí Kinh tế thế giới, 19 (3), 1966,  tr. 237-252.

[10] Lý thuyết này cho rằng trong bối cảnh tự do hoá đa phương không chuyển động thì tự do hoá thương mại thông qua các thoả thuận mậu dịch tự do song phương (BFTA) có thể là một giải pháp tốt hơn và nếu càng có nhiều BFTA trên thế giới thì sẽ càng tiến gần tới mục tiêu tự do hoá thương mại toàn cầu. Xem J. Bhagwati, Protectionism, Cambridge, Mass: The MIT Press, 1998.

[11]  Những người theo thuyết này chủ trương tạo ra ngày càng nhiều các thể chế quốc tế (tổ chức, định chế quốc tế) trong mọi lĩnh vực. Các thể chế này giúp hạn chế khả năng các quốc gia hành xử tuỳ tiện vì lợi ích của riêng mình, do đó có thể tránh được xung đột và chiến tranh. Xem R. Keohane, After Hegemony: Cooperation and Discord in the World Political Economy, Princeton, N.J. Princeton University Press, 1984.

[12] Tham khảo các hiệp định FTA Nhật-Singapore, Mỹ-Singapore, Mỹ-Hàn Quốc.

[13] Robert Scollay, "Preliminary Assessment of the Proposal for a Free Trade Area of the Asia-Pacific (FTAAP)", báo cáo nghiên cứu cho ABAC, 2004.

[14] Ban Thư ký APEC, APEC at a glance, Singpore 2010.

[15] Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, The APEC Region Trade and Invesment 2009, Canberra tháng 10/2009, trang 148-151.

[16] Xem Tuyên bố của Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái bình dương (PECC statement) tại Hội nghị các Quan chức cấp cao APEC lần thứ 2 tháng 5/2005.

[17] Nguồn: “Preliminary Inventory of Issues Related to a Possible Free Trade Area of the Asia Pacific”, Singapore, ngày 18 tháng 7 năm 2009