p09-120712-mp.jpg

Năm nay, hội nghị APEC diễn ra tại Manila cũng không mấy khác biệt. Các nhà lãnh đạo APEC không có gì mới để đưa ra, tuyên bố sẽ thúc đẩy việc hình thành một khu vực thương mại tự do bao gồm tất cả các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (mà Mỹ và Trung Quốc được cho là sẽ thúc đẩy theo những cách thức khác nhau), lên án các vụ thảm sát khủng bố mới đây tại Paris và cam kết chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, nếu theo dõi APEC và quá trình tự do hóa thương mại trong 15 năm qua, có một điều trở nên rõ ràng là các nước nhỏ, thậm chí các cá nhân, có thể làm nên sự khác biệt lớn. Người ta không nên coi thường những việc nhỏ trong tự do hóa thương mại và củng cố liên kết xuyên Thái Bình Dương. Tháng 8/2000, Singapore và New Zealand bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) lịch sử. Động thái này đã vấp phải nhiều phản đối khi đó, do nhiều nhà kinh tế cho rằng những thỏa thuận ưu đãi như vậy sẽ làm xói mòn hệ thống thương mại đa phương của WTO.

Ba tháng sau, Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đã đề xuất về ý tưởng FTA Singapore-Mỹ với Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong một buổi chơi golf tối tại Brunei. Sau một thời gian dài đàm phán, thỏa thuận đã đạt được. Đến giữa thập niên 2000, động lực ký kết FTA đã thay đổi. Năm 2005, tổ chức Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPSEP), gồm Brunei, Chile, New Zealand và Singapore đã được thành lập. Khi đó, không ai nghĩ đến nó sẽ trở thành thứ gì đó lớn hơn.

Năm 2009, những tiếng hò reo đã vang lên khi Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk thông báo Washington sẽ tham gia TPSEP. Sáu năm sau đó, Bộ trưởng Thương mại 12 nước hồi tháng trước đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh APEC vừa qua, Thủ tướng New Zealand John Key cho rằng đã gần 20 năm trôi qua kể từ vòng đàm phán Uruguay của WTO, FTA Singapore-New Zealand đã tạo nên một nền tảng nhỏ cho TPP, với những điều khoản cho nền kinh tế kĩ thuật số và doanh nghiệp nhà nước.

TPP dường như sẽ tiếp tục mở rộng. Các nước Indonesia, Thái Lan và Colombia đã bày tỏ sự quan tâm. Tại cuộc Đối thoại Cartagena IISS diễn ra tại Colombia hồi tháng Ba, Tổng Giám đốc IISS John Chipman đã gợi ý với đại diện Philippines mời Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tới tham dự các hội nghị APEC và tham dự hội nghị bàn tròn APEC- Liên minh Thái Bình Dương (PA) thường niên. Không giống như Chile, Mexico và Peru, các thành viên khác của PA, Colombia hiện không tham gia TPP hay APEC.

Cả đại diện Philippines và Tổng thống Santos đều nhất trí với ý tưởng này và sau nhiều cuộc điện thoại và được sự phê chuẩn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, mọi thứ đã xong. Tại hội nghị bàn tròn APEC-PA, tất cả các nhà lãnh đạo các thành viên APEC, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã chấp nhận sự hiện diện của Colombia trong APEC. Tuy nhiên, liệu lệnh cấm kết nạp thành viên mới lâu nay của APEC có được dỡ bỏ hay không thì vẫn chưa chắc chắn. Nhờ một số hoạt động hậu trường, Bogota giờ đây đã đặt một chân ở ngưỡng cửa. Ít nhất, Colombia sẽ có thể tham gia thảo luận bàn tròn APEC-PA năm tới ở Peru.

Không ai nên coi thường những sự khởi đầu nhỏ bé. Nhận thức chung về Colombia rằng đây là một quốc gia không phát triển lắm bị ma túy và tội phạm tàn phá. Trên thực tế, Colombia đang tiến gần đến việc chấm dứt 50 năm nội chiến và lúc đó kinh tế sẽ phát triển hơn.

Trong dài hạn, thúc đẩy một khu vực thương mại tự do rộng lớn bao gồm toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất mới đây sẽ là khó khăn. Giờ đây, cả Mỹ và Trung Quốc đang đưa ra những con đường khác nhau để đạt mục tiêu này, Mỹ với TPP và Trung Quốc với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với ASEAN và 5 quốc gia khác. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đã phàn nàn việc có quá nhiều quy định và chế tài liên quan đến các FTA, và việc thuyết phục cơ quan lập pháp các nước phê chuẩn, đặc biệt là Quốc hội Mỹ, sẽ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Bên cạnh đó, còn có trở lực khác. Mỹ và Trung Quốc đang trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở châu Á, với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày càng thấy rõ Trung Quốc đang tận dụng sức mạnh kinh tế của mình không chỉ để làm giảm căng thẳng trong khu vực, mà còn làm thay đổi nhận thức về hành động quyết đoán của Trung Quốc.

Theo “IISS

Anh Thư (gt)