Trung Quốc: Được tôn trọng, nhưng không còn được yêu mến

Khu vực Đông Nam Á đã trở thành tâm điểm chú ý trong thập kỷ qua vì những lý do đáng ghen tị nhưng cũng không mong muốn. Việc được công nhận là một trong những khu vực tăng trưởng kinh tế năng động và nhanh nhất  trên thế giới mà các nhà đầu tư và kinh doanh toàn cầu mong muốn có phần trong đó rõ ràng là yếu tố tích cực. Bên cạnh đó, sự tranh giành ảnh hưởng trong khu vực ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở thành vấn đề gây lo ngại nghiêm trọng.

Ảnh hưởng bao trùm của Trung Quốc đối với khu vực

Trước hết hãy nói về Trung Quốc. Quốc gia này được nhiều người xem là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất đối với khu vực Đông Nam Á, lớn hơn nhiều so với kết quả thăm dò dư luận năm 2019. Trung Quốc nhận được số phiếu bầu chọn lớn hơn gấp 10 lần so với bất kỳ nước nào khác.

Một số nhà kinh tế sẽ cảm thấy bối rối về điều này vì nó không tương thích với dữ liệu kinh tế khách quan. Chẳng hạn, số liệu thống kê chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2018 cho thấy Trung Quốc đứng sau Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản về dòng vốn đầu tư bên ngoài chảy vào khu vực Đông Nam Á. Tương tự, về sự hiện diện trong khu vực, các công ty Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ so với các công ty từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Ngay cả về thương mại, mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước ASEAN, nhưng nước này chỉ chiếm 18% tổng kim ngạch thương mại của khu vực.

Một lý do có thể giải thích cho kết quả này là Trung Quốc chi phối các lĩnh vực dễ nhận thấy và được đưa lên mặt báo nhiều hơn như du lịch. Ngành du lịch khu vực cũng cần phải nhanh chóng hành động vì tác động trực tiếp của sự sụt giảm lượng du khách Trung Quốc do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế đã được chứng minh đầy đủ.

Một lý do nữa cũng có thể là nhà nước Trung Quốc được cho là có dính líu nhiều hơn vào các dự án của các công ty Trung Quốc, và đương nhiên thu hút nhiều hơn sự chú ý của các phương tiện truyền thông. Chẳng hạn, mặc dù Chính phủ Malaysia đã đàm phán với Bắc Kinh về dự án Tuyến đường sắt duyên hải miền Đông, nhưng người ta cho rằng Kuala Lumpur sẽ không đàm phán với Washington về các dự án đầu tư của Microsoft hay Dells. Nếu nhận thức này quả thực là một nhân tố có tính chi phối, thì bản chất của hệ thống kinh tế Trung Quốc sẽ luôn mang lại cho nó tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Đi kèm với sự băn khoăn

Tuy nhiên, ngay cả hơn 70% số người được khảo sát xác định Trung Quốc là bên tham gia kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất đối với khu vực vẫn băn khoăn về điều này. Điều này phản ánh quan điểm của những người cho rằng Mỹ là nước có ảnh hưởng kinh tế lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Sự băn khoăn về Trung Quốc cũng xuất hiện trong một loạt vấn đề khác liên quan đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Trong khi phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả 10 nước thành viên ASEAN hoan nghênh sự đầu tư của Trung Quốc vào BRI, thì đa số những người tham gia cuộc khảo sát do ISEAS-Yusof Ishak thực hiện ở 7 nước hầu như không tin vào những cam kết của Bắc Kinh về việc giao dịch bình đẳng với họ. Việt Nam, Philippines và Indonesia là những nước hoài nghi nhiều nhất.

Ở Myanmar, nước đã chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước đến đây vào tháng 1/2020 và khởi động lại 3 dự án lớn trong khuôn khổ BRI, cứ 10 người được hỏi thì có 6 người hầu như không tin vào kế hoạch này. Ngay cả những người được khảo sát ở Campuchia, một trong những đối tác thân cận nhất của Trung Quốc, cũng chỉ tỏ thái độ tích cực hơn một chút khi trả lời các câu hỏi được đưa ra. Brunei là ngoại lệ duy nhất có thái độ hoàn toàn tích cực trước những cam đoan của Trung Quốc về BRI.

Có thể không hành động vì lợi ích chung

Nguyên nhân của toàn bộ thái độ thận trọng này đối với Trung Quốc là gì? Nó bắt nguồn từ nhận thức về thái độ của Trung Quốc đối với những vấn đề thuộc mối quan tâm chung như hòa bình, thịnh vượng và sự quản lý trên toàn cầu. Chỉ có 16% số người được hỏi tin rằng Trung Quốc sẽ hành động vì những lợi ích chung, trong khi đó, hơn 60% số người được hỏi hầu như không tin như vậy. Số người nói không đã gia tăng trong năm 2019.

Việc xem xét kỹ càng hơn phản ứng ở cấp quốc gia cho thấy đa số người dân ở hai nước Brunei và Lào có thái độ lạc quan đối với Trung Quốc. Những kết quả này cũng phản ánh sự phân chia về độ tuổi: Giới thanh niên hoài nghi nhiều hơn về Trung Quốc, làm gia tăng khả năng những lo ngại về Trung Quốc sẽ kéo dài và thậm chí có thể tăng lên.

Vậy đối với khu vực này, nước nào sẽ hướng nhiều hơn tới những lợi ích chung? Hầu hết đều cho rằng đó là Nhật Bản và EU, vốn là những bên ủng hộ thương mại tự do. Trung Quốc và Mỹ tụt lại phía sau, với tỷ lệ người ủng hộ mỗi nước là 15% tổng số người được hỏi. Mỹ làm tốt hơn Trung Quốc trong việc duy trì trật tự dựa trên nguyên tắc và luật pháp quốc tế.

Không phải tất cả đều là tin xấu đối với Trung Quốc

Liệu có phải Trung Quốc đã đánh mất lòng tin của Đông Nam Á? Hoàn toàn không phải như vậy, đặc biệt là khi xét về trung hạn. Trên thực tế, có một số điểm thú vị cho thấy Trung Quốc có thể giành được lòng tin của những người còn đang hoài nghi. Một trong số đó là mối quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á đang trên đà phát triển. Nhìn chung, số người có cái nhìn lạc quan về mối quan hệ này nhiều hơn số người có thái độ bi quan. Điều này cũng đúng đối với vấn đề phát triển mạng 5G, lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc đứng thứ hai, chỉ sau hãng Samsung của Hàn Quốc. Quyết định gần đây của Anh cho phép công ty công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển hệ thống mạng 5G trong tương lai của nước này cho thấy sự cởi mở của Anh, bất chấp mối quan hệ chặt chẽ giữa họ và Mỹ. Sự cởi mở này là thứ mà Trung Quốc có thể dựa vào để lấy lại lòng tin.

Tuy nhiên, có nhiều người bi quan về giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ dựa trên luật pháp quốc tế và sự tôn trọng của Trung Quốc đối với chủ quyền và các lựa chọn chính sách đối ngoại của các nước khác. Việc Trung Quốc gia tăng hơn nữa sự chi phối về kinh tế và sử dụng vũ lực trong vấn đề Biển Đông và sông Mekong khiến những người lạc quan dần có cái nhìn tiêu cực hơn về Bắc Kinh.

Một dấu hiệu tích cực khác đối với Trung Quốc là đa số người dân ở 5 nước ASEAN bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia và Myanmar đều lựa chọn Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, nếu họ buộc phải lựa chọn một trong hai cường quốc này. Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc có một số quân bài có thể tham gia cuộc chơi, họ vẫn phải thận trọng khi sử dụng những quân bài đó.

Mỹ ở Đông Nam Á: Đến hay đi?

Theo kết quả của cuộc khảo sát năm 2020 của ISEAS-Yusof Ishak, Trung Quốc đã lấn át Mỹ và trở thành bên tham gia chính trị và chiến lược có ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, cho dù kết quả khảo sát năm 2019 cho thấy Mỹ chi phối lĩnh vực chính trị-an ninh trong khu vực.

Những tín hiệu lẫn lộn

Chính quyền Trump đã gây chú ý vì thái độ tích cực đối với khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Triều Tiên, kể từ khi Donald Trump lên làm tổng thống. Mỹ cũng đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, mở rộng ranh giới trong quan hệ với Đài Loan và tăng cường quan hệ với các nước chủ chốt như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Cùng với Quốc hội, Chính phủ Mỹ thậm chí còn thành lập một đơn vị và thiết lập sẵn một khoản tài trợ khiêm tốn để cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc trong việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Cho dù như vậy, ngày càng có nhiều người trong khu vực hoài nghi về sự can dự của Mỹ ở Đông Nam Á. Điều đáng kinh ngạc là gần 80% số người được hỏi cho rằng sự can dự của Mỹ dưới thời Chính quyền Donald Trump đã giảm so với thời Barack Obama. Một điều dễ nhận thấy là sự hiện diện của Mỹ trong các cuộc họp khu vực đã giảm, nhất là thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) 2019.

Những khái niệm còn trong trứng nước

Trong hai năm qua, Mỹ đã đưa ra những khái niệm chiến lược mới đối với khu vực và khôi phục những khái niệm còn “ngủ đông”. Tuy nhiên, những hành động của Mỹ vẫn chưa đủ thuyết phục.

Đa số các chuyên gia cho rằng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn chưa rõ ràng cho dù Lầu Năm Góc đã công bố Báo cáo về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hồi tháng 6/2019. Tuy nhiên, hành động của Mỹ nhằm làm rõ khái niệm này đã giúp họ  giành được sự quan tâm lớn hơn. Ngày càng có nhiều nhà phân tích cho rằng đây là trật tự khu vực mới khả thi. Họ nhất trí với đường lối của Washington rằng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải để kiềm chế Trung Quốc, nhưng nhiều người vẫn lo ngại rằng nó sẽ làm giảm tính thích đáng của ASEAN.

Mỹ đã nhiều lần nhắc lại cam kết của mình về vai trò trung tâm của ASEAN, nhưng cam kết đó có thể mâu thuẫn với chính hành động của Mỹ, đặc biệt là sự hiện diện ở mức độ thấp của nước này tại EAS. Khu vực này cũng không tin vào ảnh hưởng của Đối thoại An ninh Tứ giác  (Quad), một dàn xếp phi chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Quad đã tổ chức thảo luận nhóm ở cấp cao nhất vào tháng 9/2019 bên lề hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tuy nhiên, thái độ hoài nghi này không biến thành sự miễn cưỡng tham gia các sáng kiến và hoạt động của Quad. Đồng tình với quan điểm vốn cởi mở và bao trùm của ASEAN, các chuyên gia tin rằng các nước trong khu vực cần tham gia các hoạt động của nhóm này. Campuchia là nước duy nhất mà ở đó đa số các chuyên gia phản đối ý tưởng tham gia các hoạt động của Quad.

Vẫn là đối tác được ưa thích

Mặc dù thái độ được bày tỏ trong cuộc khảo sát này có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Washington, nhưng tình hình không đến mức bi quan khi xem xét kỹ hơn những kết quả có được. Số người lựa chọn Mỹ là cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực (hơn 50%) lớn hơn nhiều so với số người chọn Trung Quốc (15%). Ngoài ra, khi phải đối mặt với câu hỏi ASEAN cần đứng về bên nào giữa Mỹ và Trung Quốc, hơn một nửa số người được hỏi lựa chọn Mỹ. Tuy nhiên, sự lựa chọn của các nước không giống nhau: Trung Quốc là sự lựa chọn rõ ràng đối với 5 nước thành viên ASEAN như đã nói ở trên.

Hướng tới Nhật Bản và EU

Về vấn đề rộng hơn là lòng tin vào việc Mỹ sẽ làm điều đúng đắn vì lợi ích toàn cầu, tỷ lệ người tin tưởng vào Mỹ hiện nay (30%) lớn hơn so với tỷ lệ năm 2019 (27%). Đa số người dân ở Philippines và Việt Nam, hai nước có tranh chấp lãnh thổ rõ ràng nhất với Trung Quốc trong những năm gần đây, tin rằng Mỹ sẽ hành động đúng.

Tuy nhiên, mức độ tin tưởng của khu vực đối với Mỹ vẫn thấp hơn mức độ tin tưởng vào Nhật Bản, với số người ủng hộ Nhật Bản chiếm hơn 60% số người được hỏi. Mỹ cũng đứng sau EU với tỷ lệ người tin tưởng là 39%. Quả thực, đây là những nước mà các quốc gia Đông Nam Á có thể xem xét các bên thứ ba trong trường hợp xảy ra bất trắc trong bối cảnh thù địch Mỹ-Trung. Cứ 10 người được hỏi thì có 4 người lựa chọn Nhật Bản; trong khi đó cứ 3 người được hỏi thì có 1 người lựa chọn EU. Trong những lĩnh vực cụ thể thuộc mối quan tâm chung, Mỹ tiếp tục có vị thế vững chắc trên cơ sở trật tự dựa trên nguyên tắc và luật pháp quốc tế, chỉ đứng sau EU. Tuy nhiên, Mỹ đứng sau cả Nhật Bản và EU trong lĩnh vực thương mại tự do.

Điều thú vị là Trung Quốc được cho là ngang hàng với Mỹ trong vai trò lãnh đạo đối với thương mại tự do. Chỉ cách đây vài năm, đây là điều khó có thể hình dung; nhưng giờ đây, nhận định này là có thể hiểu được vì Washington đã rút khỏi Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Mỹ đã tỏ thái độ quyết đoán đối với các vấn đề thương mại trong thời gian gần đây.

Dù Mỹ có thể giành lại được vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực này, nhưng nhiều người vẫn không tin vào sự đóng góp của Mỹ bởi Mỹ đang bị xao lãng bởi các vấn đề nội bộ của chính nước này. Nếu Mỹ thoát ra khỏi những vấn đề này thì họ sẽ có thể củng cố thêm quyền lực mềm để dựa vào. Đặc biệt, Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu trong vấn đề giáo dục phổ thông và tăng cường tiếng Anh - ngoại ngữ được ưa thích nhất trong khu vực - và có thể tận dụng điều này như một lợi thế./.

Choi Shing Kwok là Giám đốc của ISEAS (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á). Bài viết được đăng trên báo The Straits Times 

 Minh Anh (gt)