Rõ ràng, sau Chiến tranh Lạnh, châu Á về cơ bản đã duy trì hòa bình và ổn định, không nảy sinh xung đột trên quy mô lớn. Điều này đặt nền tảng vững chắc cho các nước châu Á tích cực tham gia toàn cầu hóa kinh tế, tập trung tinh thần xây dựng đất nước, cũng khiến cho mối quan hệ giữa các nước trong khu vực được cải thiện hơn nữa. Hiện nay, hợp tác khu vực châu Á đang phát triển mạnh mẽ, sự hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như xây dựng khu thương mại tư do… không ngừng có những bước tiến mới, nhất thể hóa kinh tế tiếp tục tăng tốc, đã trở thành động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế thế giới. Đây là xu hướng chủ yếu của tình hình châu Á hiện nay, cũng là xu thế phát triển của châu Á trong tương lai.

Bên cạnh đó, châu Á cũng đối diện với không ít thách thức an ninh, vừa có các mâu thuẫn an ninh do lịch sử để lại như tàn dư của Chiến tranh Thế giới thứ Hai, ân oán kéo dài trong Chiến tranh Lạnh, tranh chấp biển đảo, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nổi cộm như thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh năng lượng và lương thực... Ngoài ra, việc thông qua tăng cường liên minh quân sự song phương để tìm kiếm biện pháp an ninh tuyệt đối của quốc gia vẫn tồn tại, sự thiếu hụt lòng tin giữa một số nước vẫn cần phải bù đắp.

Hiện nay, toàn cầu hóa ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, việc dựa vào nhau giữa các nước ngày càng chặt chẽ, cùng hưởng phồn vinh, cùng chung hoạn nạn đang trở thành cộng đồng có chung vận mệnh. Các nước làm tốt các công việc của mình, chính là những đóng góp quan trọng đối với hòa bình, phát triển và an ninh khu vực. Chỉ có bao dung mở cửa, tôn trọng lẫn nhau, tăng cường hợp tác, thì các nước mới thực hiện vòng tuần hoàn lành mạnh của an ninh và phát triển, cùng chung sức xây dựng môi trường an ninh hài hòa ổn định.

Trước tình hình thế giới đã nảy sinh những thay đổi quan trọng, từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, trong tiến trình dần dần đi sâu tham gia hợp tác an ninh khu vực, Trung Quốc đã đưa ra “Quan niệm an ninh mới”. Trung Quốc không công nhận quan niệm an ninh cũ dựa trên các cuộc đọ sức “một mất một còn”, tranh bá sử dụng vũ lực, chính trị cường quyền, chủ trương các nước cùng nỗ lực, xây dựng quan niệm an ninh mới lấy lòng tin, cùng có lợi, bình đẳng, hợp tác làm đặc trưng. Khởi xướng an ninh toàn diện, an ninh hợp tác, an ninh chung. 

An ninh toàn diện là có tính liên hệ rất mạnh mẽ. An ninh không chỉ bao gồm an ninh quân sự, mà còn bao gồm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, an ninh lương thực... Đứng trước những thách thức an ninh mang tính tổng hợp và xuyên quốc gia như thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia..., bất kỳ quốc gia nào đều khó có thể chỉ biết đến bản thân, việc giải quyết những vấn đề này cần phải có chính sách thực thi tổng hợp.

An ninh hợp tác là an ninh phải thông qua hợp tác để thực hiện. Các bên đều phải tham gia bình đẳng, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, hợp tác. Khi tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á hồi tháng 10/2013, Thủ tướng Lý Khắc Cường lấy hình ảnh “bó đũa” được bó lại với nhau không dễ bị bẻ gãy làm ví dụ để nói rõ tầm quan trọng của an ninh hợp tác. Mỗi một quốc gia đều phải chịu trách nhiệm đối với an ninh khu vực, đều phải đảm nhận nghĩa vụ của mình.

An ninh chung là an ninh cùng hưởng của tất cả các bên liên quan. Không thể theo đuổi an ninh tuyệt đối của một nước, hoặc việc xây dựng an ninh của một nước trên cơ sở làm tổn hại an ninh của nước khác. Phải thừa nhận tính đa đạng của mối quan tâm về an ninh, bên cạnh việc thực hiện lợi ích an ninh bản thân phải xem xét nghiêm túc sự quan tâm an ninh của đối phương. Lấy Đông Bắc Á làm ví dụ, an ninh của Đông Bắc Á là an ninh bao phủ tất cả các nước trong khu vực. Phải xây dựng cơ chế an ninh tiểu khu vực khiến cho các nước có liên quan chủ yếu đều tham gia bình đẳng, nếu không khó có thể thực hiện an ninh thực sự.

Trong bài diễn văn tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao tháng 4/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng hòa bình giống như không khí và ánh sáng mặt trời, hầu như mọi người đều không nhận thấy khi đang được hưởng lợi từ nó, nhưng chúng ta lại không thể sống mà không có nó. Môi trường lớn của ổn định hòa bình châu Á không dễ đạt được, chúng ta phải bảo vệ và thúc đẩy an ninh của châu Á như thế nào? Xuất phát từ quan niệm an ninh mới, Trung Quốc chủ trương nỗ lực thực hiện an ninh khu vực từ mấy mặt sau: 

Một là, thúc đẩy nhất thể hóa khu vực là cơ sở quan trọng để bảo vệ an ninh châu Á. Liên kết chặt chẽ, thúc đẩy qua lại giữa phát triển và an ninh. Không có an ninh, phát triển sẽ không có cơ sở vững chắc. Không có phát triển, an ninh giống như cây không rễ. Đối với đa số các nước mà nói phát triển chính là an ninh lớn nhất. Về hợp tác kinh tế, châu Á đã xây dựng được khuôn khổ hợp tác tương đối hoàn thiện, hợp tác ASEAN với đối tác đối thoại (10+1), hợp tác ASEAN với Trung-Nhật-Hàn (10+3)… được triển khai mạnh mẽ; các cuộc đàm phán về khu thương mại tư do Trung-Nhật-Hàn về “Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực” (RCEP)… đang được thúc đẩy không ngừng; hợp tác về tài chính và kết nối có những bước tiến vững chắc… Trung Quốc phải tiếp tục thúc đẩy hợp tác khu vực phát triển đi vào chiều sâu, thắt chặt mối quan hệ lợi ích giữa các nước, không ngừng nỗ lực vì sự phát triển và phồn vinh chung của châu Á.

Hai là, sự giao lưu trao đổi tốt đẹp giữa các nước lớn là bảo đảm căn bản của việc bảo vệ an ninh châu Á. Các nước lớn làm thế nào để cùng chung sống là điều rất quan trọng đối với việc bảo vệ hòa bình và phát triển khu vực. Các nước lớn đều phải nhìn nhận một cách có lý tính và khách quan ý đồ chiến lược của đối phương, từ bỏ tư duy chiến tranh lạnh, tôn trọng lợi ích và sự quan tâm của đối phương, hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu. Đây là mong muốn của các nước trong khu vực, cũng là trách nhiệm của nước lớn. 

Ba là hoàn thiện các cơ chế đa phương khu vực hiện có là con đường quan trọng bảo vệ an ninh châu Á. Trung Quốc phải kiên trì chủ nghĩa đa phương, phản đối chủ nghĩa đơn phương. Các cơ chế như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Hội nghị cấp cao Đông Á… có tính dung nạp mạnh, giành được không ít thành quả tích cực về việc thúc đẩy hợp tác an ninh phi truyền thống, ngày càng nhận được sự coi trọng và thừa nhận của các bên, Trung Quốc phải không ngừng hoàn thiện việc xây dựng cơ chế của mình, phát huy vai trò lớn hơn trong hợp tác an ninh phi truyền thống của khu vực. 

Bốn là xây dựng khuôn khổ an ninh châu Á mới là khâu tất yếu của việc bảo vệ an ninh châu Á. Các bên ngày càng nhận thức được rằng việc hợp tác an ninh từ lâu nay luôn kém hơn hợp tác kinh tế sẽ không có lợi cho sự phát triển ổn định lâu dài của châu Á, việc xây dựng khuôn khổ an ninh khu vực phù hợp thực tế khu vực, thỏa mãn nhu cầu các bên là xu thế tất yếu. Các nước như Nga, Indonesia lần lượt đưa ra các sáng kiến như Tuyên bố nguyên tắc hợp tác an ninh châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp ước hợp tác hữu nghị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một số học giả cũng đề xuất các quan niệm như “trật tự an ninh cộng sinh”…, những sáng kiến và quan niệm này đều là những nghiên cứu có lợi cho khuôn khổ an ninh khu vực. Trung Quốc cho rằng việc khuôn khổ mới của an ninh châu Á được xây dựng trên cơ sở quan niệm an ninh mới, cần phải có lợi cho việc thúc đẩy xu thế hợp tác kinh tế và hợp tác an ninh trong khu vực. Đương nhiên, việc xây dựng khuôn khổ an ninh châu Á mới chắc chắn là một quá trình tiệm tiến, phải tuân thủ các nguyên tắc như hiệp thương nhất trí, không can thiệp nội chính, chú ý mối quan tâm của các bên, bắt đầu hợp tác từ những công năng cụ thể, khiến cho các bên dần dần tích lũy lòng tin.
Những năm gần đây, sự phát triển lớn mạnh của Trung Quốc đã trở thành nhân tố quan trọng tác động đến diễn biến phát triển của tình hình khu vực và trọng điểm quan tâm của các bên. Trung Quốc sẽ sử dụng như thế nào thực lực tăng lên không ngừng? Trung Quốc sẽ phát huy vai trò gì ở châu Á?

Cần phải nhận thức được rằng Trung Quốc vẫn là một nước lớn đang phát triển, nhiệm vụ cải cách, phát triển và ổn định trong nước rất nặng nề. Trong tương lai có thể dự đoán, sự quan tâm và lợi ích lớn nhất của Trung Quốc nằm ở phát triển bản thân. Trung Quốc sẽ dựa theo kế hoạch cải cách, mở cửa và phát triển to lớn mà Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 đã mô tả, nỗ lực xây dựng xã hội khá giả toàn diện đem lại lợi ích cho 1,3 tỷ dân. Thực hiện mục tiêu to lớn “hai lần 100 năm” (lần 100 thứ nhất là khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập được 100 năm, xây dựng xã hội khá giả toàn diện; lần 100 năm thứ hai là khi Trung Quốc thành lập được 100 năm xây dựng thành quốc gia hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa hài hòa, văn minh, dân chủ, giàu mạnh). Trung Quốc là quốc gia phát triển trong trật tự quốc tế hiện nay, bảo vệ sự ổn định của trật tự hiện có, từng bước thúc đẩy trật tự này đổi mới và cải cách, phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, cũng phù hợp với lợi ích của các bên liên quan trong khu vực.

Từ ngày 24-25/10/2013, Trung Quốc đã tổ chức buổi tọa đàm về công tác ngoại giao xung quanh. Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất quan niệm mới về ngoại giao xung quanh “thân, thành, huệ, dung” (Thân tức là thân thiện, thành tức là chân thành, huệ có nghĩa là cùng có lợi, còn dung tức là bao dung độ lượng), tái khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì phương châm ngoại giao xung quanh thân thiện với láng giềng, coi láng giềng là bạn, tiếp tục đi theo con đường phát triển hòa bình, khiến cho sự phát triển của Trung Quốc đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho các nước xung quanh.

Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại và nhân văn với các nước châu Á đi vào chiều sâu. Năm 2012, Trung Quốc đã đầu tư phi tài chính gần 55 tỷ USD vào châu Á, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch đầu tư đối ngoại của Trung Quốc. Từ năm 2013 đến nay, lãnh đạo Trung Quốc tập trung đến thăm các nước xung quanh, đã đưa ra một loạt sáng kiến hợp tác quan trọng, bao gồm xây dựng “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển” trong thế kỷ 21, khởi xướng xây dựng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, thúc đẩy khuôn khổ hợp tác “2+7” trong quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN, xây dựng Hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar, Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, đều đã giành được sự hưởng ứng tích cực của các nước châu Á. Nhất thể hóa kinh tế châu Á sắp bước vào thời kỳ phát triển, phồn vinh mới, Trung Quốc sẽ phát huy vai trò lớn hơn, tích cực hơn trong thời kỳ này.

Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên định thúc đẩy việc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới. Sau khi lên nhậm chức, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chọn Nga là điểm đến nước ngoài đầu tiên của mình, nguyên thủ hai nước tái khẳng định sẽ dốc sức xây dựng cục diện an ninh và phát triển bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Nga trở thành kiểu mẫu của quan hệ nước lớn lành mạnh.

Về mặt bảo vệ an ninh và sự phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc và Mỹ có lợi ích chung rộng rãi, hai bên đồng ý xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới, cam kết không xung đột không đối kháng, tôn trọng lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của nhau, tích cực mở rộng hợp tác thiết thực trên nhiều lĩnh vực, cùng thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu. Đương nhiên, sự nghiệp này trước nay chưa từng có, vì thế sẽ không thuận buồm xuôi gió. Hai nước phải tạo dựng lòng tin, hợp tác chân thành, tránh đi vào vết xe đổ xung đột và đối kháng giữa các nước lớn. Điều này không chỉ phù hợp với lợi ích bản thân của cả Trung Quốc và Mỹ, mà còn phù hợp với sự mong đợi của các nước trong khu vực.

Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên định ủng hộ việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò quan trọng trong hợp tác khu vực. Trung Quốc là quốc gia bên ngoài khu vực ASEAN đầu tiên ký “Hiệp ước hữu nghị hòa bình Đông Nam Á”, là nước lớn đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN. Trong thời gian đến thăm các nước Đông Nam Á, Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất muốn trao đổi với các nước Đông Nam Á về việc ký hiệp ước hợp tác hữu nghị láng giềng hòa thuận Trung Quốc-ASEAN, xây dựng Cộng đồng có chung vận mệnh Trung Quốc-ASEAN. Đây là sáng kiến chiến lược quan trọng mà Trung Quốc tập trung nâng cao mang tính thực chất quan hệ song phương trong tình hình mới, mong muốn sớm khởi động các cuộc đàm phán có liên quan với ASEAN.

Trung Quốc sẽ tiếp tục xử lý ổn thỏa các tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển với các nước có liên quan. Phương hướng cơ bản Trung Quốc nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Đông là không thay đổi, chủ trương chính sách giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua hiệp thương hữu nghị với các nước liên quan trực tiếp cũng không thay đổi. Trung Quốc và ASEAN đang cùng nỗ lực, thực hiện một cách có hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, tích cực thúc đẩy ổn thỏa tiến trình hoạch định “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông”. Trung Quốc nhất quán chủ trương trước khi giải quyết tranh chấp, có thể gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác, và đạt được nhận thức chung bước đầu về cùng nhau khai thác với các nước có liên quan. Trung Quốc còn bỏ ra 3 tỷ nhân dân tệ để xây dựng Quỹ hợp tác trên biển Trung Quốc-ASEAN, và đã quy hoạch các dự án hợp tác đầu tiên. Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển, Trung Quốc chưa từng chủ động gây hấn, nguyên tắc và giới hạn cuối cùng của Trung Quốc cũng không dễ bị khiêu khích.

Về vấn đề quần đảo Điếu Ngư, các hành động có liên quan của Trung Quốc hoàn toàn là các hành động chính đáng để thực hiện chủ quyền và quyền tài phán, không nên bị coi là hành động thay đổi hiện trạng. Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông là phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Từ những năm 50 của thế kỷ 20 đến nay, hơn 20 quốc gia bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã thiết lập Vùng nhận dạng phòng không của mình. Còn về vấn đề an ninh cho các máy bay bay trên không phận chồng chéo của Vùng nhận dạng phòng không giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai bên hoàn toàn có thể tăng cường đối thoại, cùng nỗ lực bảo vệ máy bay, tránh nảy sinh sự việc ngoài ý muốn. Trung Quốc hy vọng các nước có liên quan không nên có những phân tích quá mức và phản ứng thái quá đối với Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông của Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn đề điểm nóng khu vực. Trung Quốc sẽ thúc đẩy một cách kiên định tiến trình xóa bỏ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chân thành hy vọng các bên cùng chí hướng, tranh thủ sớm tái khởi động Đàm phán 6 bên, khiến cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên quay trở về quỹ đạo đàm phán. Trung Quốc ủng hộ Afghanistan thúc đẩy hòa giải dân tộc rộng rãi và khoan dung, tích cực tham gia công cuộc tái thiết hòa bình ở Afghanistan, tích cực tham gia hợp tác khu vực có liên quan đến Afghanistan. Vào năm 2014, Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 4 liên quan đến tiến trình Istanbul về vấn đề Afghanistan, đưa ra những đóng góp lớn hơn cho việc thúc đẩy hòa bình và phát triển của Afghanistan và khu vực Nam Á.

Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò là nước thúc đẩy và xây dựng cơ chế an ninh đa phương do ASEAN chủ đạo, tích cực thúc đẩy sự hợp tác trong các khuôn khổ liên quan không ngừng giành được tiến triển mới. Trung Quốc sẽ đảm nhận trách nhiệm an ninh khu vực quốc tế nhiều hơn, sẽ cung cấp nhiều hơn các sản phẩm an ninh công cộng cho châu Á và thế giới.

Trung Quốc là quốc gia có nhiều nhân viên tham gia gìn giữ hòa bình nhất trong số 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Từ năm 2008 đến nay, hải quân Trung Quốc đã cử 15 đội tàu chiến đến vịnh Aden và vùng biển Tây Ấn Độ Dương để thực hiện nhiệm vụ hộ tống tàu, một nửa số tàu được Trung Quốc hộ tống là các tàu buôn nước ngoài, trong đó có cả tàu của các nước châu Á. Với tư cách là một trong những quốc gia sử dụng chủ yếu các tuyến đường trên biển, Trung Quốc muốn cùng các nước tích cực nghiên cứu triển khai hợp tác an ninh trên các tuyến đường vận chuyển ở các vùng biển có liên quan, đồng thời đảm nhận trách nhiệm một cách tốt nhất. Tháng 11/2013, Philippines bị siêu bão HaiYan tàn phá, gây ra thương vong rất lớn. Trung Quốc đã viện trợ vật tư và tiền mặt cho Philippines, đồng thời còn cử đội điều trị và tàu bệnh viện “Phương châu hòa bình” đến Philippines tham gia cứu trợ. Hành động tìm kiếm cứu nạn ở Philippines cho thấy tầm quan trọng và tính cấp bách của việc nhanh chóng xây dựng cơ chế hợp tác cứu nạn trong khu vực. Trung Quốc muốn đưa ra những đóng góp lớn hơn cho việc thúc đẩy xây dựng khả năng quản lý tai họa của các nước trong khu vực. Trung Quốc sẽ cùng với Malaysia tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn năm 2015 nằm trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN. 

Những năm gần đây, Hội đồng hợp tác an ninh châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) là mạng lưới tư vấn an ninh có tầm ảnh hưởng quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đưa ra những đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hy vọng các chuyên gia của CSCAP tiếp tục nỗ lực, tích cực tìm kiếm và nghiên cứu những thách thức an ninh mà châu Á phải đối diện bằng tư duy đổi mới sáng tạo, đưa tới sự ủng hộ trí lực ngày càng chất lượng hơn cho việc thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực.

Theo Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Trung Quốc

Trần Quang (gt)