Giờ đây, dường như một số thành viên ASEAN muốn đặt lợi ích quốc gia của họ và các lợi ích của ASEAN xuống dưới lợi ích của Trung Quốc. Thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trong các tuyên bố chủ quyền trên biển đã góp phần vào chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ Tự do tại Nhật Bản và việc bà Park Geun-hye được bầu làm nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Những căng thẳng khu vực đang tăng lên cũng là một phần lý do khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công du Đông Nam Á ngay sau khi tái cử. Tại Nhật Bản, những quan ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc đã trở nên mạnh đến mức buộc một chính phủ, đã có thái độ thù địch đáng kể đối với liên minh Mỹ-Nhật khi lên nắm quyền 3 năm trước đây, đến tháng 11/2012 bắt đầu ca ngợi những cam kết phòng thủ chung của liên minh này khi đối đầu với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Những quan ngại an ninh đằng sau các hoạt động ngoại giao này đang tạo thành một liên minh lớn, không chỉ gồm các nền dân chủ của khu vực mà gồm cả những nước như Việt Nam có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Ngay cả Ấn Độ - đang thận trọng về việc tăng cường các quan hệ an ninh với Mỹ - cũng ủng hộ ý tưởng phòng thủ khu vực, gồm cả Mỹ, Ấn Độ và các nước Đông Á khác. Sự ủng hộ rộng rãi đối với việc xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực toàn châu Á không chỉ được phản ánh trong các kết quả bầu cử tại Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn thể hiện ở việc Mianma đón chào ông Obama mới đây. Người Mianma biết rằng, tiến trình chuyển tiếp dân chủ của đất nước họ là kết quả trực tiếp của việc Trung Quốc đã yêu cầu quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ.

Cho đến nay, phản ứng của Trung Quốc đối với tất cả các hoạt động mới này là kiên quyết không lùi bước và khăng khăng đòi giải quyết những tranh chấp lãnh thổ với các nước thành viên ASEAN, yếu hơn về quân sự, trên cơ sở song phương. Tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã làm thất bại các nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc tạo ra một diễn đàn đa phương và đề ra Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. Bằng việc này, Trung Quốc đã chia rẽ và đe dọa tham vọng của ASEAN - tự chuyển đổi thành một khối khu vực kiểu Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2015. Trung Quốc đã thành công do giành được sự ủng hộ của Thủ tướng Campuchia Hun Sen - Chủ tọa Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11 vừa qua. Tuyên bố gần đây của chính quyền tỉnh Hải Nam về việc cảnh sát Trung Quốc sẽ có quyền lên tàu và bắt giữ những con tàu bị nghi ngờ thực hiện các hoạt động "bất hợp pháp" trong lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền từ ngày 1/1/2013 có thể làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực. Nhiều người quan ngại rằng tuyên bố trên sẽ cho phép lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc can thiệp vào hoạt động thương mại tại Biển Đông. Theo nhà phân tích Stephanie Kleine-Ahlbrandt của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cách tiếp cận này dường như "là một phần trong chiến lược chung của Bắc Kinh nhằm bảo vệ bằng vũ lực những tuyên bố chủ quyền của họ". Hậu quả của lập trường ngày càng cứng rắn của Trung Quốc, theo Tổng thư ký ASEAN sắp mãn nhiệm Surin Pitsuwan, là châu Á đang bước vào giai đoạn "nhiều tranh cãi nhất" trong những năm gần đây. Ông Pitsuwan cảnh báo rằng Biển Đông có thể trở thành một Palextin nữa nếu các nước không nỗ lực hơn để tháo gỡ căng thẳng. 

Quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng "sự ổn định chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc đang bị các lực lượng bên ngoài đe dọa". Quan điểm trên của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là tiên lượng xấu cho việc khó có thể đạt được một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp lãnh thổ của họ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Một đất nước mà dân chúng bất ổn và tầng lớp trung lưu thất vọng thì giới cầm quyền rất có thể coi "sự phiêu lưu ở nước ngoài" là cách tốt nhất để duy trì sự thống nhất ở trong nước.

Tác giả Jaswant Singh là người duy nhất từng đảm nhiệm các chức vụ như Bộ trưởng tài chính  (1996, 2002-2004), Bộ trưởng ngoại giao (1998-2004) và Bộ trưởng quốc phòng (2000-2001) của Ấn Độ. Bài viết được đăng trên trang Project syndicate (ngày 22/12).

Viết Tuấn (gt)