Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7) từ ngày 14-15/4/2015 tại thành phố Lubeck (Đức) đã tạo bước ngoặt lịch sử khi ra tuyên bố về an ninh biển, kêu gọi sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm đảm bảo tự do, an ninh hàng hải và chống lại các hành động đơn phương khiêu khích của bất kỳ quốc gia nào; nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu trong việc duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh hàng hải quốc tế. Đây rõ ràng là một thông điệp tinh tế gửi đến Trung Quốc.

Được biết đến như là câu lạc bộ bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới, hội nghị Ngoại trưởng G-7 tập trung thảo luận các vấn đề kinh tế, tuy nhiên hội nghị năm nay đã ra tuyên bố về an ninh biển  liên quan đến tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử gần 40 năm của nhóm G-7. Ngoại trưởng các nước Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ và các đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã tái khẳng định cam kết đảm bảo tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Tuyên bố của G-7 bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông và đang đẩy nhanh kế hoạch biến các bãi đá tại đây thành đảo nhân tạo, bất chấp sự phản đối quyết liệt của các nước liên quan và quốc tế. Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi tiếp tục quan ngại về tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông, bày tỏ quan ngại đối với bất cứ hành vi đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng tương tự như việc lấn biển xây đảo quy mô lớn”.

Việc đề cập đến các hành động trên Biển Đông và biển Hoa Đông cho thấy thông điệp rõ ràng đang nhắm đến Bắc Kinh. Thực tế, Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Bắc Kinh thường xuyên điều tàu đến vùng biển quanh quần đảo do Tokyo kiểm soát, dẫn tới nguy cơ xung đột giữa hai nước. Trong khi đó, các quốc gia nhỏ hơn ở Đông Nam Á thường phải đối mặt với sức ép từ Trung Quốc. Việt Nam và Philippines đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Do đó, hai nước này đang tăng cường củng cố quốc phòng và quan hệ chiến lược với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuyên bố của G-7 cũng nhấn mạnh rằng việc chia sẻ các quan ngại về tình trạng hiện nay ở châu Á là rất quan trọng không chỉ đối với Nhật Bản, Mỹ mà còn với các quốc gia châu Âu do số lượng lớn hàng hóa của các nước trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển. G-7 cho rằng an ninh biển là một điều kiện tiên quyết trong việc đảm bảo tự do hoạt động kinh tế. Phát triển và khai thác các quyền và lợi ích trên biển phải được tiến hành theo hướng hợp tác giữa các quốc gia và trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Nhật Bản và Ấn Độ chia sẻ mối quan tâm đối với các tranh chấp ở Biển Đông tại các diễn đàn song phương và khu vực. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ lo ngại về tình trạng gia tăng các tranh chấp tại Biển Đông gần đây và công khai nói rằng Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh vượt trội của mình để gây sức ép đối với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực. Tuyên bố của Tổng thống Obama được đưa ra sau khi Bắc Kinh công khai tuyên bố kế hoạch xây dựng và cải tạo các đảo ở Biển Đông ngày 9/4/2015.

Theo tuần báo "IHS Jane Defence", Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng đường băng đầu tiên trên một hòn đảo nhân tạo ở vùng tranh chấp trên Biển Đông, có khả năng tiếp nhận máy bay quân sự cỡ lớn. Hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày 23/3/2015 cho thấy các công trình đang được xây dựng trên nền đất cải tạo ở đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có phần đường băng đã được trải nhựa nằm ở phía Đông Bắc và các khu vực xung quanh đang được mở rộng mặt bằng. Với chiều dài có thể lên đến 3.000 m, đây là đường băng thích hợp cho mục đích quân sự khi so sánh với các đường băng quân sự thường dài từ 2.700 – 4.000m trên đất liền của Trung Quốc.

Trung tâm CSIS cho rằng việc xây dựng, cải tạo các đảo này sẽ góp phần quan trọng giúp Trung Quốc cải thiện khả năng tiếp tế nhiên liệu và hậu cần ở khu vực phía Nam Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang cải tạo các đảo để xây dựng hải cảng cho các tàu quân sự neo đậu. Tuyên bố của G-7 phản đối mọi hành động đơn phương gây căng thẳng cho khu vực, bao gồm việc bồi đắp đất trên diện rộng, làm thay đổi hiện trạng khu vực Biển Đông của Trung Quốc thời gian qua; phản đối mạnh mẽ mọi âm mưu nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ-lãnh hải bằng cách đe dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực; kêu gọi các bên theo đuổi biện pháp dàn xếp hoặc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, G-7 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các thỏa thuận hay các công cụ giải quyết tranh chấp khu vực, kêu gọi đẩy nhanh việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), trong khi ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)... Tuyên bố chung cũng kêu gọi tất cả các bên thúc đẩy đàm phán về COC và cho biết một hội nghị cấp cao nhóm G-7 về an ninh biển sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Đáp lại, ngày 17/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Trung Quốc trước sau như một chủ trương: các tranh chấp liên quan cần phải được giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương song phương, mong các nước liên quan tôn trọng đầy đủ những nỗ lực giữ gìn hoà bình và ổn định khu vực của các nước trong khu vực, làm nhiều việc có lợi cho hoà bình và ổn định của khu vực. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải thì nói rằng Trung Quốc đang tăng cường khả năng của mình ở Biển Đông nhằm mục đích duy trì an ninh, ổn định và tự do hàng hải ở đó.

Trung Quốc ngày càng quyết đoán và hiếu chiến, do đó các nước bị ảnh hưởng trực tiếp từ mối đe dọa Trung Quốc không có lựa chọn nào hơn ngoài việc thuyết phục bạn bè quốc tế giúp đỡ họ. Mặc dù có tiềm lực nhưng cả Việt Nam và Philippines đều không phải là đối thủ của Trung Quốc về mặt quân sự. Do đó, cả hai nước đang tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, thậm chí Philippines đã đâm đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Công lý Quốc tế ở La Hay. Nhật Bản cũng đang sử dụng diễn đàn G-7 để gây sức ép buộc Trung Quốc tôn trọng và thực hiện luật pháp quốc tế. Bảo đảm sự ổn định trong khu vực Đông Á và ngăn chặn hành động đơn phương của bất kỳ quốc gia nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, là vô cùng quan trọng đối với hòa bình thế giới. Luật pháp quốc tế phải được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của các nước có trách nhiệm và các quốc gia nhóm G-7 phải tìm ra các biện pháp thực sự hiệu quả để đạt được điều này.

Vai trò của ASEAN trong viêc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông là rất quan trọng. Các thành viên ASEAN phải nhận ra rằng Bắc Kinh sẽ khai thác sự chia rẽ giữa các thành viên ASEAN để tạo lợi thế trong đàm phán. Do đó, những gì ASEAN cần tập trung giải quyết trong tranh chấp với Trung Quốc là tăng cường đoàn kết và hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ bằng cách tham gia tập trận chung, tăng cường giám sát hàng hải, chia sẻ thông tin và có các cách thức tăng cường hợp tác khác. Cả Việt Nam và Philippines đã chứng kiến các hành vi ngang ngược, hiếu chiến của Trung Quốc trong những năm qua như vụ đặt giàn khoan trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sử dụng vòi rồng bắn vào tàu cá Việt Nam. Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào ngày 31/12/2015 là cơ hội tốt để ASEAN tăng cường đoàn kết và củng cố sức mạnh để giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông và đối phó với các mối đe dọa và thách thức từ Trung Quốc.

Việt Nam và Philippines là hai quốc gia đi đầu trong ASEAN trong cuộc đấu tranh chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông. Với việc cho phép quân đội Mỹ tiếp tục đồn trú tại nước này, Philippines đã thể hiện nguyện vọng tiếp tục phụ thuộc vào sức mạnh răn đe của Mỹ. Tương tự như vậy, bằng cách tăng cường quốc phòng và hợp tác quân sự với Ấn Độ và Nhật Bản, Việt Nam đã cho Bắc Kinh thấy rằng Hà Nội không đơn độc. Ấn Độ có lợi ích kinh tế khi hợp tác với Việt Nam thăm dò, khai thác các lô dầu khí ở Biển Đông. Cựu Tư lệnh hải quân Ấn Độ D.K. Joshi đã từng nói: Hải quân Ấn Độ sẽ di chuyển đến khu vực Biển Đông nếu lợi ích của nước này bị đe dọa. Ấn Độ không chấp nhận Trung Quốc tiến hành các hoạt động gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, ép buộc các nước và không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Liệu ASEAN có thể ngăn chặn hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông? Xét về khả năng quân sự và sức mạnh, không quốc gia nào trong các thành viên ASEAN có thể đối phó với Trung Quốc. Do đo, ASEAN cần phải đoàn kết và thể hiện lập trường thống nhất trong giải quyết tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời tăng cường quan hệ với các cường quốc và bè bạn trên thế giới. Ấn Độ và Nhật Bản có thể đáp ứng được vai trò này, do đó ASEAN cần tăng cường quan hệ với hai nước này. Tuyên bố về an ninh biển tại Lubeck xứng đáng được phổ biến và đánh giá cao bởi tất cả các quốc gia tôn trọng các giá trị và luật pháp quốc tế. Ấn Độ nên thể hiện vai trò tích cực trong giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông để bảo vệ các lợi ích kinh tế cũng như thực hiện chiến lược của mình đối với khu vực này.

Tiến sĩ Rajaram Panda - nguyên chuyên viên nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng, hiện là nhà nghiên cứu độc lập về các vấn đề an ninh và chiến lược. Bài viết đăng trên “Viện Nghiên cứu Trung Quốc” thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chennai (Ấn Độ).

Vũ Hiền (gt)