Tóm tắt

Tháng 8/2017, Việt Nam cho biết nước này đã mua của Ấn Độ tên lửa hành trình chống hạm BrahMos, một loại vũ khí mà Việt Nam từ lâu đã đánh giá cao. Không trình bày quá cụ thể, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết "việc Việt Nam mua trang thiết bị phòng thủ là nhất quán với chính sách hòa bình và tự vệ và là hoạt động bình thường trong quốc phòng". Tuy nhiên, Ấn Độ tuyên bố rằng các báo cáo về thỏa thuận này là "không chính xác". Mặc dù vậy, việc Hà Nội đang nổi lên như một nước then chốt trong chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ là điều không còn nghi ngờ gì nữa.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới thăm Việt Nam vào năm 2016, trên đường tới Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ trong 15 năm, chuyến thăm này rõ ràng cho thấy New Delhi đã không còn do dự trong việc mở rộng sự hiện diện của họ ở vùng ngoại vi của Trung Quốc. Chính quyền Modi đã không giấu giếm mong muốn đóng một vai trò quyết đoán hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chính Modi đã lập luận rằng Ấn Độ có thể là chỗ dựa cho hòa bình, thịnh vượng và sự ổn định ở châu Á và châu Phi. Do đó, động thái vươn tới Việt Nam với tham vọng lớn hơn hẳn không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã được tăng cường trong những năm gần đây với trọng tâm chung là các vấn đề an ninh khu vực và thương mại. Theo truyền thống, Ấn Độ có được sự hiện diện thuận lợi ở Việt Nam nhờ việc nước này ủng hộ Việt Nam giành độc lập từ Pháp và cuối cùng thống nhất đất nước, cũng như phản đối sự dính líu của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Việt Nam và Ấn Độ có lịch sử quan hệ ngoại giao phong phú. Ấn Độ đã kiên định ủng hộ Bắc Việt Nam trong những thời kỳ thử thách nhất của phong trào độc lập của nước này. Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Chính phủ Việt Nam ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước vào giữa những năm 1970. Cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều là đồng minh thân cận của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, cả 2 quốc gia đều có thiên hướng mạnh mẽ là nhấn mạnh sự tự chủ chiến lược trong các chính sách đối nội và đối ngoại của họ, điều thường dẫn tới xích mích với Mỹ. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm gần đây, quan hệ của hai nước đã trở nên có định hướng mang tính chiến lược. Thương mại song phương cũng đã tăng trưởng kể từ khi hai nền kinh tế Ấn Độ và Việt Nam được tự do hóa. Việt Nam đã ủng hộ vai trò nổi bật hơn của Ấn Độ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như nỗ lực của Ấn Độ trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Sự tin tưởng lẫn nhau, các mối đe dọa nổi lên từ một Trung Quốc đang trỗi dậy, và sự hội tụ của các lợi ích chiến lược đã góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa 2 nước tới mức mà giờ đây Việt Nam can dự với Ấn Độ với tư cách là một đối tác chiến lược toàn diện, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cả 2 nước đều coi trọng quan hệ đối tác trọng yếu này. Việc thể chế hóa quan hệ đối tác song phương này đã diễn ra nhanh chóng. Hai nhà nước đã ban hành một Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện vào năm 2003, trong đó 2 nước dự định hình thành một "Vòng cung lợi thế và thịnh vượng" ở Đông Nam Á và bắt đầu đối thoại chiến lược từ năm 2009.

Thông qua Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ năm 2007, Ấn Độ và Việt Nam đã nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược ở cấp thứ trưởng ngoại giao. Năm cuộc đối thoại chiến lược đã được tổ chức: lần đầu tiên vào năm 2009 và gần đây nhất vào tháng 8/2016. Từ năm 2007, 2 nước cũng đã tổ chức các cuộc đối thoại chính sách quốc phòng thường niên, trong đó cuộc đối thoại lần thứ 10 đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3/2017. Năm 2015, 2 nước đã ký kết Tuyên bố về tầm nhìn chung giai đoạn 2015-2020, trong đó 2 nước cam kết thường xuyên trao đổi và tương tác quốc phòng, thương mại quốc phòng, huấn luyện và hợp tác trong việc phát triển các công nghệ mới sau đó.

Bài viết này mô tả các xu hướng gần đây trong quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam, tập trung vào các nhân tố then chốt thúc đẩy sự can dự song phương này. Bài viết lập luận rằng được thúc đẩy bởi việc nhấn mạnh những thay đổi cơ bản về cấu trúc và cam kết mạnh mẽ của ban lãnh đạo chính trị của 2 quốc gia, quan hệ Ấn Độ-Việt Nam có khả năng phát triển vững mạnh hơn trong những năm tới.

Những thực tế chiến lược đang tiến triển

Một trong những tác nhân chi phối đáng kể nhất đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam đi vào chiều sâu là việc giữa họ có cùng chung mối e ngại trước một Trung Quốc hung hăng, mà sự quyết đoán ngày càng tăng của nước này được phản ánh qua việc tăng cường các hệ thống vũ khí, trong đó có các hệ thống chống máy bay và phòng thủ tên lửa, trên các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng ở (Biển Đông. Ở Việt Nam, thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc là một vấn đề gây quan ngại trực tiếp về an ninh, trong khi Ấn Độ đã và đang xem xét kỹ lưỡng sự bành trướng trên biển của Trung Quốc vào khu vực Ấn Độ Dương. Ấn Độ cũng đang phải chịu gánh nặng của một Trung Quốc đang trỗi dậy, mà chính sách bành trướng của nước này gần đây nhất đã được biểu hiện trong cuộc đối đầu giằng co kéo dài 73 ngày giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở cao nguyên Doklam gần ngã ba Ấn Độ-Bhutan-Trung Quốc. Để đáp trả, trong thời gian gần đây, Ấn Độ đã tích cực tìm cách can dự với các nước trong khu vực có chung các nhận thức tương tự về Trung Quốc.

Trung Quốc đã và đang phản đối các dự án của Ấn Độ, khẳng định rằng vùng lãnh thổ này thuộc chủ quyền của mình. Ấn Độ tiếp tục giữ vững lập trường rằng các dự án thăm dò trong khu vực này mang tính thương mại thuần túy, trong khi Trung Quốc coi các hoạt động như vậy là vấn đề về quyền chủ quyền. Những động thái của Ấn Độ đã khiến Trung Quốc bất an và nhìn nhận sự can dự ngày càng gia tăng của nước này ở Đông Á và Đông Nam Á với con mắt nghi ngờ.

Việc Ấn Độ thâm nhập khu vực Biển Đông bị tranh chấp thông qua Việt Nam nói lên nhiều điều. Ấn Độ đã ký kết một thỏa thuận với Việt Nam vào tháng 10/2011 nhằm mở rộng và thúc đẩy hoạt động thăm dò dầu mỏ ở Biển Đông và bảo vệ quyết định của mình, bất chấp việc Trung Quốc thách thức tính hợp pháp của sự hiện diện của Ấn Độ. Sau khi yêu cầu các quốc gia "bên ngoài khu vực" tránh xa Biển Đông, Trung Quốc đã gửi một công hàm ngoại giao tới Ấn Độ vào tháng 11/2011, nhấn mạnh rằng việc thăm dò các lô 127 và 128 phải được sự cho phép của Bắc Kinh. Nếu không có sự cho phép này, các hoạt động của Công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Ltd. (OVL), công ty dầu mỏ lớn thứ hai Ấn Độ, sẽ bị coi là bất hợp pháp. Trong khi đó, Việt Nam đã nhấn mạnh Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 nhằm khẳng định quyền chủ quyền của nước này đối với 2 lô đang được thăm dò. Ấn Độ đã quyết định thuận theo các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và phớt lờ những sự phản đối của Trung Quốc.

Vì Hà Nội đã công khai đối chọi với Bắc Kinh về các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh lẫn nhau của họ đối với Biển Đông trong vài năm qua, nên một phản ứng như vậy là nằm trong dự kiến. Tuy nhiên, điều mới mẻ là sự quyết liệt của New Delhi trong việc chống đối với Trung Quốc. New Delhi, vốn thường thích đứng ở bên lề và tránh về phe với bất kỳ ai, dường như đang nhận ra rằng họ không thể duy trì thái độ khoanh tay đứng nhìn đầy xa xỉ nếu muốn bảo toàn uy tín với tư cách là một bên tham gia đáng kể ở cả Đông Á lẫn Đông Nam Á. Bằng việc ủng hộ các tuyên bố của Hà Nội và chấp nhận lời mời của Việt Nam tới thăm dò 2 lô dầu này, Ấn Độ không chỉ bày tỏ mong muốn của nước này làm sâu sắc thêm tình hữu nghị với Việt Nam, mà còn phớt lờ lời cảnh báo “hãy tránh xa” của Trung Quốc.

Tháng 6/2012, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) thuộc sở hữu nhà nước đã mở thầu cho hoạt động thăm dò đối với 9 lô thuộc vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Lô dầu mỏ 128, mà Việt Nam lập luận là thuộc Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được trao cho nước này theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển, là một phần trong 9 lô được CNOOC mời thầu trên phạm vi toàn cầu.

Bằng việc mời thầu trên phạm vi toàn cầu đối với một lô dầu mỏ của Việt Nam, vốn đang được một công ty dầu khí Ấn Độ thăm dò, Trung Quốc đã dồn Ấn Độ vào thế bí. Việc Ấn Độ không bị đe dọa bởi những thủ đoạn của Trung Quốc được thể hiện rõ trong Diễn đàn khu vực ASEAN 2012 ở Phnom Penh, tại đây New Delhi đã đưa ra lập luận mạnh mẽ ủng hộ không chỉ quyền tự do hàng hải, mà cả quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Bất chấp việc phát đi tín hiệu chính trị, ngay cả Hải quân Ấn Độ, vốn tỏ ra ngắn gọn súc tích trong các trường hợp khác, cũng cam kết bảo vệ các lợi ích thương mại của Ấn Độ ở Biển Đông.

Tháng 11/2013, OVL và Petro Vietnam đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc thúc đẩy thăm dò và khai thác chung các tài nguyên dầu mỏ của Việt Nam. Quyết định của OVL thăm dò dầu mỏ với Việt Nam được đưa ra sau sự việc vào tháng 7/2011 khi một tàu chiến không xác định của Trung Quốc yêu cầu Tàu hải quân Ấn Độ (INS) Airavat, một tàu tấn công đổ bộ, tự trình báo danh tính và giải thích sự hiện diện của mình ở Biển Đông sau khi rời khỏi vùng biển của Việt Nam. Tàu chiến Ấn Độ này đã ở trong vùng biển quốc tế sau khi hoàn thành chuyến thăm cảng theo lịch trình tại Việt Nam.

Ở Biển Đông và Đông Thái Bình Dương, Ấn Độ đang từng bước đối đãi với Việt Nam như cách Trung Quốc nhìn nhận Pakistan ở Nam Á: là một nguồn tạo ra sức ảnh hưởng chiến lược. Các chiến lược gia Ấn Độ từ lâu đã đề xuất rằng New Delhi nên tận dụng những xung đột của Việt Nam với Bắc Kinh để phục vụ cho lợi ích của mình. Từ khi 2 quốc gia ký kết Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 11/2007, nâng quan hệ song phương của hai nước lên tầm quan hệ đối tác chiến lược, sự hợp tác an ninh Ấn Độ-Việt Nam đã được đẩy nhanh.

Việt Nam đang từng bước trở thành nhân tố cốt yếu của động thái hướng Đông của Ấn Độ. Từng đối đầu với Bắc Kinh trong một cuộc chiến chóng vánh vào năm 1979, Hà Nội đã trở nên thận trọng trước sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Đây là lý do giải thích tại sao đối với một số nhóm người ở New Delhi, Việt Nam đã được nhìn nhận như một đối trọng, phần lớn giống với vai trò của Pakistan đối với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn mở rộng sự hiện diện của nước này ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương, thì tình cảm ở New Delhi là Ấn Độ có thể làm điều tương tự ở Đông Á. Nếu Trung Quốc có thể có quan hệ đối tác chiến lược với Pakistan và phớt lờ các mối quan ngại của Ấn Độ, thì Ấn Độ có thể phát triển mạnh mẽ quan hệ với các nước thuộc vùng ngoại vi của Trung Quốc như Việt Nam mà không cho Trung Quốc cơ hội bác bỏ các mối quan hệ như vậy.

Điều này có nghĩa là New Delhi đã sẵn sàng thách thức Bắc Kinh ở sân sau của họ. Ít nhất là cho đến nay, lập trường này đang nhận được sự hoan nghênh từ các quốc gia như Việt Nam, vốn lo sợ trước thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

Hợp tác quốc phòng

Hợp tác quốc phòng là trụ cột thứ hai của mối quan hệ đối tác song phương này. Ấn Độ và Việt Nam đã ký kết Nghị định thư về hợp tác quốc phòng chính thức vào năm 2000, trong đó bao hàm việc mua bán các máy bay trực thăng quân sự, trang thiết bị cho việc sửa chữa máy bay của Việt Nam và các sáng kiến huấn luyện cho quân nhân Việt Nam. Sau sự kiện này, một số lĩnh vực hợp tác đã trở thành chuẩn mực. Các lĩnh vực này bao gồm "việc thường xuyên trao đổi thông tin tình báo, hoạt động huấn luyện chung của lực lượng cảnh sát biển nhằm chống cướp biển, hoạt động huấn luyện về chiến tranh rừng rậm và chống nổi dậy cho quân đội Ấn Độ, việc sửa chữa các máy bay và trực thăng của Việt Nam, hoạt động huấn luyện phi công Việt Nam và sự hỗ trợ của Ấn Độ trong sản xuất vũ khí nhỏ và vừa".

Việt Nam cũng tham gia cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia MILAN của Ấn Độ. Hàng năm, Ấn Độ cấp học bổng cho 50 quân nhân của Việt Nam theo chương trình Hợp tác kỹ thuật và kinh tế Ấn Độ (ITEC). Nước này đã cung cấp cho Việt Nam hạn mức tín dụng ưu đãi trị giá 100 triệu USD cho việc mua sắm trang thiết bị quốc phòng. Trong một sự kiện chưa từng có trước đây, nước này đã bán 4 tàu tuần tra ngoài khơi cho Việt Nam, mà có khả năng được sử dụng để củng cố hệ thống phòng thủ của nước này ở vùng Biển Đông giàu năng lượng.

Xét tới việc Việt Nam và Ấn Độ cùng sử dụng các phương tiện của Nga và của Liên Xô trước đây, có sự hội tụ đáng kể giữa 2 nước này trong lĩnh vực quốc phòng. Việt Nam đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Ấn Độ trong việc hiện đại hóa vũ khí quân dụng hạng nặng của nước này. Năm 2016, Chính quyền Modi đã yêu cầu công ty hàng không vũ trụ BrahMos, một liên doanh Ấn-Nga từng phát triển tên lửa hành trình siêu thanh, xúc tiến việc bán vũ khí cho Việt Nam cũng như cho Indonesia, Nam Phi, Chile và Brazil. Tuy nhiên, mặc dù quan hệ giữa 2 nước đã phát triển đáng kể trong vài năm qua, nhưng New Delhi đã do dự trước đề nghị mua tên lửa BrahMos của Hà Nội, cho rằng việc mua bán này sẽ gây ra sự đối địch với Trung Quốc.

Hai nước đều có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh trên các tuyến đường biển và chia sẻ các mối quan ngại về quyền tiếp cận của Trung Quốc tới Ấn Độ Dương và Biển Đông. Do đó, Ấn Độ đang giúp đỡ Việt Nam xây dựng năng lực sửa chữa và bảo dưỡng các phương tiện quốc phòng của nước này. Đồng thời, lực lượng vũ trang 2 nước đã bắt đầu hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và đào tạo tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam. Hai nước có một nước bè bạn chung tiềm năng là Mỹ. Việc Ấn Độ chìa tay ra với Hà Nội diễn ra vào thời điểm Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán trang thiết bị quân sự gây sát thương cho Việt Nam vốn có từ lâu. Quan hệ giữa New Delhi và Washington đang phát triển nhanh chóng, với việc 2 bên ký kết một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần vào năm 2016, trong khi Việt Nam đã và đang tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ khi Biển Đông trở thành một điểm nóng. Trong khi suy ngẫm về cách kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc, 3 nước này đã xích lại gần nhau hơn về mặt chiến lược. Với cán cân quyền lực đang nổi lên, cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều mong muốn định hướng lại quan hệ của mình với Mỹ khi các mối quan ngại về Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Hợp tác hàng hải giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn là trọng tâm, với việc Việt Nam cấp cho Ấn Độ quyền sử dụng cảng ở Nha Trang, nằm ở gần vịnh Cam Ranh vốn có ý nghĩa đáng kể về mặt chiến lược. Hải quân Ấn Độ thường xuyên có các chuyến thăm tới cảng biển miền Nam Việt Nam này. Việt Nam thậm chí đã đề nghị Ấn Độ phát triển cơ sở hải quân này. Thực tế rằng ngay cả Mỹ cũng không được trao đặc quyền này đã nhấn mạnh nhận thức của Việt Nam về tính cấp thiết của sự hợp tác quốc phòng với Ấn Độ. Từ năm 2011, Hà Nội đã yêu cầu New Delhi huấn luyện cho các thủy thủ của mình về tác chiến tàu ngầm và cho các phi công của mình về cách vận hành máy bay Sukhoi 30, và chuyển giao các tàu chiến hải quân cỡ vừa và tên lửa hành trình. Ấn Độ đã phản ứng tích cực. Hải quân Ấn Độ hiện đang huấn luyện khoảng 500 thủy thủ Việt Nam về tác chiến toàn diện dưới mặt nước tại cơ sở tàu ngầm INS Satavaham của nước này, trong khi Không quân Ấn Độ tiến hành huấn luyện chuyển đổi cho phi công thuộc Không quân Việt Nam.

Quan hệ đối tác an ninh của Việt Nam với Mỹ đã phát triển đáng kể trong thập kỷ qua. Giống như Ấn Độ, mặc dù hoan nghênh sự tái cân bằng chiến lược của Mỹ hướng tới châu Á-Thái Bình Dương, nhưng Việt Nam vẫn tỏ ra quan ngại. Là một nước nhỏ, Việt Nam luôn phải đối mặt với mối đe dọa của việc bị sử dụng như một quân tốt trong hoạt động chính trị nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Hơn nữa, giống như New Delhi, Hà Nội cũng lo sợ sự xuất hiện của một chế độ công quản nước lớn giữa Washington và Bắc Kinh trong những năm đầu của Chính quyền Obama. Những bất đồng giữa Washington và Hà Nội về hồ sơ nhân quyền của Hà Nội đã không cho phép bán vũ khí gây sát thương cho các lực lượng quốc phòng Việt Nam tới tháng 5/2016, qua đó kiềm chế phạm vi của quan hệ đối tác an ninh Việt-Mỹ. Do đó, Việt Nam đã tìm đến Ấn Độ để lấp đầy chỗ trống. Tóm lại, sự trỗi dậy của Trung Quốc và quá trình chuyển giao quyền lực hiện tại ở châu Á đã làm dấy lên những mối quan ngại tương đồng giữa 2 nước này.

Thương mại và các lĩnh vực khác

Cùng với các mối quan hệ quốc phòng và chiến lược, Ấn Độ đã cố gắng thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam. Sự chuyển hướng chính sách của Modi từ "Hướng Đông" sang "Hành động phía Đông", mà về cơ bản nhắm tới việc củng cố quan hệ với vùng lân cận mở rộng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và việc mở rộng quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam lên mức "Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện", khiến cho Việt Nam trở nên vô cùng trọng yếu trong tầm với hướng Đông của Ấn Độ. Về phần mình, Việt Nam đã tích cực ủng hộ chính sách Hành động phía Đông vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho vai trò lớn hơn của Ấn Độ trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam là nước điều phối của ASEAN về quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, điều có thể được tận dụng để tăng cường hơn nữa sự hợp tác này. Ấn Độ giờ đây thuộc nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, và trong chuyến thăm năm 2016 của Modi, 2 nước đã nhất trí thăm dò các biện pháp thực chất và thực tiễn, như Tiểu ban chung về thương mại, nhằm đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD từ nay đến năm 2020. Hai nước cũng đã ký kết một thỏa thuận hạt nhân dân sự vào năm 2016, điều được trông đợi sẽ thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương giữa 2 nước.

Quan hệ kinh tế Ấn Độ-Việt Nam bắt đầu từ năm 1978 khi 2 quốc gia ký kết một thỏa thuận thương mại song phương. Đến năm 1982, Ủy ban chung Ấn Độ-Việt Nam đã được thành lập cho việc hợp tác kinh tế, kỹ thuật và khoa học. Những năm đầu đã chứng kiến thương mại ở mức hạn chế giữa 2 quốc gia mà từ đó, Ấn Độ đã tạo điều kiện thiết lập hạn mức tín dụng trị giá 400 triệu USD cho Việt Nam. Khoản đầu tư lớn đầu tiên của Ấn Độ đến từ OVL vào năm 1989 ở ngoài khơi Vũng Tàu, phía Đông thành phố Hồ Chí Minh. Thương mại song phương trong những năm đầu chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, được đánh dấu bởi sự giảm tốc của nền kinh tế Việt Nam.

Đến năm 1999, xuất khẩu Ấn Độ đã đóng góp đến 90% tổng kim ngạch thương mại song phương trị giá 150 triệu USD, với việc các công ty thuộc khu vực tư nhân của Ấn Độ như Ranbaxy và Godrej mở rộng chỗ đứng của họ ở Việt Nam. Một bước ngoặt lớn đã đến cùng với việc thành lập Phòng kinh doanh Ấn Độ - cơ quan này chính thức được cấp phép vào tháng 2/1999. Thương mại song phương chạm mốc 1 tỷ USD vào năm 2006, vượt ngưỡng 2 tỷ USD vào năm 2009, và đạt mức 7,8 tỷ USD vào năm 2016. Một động lực mạnh mẽ cho các quan hệ kinh tế đã đến cùng với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN vào tháng 8/2009. Ấn Độ bắt đầu xuất khẩu dược phẩm, nhựa, kim loại và hóa chất sang Việt Nam, trong khi Việt Nam xuất khẩu thép, cao su và linh kiện điện tử sang Ấn Độ. Nhưng quy mô của thương mại Ấn Độ-Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với thương mại Trung-Việt.

Hai quốc gia cũng đã mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như thăm dò không gian và an ninh mạng. New Delhi và Hà Nội đã ký kết Thỏa thuận khung liên chính phủ về khai thác và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình, và nhất trí ký kết Thỏa thuận thực hiện giữa Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ và Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam về việc xây dựng Trạm theo dõi và tiếp nhận dữ liệu và Cơ sở xử lý dữ liệu ở Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác không gian Ấn Độ-ASEAN. Một biên bản ghi nhớ về an ninh mạng cũng được ký kết giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Điện tử và công nghệ thông tin Ấn Độ; và 2 quốc gia cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao trang thiết bị cho Phòng thí nghiệm tội phạm công nghệ cao Indira Gandhi do Ấn Độ tài trợ. Ấn Độ cũng đã thiết lập một cơ sở theo dõi vệ tinh ở thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù được gọi là một cơ sở dân sự, song nó có thể đem lại các lợi ích chiến lược như theo dõi hoạt động của Trung Quốc trên biển, đề phòng trường hợp xuất hiện mối đe dọa. Việc này đã được Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ lên kế hoạch và thực hiện.

Kết luận

Hợp tác về an ninh khu vực, quốc phòng và các cam kết thương mại, Ấn Độ và Việt Nam đã tìm cách xây dựng mối quan hệ đối tác vững mạnh trong vài năm qua. Khi xét đến sự hội tụ chung giữa 2 nước, có khả năng mối quan hệ này sẽ chỉ phát triển vững mạnh hơn. Vẫn còn nhiều việc cần làm, chẳng hạn như Ấn Độ có thể giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực quốc phòng của nước này thông qua đầu tư và nỗ lực hướng tới cùng sản xuất. Việt Nam cũng là một thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ, vốn vẫn chưa được khai thác đúng mức. Ngoài ra, phạm vi cho việc thăm dò địa hạt kinh tế trong các lĩnh vực như năng lượng, khai khoáng, chế biến nông sản, chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin và giáo dục, trong số các lĩnh vực khác, là đáng kể, và điều này sẽ giúp thúc đẩy quan hệ hiện có. Các cuộc trao đổi văn hóa và trao đổi nhân dân cần được củng cố thêm, khi thiện chí mà 2 nước có thể tận dụng là đáng kể. Nhìn chung, đây là một mối quan hệ đang ở vào thế sẵn sàng cất cánh trong những năm tới, được dẫn dắt bởi ban lãnh đạo chính trị của 2 quốc gia với quyết tâm dẫn dắt mối quan hệ này theo hướng quan hệ chiến lược thực sự.

Harsh V. Pant là Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Viện Nghiên cứu Ấn Độ, Đại học King London, nhà Nghiên cứu Xuất sắc đồng thời là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược, Quỹ Nghiên cứu nhà Quan sát, New Delhi, Ấn Độ. Bài viết được đăng trên Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS).

Trần Quang (gt)