I. Về MSR và bối cảnh khu vực

Sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển (MSR) và Con đường tơ lụa mới (NSR - chỉ con đường tơ lụa trên bộ được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh APEC-22 ở Bắc Kinh tháng 11/2014) được gọi là “một vành đai, một con đường”. MSR bắt đầu từ Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến) chạy qua Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), Bắc Hải (tỉnh Quảng Tây) và Hải Nam đi ngang qua các nước ven Biển Đông hướng tới eo biển Malacca. Lại có đoạn xuất phát từ Kuala Lumpur nối với MSR tại eo biển Malacca, rồi tiến sang Kolkata (Ấn Độ) vòng quanh Ấn Độ, qua Pakistan, ngang qua Ấn Độ Dương sang Đông Phi tới Nairobi (Kenya), tiếp đó tiến lên phía Bắc qua vùng Sừng châu Phi, có đoạn nối với Vịnh Persian, từ châu Phi qua Biển Đỏ vào Địa Trung Hải, từ đó có một chặng dừng tại Athens (Hy Lạp) trước khi gặp Con đường tơ lụa trên bộ ở Venice (Italy). MSR nối 3 châu lục Á-Âu-Phi, trong khi đó tại một số điểm, NSR nối với MSR thành một mạng lưới liên kết 3 châu lục Á-Âu-Phi.

Nhìn từ sự đóng góp của Trung Quốc “cổ đại” cho thương mại hàng hải châu Á và liên kết văn hóa, sáng kiến MSR cơ bản liên quan đến việc Trung Quốc giúp các nước đối tác phát triển cơ sở hạ tầng tại các cảng để tăng cường kết nối thương mại, thiết lập các khu vực thương mại tự do và sản xuất trong nội địa, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Do đó, sáng kiến MSR được đề xuất như một sáng kiến kinh tế. Tuy nhiên, các nội dung chi tiết của MSR chưa rõ ràng, ý nghĩa chiến lược đa chiều và hậu quả sâu rộng của nó không thể bỏ qua. Quan điểm và phản ứng của Ấn Độ đối với MSR phải được xem xét thận trọng vì các nguy cơ tiềm ẩn đối đầu với Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Sri Lanka tháng 12/2014, ông Sirisena đã tuyên bố sẽ xem xét lại dự án xây dựng cảng Colombo với nguồn vốn trị giá 1,4 tỷ USD của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau chuyến thăm của đặc phái viên Trung Quốc Lưu Kiến Siêu tới Colombo hồi đầu tháng 2/2015, chính phủ của tân Tổng thống Sirisena đã nhất trí cho dự án này tiếp tục được triển khai. Dự án cảng Colombo là quan trọng đối với sáng kiến MSR được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Nhưng thành công này chỉ là bước đầu tiên để triển khai MSR, Trung Quốc còn nhiều việc phải làm phía trước.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quốc gia láng giềng của Ấn Độ và trong vành đai khu vực Ấn Độ Dương như Bangladesh, Indonesia, Kenya, Maldives, Pakistan, Thái Lan… đã lên tiếng ủng hộ sáng kiến MSR. Để thúc đẩy sáng kiến này, ngày 8/11/2014, Trung Quốc đã công bố quỹ 40 tỷ USD để cấp nguồn vốn cho các quốc gia vùng ven của hai con đường tơ lụa trên biển và trên đất liền phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh kiểm soát cũng được thành lập để cung cấp vốn cho các công ty Trung Quốc khai thông dự án Con đường tơ lụa. Dự kiến nửa đầu năm 2015, quy hoạch tổng thể của MSR sẽ được công bố, theo đó Trung Quốc kết hợp triển khai đồng bộ ba kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các điều lệ chế độ và giao lưu nhân dân.

Do đó, trong khi chưa từ chối đề nghị của Trung Quốc về MSR, New Delhi cũng nên xem xét một cách khách quan về MSR trên cơ sở cân nhắc, đánh giá những tác động, ảnh hưởng về kinh tế và an ninh nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược và an ninh quốc gia của mình.

II. Tác động, ảnh hưởng kinh tế, an ninh của MSR đối với Ấn Độ

1. Những tác động kinh tế

Là nền kinh tế sản xuất lớn nhất thế giới, tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua đã dẫn đến sự gia tăng thu nhập và đảm bảo cuộc sống tốt hơn, nhưng cũng làm giảm xuất khẩu do chi phí sản xuất tăng. Trung Quốc tìm cách giải quyết vấn đề hóc búa này bằng cách thiết lập các cơ sở sản xuất linh kiện ở các nước đối tác của MSR. Đây sẽ là cơ hội để Ấn Độ tăng cường cơ sở sản xuất, thúc đẩy triển khai sáng kiến "Make in India” và tạo nhiều việc làm trên cơ sở tận dụng được các lợi thế chi phí thấp của nguyên liệu và tiền công. Xét về năng lực, ngành công nghiệp của Trung Quốc đã tồn tại ít nhất hai thập kỷ trước, ngành công nghiệp Ấn Độ có thể đi tắt đón đầu theo cách các nền kinh tế Đông Nam Á đã làm trong những năm 1980 khi là công xưởng linh kiện của các công ty đa quốc gia Nhật Bản. Mặt khác, nếu New Delhi chọn đứng ngoài MSR, tăng trưởng công nghiệp của Ấn Độ sẽ tụt hậu so với các nước láng giềng châu Á - hầu hết trong số đó là các đối tác MSR được thừa nhận của Trung Quốc - do đó sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế và kế hoạch phát triển của Ấn Độ.

Ấn Độ cũng có yêu cầu vượt qua những rào cản về cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối, thúc đẩy ngoại thương - đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia. Đáng chú ý trong năm 1990-1991, ngoại thương của Ấn Độ chỉ chiếm 6% GDP, nhưng trong năm 2000-2001 đã tăng lên tới 52%. MSR có thể là một sự bổ sung hàng hải hiệu quả cho Hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar (BCIM), đồng thời có thể khớp với dự án xây dựng cảng “Sagarmala” của Ấn Độ. Do đó, MSR sẽ góp phần vào những nỗ lực của Ấn Độ để tăng cường kết nối thương mại hàng hải cũng như dần phát triển thành “cảng dẫn đầu” và hình thành các đặc khu kinh tế quan trọng. Ngoài ra, MSR cũng có thể giúp Ấn Độ phát triển nền kinh tế “xanh” thông qua việc thúc đẩy ngành công nghiệp hàng hải và đóng tàu.

2. Những tác động về an ninh

Mục đích chiến lược quân sự của Trung Quốc đằng sau MSR gần như đã rõ ràng. Việc các tàu ngầm hải quân Trung Quốc cập cảng Colombo hồi tháng 9/2014 – hoạt động chưa từng có tiền lệ, là thách thức đối với sự phát triển tương lai ở Ấn Độ Dương. Hải quân Trung Quốc có thể cập cảng tại các cơ sở hạ tầng biển của các nước được xây dựng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung Quốc. Điều này sẽ làm gia tăng sự hiện diện chiến lược của Trung Quốc trong khu vực đầu tiên trong lợi ích hàng hải của Ấn Độ. Hải quân Trung Quốc có thể được tiếp tế tại các cơ sở được xây dựng ở Chittagong, Colombo, Gwadar, Hambantota. Như vậy, câu hỏi đặt ra là Ấn Độ có thể làm gì để ngăn chặn điều này? Ấn Độ có thể sử dụng lực đòn bẩy với các nước khu vực Ấn Độ Dương. Đây là những câu hỏi khó vì nó liên quan đến sự hấp dẫn kinh tế của sáng kiến MSR. Ngay cả Bangladesh và Maldives cũng đã ủng hộ MSR, trong khi đó với Pakistan, Ấn Độ không có đòn bẩy nào. Do đó, tiến trình phát triển liên tục dường như không thể tránh khỏi, trong khi New Delhi dường như có ít sự kiểm soát.

Trong khi đó, nếu cho phép một công ty Trung Quốc phát triển khu kinh tế với nhiều trung tâm sản xuất phức hợp tại một vị trí thích hợp ở Ấn Độ thì sẽ thu hút được vốn đầu tư, công nghệ và nguồn nhân lực có tay nghề cao của Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn đến việc Trung Quốc phát triển các cơ sở kinh tế quan trọng tại Ấn Độ và tăng sự phụ thuộc lợi ích kinh tế lẫn nhau, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ song phương.
Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng trong tình hình hiện nay, an ninh quốc gia không thể được đảm bảo thông qua các rào cản vật lý bao gồm việc không cho phép các công ty và doanh nhân Trung Quốc tiếp cận các trung tâm sản xuất và phân phối của Ấn Độ.

Có thể hiểu khi Ấn Độ đã rất thận trọng đối với các cơ sở hạ tầng hậu cần quan trọng bao gồm các cảng và các cảng kết nối – được gọi là "các lĩnh vực chiến lược”. Tuy nhiên, giá trị chiến lược của một cơ sở phụ thuộc vào hoàn cảnh. Việc xác định “đặc điểm cảng biển chiến lược” có thể không thích hợp. Do đó, một vị trí được lựa chọn trên bờ biển Ấn Độ để giao cho công ty Trung Quốc xây dựng cảng không nên xem xét là chiến lược. Song song với khả năng này là sự "xem xét tích cực" của New Delhi đối với việc kết nối các cơ sở hạ tầng trên bộ tại các bang Đông Bắc Ấn Độ tới Hành lang kinh tế BCIM.

Mặc dù MSR là sáng kiến của Bắc Kinh, nhưng nguồn gốc lịch sử của nó không phải là độc quyền của Trung Quốc. MSR đại diện cho sự liên kết hàng hải khu vực châu Á thời cổ xưa thúc đẩy trao đổi thương mại và văn hóa đường biển trên khắp châu Á. Do đó, sự ủng hộ của Ấn Độ đối với sáng kiến MSR sẽ góp phần truyền bá sự nổi lên của châu Á và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á. Quá trình này sẽ tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau, do đó sẽ góp phần vào sự ổn định và thịnh vượng chung của khu vực. Ngược lại, với cách tiếp cận khác biệt duy nhất của Ấn Độ sẽ khiến nước này đứng ngoài cuộc chơi và qua đó giúp Trung Quốc thay thế ảnh hưởng của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương – được xem như là sân sau của Ấn Độ.

Hiện nay, Ấn Độ không phản đối nhưng cũng không ủng hộ và tham gia MSR. Tuy nhiên, vì lợi ích chiến lược kinh tế và an ninh quốc gia, để đảm bảo vị thế, ảnh hưởng của mình ở khu vực trước sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của Trung Quốc, Ấn Độ nên thay đổi cách tiếp cận với MSR theo hướng tích cực hơn như có thể hợp tác với Trung Quốc phát triển kinh tế, các cảng và cơ sở hạ tầng hàng hải chiến lược, qua đó tăng cường năng lực quốc phòng ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng nên đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng đường bộ kết nối các tỉnh Đông Bắc của Ấn Độ với Hành lang kinh tế BCIM, kết hợp với việc triển khai chính sách ngoại giao láng giềng hiệu quả sẽ tạo sự kết nối khu vực mạnh mẽ./.

Theo “Quỹ Biển Quốc gia

Vũ Hiền (gt)