Mặc dù Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thường được coi là các vùng biển riêng biệt, nhưng Ấn Độ và Mỹ ngày càng coi chúng như một phần của vùng tiếp giáp. Ví dụ, chiến lược biển của Mỹ năm 2015 gọi khu vực này là “Ấn Độ-châu Á-Thái Bình Dương”, trong khi Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Donald Trump đã đề cập đến khái niệm này trong tuyên bố chung gần đây với tên gọi “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Ấn Độ và Mỹ cùng có lợi ích khi tầm nhìn thống nhất này trở thành hiện thực. Nó sẽ làm tăng khả năng hợp tác giữa hai nước để thúc đẩy các chuẩn mực và cấu trúc tự do như thị trường tự do, sự cai trị của pháp luật và giải quyết các tranh chấp, không chỉ ở từng phần trên khắp các đại dương, mà còn ở mạng lưới mang tính thể chế duy nhất từ Hollywood đến Bollywood và hơn thế nữa. Với sự năng động về kinh tế và nhân khẩu học của khu vực, tầm quan trọng của các tuyến đường biển đối với các dòng chảy thương mại và năng lượng toàn cầu, tầm quan trọng của những kết quả tự do như vậy không thể bị quá phóng đại.

Ấn Độ và Mỹ đã công khai gọi mối quan hệ hợp tác song phương là định hình chiến lược ở khu vực. Tuy nhiên, dường như nó đã không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Hợp tác biển giữa hai nước chỉ được tăng cường sau trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 và điều này được minh chứng qua sự tăng cường năng lực của hải quân Ấn Độ. Tuy nhiên, ngay kể cả từ đó, Ấn Độ nói chung không phải là một đối tác chủ động, và trên thực tế New Delhi thường từ chối các đề nghị hợp tác của Mỹ. Trong một số trường hợp, họ dường như đã làm như vậy vì lo ngại sự nhạy cảm trong quan hệ với Trung Quốc. Một quan chức cao cấp của Ấn Độ gần đây tiết lộ New Delhi đã từ chối rất nhiều yêu cầu của hải quân Mỹ đối với các tàu cập cảng tại quần đảo Andaman, mà một phần là do “sự không hài lòng” của Trung Quốc về sự hiện diện của Mỹ ở Ấn Độ Dương.

Về phần mình, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - vốn được coi là nền tảng kinh tế chiến lược của Mỹ ở châu Á, và đang bị ý đồ của Nga ở châu Âu, Trung Đông và cuộc chiến tranh liên miên ở Afghanistan làm cho phân tâm. Hơn nữa, sự phân chia bộ máy hành chính quan liêu giữa Bộ Chỉ huy trung ương và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã cản trở hợp tác Ấn Độ-Mỹ ở phía Tây biên giới Ấn Độ-Pakistan, nơi mà mối quan hệ Mỹ-Pakistan chiếm ưu thế.

Trung Quốc đã có những sáng kiến thực sự trong việc xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Chiến lược của Bắc Kinh là đa lĩnh vực. Trung Quốc cũng làm xói mòn tư tưởng tự trị của các nhóm nhỏ trong khu vực, sử dụng đòn bẩy kinh tế để tạo ra sự khác biệt giữa các thành viên ASEAN, phủ nhận không gian chiến lược của Ấn Độ, thông qua các dự án kinh tế như Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), sử dụng Triều Tiên để hạn chế ảnh hưởng của Nhật Bản và Mỹ ở Đông Á. Trung Quốc cũng sử dụng các thể chế như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, các dự án cơ sở hạ tầng và tài chính liên quan đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, và các hiệp định thương mại như Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tạo ra một mạng lưới cơ sở hạ tầng vật chất và sự phụ thuộc chiến lược trong khu vực. Mạng lưới này bao gồm các cảng ở Malaysia, Sri Lanka, Tanzania và Pakistan; các dự án dầu khí ngoài khơi Myanmar; và một căn cứ quân sự ở Djibouti.

Chiến lược của Trung Quốc ngày càng đặt nước này vào vị thế tạo ra các thể chế, sinh ra các quy tắc, đưa ra và thực thi các quy tắc trong một khu vực kéo dài từ Đông Á đến Đông Phi. Mặc dù sở thích của người Trung Quốc là không rõ ràng, nhưng dường như chắc chắn rằng mô hình “Trung Quốc là trung tâm” sẽ không tuân theo các quy tắc tự do và thực tiễn mà Mỹ và Ấn Độ hy vọng sẽ khởi đầu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thực tế, các hành vi của Trung Quốc bao gồm gia tăng tranh giành lãnh thổ, phủ nhận phán quyết của tòa trọng tài trong tranh chấp biển, thiết lập vùng nhận dạng phòng không và tạo ra các cuộc đối đầu như với quân đội Ấn Độ ở biên giới Bhutan, cho thấy một cách tiếp cận độc đoán của Bắc Kinh đối với khu vực.

Việc công nhận những mối nguy hiểm này là động lực chính của hợp tác chiến lược Mỹ-Ấn. Tuy nhiên, nếu quan hệ đối tác giữa Mỹ và Ấn Độ là nhằm đối đầu với các mối nguy hiểm này một cách hiệu quả, hai nước cần phải suy nghĩ sáng tạo hơn về việc làm thế nào để tăng cường hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng.

Các yếu tố cốt lõi của quan hệ đối tác quốc phòng Ấn-Mỹ bao gồm việc hướng tới áp dụng hệ thống vũ khí và nền tảng chung cũng như chia sẻ hệ sinh thái phần mềm và điện tử; hợp tác chặt chẽ hơn về đào tạo nhân lực; và làm cho tư duy chiến lược và học thuyết của hai bên trở nên gần nhau hơn. Những yếu tố này có thể phát huy được tiềm năng đầy đủ của chúng chỉ khi hai nước cho phép chia sẻ dữ liệu với quy mô lớn và điều này sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng tương tác giữa quân đội hai nước. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ có thể được thực hiện thông qua việc hai bên ký kết các thoả thuận cơ bản để tạo cấu trúc pháp lý cho hợp tác hậu cần và chuyển giao các thiết bị an ninh thông tin liên lạc, dữ liệu không gian địa lý.

Trong lịch sử, Ấn Độ không mong muốn ký các thỏa thuận này. Tuy nhiên, nhiều sự phản đối của Ấn Độ bắt nguồn từ các tính toán chính trị trong nước, chứ không phải là các mối quan ngại mang tính chiến lược. Hơn nữa, với việc ký Thỏa thuận chia sẻ hậu cần năm 2016, Ấn Độ có thể đã vượt qua trở ngại ban đầu. Có lẽ nỗ lực phối hợp để xem xét lại các luận điệu phản đối có thể làm cho các thỏa thuận còn lại trở nên dễ dàng hơn đối với các nhà lãnh đạo Ấn Độ. Thậm chí tác động của điều này có thể thúc đẩy khả năng hợp tác của Ấn Độ với Mỹ để đối phó với thách thức của Trung Quốc, do đó Ấn Độ có thể sẽ xem xét nghiêm túc điều này. Ấn Độ và Mỹ có thể ở cùng một bên trong đối phó với chiến lược quân sự của Trung Quốc. Điều này phần lớn phát sinh từ những nguy cơ về khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ cũng có thể tận dụng vị trí địa lý của mình để ngăn chặn sự tiếp cận tới Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Ví dụ, với sự hỗ trợ của Mỹ, Ấn Độ có thể biến quần đảo Andaman và Nicobar thành một căn cứ được triển khai ở tuyến đầu cho các hoạt động giám sát và chống tiếp cận. Điều này sẽ khai thác được lợi thế tự nhiên của Ấn Độ, kiềm chế khả năng mở rộng tầm ảnh hưởng và củng cố các lợi ích của Trung Quốc ở khu vực, và không yêu cầu Ấn Độ phải đảm nhận gánh nặng phi thực tế cho hoạt động ở các khu vực xa xôi.

Ấn Độ và Mỹ cũng cần có cách tiếp cận ngoại giao và phát triển với khu vực, trong đó có tính toán về mặt địa lý và cung cấp các giải pháp đáng tin cậy, thay thế cho các dự án của Trung Quốc. Ấn Độ và Mỹ không nên áp dụng các chiến lược khác nhau ở phía Đông và phía Tây của Ấn Độ Dương, hay thúc đẩy các dự án hấp dẫn về hình thức, nhưng thiếu sự bảo đảm về tài chính và ngoại giao. Các dự án khu vực như “Hành lang tăng trưởng Á-Phi” (giữa Ấn Độ và Nhật Bản), “Hành lang kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (được Mỹ hồi sinh), sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” cần được hoan nghênh. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo rằng các dự án này tiếp tục nhận được sự hỗ trợ đầy đủ và tạo ra sự phối hợp đồng bộ giữa các quốc gia để tạo ra sự tổng thể của dự án hơn là tổng số các bộ phận của nó.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cần “nuôi dưỡng” mối quan hệ chính trị với các nước láng giềng như Nepal, Sri Lanka, Maldives và các quốc gia thành viên ASEAN để thiết lập ảnh hưởng của mình đối với khu vực Ấn Độ Dương. Các quốc gia trong khu vực đã bắt đầu rơi vào tình trạng ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc. Chẳng hạn, Sri Lanka đã phải vật lộn để trả nợ Trung Quốc cho việc xây dựng cảng Hambantota, trị giá 1 tỷ USD, khiến cho Chính quyền Colombo phải chịu sự lệ thuộc về chính trị và kinh tế. Ấn Độ nên cung cấp cho các nước láng giềng các dự án cơ sở hạ tầng bền vững và các ưu đãi kinh tế mạnh mẽ như một giải pháp thay thế. Những nỗ lực này dường như chắc chắn sẽ thành công nếu nhận được sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật Bản và Úc về chính trị và thông qua đầu tư chung vào các dự án kinh tế. Không một giải pháp nào trong các giải pháp trên là dễ thực hiện khi chúng sẽ phải đối mặt với những hạn chế về nguồn lực, đối lập chính trị và sự cạnh tranh chiến lược. Tuy nhiên, những lợi ích để xây dựng cấu trúc pháp lý, kinh tế và quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là rất lớn. Nếu không có chính sách táo bạo từ Mỹ và Ấn Độ, câu trả lời sẽ là Trung Quốc.

Samir Saran là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu các Nhà Quan sát (ORF). S. Paul Kapur là giáo sư Khoa An ninh Quốc gia khoa Sau Đại học Học viện Hải chiến Mỹ, giáo sư liên kết Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc gia, Đại học Stanford. Bài viết được đăng trên The Interpreter.

Văn Cường (gt)