Đương nhiên, Ấn Độ cũng có lợi ích sống còn ở Ấn Độ Dương. Tại Đối thoại Shangri-La được tổ chức ở Singapore năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nhấn mạnh rằng Washington mong đợi Ấn Độ đóng vai trò là nước đảm bảo an ninh ở Ấn Độ Dương. Điều này cũng đã được Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony nhắc lại vào năm 2011. Vì lợi ích của mình, Ấn Độ chắc chắn cũng phải đảm bảo an ninh cho các quốc đảo trên Ấn Độ Dương do những nước này nằm gần các tuyến hàng hải chính. Tuy nhiên, Trung Quốc đang trở thành một thách thức lớn đối với những nỗ lực của Ấn Độ. Lấy cớ là lo ngại về an ninh kinh tế và năng lượng, Trung Quốc đã đề xuất thiết lập "Con đường tơ lụa trên biển" nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia nằm trên Ấn Độ Dương.

Với vị trí địa lý của mình, Ấn Độ có thể đóng vai trò là lực lượng duy trì sự ổn định tại Ấn Độ Dương. Với tư cách là nước đảm bảo an ninh, Ấn Độ cũng có thể chịu trách nhiệm củng cố sự gắn kết giữa các nước. Các thỏa thuận an ninh với các quốc gia ở Ấn Độ Dương và dòng vốn đầu tư liên tục gia tăng của Ấn Độ vào các dự án hạ tầng ở các nước này đã tăng cường ảnh hưởng của New Delhi, và ngược lại điều này cũng đảm bảo cho quốc phòng và an ninh kinh tế của Ấn Độ. Bên cạnh các cuộc tập trận hải quân song phương với Myanmar và Sri Lanka, Ấn Độ cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận hải quân đa phương với các nước ở Ấn Độ Dương như Seychelles, Mauritius và Maldives. Cho đến nay, Ấn Độ đã đầu tư khoảng 5 triệu USD vào các dự án liên quan đến quốc phòng ở Seychelles, đồng thời lắp đặt các trạm rađa giám sát ở các đảo san hô của Maldives. 

Xét về mặt lịch sử, "Con đường tơ lụa trên biển" cho thấy sự kết nối của Trung Quốc với thế giới và vai trò của Bắc Kinh trong nền thương mại toàn cầu. Hiện nay, Bắc Kinh đã nhận thức rõ rằng sự kết nối giữa Trung Quốc với khu vực Ấn Độ Dương có thể đảm bảo an toàn cho sự phát triển kinh tế và an ninh của nước này. Cũng giống như Ấn Độ, Trung Quốc đã và đang áp dụng cả chiến thuật quyền lực cứng và quyền lực mềm nhằm tăng cường ảnh hưởng của nước này. Đầu năm nay, hải quân Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận ở vùng biển phía Đông Ấn Độ Dương. Các tiền đồn của hải quân Trung Quốc và các cảng biển dành sự ưu ái cho nước này cũng đã được xây dựng ở Hambantota (Sri Lanka), Chittagong (Myanmar) Gwadar (Pakistan) và ở Seychelles. Năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka và Mauritius tăng lần lượt lên 2,2 tỷ USD và 1 tỷ USD. Hiện số du khách Trung Quốc tới Maldives chiếm 30% tổng số khách du lịch đến nước này, hơn gấp đôi số du khách từ bất cứ nước nào trên thế giới. Trung Quốc đã mời Ấn Độ tham gia "Con đường tơ lụa trên biển" nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có phản hồi chính thức từ New Delhi. Ấn Độ từ lâu đã luôn cảnh giác với sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Việc xây dựng các cảng biển ở Gwadar (Pakistan) và Hambantota (Sri Lanka) càng làm gia tăng nghi ngờ về ý đồ của Trung Quốc ở khu vực này. Ấn Độ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ kìm chế ảnh hưởng của New Delhi ngay ở "sân sau" của nước này.

Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương, nhưng chiến lược và mục tiêu của cả hai nước này là giống nhau. Ấn Độ Dương là tuyến hàng hải huyết mạch của cả hai nước. Do Ấn Độ phải phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu, hiện chiếm tới 75% nhu cầu của nước này, nên Ấn Độ Dương là "chìa khóa" trong quan hệ thương mại với các nước vùng Vịnh. Đối với Trung Quốc, có tới 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của nước này được chuyên chở qua Ấn Độ Dương và qua Eo biển Malacca. Vì Ấn Độ và Trung Quốc đều phụ thuộc rất nhiều vào thương mại hàng hóa chuyên chở qua Ấn Độ Dương nên bất cứ chiến lược nào nhằm bảo vệ các tuyến hàng hải đi qua đây đều mang lại lợi ích cho cả hai nước. Các chiến lược đối với Ấn Độ Dương của hai nước này đều có chung mục tiêu và do đó những chiến lược này đòi hỏi sự tăng cường hợp tác giữa hai nước chứ không phải là cạnh tranh với nhau.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS)

Hương Trà (gt)