Vào nửa cuối năm ngoái, một cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của quân đội Ấn Độ với những nhân vật quan trọng, nắm giữ vận mệnh an ninh quốc gia đã được tổ chức. Những người tham gia bao gồm các thành viên của Hội đồng Thư kí An ninh Quốc gia (NSCS), các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, cơ quan tình báo và Bộ Quốc phòng. Mục tiêu chính của cuộc họp là nhằm tìm ra đáp án cho câu hỏi: Làm thế nào để tận dụng một cách có hiệu quả nhất sức mạnh của quân đội Ấn Độ để tăng cường các lợi ích của nước này trong khu vực. Cuối cuộc gặp, những người tham gia đã đưa ra một một công thức 6 điểm nhằm tăng cường hiệu quả của ngành ngoại giao quốc phòng Ấn Độ. 

Đáng chú ý là các quan chức đã quyết định sẽ tăng cường yếu tố quân sự trong tập hợp sức mạnh quốc gia nhằm khai thác một cách tối đa các lợi ích của đất nước; tăng cường quan hệ về quốc phòng nhằm gia tăng ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực; thiết lập sự hiện diện về quân sự ở những nơi Ấn Độ có lợi ích chiến lược, nhưng đương nhiên là phải phù hợp với mong muốn của nước chủ nhà; trợ giúp các nước có mối quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ trong việc phát triển năng lực quân sự, phù hợp với nhu cầu an ninh của bên đi giúp; tận dụng sự hiện diện của Ấn Độ trong các phái bộ của Liên hợp quốc để gia tăng lợi ích quốc gia. 

Một trong những kết quả theo sau cuộc họp này là việc cử Tùy viên quân sự thường trú ở các nước Cộng hòa tại khu vực Trung Á thuộc không gian Xô viết trước đây. Chỉ trong vòng 3 tháng qua, Ấn Độ đã cử Tùy viên quân sự đến 3 nước gồm Turkmenistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan. Ba nước nói trên đều có vị trí gần với Afghanistan, nơi đang ở trong tình trạng chuyển tiếp đầy bất ổn. Thông qua việc cử Tùy viên quân sự đến 3 nước này, Ấn Độ muốn đảm bảo sự gắn kết với giới quan chức quân sự cấp cao ở những nước này, như những gì New Delhi đã làm nhiều năm nay với Tajikistan, một nước láng giềng khác của Afghanistan. Ấn Độ đã giúp Tajikistan xây dựng một căn cứ không quân và một quân y viện tại Ayni. Trên cơ sở ấy, người ta dự đoán Ấn Độ sẽ tiếp tục triển khai các dự án tương tự tại những nước Cộng hòa ở Trung Á mà họ mới cử Tùy viên quân sự thường trú. 

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở việc bổ nhiệm các quan chức quân sự sang các nước láng giềng, mà New Delhi còn lên kế hoạch cho rất nhiều cuộc tập trận chung, với những ý đồ chiến lược khác nhau. Trong các năm 2012 và 2013, Ấn Độ dường như là nước duy nhất tiến hành tập trận chung với cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ còn tăng cường chú trọng vào việc chia sẻ kinh nghiệm với các nước láng giềng. Các lực lượng của quân đội Ấn Độ đã tiến hành các đợt tập trận, huấn luyện và thao diễn chung với Nepal, Bangladesh, Sri Lanca, Singapore, Việt Nam và Indonesia. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy ngày một mạnh mẽ, các quốc gia ở khu vực Đông Á cũng đang muốn New Delhi trở thành đối trọng với Bắc Kinh. Các quốc gia như Philipines, Thái Lan, Indonesia, đặc biệt là Việt Nam và Myanmar đã nhiều lần đề nghị Ấn Độ giúp đỡ cả về huấn luyện quân đội lẫn cung cấp vũ khí. 

Trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày đến Ấn Độ hồi tháng 7/2013, Phó Đô đốc Thura Thet Swe, người đứng đầu lực lượng hải quân Myanmar đã tiến hành những cuộc tham vấn trên diện rộng với các quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Bên cạnh việc cho phép tăng cường số lượng các sĩ quan cấp cao Myanmar tham gia các đợt tập huấn tại Ấn Độ, nước này còn đồng ý sẽ giúp Myanmar đóng 4 Tàu tuần tra duyên hải (OPV). Đối với Việt Nam, một quốc gia với lực lượng hải quân có quy mô nhỏ hơn hẳn, New Delhi hiện cũng đang ngày càng tăng cường sự ủng hộ. Năm ngoái, Ấn Độ đã cho Việt Nam vay 100 triệu USD để nước này mua các thiết bị quân sự. Được biết số tiền này sẽ được dùng để mua 4 tàu tuần tra. 

Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ đang trở nên gần gũi trở lại. Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Ấn Độ hồi tháng trước đã thu hút sự chú ý quá mức bình thường của thế giới, bởi ông Abe đã không giấu giếm ý định mở rộng các mối quan hệ đồng minh ở châu Á. Các mối liên minh này không nhất thiết là nhắm vào Trung Quốc, nhưng rõ ràng là chúng được tạo ra để cân bằng với sự trỗi dậy rất đáng lưu tâm của nước này. Không ngạc nhiên khi một trong những nét chính trong Tuyên bố chung Nhật-Ấn là bảo đảm quyền tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế tại châu Á. New Delhi và Tokyo đã nhiều lần nhắc lại cam kết của họ “vì tự do hàng hải, thương mại và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế”. Việc nhắc lại những nguyên tắc này là rất quan trọng trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng xung quanh cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và do thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản và Ấn Độ quyết định nâng cấp hợp tác quốc phòng. Hai bên đang đàm phán về việc Ấn Độ mua thủy phi cơ ShinMaywa US-2 của Nhật Bản. Nếu thương vụ này được triển khai, thì đây là lần đầu tiên Nhật Bản xuất khẩu vũ khí kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ấn Độ cũng đã mời Nhật Bản tham gia vào cuộc tập trận thường niên Malabar với sự tham gia của lực lượng hải quân Mỹ và Ấn Độ. Năm 2007, khi mà Nhật Bản cùng với Australia và Singapore tham gia một cuộc tập trận chung trên biển, Bắc Kinh đã phản ứng rất dữ dội. Tuy nhiên, sau 7 năm, lần này ít có khả năng Trung Quốc sẽ có hành động tương tự, vì thực tế cho thấy gần đây dường như nước này luôn có những phản ứng khá chừng mực trước những “điệu nhảy tango” gần đây của Ấn Độ và Nhật Bản. Có một điều chắc chắn là việc New Delhi tăng cường hợp tác quân sự như một phần trong chiến lược ngoại giao mới của mình, sẽ được các nước châu Á rất quan tâm, theo dõi. 

Theo “The Diplomat” (ngày 10/2)

Viết Tuấn (gt)