Cách tiếp cận ngoại giao đến Châu Đại Dương của Ấn Độ bắt đầu từ chuyến công du Úc của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 11/2014, chuyến thăm Úc đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ sau 28 năm và nối tiếp bằng chuyến thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee tới Papua New Guinea từ ngày 28 - 29/4, cũng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Ấn Độ tới quốc gia này.

Khi Ấn Độ từng bước gia tăng hình ảnh ngoại giao cho tương xứng với ảnh hưởng ngày càng tăng của mình trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, người ta không thể bỏ qua chiến lược cũng như các khía cạnh kinh tế của những chuyến thăm đó.

Sở hữu nguồn tài nguyên giàu có, đó là lý do tại sao Úc quan trọng đối với Ấn Độ về mặt kinh tế cũng như các khía cạnh chiến lược khác. Tương tự như vậy đối với Papua New Guinea và các quốc đảo Thái Bình Dương khác. Nhìn từ góc độ lớn hơn này, chuyến thăm của Tổng thống Mukherjee tới Papua New Guinea được cho rằng đóng vai trò quan trọng như một thành tố chủ chốt trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Tổng thống Mukherjee cũng đã đến thăm New Zealand.

Vào tháng 8/2015, Thủ tướng Modi đã gặp người đồng cấp Papua New Guinea Peter O'Neill ở Jaipur bên lề Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ - quần đảo Thái Bình Dương (FIPIC). Đây là Hội nghị thượng đỉnh FIPIC thứ hai được tổ chức trong vòng chưa đầy một năm - Hội nghị lần đầu tiên diễn ra tại Fiji vào ngày 19/11/2014. Có thể thấy mục tiêu của Ấn Độ tại Hội nghị thượng đỉnh FIPIC trong việc mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của mình ở khu vực trong bối cảnh sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc. Vai trò của 14 quốc đảo Thái Bình Dương (Fiji, quần đảo Marshall, Nauru, Niue, Palau, Papua New Guinea, Samoa, Tuvalu, Vanuatu, Quần đảo Cook, Kiribati, Micronesia, quần đảo Solomon và Tongo) là quan trọng đối với Ấn Độ bởi sự ủng hộ của các quốc đảo tại diễn đàn quốc tế sẽ có giá trị với quốc gia Nam Á này.

Với dân số 7,1 triệu người và diện tích 462.840 km2, Papua New Guinea là quốc đảo lớn nhất Thái Bình Dương. Hơn 3.000 người Ấn Độ, chủ yếu là doanh nhân và chuyên gia, làm việc ở nước này trên các lĩnh vực như công nghệ thông tin, giáo dục, khai thác mỏ…

Trong chuyến thăm gần đây, Tổng thống Mukherjee và Thủ tướng O'Neill đã thảo luận cơ hội hợp tác trong tương lai. Tổng thống Mukherjee đã khai trương bức tượng Mahatma Gandhi tại Đại học Papua New Guinea, phát biểu tại Hội đồng Kinh doanh Papua New Guinea - Ấn Độ và ra mắt Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ - Papua New Guinea. Ấn Độ cung cấp khoản tín dụng 100 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng cho Papua New Guinea và thống nhất cùng nhau phát triển nguồn tài nguyên dầu và khí lớn của quốc gia Thái Bình Dương này. Theo cam kết đối với sáng kiến chung về an ninh biển, Ấn Độ cũng cung cấp một hệ thống radar giám sát bờ biển và các tàu tuần tra Cảnh sát biển. Hai nước cũng chia sẻ nhiều quan điểm chung về rất nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu như khủng bố, Ấn Độ ứng cử làm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và an ninh biển

Papua New Guinea cũng thông báo hình thức thị thực cửa khẩu (visa-on-arrival) cho du khách Ấn Độ du lịch đến nước này như một “cử chỉ có đi có lại” khi Ấn Độ thông qua chính sách tương tự cho công dân của tất cả các quốc đảo Thái Bình Dương từ năm 2015. Ấn Độ cũng đã đồng ý cung cấp thuốc kháng retro-viral và thiết bị để điều trị 20.000 bệnh nhân HIV ở Papua New Guinea trong vòng một năm.

Theo bản ghi nhớ trong lĩnh vực dược phẩm, các bác sĩ và y tá từ Papua New Guinea được đào tạo ở Ấn Độ và các bác sĩ, y tá và các huấn luyện viên Ấn Độ được cử đến Papua New Guinea. Ấn Độ cũng cam kết hỗ trợ để thành lập một đơn vị sản xuất dược phẩm ở Papua New Guinea. Một bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu nông nghiệp giữa Trường Đại học Công nghệ ở Lae (Papua New Guinea) và Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) cũng đã được ký kết…

Papua New Guinea được thiên nhiên ưu đãi với đất đai màu mỡ, giàu tài nguyên thiên nhiên và sản vật biển phong phú và vì thế, hợp tác song phương và quan hệ đối tác công - tư trong một loạt lĩnh vực có thể tạo ra mối quan hệ cùng thắng cho Papua New Guinea và Ấn Độ.

Vậy còn ý nghĩa chiến lược trong cách tiếp cận của Ấn Độ với các quốc đảo Thái Bình Dương là gì? Vì lý do rõ ràng, Trung Quốc sẽ không vui mừng trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình tại Thái Bình Dương, mặc dù Ấn Độ không định cạnh tranh với Trung Quốc để mở rộng không gian chiến lược của mình. Để xua tan lo ngại của Trung Quốc, Tổng thống Mukherjee đã nhấn mạnh rằng chuyến thăm sẽ là một điềm báo để tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh với Papua New Guinea. Ông nói rõ rằng “Ấn Độ không đặt mình trong sự cạnh tranh với bất kỳ nước nào khác về vấn đề này” sau khi nói chuyện về an ninh biển, khủng bố và cướp biển như những mối quan tâm lớn đối với cả Ấn Độ và Papua New Guinea.

Ấn Độ đề nghị hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương trong việc bảo vệ Khu đặc quyền kinh tế của họ. Thông điệp lớn hơn vượt ra ngoài Papua New Guinea là Ấn Độ mong muốn tô đậm thêm sự tham gia của mình với tất cả các quốc đảo Thái Bình Dương. Do đó, tiềm năng chưa được khai thác trong quan hệ của Ấn Độ với các quốc gia Thái Bình Dương không chỉ giới hạn ở riêng Papua New Guinea.

Từ quan điểm chiến lược, Mỹ coi Ấn Độ là một đối trọng tiềm năng với sự gia tăng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Châu Á, đó là lý do tại sao chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang muốn tăng cường quan hệ với New Delhi. Các vấn đề như tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương và Biển Đông đang là chủ đề của các cuộc đàm phán ngoại giao. Mỹ, do đó, coi Ấn Độ là một phần không thể thiếu trong chính sách Châu Á của mình. Mỹ thừa nhận rằng Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có tiềm năng để trở thành một người chơi kinh tế lớn ở Đông Á.

Thật vậy, Ấn Độ đã đóng một vai trò xây dựng trong các vấn đề hàng hải. Nhìn từ các quan điểm như vậy, sự tham gia của Ấn Độ với quốc đảo Thái Bình Dương có thể được xem như mở rộng không gian chiến lược, đồng thời củng cố quan hệ kinh tế.

Rajaram Panda là chuyên gia hàng đầu về Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Đại Dương. Bài viết được đăng trên The Pioneer.

Văn Cường (gt)