india-defence-policy-must-focus-on-asia-pacific(1).jpg

Khi một Trung Quốc đang trỗi dậy thách thức địa vị bá quyền của Mỹ ở Châu Á, thì việc định hướng giữa Bắc Kinh và Washington là một thách thức chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ. Nhiều giả thuyết cho rằng lựa chọn mặc định của Ấn Độ sẽ là việc tái khẳng định không liên kết - không nghiêng về Washington, cũng không nghiêng về Bắc Kinh. Sự khôn ngoan thông thường đó đã trở nên lỗi thời khi Ấn Độ ngày càng tiến gần về phía Mỹ, giữa thời điểm khá khó khăn với Trung Quốc.

Trái ngược với huyền thoại không liên kết, việc nghiêng sang một bên này hay bên kia đã là một phần trong truyền thống ngoại giao Ấn Độ và Trung Quốc. Khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Mao Trạch Đông đã khẳng định Bắc Kinh phải “nghiêng sang một bên” - về phía Liên Xô. Nhưng trong vòng vài năm, ông đã chống lại Moscow và nghiêng về phía bên kia, Washington. Nehru tuyên bố không liên kết nhưng đã tìm đến Mỹ trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1962. Trong năm 1971, Indira Gandhi đã ký một hiệp ước an ninh với Liên Xô khi Mỹ bắt tay với Trung Quốc thay đổi sự cân bằng lựa lượng trong khu vực. Nếu Delhi chỉ trích trục Mỹ - Trung Quốc - Pakistan trong những năm 1970, Mao Trạch Đông lên án nặng nề việc “gấu Nga” gắn kết với Ấn Độ.

Rắc rối địa chính trị vẫn tiếp tục. Delhi giờ đây lo ngại Nga tham gia trục Trung Quốc - Pakistan; Bắc Kinh vận động chống lại quan hệ đối tác Delhi - Washington - Tokyo. Trong câu chuyện thay đổi các liên minh Châu Á này, Delhi và Bắc Kinh có một mục tiêu không thay đổi - tạo dựng cân bằng lực lượng bên ngoài thuận lợi. Trong cuộc theo đuổi này, Ấn Độ và Trung Quốc tìm thấy chính mình thường ở những bên đối lập nhau.

Những người muốn lại giả định “thời kỳ vàng son không liên kết”, thường bỏ qua các yếu tố vị trí địa lý. Trung Quốc, có đường biên giới dài và tranh chấp với Ấn Độ và bây giờ xuất hiện lớn hơn so với trước đây. GDP của Bắc Kinh lớn hơn so với Ấn Độ gần năm lần; chi tiêu quân sự gấp ba lần của Delhi. Trong vài năm qua, Ấn Độ đã phải vật lộn để đối phó với sự mở rộng của Bắc Kinh về chính trị, hiện đại hóa quân sự và triển khai sức mạnh trong khu vực láng giềng của Ấn Độ. Tranh chấp lãnh thổ của Ấn Độ với Trung Quốc vẫn kéo dài. Sau nhiều thập kỷ đàm phán, Delhi và Bắc Kinh thậm chí không đồng ý về chiều dài đường biên giới của mình. Trung Quốc nói rằng biên giới khoảng 2.000 km - Ấn Độ ước tính gần 4.000 km. Do đó, câu chuyện về hai chủ nghĩa dân tộc vẫn gắn chặt đến vấn đề lãnh thổ. Vấn đề lãnh thổ trở nên phức tạp hơn bởi sự bất đồng về vấn đề Tây Tạng và mối quan hệ của nó với Delhi và Bắc Kinh. Delhi lo ngại về liên minh sâu sắc Trung Quốc - Pakistan và sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh trong tiểu lục địa và Ấn Độ Dương. Ấn Độ có mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Ngoài song phương và khu vực, Bắc Kinh đã cản đường Ấn Độ tham gia vào Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) và không mặn mà với tuyên bố của Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Mối quan hệ rắc rối của Ấn Độ với Trung Quốc trái ngược với hội tụ chính trị ngày càng tăng với Mỹ. Ấn Độ có thặng dư thương mại lớn với Mỹ; ngành công nghệ thông tin năng động Ấn Độ được kết nối sâu sắc đến Thung lũng Silicon của Mỹ. Mỹ đã chấm dứt ủng hộ Pakistan cách đây vài năm và dần tiến tới trung lập; Washington thẳng thắn hơn Trung Quốc trong việc giúp Ấn Độ chống khủng bố xuyên biên giới từ Pakistan. Khác với Trung Quốc, Mỹ ủng hộ việc xin gia nhập Hội đồng Bảo an và NSG của Ấn Độ.

Washington nói rằng họ muốn thấy Ấn Độ nổi lên như một cường quốc; Trung Quốc dường như muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Ấn Độ trên trường quốc tế. Mặc dù có những tiến bộ đáng kể trong quan hệ của Ấn Độ với Mỹ, vẫn còn nhiều ngờ vực đối với Mỹ. Một số người Ấn Độ đang lo ngại về những bất trắc trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và Pakistan. Trong khi đó, Ấn Độ không thể quên nhiệm vụ duy trì quan hệ hợp lý với một người hàng xóm hùng mạnh như Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là Delhi không thể kiểm soát được những biến đổi trong việc phân chia quyền lực diễn ra nhanh chóng tại Châu Á, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ.

Một số người tại Delhi có thể hài lòng với việc Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đe dọa áp dụng cách tiếp cận mạnh tay hơn với Trung Quốc. Một số khác lo lắng rằng mục tiêu thực sự của Trump là tạo ra một thỏa thuận mới với Bắc Kinh sau khi tạo đòn bẩy về các vấn đề kinh tế và chính trị. Delhi nhận thức sâu sắc rằng Washington và Bắc Kinh có quan hệ đối tác kinh tế với nhau chặt chẽ hơn với New Delhi. Do đó, trong tương lai gần, trọng tâm của New Delhi sẽ là làm sao mở rộng quan hệ đối tác tốt nhất với Mỹ trong khi hạn chế và kiểm soát được những khác biệt với Trung Quốc. Ấn Độ mới chỉ bắt đầu hành động theo hướng này và còn xa mới đạt được điều đó./.

Tiến sỹ Raja Mohan là Giám đốc Carnegie India, đồng thời là biên tập viên phụ trách các vấn đề quốc tế của ‘The Indian Express’. Bài viết đăng trên “Indian Express” .

Anh Thư (gt)