Một trong những động lực mới của sự hỗn loạn địa chính trị đang gia tăng ở châu Á và các vùng biển của khu vực này là việc sử dụng ngày càng nhiều thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Trong chuyến thăm dài ngày đến châu Á vào tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác định rõ khu vực này là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” chứ không phải là “châu Á-Thái Bình Dương” như thông thường. Các khái niệm về không gian địa chính trị không bao giờ là bất biến, và việc Trump chú trọng vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhấn mạnh sự trỗi dậy của Ấn Độ, thái độ quyết đoán của Trung Quốc và sự hiện diện ngày càng mở rộng của họ ở Ấn Độ Dương, cũng như các kế hoạch của Washington nhằm nâng tầm mối quan hệ đối tác chiến lược của nước này với New Delhi. Nó liên quan đến sự đánh cược chiến lược của Mỹ về vai trò tương lai của Ấn Độ trong việc định hình cấu trúc an ninh ở Đông bán cầu. Được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tích cực thúc đẩy trong những năm gần đây, khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể bắt nguồn từ quyết định của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mời Ấn Độ với tư cách là một thành viên sáng lập Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) năm 2005. Tuy nhiên, tính bền vững của động lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về cơ bản sẽ phụ thuộc vào việc New Delhi sẵn sàng làm việc với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực. 

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” thay vì thuật ngữ quen thuộc hơn là “châu Á-Thái Bình Dương” trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới châu Á với tư cách là tổng thống vào tháng 11/2017 đã khiến nhiều quan sát viên trong khu vực ngạc nhiên. Tuy nhiên, quan niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, như một không gian địa chính trị cố kết, đã dần dần có được sức hút trong những năm gần đây giữa sự trỗi dậy của Ấn Độ, mối quan hệ chiến lược ngày càng sâu sắc hơn của nước này với Mỹ và sự ủng hộ của Nhật Bản đối với ý tưởng này. Mặc dù các chính quyền tiền nhiệm đã bắt đầu thi thoảng sử dụng cụm từ này, nhưng Chính quyền Trump có phần thích thú khi đón nhận nó. Họ đã biến ý tưởng về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, được trình bày rõ ràng lần đầu tiên bởi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thành “mỏ neo” mới cho chính sách châu Á của mình. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với tư cách là một ý tưởng địa chính trị chỉ có khả năng tồn tại nếu New Delhi bắt đầu đóng một vai trò lớn hơn trong việc định hình nền chính trị an ninh của một khu vực rộng lớn kéo dài từ bờ Đông châu Phi đến Tây Thái Bình Dương và cởi mở hơn trước những thỏa thuận cộng tác vì an ninh khu vực như cơ chế 4 bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. 

Định nghĩa của Mỹ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 

Theo một quan chức cấp cao của Nhà Trắng khi thông tin vắn tắt cho báo giới về chuyến thăm dài ngày của Trump đến châu Á để tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và EAS, “Ấn Độ hướng đến phương Tây và Mỹ hướng đến phương Đông” – đây là bản chất của ý tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chuyến thăm của ông cũng bao gồm các cuộc gặp song phương thực chất với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và các nước khác bên lề 2 hội nghị cấp cao. Trong chuyến thăm của mình, Trump đã khoanh vùng khu vực này là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Vị quan chức này nói thêm: “Chúng tôi có mối quan hệ bền vững và ngày càng phát triển với Ấn Độ. Chúng tôi nói về ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’ một phần vì cụm từ đó nắm bắt được tầm quan trọng của sự trỗi dậy của Ấn Độ”. Vị quan chức này lập luận rằng an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc vào việc họ duy trì khả năng tiếp cận khu vực này để có được một dòng chảy thương mại tự do và rằng “một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở nói đến tầm nhìn đó”. 

Cố vấn an ninh quốc gia của Trump là tướng H. R. McMaster đã ủng hộ việc sử dụng khái niệm này trong cuộc phỏng vấn với Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) ngay trước khi tổng thống đặt chân đến Bắc Kinh. Chỉ ra sự hội nhập kinh tế ngày càng gia tăng giữa Đông Á và khu vực duyên hải Ấn Độ Dương, McMaster nói rằng thuật ngữ này nắm bắt tốt hơn động lực mới trong khu vực. “Ý tưởng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đề xuất rằng Ấn Độ phải tham gia định hình cán cân quyền lực châu Á bắt nguồn từ quá khứ. Trước khi chúng ta truy tìm nguồn gốc của sự tiến triển gần đây cho khái niệm này, điều quan trọng là phải lưu ý rằng các nhà hải dương học sử dụng khái niệm ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’ để mô tả khu vực sinh địa lý bao gồm các vùng biển nhiệt đới ấm áp của Ấn Độ Dương và khu vực phía Tây và trung tâm Thái Bình Dương”. 

Tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 

Giữa làn sóng tư tưởng địa chính trị vào đầu thế kỷ XX, Alfred Thayer Mahan đã bàn về khu vực kéo dài từ Tiểu Á đến bán đảo Triều Tiên đang nổi lên như một chiến trường quyết định trong nền chính trị toàn cầu. Chiến lược gia người Đức Karl Haushofer đã đề cập đến không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào những năm 1920. Tầm quan trọng của khu vực này trong Chiến tranh thế giới thứ 2 được phản ánh trên chiến trường Myanmar-Trung Quốc-Ấn Độ mà ở đó đế quốc Ấn Độ Raj thuộc Anh, Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc và Mỹ đã phối hợp lực lượng để chấm dứt sự chiếm đóng của Nhật Bản đối với Đông Nam Á. Định hướng hướng nội của Trung Quốc và Ấn Độ sau chiến tranh đã chứng kiến sự xói mòn của khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dù hai đại dương cũng như Nam Á và Đông Á ngày càng được xem là 2 thực thể riêng biệt, nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự nổi lên chậm hơn của Ấn Độ chắc chắn đã khôi phục các mối liên kết giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng như giữa Đông Á và Nam Á. 

Một trong những người đưa ra sớm nhất lý lẽ ủng hộ việc đưa Ấn Độ vào ma trận Đông Á đến từ Singapore. Trong một bài phát biểu thể hiện khả năng nhìn xa trông rộng tại lễ khai trương Viện nghiên cứu Nam Á vào đầu năm 2005, Bộ trưởng cấp cao Singapore khi đó là Ngô Tác Đống nói: “Sự trỗi dậy của Ấn Độ buộc chúng ta phải xem xét môi trường của chúng ta trên những phương diện mới. Việc coi Nam Á và Đông Á là các chiến trường chiến lược riêng biệt chỉ tương tác ở vùng ngoại vi sẽ ngày càng ít được chấp nhận hơn. Dĩ nhiên, quan hệ Mỹ-Trung-Nhật vẫn sẽ là quan trọng. Nhưng một tam giác quan hệ chiến lược lớn mới giữa Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ được xếp chồng lên đó, tạo ra một môi trường phức tạp hơn”. Những nhận xét của Goh được đưa ra trong bối cảnh tạo ra một diễn đàn mới, EAS, vào năm 2005. Singapore đã mở rộng sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc thừa nhận Ấn Độ là một thành viên sáng lập của EAS. 

Nếu như Singapore nhanh chóng nhận thấy tầm quan trọng trở lại của Ấn Độ đối với cấu trúc an ninh châu Á, thì Nhật Bản lại hết lòng đón nhận và trình bày rõ ràng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ vào tháng 8/2017, Abe đã nói về “sự hội tụ của hai biển”. “Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hiện đang tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ như là những vùng biển tự do và phồn thịnh. Một ‘châu Á rộng lớn hơn’ phá bỏ các ranh giới địa lý hiện đang bắt đầu được định hình một cách rõ ràng. 2 nước chúng ta có khả năng – và trách nhiệm – đảm bảo rằng nó mở rộng hơn nữa và nuôi dưỡng và làm giàu những vùng biển này”. 

Sau Abe, chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã bắt đầu thi thoảng sử dụng cụm từ này. Trong khi một số người sử dụng khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, những người khác bắt đầu sử dụng khái niệm “Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, bản chất của ý tưởng là như nhau – đã có sự hội nhập ngày càng gia tăng giữa 2 đại dương và một Ấn Độ đang trỗi dậy sẽ đóng góp nhiều cho hòa bình và sự phồn thịnh trong khu vực. Ngoài nhân tố Ấn Độ, việc tạo dựng một không gian nối 2 đại dương đã nhanh chóng tìm thấy sự cộng hưởng ở 2 nước – Úc và Indonesia – vốn nằm ở nơi giao nhau giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tranh luận về các vấn đề và triển vọng cho khái niệm địa chính trị mới đã thu hút đông đảo sự tham gia của giới trí thức trong thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI. Mặc dù có nhiều người ủng hộ nhưng cũng có nhiều người chỉ trích, đặc biệt là từ Bắc Kinh. Lập luận là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một siêu khu vực nhân tạo đang được xây dựng nhằm cô lập Trung Quốc. 

Quan điểm ở New Delhi 

Giống như nhiều nước khác, New Delhi có phần do dự về việc đón nhận ý tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong khi một số người nhìn thấy cơ hội để Ấn Độ mở rộng sự hiện diện toàn cầu của họ, thì những người khác lại coi đó là một nỗ lực có thể có của Mỹ nhằm lôi kéo Ấn Độ vào một vòng kiềm chế chống lại Trung Quốc. Mặc dù cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thi thoảng vẫn sử dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng không phải tất cả mọi người trong chính phủ đều tỏ ra bị thuyết phục. Nếu như đó là một vấn đề về ý thức hệ đối với một số người, thì những người khác lại đặt câu hỏi về tính thiết thực của khái niệm này. Cố vấn an ninh quốc gia của Singh là Shivshankar Menon đã chỉ ra các vấn đề với việc định nghĩa “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” như một không gian riêng rẽ: “Lý do tôi phản đối việc gọi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một không gian là vì nếu chúng ta làm vậy, thì có nguy cơ đưa ra một giải pháp cho các vấn đề an ninh khác nhau gây lo lắng ở Ấn Độ Dương, các vùng biển gần Trung Quốc, và Tây Thái Bình Dương”. 

Chính quyền Narendra Modi, vốn chịu trách nhiệm về quốc gia từ tháng 5/2014, bắt đầu chấp nhận thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” theo một cách chậm mà chắc. Trong tuyên bố tầm nhìn được Modi và Obama đưa ra vào tháng 1/2015, hai nhà lãnh đạo đã gọi khu vực này là “châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”. Một năm sau, New Delhi bắt đầu sử dụng cả hai thuật ngữ “châu Á-Thái Bình Dương” và “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vào tháng 6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ khi đó là Manohar Parrikar nói: “Đối với Ấn Độ, do chúng tôi nằm ở trung tâm lục địa châu Á rộng lớn tiếp giáp với hai bờ Ấn Độ Dương, nên bất kỳ sự đề cập nào đến châu Á đều ám chỉ toàn bộ khu vực địa lý trải dài từ kênh đào Suez đến bờ Thái Bình Dương”. Kể từ năm 2017, Modi và các cố vấn của ông đã sử dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thường xuyên hơn. Cuộc gặp giữa Trump và Modi tại Washington vào cuối tháng 6/2017 đã tạo dựng mối quan hệ đối tác Ấn-Mỹ trong bối cảnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. “Với vai trò là các bên quản lý có trách nhiệm ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi đã nhất trí rằng một mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Mỹ và Ấn Độ có ý nghĩa trung tâm đối với hòa bình và sự ổn định trong khu vực”. 

New Delhi cũng tán thành quan niệm về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” đã được Abe trình bày rõ ràng. Vào cuối buổi gặp gỡ của họ tại Gujarat vào tháng 9/2017, Modi và Abe đã nhấn mạnh “cam kết mạnh mẽ của họ về mối quan hệ đối tác dựa trên các giá trị của hai nước trong việc đạt được một khu vực tự do, cởi mở và phồn thịnh mà ở đó chủ quyền và luật pháp quốc tế được tôn trọng, và những bất đồng được giải quyết thông qua đối thoại, và ở đó tất cả các nước, dù lớn hay bé, đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, sự phát triển bền vững, và một hệ thống thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cởi mở”. Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết “kết hợp Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Nhật Bản với Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ”, thông qua việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, cải thiện tính kết nối trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn và tăng cường hợp tác với ASEAN. 

Vào khoảng cuối năm 2017, Mỹ cũng chấp nhận chủ đề một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Trong bài phát biểu của ông vào tháng 10/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kêu gọi phải có một quan hệ đối tác kéo dài 100 năm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giữa Mỹ và một Ấn Độ “đang trỗi dậy một cách có trách nhiệm”. “Trọng tâm của thế giới đang dịch chuyển sang trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ và Ấn Độ – với các mục tiêu chung của chúng ta là hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, và một cấu trúc tự do và cởi mở – phải đóng vai trò như là những ngọn đèn dẫn đường ở phía Đông và phía Tây của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là ngọn đèn bên trái và ngọn đèn bên phải mà ở giữa chúng khu vực này có thể đạt tới tiềm năng lớn nhất và tốt nhất của mình”. Tillerson phát đi tín hiệu rằng Washington chắc chắn đã đưa “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” vào từ điển chiến lược của Mỹ. 

Liên minh bốn bên 

Một trong những lời chỉ trích chủ yếu đối với khái niệm này là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không thích hợp với một cấu trúc khu vực cố kết. Tuy nhiên, đi kèm với sự ủng hộ khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là lời kêu gọi tạo ra một liên minh gồm các quốc gia có cùng mục đích ở khu vực có liên quan. Trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội Ấn Độ vào năm 2007, Abe đã lập luận rằng “châu Á rộng lớn hơn”, được hình thành nhờ mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Ấn Độ, “sẽ tiến triển thành một mạng lưới rộng lớn bao trùm toàn bộ Thái Bình Dương, trong đó có cả Mỹ và Úc. Cởi mở và minh bạch, mạng lưới này sẽ cho phép người dân, hàng hóa, vốn và tri thức tự do lưu thông. Khuôn khổ bốn bên dường như đã tàn lụi chỉ sau một vòng tham vấn giữa các quan chức cấp cao của bốn nước vào mùa Hè năm 2007 trong sự phản đối từ phía Trung Quốc. Năm 2008, Chính phủ Úc mới đắc cử, do Kevin Rudd lãnh đạo, đã công khai bác bỏ khái niệm về khuôn khổ bốn bên ở châu Á. 

Tuy nhiên, đó không phải là sự chấm dứt khuôn khổ bốn bên. Sau khi trở lại làm Thủ tướng Nhật Bản vào cuối năm 2012, Abe đã tìm cách khôi phục khuôn khổ bốn bên. Trong một bài viết cho truyền thông đại chúng, Abe thừa nhận rằng ông đã đánh giá thấp một cách đáng kể tiến độ và phạm vi của sự trỗi dậy trên biển của Trung Quốc khi ông phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ vào năm 2007. Trong khi Trung Quốc thể hiện thái độ quyết đoán ở biển Hoa Đông và Biển Đông và triển khai sức mạnh vào Ấn Độ Dương, Abe đã vạch ra một chiến lược “mà nhờ đó Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và bang Hawaii của Mỹ hình thành một hình thoi để bảo vệ các vùng biển chung trải dài từ khu vực Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương. Tôi sẵn sàng đầu tư, ở mức độ nhiều nhất có thể, các năng lực của Nhật Bản vào hình thoi an ninh này”. Abe tất nhiên đã giữ lời và tăng cường hoạt động hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thúc ép Ấn Độ, Mỹ và Úc khôi phục khuôn khổ bốn bên. Mặc dù các nhà lãnh đạo Ấn Độ trong khắp mọi phương diện chính trị có cảm tình đặc biệt với Abe, nhưng họ dường như không sẵn lòng khôi phục khuôn khổ bốn bên. 

Trong khi mối quan hệ với Trung Quốc xấu đi vào năm 2016 và 2017, và Washington và Tokyo liên tục kêu gọi khôi phục khuôn khổ bốn bên, thì New Delhi dường như đã có một sự tính toán mới về những thiệt hơn của việc gia nhập một diễn đàn như vậy. Khi Nhật Bản, trước thềm EAS vào tháng 11/2017, kêu gọi khôi phục khuôn khổ bốn bên, New Delhi đã ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng khởi động các cuộc tham vấn nhằm mục đích nối lại đối thoại bốn bên. Người ta cho rằng các quan chức cấp cao từ bốn nước đã gặp gỡ bên lề EAS năm 2017 tại Philippines. Những cuộc tham vấn này phải được xem là bước đi đầu tiên trong một hành trình dài mà chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều cú xóc nảy trên đường. Những ưu tiên và lợi ích cạnh tranh nhau của bốn đối tác, và những lợi ích riêng rẽ của họ trong một mối quan hệ vừa phải với Trung Quốc có khả năng làm phức tạp thêm việc xây dựng một liên minh. Tuy nhiên, việc Washington quyết định gắn chặt Ấn Độ vào chiến lược châu Á của họ và việc New Delhi sẵn sàng từ bỏ những do dự về khuôn khổ bốn bên chắc chắn đã cải thiện các triển vọng cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một khái niệm địa chính trị đáng tin cậy.

Giáo sư C Raja Mohan là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Carnegie India; giáo sư nghiên cứu liên kết tại viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISAS), Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Bài viết được đăng trên ISAS.

Trần Quang (gt)