Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2014 dường như rất thành công trên phương diện ký kết các thỏa thuận đầu tư trong tương lai. Các lời hứa hẹn, cam kết đã được hai bên đưa ra để cùng nhau giải quyết các vấn đề quan trọng về chính trị, quân sự và tập trung vào lĩnh vực hợp tác mà cả hai có lợi ích chung. Mặc dù bao trùm trong chuyến thăm này là chủ đề hợp tác kinh tế nhưng điều đó không có nghĩa cuộc đấu tranh quyền lực giữa hai nước đã kết thúc hoặc mất đi ý nghĩa quan trọng là điều kiện bao trùm cho các mối quan hệ tổng thể Trung-Ấn. Do đó, dù rằng không được nói ra nhưng đằng sau đó chính là lo ngại sâu sắc của Ấn Độ về hành động quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, nơi vị thế mới của New Delhi đang liên tục bị thách thức bởi hàng tỷ USD viện trợ từ Bắc Kinh và các dự án xây dựng khổng lồ của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc tìm cách tăng cường ảnh hưởng, thống trị khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông gần đây đang ngày càng thu hút sự chú ý của công luận thì cuộc đấu tranh âm thầm lặng lẽ về ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương cũng được Nhật Bản, Mỹ theo dõi một cách chặt chẽ. Hơn bất kỳ lúc nào hết, tất cả các mối lo ngại đó đều là về vấn đề năng lượng. Trên thực tế, các tàu chở dầu đi qua Ấn Độ Dương có đến 80% là của Trung Quốc, 65% của Ấn Độ, 60% của Nhật Bản khiến cho vùng biển này trở thành tuyến đường quan trọng đối với ba cường quốc của Châu Á. Bất kỳ sự cố nào trong tuyến đường vận chuyển dầu như bế tắc ngoại giao, cướp biển, chiến tranh... có thể làm tê liệt các nước này và gây ảnh hưởng đến toàn thế giới. 

Việc Trung Quốc nhanh chóng bành trướng ra khắp khu vực là điều khá rõ ràng khi chúng ta xem xét chiến lược mà nước này theo đuổi thực hiện trong những năm qua. Ngoài việc xây dựng hải cảng, tạo dựng liên minh tập hợp các quốc gia ven biển từ Myanmar đến Pakistan còn có sáng kiến gần đây nhất của Trung Quốc là “Con đường tơ lụa trên biển”. Tuyến đường này được cho là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt thỏa thuận đã được ký kết để kết nối Trung Quốc với châu Âu bằng đường biển. Nhưng nếu Trung Quốc quảng cáo “Con đường tơ lụa trên biển” là tầm nhìn về hợp tác quốc tế thì giới chức Ấn Độ lại đánh giá đây là mưu kế con ngựa thành Troy để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, và là khúc dạo đầu để tăng cường, bành trướng vị thế địa chính trị của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. 

Mặc dù Trung Quốc đang đầu tư vào Ấn Độ, nhưng Bắc Kinh vẫn hợp tác với nhiều quốc gia khác ở Ấn Độ Dương. Ví dụ, trước khi thực hiện chuyến thăm Ấn Độ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công du đến hai nước đồng minh Maldives và Sri Lanka. Tại Maldives, ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên đều đặn trong những năm qua. Động lực tạo ra ảnh hưởng chính là các khoản đầu tư của Trung Quốc, một phần trong chiến lược “Chuỗi ngọc trai”. Tương tự như vậy đối với Sri Lanka, Trung Quốc đã xây dựng một hải cảng lớn ở thị trấn Hambantota. Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc không thăm Pakistan nhưng Bắc Kinh chắc chắn sẽ xây dựng hải cảng ở Gwadar nhìn ra eo biển Hormuz. Rõ ràng, Trung Quốc đang xây dựng cứ điểm ảnh hưởng của mình ở Ấn Độ Dương để đối trọng với ảnh hưởng của cả Mỹ và Ấn Độ ở khu vực này. 

Chiến lược của Trung Quốc, ngoài việc mở rộng ảnh hưởng, còn nhằm đa dạng hóa các tuyến đường vận chuyển thương mại, đặc biệt là nhập khẩu dầu mỏ. Trên thực tế, Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ Trung Đông, châu Phi và như vậy là một quốc gia dễ bị tổn thương khi nguồn cung bị gián đoạn do bất ổn chính trị gây ra ở những nước cung cấp nguồn tài nguyên, hoặc những vấn đề gây ra trên đường vận chuyển như nạn cướp biển, phong tỏa tại những eo biển hẹp như vùng Vịnh Persian, eo biển Malacca, Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan. Thông qua việc xây dựng cảng biển tại những khu vực chiến lược, Trung Quốc về cơ bản đảm bảo tuyến đường năng lượng của mình, đồng thời mở rộng quan hệ thương mại, ngoại giao bằng cách thúc đẩy liên minh kinh tế, chiến lược. 

Về cơ bản, nỗ lực của Trung Quốc xoay quanh hoạt động đề nghị, chào mời mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào khác, có lợi cho tất cả các bên trên phương diện phát triển cơ cấu kinh tế, xã hội của các nước đối tác. Vì lý do đó, ngày càng nhiều nước chấp nhận quan hệ đối tác với Trung Quốc. Có thể viện dẫn ra đây nhiều ví dụ điển hình chứng minh cho quan điểm này và chỉ riêng trường hợp của Myanmar cũng là quá đủ. Bất chấp mọi nỗ lực của Ấn Độ, Myanmar đang dần chấp nhận quan hệ đối tác với Trung Quốc trong nhiều dự án có ý nghĩa địa chiến lược. Các dự án đang và sắp triển khai gồm có đường ống vận chuyển dầu mỏ, khí đốt Myanmar-Trung Quốc, dự án cảng nước sâu, khu công nghiệp Kyaukpyu và tuyến đường cao tốc, đường sắt nối liền với miền Nam Trung Quốc, dự án hỗ trợ phát triển y tế, năng lượng và nông nghiệp. 

Việc ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng so với các quốc gia khác trong khu vực là điều hiển nhiên khi chúng ta xem xét sự gia tăng chóng mặt trong lĩnh vực thương mại song phương giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực và giữa Ấn Độ với các nước trong khu vực. Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang giám sát chặt chẽ hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực và tăng cường quan hệ với các nước châu Á, thậm chí một số nước trong đó còn là đối thủ đáng gờm của Trung Quốc. Ví dụ như, chỉ vài tuần trước đây, Thủ tướng Ấn Độ đã thực hiện chuyến thăm thành công đến Nhật Bản, một đối thủ đáng gờm nhất của Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, Tokyo cam kết viện trợ, đầu tư nhiều tỷ USD vào Ấn Độ cũng như ký kết các thỏa thuận nhằm tăng cường quan hệ an ninh, kinh tế hai bên. Và cũng chỉ vài ngày trước đó, Ấn Độ và Việt Nam đã ra tuyên bố chung kêu gọi tự do hàng hải ở Biển Đông, phản ứng rõ ràng nhằm vào hành động hiếu chiến của Bắc Kinh ở khu vực. 

Bên cạnh đó, cũng có dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang ấp ủ chiến lược “Thống trị biển” đến tận Biển Đông. Trong khi cả thế giới đang theo dõi cuộc đối đầu của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông thì Ấn Độ cũng chăm chú theo dõi với mối quan tâm đặc biệt. Ấn Độ không đưa ra tuyên bố chủ quyền ở khu vực này nhưng một quan chức Ấn Độ gần đây lại tuyên bố Biển Đông có thể được xem như “Khu vực tiền sảnh của Ấn Độ Dương” dựa trên lưu lượng giao thông hàng hải. Trên phương diện này, Ấn Độ đã thực hiện những bước đi cụ thể, cứng rắn. Ví dụ, với việc mở rộng dần dần chương trình hiện đại hóa sức mạnh, tiềm lực hải quân Ấn Độ thì không lấy gì làm ngạc nhiên khi điều đó phù hợp với chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Bốn trong số các tàu chiến của Ấn Độ nằm dưới sự chỉ huy của Hạm đội Viễn Đông đã triển khai hoạt động liên tục ở khu vực Biển Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương trong hơn một năm nay. Đây là dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ về hoạt động quân sự đối trọng của Ấn Độ trước sự bành trướng mở rộng cũng như thị uy của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.

Ngay cả sau khi Quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Mỹ được truyền thông thổi phồng trở thành điểm nóng, tác động đến tính tích cực trong quan hệ Ấn-Trung nhưng cả Ấn Độ và Mỹ đều có mục tiêu giống nhau, đó là ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng. Không thể phủ nhận thực tế Ấn Độ đã xây dựng đủ tiềm lực hải quân nhưng sức mạnh hải quân này càng làm sâu sắc thêm cuộc đấu tranh quyền lực giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Liệu rằng sự cạnh tranh quyền lực có biến thành xung đột hay không vẫn là một vấn đề còn phải bàn cãi. Tuy nhiên, điều chắc chắn là việc cạnh tranh ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương là điểm mấu chốt quan trọng có thể dẫn đến một số hình thức xung đột giữa hai nước này. 

Về vấn đề này, chúng ta phải phân tích làm rõ tình hình trên sẽ tiến triển như thế nào trong quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến tiến độ xây dựng cảng Gwadar. Vị trí của Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi cái gọi là “Eo biển Hormuz” mà nước này phụ thuộc rất lớn về việc chuyên chở hàng hóa xuất khẩu qua đây, một eo biển gần bờ biển Makran của Pakistan, nơi Trung Quốc đang giúp Pakistan xây dựng phát triển cảng biển nước sâu. Để đối trọng cân bằng với hành động của Trung Quốc, Ấn Độ đang xây dựng một hình thức cảng biển tương tự ở Iran mà khi đưa vào sử dụng sẽ củng cố cho vị thế của nước này ở eo biển Hormuz. 

Để hiểu rõ thêm mức độ cạnh tranh ảnh hưởng quyền lực khốc liệt Trung-Ấn, chúng ta cần phải xem xét số tiền đã được chi ra để phát triển và mở rộng lực lượng hải quân. Ví dụ, Ấn Độ dự kiến dành 45 tỷ USD trong vòng 20 năm để mua, đóng mới 103 tàu chiến trong đó có tàu khu trục và tàu ngầm hạt nhân. Trong khi đó, Trung Quốc đầu tư khoảng 25 tỷ USD cho 135 tàu chiến. Chỉ riêng khoản chi phí khổng lồ này cũng cho thấy hai đối thủ cạnh tranh hiểu rõ về vị thế của nhau như thế nào ở Ấn Độ Dương và hai nước muốn đối trọng lại nhau bằng cách nào. 

Rõ ràng cuộc đấu đá quyền lực giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương có thể là điểm mấu chốt trong cuộc xung đột ở khu vực. Rõ ràng hai bên đều ngang tài ngang sức trên phương diện quân sự. Và với tầm quan trọng sống còn của Ấn Độ Dương đối với nền kinh tế của cả hai nước, có thể thấy rằng Trung Quốc, Ấn Độ sẽ tiếp tục dành những khoản ngân sách lớn nhằm nâng cấp tiềm lực của mình để luôn ở trong vị thế sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống quân sự nào. Chính vì vậy, Ấn Độ Dương chắc chắn là một điểm nóng quan trọng giữa Trung Quốc và Ấn Độ và có thể châm ngòi xung đột lâu dài cho toàn bộ khu vực./. 

Theo “Journal-neo

Mỹ Anh (gt)