chinaflag1.jpg

Một bản tin cuối tuần qua nói rằng Trung Quốc đã cảnh báo Ấn Độ hãy tránh xa “thuộc địa riêng" của mình là Sri Lanka. Rõ ràng đối với Trung Quốc, Ấn Độ là một đối thủ cạnh tranh lớn ở Châu Á. Một mặt, Trung Quốc mời chào Ấn Độ tham gia các dự án Một vành đai một con đường (OBOR) và Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) mà nước này đề xuất; mặt khác, lại cho rằng Ấn Độ giữ thái độ cách biệt tại mọi diễn đàn quốc tế. Các tranh chấp biên giới Ấn - Trung Quốc vẫn kéo dài khi Trung Quốc thường xuyên khuấy lên các vấn đề Arunachal Pradesh và Đạt Lai Lạt Ma.

Để gây rắc rối cho Ấn Độ, Trung Quốc đã nhiều lần ngăn Liên Hợp Quốc đưa Azhar Masood vào danh sách khủng bố quốc tế mặc dù phương Tây cùng với Ấn Độ thúc đẩy vấn đề này. Trung Quốc cũng ngăn cản việc Ấn Độ gia nhập NSG và sẽ không chấp nhận Ấn Độ là thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Luôn hậu thuẫn Pakistan, Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai chỉ trích nước này trên diễn đàn quốc tế. Trung Quốc tiếp tục trang bị vũ khí cho Pakistan, bảo đảm rằng vẫn duy trì một chướng ngại trong phát triển quân sự và kinh tế của Ấn Độ. Sự tham gia của Trung Quốc vào cảng Gwadar và CPEC chỉ nhằm gia tăng mối lo ngại về an ninh của Ấn Độ.

Trung Quốc hiện đang tìm cách trở thành một quyền lực nổi trội ở Nam Á. Trong khi chưa thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bằng chính trị, nước này bắt đầu vận dụng chiêu bài kinh tế. Trung Quốc gia tăng đầu tư ở Nepal nhằm giảm ảnh hưởng của Ấn Độ và lấn sang Sri Lanka, tiếp quản cảng Hambantota trong 99 năm. Đầu tư của nước này ở Myanmar và căn cứ quân sự ở quần đảo Coco được xây dựng để đối phó với sự trỗi dậy của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã cấp tàu ngầm và tăng đầu tư kinh tế cho Bangladesh. Trung Quốc cũng đang đàm phán bí mật với Taliban trong khi tìm cách giành ảnh hưởng ở Afghanistan. Ở Maldives, cùng với chính phủ chống Ấn Độ, đầu tư của Trung Quốc gia tăng và dự kiến sẽ phát triển một sân bay ở đây. Nước duy nhất ở lân cận Ấn Độ mà Trung Quốc chưa xâm phạm là Bhutan.

Phần lớn quốc gia ở Nam Á còn yếu về kinh tế và tìm kiếm đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện nay, Ấn Độ vẫn còn ảnh hưởng lớn ở các nước láng giềng, là nhà cung cấp viện trợ và tìm cách kết hợp với sự tăng trưởng của mình. Tuy nhiên, trong khi Ấn Độ cần thời gian để lời hứa trở thành hiện thực thì Trung Quốc tiến hành các bước đi nhanh hơn nhiều.

Một ví dụ là cảng Chabahar ở Iran, Ấn Độ vẫn chưa tạo được bước tiến nào do còn chờ đợi phản ứng của Iran trước khi chuyển tiền để khởi công dự án. Trong khi đó, ý định phát triển CPEC của Trung Quốc được công bố từ tháng 11/2014 và được đưa vào hoạt động. Ngoài ra, nền kinh tế của Trung Quốc lớn gấp năm lần Ấn Độ.

Đầu tư của Trung Quốc tại khu vực đang đẩy Ấn Độ vào vị trí thứ yếu. Việc đầu tư cũng mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc vốn rẻ hơn và hệ quả là giảm nhập khẩu của Ấn Độ. Nỗ lực của Ấn Độ trong việc đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mông Cổ và Việt Nam hầu như không có tiến triển. Dưới áp lực kinh tế của Trung Quốc, Mông Cổ đồng ý không tiếp tục mời Đạt Lai Lạt Ma trong khi phớt lờ đề xuất viện trợ của Ấn Độ. Việt Nam dù vẫn liên hệ với Ấn Độ về mua bán quốc phòng nhưng thúc đẩy một cách thận trọng, chủ yếu do chào mời của Trung Quốc về đầu tư và phát triển. Ngay cả Philippines cũng lung lay trước đề nghị kinh tế của Trung Quốc và thậm chí còn sẵn sàng phá vỡ quan hệ đồng minh với Mỹ.

Trung Quốc có thể vượt trội Ấn Độ về mặt quân sự song nhận thức rằng không thể ảnh hưởng đến khu vực bằng quân sự nên thay vào đó, bắt đầu sử dụng sức mạnh kinh tế để cho thấy rằng kinh tế có thể thay đổi cán cân quyền lực ở bất kỳ khu vực nào. Bên cạnh đầu tư, truyền thông Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ chống lại can thiệp, ngăn chặn hoặc cản trở đầu tư của nước này tại khu vực. Một ví dụ là sự xáo động sau khi Sri Lanka cho Trung Quốc thuê đất mà Trung Quốc đổ lỗi cho Ấn Độ. Về Nepal, Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ không được can thiệp vào các hoạt động đầu tư và phát triển của nước này sau khi chính phủ chống Ấn Độ của Thủ tướng Oli bị lật đổ. Bằng cách đưa ra các tuyên bố như vậy, Trung Quốc truyền tải một thông điệp rằng nước này sẵn sàng thách thức Ấn Độ trong vai trò lãnh đạo ở khu vực.

Đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc còn ở dưới dạng các khoản vay; và Trung Quốc thúc đẩy rất hiệu quả. Trung Quốc đã thành công ở Sri Lanka và sẽ sớm làm như vậy ở Nepal và Maldives. Các báo cáo gần đây cho thấy các tàu ngầm Trung Quốc đã bắt đầu lắp ghép tại các cảng do Trung Quốc điều hành ở Sri Lanka, làm gia tăng mối lo ngại an ninh của Ấn Độ.

Ấn Độ theo dõi các diễn biến này, nhưng chưa có khả năng so sánh với các khoản đầu tư của Trung Quốc hoặc ngăn chặn các hành động đó. Lựa chọn duy nhất của Ấn Độ là để tiếp tục cam kết ngoại giao trong khi vẫn ủng hộ mạnh mẽ đối với khu vực. Ấn Độ cần phải giám sát hợp tác quân sự của Trung Quốc với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, về mặt ngoại giao, Ấn Độ cần có những bước đi thận trọng vì sự suy giảm trong quan hệ có thể dễ dàng đẩy các quốc gia về phía Trung Quốc, tăng cường mối lo ngại an ninh. Đối với các nước trong khu vực, việc chơi lá bài Ấn Độ chống Trung Quốc sẽ có lợi trong ngắn hạn, vì không có gì để mất khi hai nước láng giềng lớn này xích mích. Về dài hạn có thể khác, khi Trung Quốc bắt đầu đưa ra những đòi hỏi hợp pháp nhưng quá đáng./.

Tác giả nguyên là Thiếu tướng quân đội Ấn Độ Harsha Kakar. Bài viết đăng trên “The Stateman.

Nhật Linh (gt)