Modi-costum.jpg

 

Hơn 40 quốc gia châu Phi tuyên bố sẽ tham dự hội nghị với đại diện cấp cao nhất là Tổng thống, phó Tổng thống, Thủ tướng. Đây sẽ là Hội nghị lớn nhất kể từ trước đến nay giữa châu Phi và Ấn Độ. Kể từ năm 2008, ba năm một lần, Ấn Độ lại tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với các quốc gia châu Phi. Hai hội nghị thượng đỉnh trước đây, với sự tham gia của 15 quốc gia, đã mang lại kết quả rất khiêm tốn. Đó là một thất bại trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ đối với châu Phi. Mặc dù trước đây, Ấn Độ từng có quan hệ truyền thống tốt đẹp với khu vực này, nhưng hiện nay nhiều quốc gia tại đây không coi trọng Ấn Độ và thường than phiền về sự thờ ơ của New Delhi đối với họ. Tuy nhiên, hiện Ấn Độ đang trở lại thắt chặt quan hệ với châu Phi. Theo các nhà phân tích, hiện châu lục này không còn là lục địa trì trệ, và các quốc gia trong khu vực này đang "tận dụng" các điểm mạnh của họ.

Trong vài thập kỷ qua, Ấn Độ đã đặt trọng tâm vào xây dựng năng lực tại lục địa này với việc hỗ trợ hơn 1 tỷ USD cho Chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC). Ấn Độ cũng cam kết hỗ trợ 7,5 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng ở châu lục này, bao gồm 137 dự án tại hơn 40 quốc gia. Ấn Độ cũng miễn thuế tiếp cận thị trường cho các nước kém phát triển nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, mục tiêu thương mại 70 tỷ USD của Ấn Độ đặt ra đối với châu Phi vẫn còn "xa vời" và chưa tương xứng với tiềm năng giữa hai bên. Ấn Độ mong muốn đẩy mạnh quan hệ đối tác phát triển với châu lục này như là nền tảng của mối quan hệ hợp tác với khu vực này trong tương lai gần. Hiện nay, khu vực tư nhân của Ấn Độ - bao gồm cả những "tên tuổi" lớn như Tata, Bajaj, Mahindra và Airtel - đã đầu tư đáng kể tại đây.

Hơn nữa, khối lượng dầu khí mà Ấn Độ nhập khẩu từ châu Phi đang ngày càng tăng và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nước này là đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng. Ấn Độ cần chủ động hỗ trợ nhiều hơn tại châu lục này nếu muốn thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Hiện nay, lực lượng khủng bố và các nhóm Hồi giáo cực đoan - bao gồm Boko Haram - đang gia tăng sự đe dọa tại châu lục nên các quốc gia châu Phi đang rất muốn Ấn Độ phối hợp để giải quyết thách thức to lớn này. Trước đây, Ấn Độ đã hợp tác với các quốc gia ven Ấn Độ Dương để đảm bảo sự an toàn cho các tuyến đường hàng hải tại đây.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang hy vọng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và 54 quốc gia châu Phi sẽ là "chìa khóa" quan trọng cho nỗ lực này. Đổi lại, Ấn Độ đã cam kết viện trợ các nguồn lực đáng kể cho châu Phi trong những năm gần đây, nhưng việc tiến hành tài trợ thực tế và triển khai các dự án đã không đạt được các kết quả đáng mong đợi. Trái với Trung Quốc, Ấn Độ không nhìn nhận châu Phi bằng con mắt "hám lợi". Nhiều người Ấn Độ lại lo ngại rằng nước họ không nhận được các lợi ích xứng đáng từ châu lục này. Điển hình là thất bại của New Delhi trong việc thiếu sự ủng hộ của các quốc gia châu Phi để đưa Ấn Độ vào "chiếc ghế" thường trực HĐBA LHQ năm 2006. Trong khi đó, Trung Quốc đã thành công khi nhờ vào Liên minh châu Phi (AU) để có được vị trí đó tại Tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này trước đây.

Ngày nay, tất cả các cường quốc lớn trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu đều đang "ve vãn" châu Phi với các khoản viện trợ, đầu tư và liên kết thương mại rất lớn khi châu lục này bắt đầu sử dụng những thế mạnh của mình để thu hút đầu tư và hội nhập thế giới. Do vậy, Ấn Độ sẽ phải chứng tỏ luôn sẵn sàng đáp ứng những đổi thay nhanh chóng tại châu lục "Đen" trong tương lai.

Theo “The Diplomat

Anh Thư (gt)