12/08/2011
Trong bài viết nhan đề "Ấn Độ: Trỗi dậy hay hồi sinh ?" trên tạp chí "Địa chính trị", Ông Jean-Luc Racine, Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ và Nam Á, phân tích điểm mạnh yếu, hạn chế cũng như lợi thế của Ấn Độ, và nhận định rằng Ấn Độ là nước có khả năng trở thành cường quốc mới và một đối trọng với Trung Quốc ở châu Á
Khi nói đến kinh tế, các nước mới trỗi dậy được nói đến nhiều trong thời gian gần đây, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin. Ngoại trừ Trung Quốc hiện là nền kinh tế thứ hai thế giới, sau Mỹ, đang quyết tâm cạnh tranh vị trí siêu cường số một của Mỹ, với sức mạnh kinh tế, tiềm năng quân sự, sức nặng về dân số, Ấn Độ được xem là nước có khả năng trở thành cường quốc mới và một đối trọng với Trung Quốc ở châu Á.
Châu Á đang lớn mạnh theo từng giai đoạn. Nhật Bản bắt đầu chuyển mình từ năm 1868 khi bước vào Thời kỳ Minh Trị Duy Tân trước khi đánh thắng Nga năm 1905 và công khai chính sách bành trướng trong những năm 1930. Sau năm 1945, Nhật Bản đứng dậy từ đống đổ nát và trở thành một cường quốc kinh tế tầm cỡ trong ba chục năm bằng con chủ bài là sáng tạo. Nước Trung Quốc từ năm 1978 đã bắt đầu biến chuyển về kinh tế với "Bốn hiện đại" của Đặng Tiểu Bình. Rồi xuất hiện "bốn con rồng": Hàn Quốc, Đài Loan, Xinh-ga-po và Hồng Công. Tiếp đó là những "con hổ châu Á", những nước xuất khẩu mới và cũng là những nước có biển: In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Philíppin và Brunây. Sự xuất hiện của Ấn Độ trong cuộc chơi sau khi điều chỉnh chính sách kinh tế năm 1991 đã dẫn đến sự hình thành hai trào lưu. Một mặt, Ấn Độ trở lại với châu Á, nghĩa là không còn là một nước đứng ở giữa hai châu lục nữa, một thế giới riêng nữa, mà từ nay là nước được tính tới vì chính Ấn Độ cũng như vị thế ngày càng cao của nước này trên bàn cờ châu Á. Cách đây 15 năm, khi các giới kinh tế và chiến lược nghĩ đến "châu Á" thì nghĩ ngay đến châu Á-Thái Bình Dương. Từ nay, Ấn Độ cũng được biết tới, và nếu Trung Quốc hiển nhiên được nói đến nhiều nhất, thì cũng là bình thường nếu nghe nói "Trung Quốc và Ấn Độ…". Mặt khác, Ấn Độ bắt đầu có ảnh hưởng đến hệ thống thế giới. Chính phủ nước này kêu gọi cải cách chính sách đa phương được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ Hai trong khi các doanh nghiệp năng động nhất của nước này trở thành các công ty xuyên quốc gia.
Ấn Độ chưa phải là một cường quốc lớn, song trở thành một tác nhân trên sân khấu lớn thế giới. Nước này đã thay đổi cách nhìn về mình cũng như cách nhìn đối với thế giới. Thế giới đã bắt đầu thay đổi nhãn quan về Ấn Độ. Nhận thức đó là mới và trở thành nhãn quan chung từ vài năm trở lại đây, khi tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ vượt quá 8% vào năm 2003, rồi 9% trong năm 2005 và trong ba năm liền. Kể cả sau cuộc khủng hoảng khiến tăng trưởng của Ấn Độ chậm lại, nước này trong giai đoạn chuyển tiếp rõ ràng là một nước mới trỗi dậy. Tầm cỡ kinh tế của tiến trình đó không phải là yếu tố duy nhất cho dù nó xác định cơ sở của một nước Ấn Độ mới. Lớn mạnh được dĩ nhiên phải có tầm cỡ ngoại giao và chiến lược, đồng thời cũng phải xuất phát từ một luồng tư tưởng, song điều quan trọng là phải đưa trở lại luồng tư tưởng đó vào lịch sử của Ấn Độ trong thế kỷ 20.
Từ nô lệ đến trỗi dậy: ba giai đoạn
Nước Ấn Độ độc lập được xây dựng trên hai nền tảng. Thứ nhất là phong trào dân tộc đấu tranh chống Đế chế Anh trong thế kỷ 19, với sự xuất hiện của mầm mống đổi mới. Các nhà cải cách lớn xuất hiện và nỗ lực tiến hành đổi mới. Do bị đô hộ nên Ấn Độ thiếu cái thiết yếu để tiến hành cách mạng công nghiệp. Các trường đại học đầu tiên ra đời năm 1857 góp phần sản sinh một giới tinh hoa mới, tân tiến, nói tiếng Anh. Một thế hệ sau, giới tinh hoa muốn chính quyền Anh thừa nhận sự tồn tại của mình và được có chân trong giới quyền lực. Trong những năm 1920-1940, phong trào dân tộc tìm cách vượt qua đa dạng ngôn ngữ và tôn giáo ở Ấn Độ, song thất bại một phần vì nước này bị chia cắt năm 1947 và việc thành lập nước Pakixtan.
Với nền độc lập, trụ cột thứ hai của sự trỗi dậy của Ấn Độ được hình thành. Ấn Độ thời hậu thực dân dựa trên 4 hình mẫu: về chính trị là nền dân chủ đại nghị làm cơ sở, về kinh tế là hàng rào bảo hộ và một Nhà nước có sức nặng đáng kể trong sản xuất các mặt hàng chủ chốt và dịch vụ mang tính quyết định nhưng không hủy hoại khu vực tư nhân, về ngoại giao là lập trường không liên kết bác bỏ Chiến tranh Lạnh, và cuối cùng là khoa học công nghệ phục vụ dân tộc. Trên thực tế, Ấn Độ chưa bao giờ là một nước xã hội chủ nghĩa theo nghĩa như ở các nước Đông Âu hay một số nước thế giới thứ ba. So với các "con rồng châu Á" và Trung Quốc, tăng trưởng của Ấn Độ thuộc loại thường và đói nghèo có giảm đôi chút. Song những năm của Nehru đã đặt nền móng cho một tiềm năng ngày nay bắt đầu có hiệu lực.
Giai đoạn thứ ba là thời kỳ chuyển tiếp trong những năm 1990 với cải cách và chính sách kinh tế mới, chủ nghĩa bảo hộ được xóa bỏ, quy định mềm dẻo hơn đối với đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế tăng dần từ 5,5% (thời kỳ 1985-1990) lên 6,6% (1992-1997) rồi từ năm 2002 tăng dần lên mức 9,6%. Về sức mua, Ấn Độ vươn lên hàng thứ tư thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, trước Đức. Với Tổng sản phẩm quốc nội ước tính 1.235 tỷ USD, Ấn độ đứng thứ 10 thế giới trong một thời gian tương đối dài, nhưng vẫn là nền kinh tế thứ ba ở châu Á, trong khi Trung Quốc tiến nhanh.
Ấn Độ cũng tự khẳng định mình về phương diện chiến lược. Nếu năm 1991 đánh dấu bước khởi đầu của tiến trình tự do hóa kinh tế có chọn lọc, thì năm 1998 đánh dấu bước ngoặt quyết định trong vị thế chiến lược của Ấn Độ với vụ thử hạt nhân quân sự công khai đầu tiên để đối phó với mối đe dọa ở biên giới. Chính sách kinh tế mới được đảng Quốc Đại tiến hành phù hợp với tình hình thế giới. Như vậy, Ấn Độ chắc chân bước vào một thời kỳ mới trong lịch sử của mình: thời kỳ hậu-hậu thực dân và đến thời trỗi dậy thay cho xây dựng đất nước.
Nước Ấn Độ hậu-hậu thực dân
Thời kỳ hậu-hậu thực dân được khẳng định trong những năm 2000 với việc Ấn Độ quyết định gác lại quá khứ để hướng về tương lai với một sự tự tin mới và một thế giới quan mới. Nhiều yếu tố giúp Ấn Độ có được hình ảnh mới đối với thế giới.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế là yếu tố cơ bản, tăng liên tiếp từ sau năm 2005 với 3 năm liền đạt mức trên 9%. Các ngành kinh tế cũng lớn mạnh. Con chủ bài rõ rệt nhất góp phần hiện đại hóa Ấn Độ là việc các doanh nghiệp tin học lớn sản xuất công nghệ thông tin đặt được chân vào thị trường quốc tế và mở đường cho nước này tiến vào thị trường các nền kinh tế tiên tiến. Ấn Độ bỏ lỡ hai cuộc cách mạng công nghiệp, song là một phần của cuộc cách mạng tin học và số. Các ngành dịch vụ khác cũng rất năng động: thuốc chữa bệnh, sản xuất hàng công nghiệp, sản xuất xe hơi giá rẻ, ôtô điện, mua lại một số hãng xe hơi nổi tiếng. Doanh nghiệp Nhà nước từ chỗ làm ăn không có hiệu quả nay đầu tư mạnh ra châu Á và Trung Đông, đặc biệt về dầu khí.
Thứ hai, quyền lực mềm với các mạng lưới của giới tinh hoa Ấn Độ nói thạo tiếng Anh có mặt ở Mỹ, tạo thành một cộng đồng hơn 2 triệu người hoạt động tích cực trong ngành kinh doanh, sáng chế, trường đại học và nghiên cứu, và hiện nay cả trong giới cầm quyền cấp bang cũng như liên bang. Người Ấn Độ ở Mỹ còn có cả một nhóm vận động hành lang trong Hạ viện Mỹ (Ủy ban Hành động Chính trị Mỹ-Ấn - USINPAC) làm việc vì lợi ích của cộng đồng cũng như để tăng cường mối quan hệ Mỹ-Ấn. Chính quyền nước này không quên lợi ích của người Ấn Độ ở nước ngoài, dù họ còn giữ quốc tịch Ấn Độ hay không. Từ năm 2003, vào ngày 9/1 hàng năm, Ấn Độ tổ chức cuộc gặp rộng rãi để vinh danh cộng đồng người Ấn Độ ở nước ngoài. Thứ quyền lực mềm của Ấn Độ đó cũng thể hiện trong lĩnh vực văn học và tri thức.
Thứ ba là về ngoại giao và chiến lược. Từ sau bước ngoặt trong những năm 1990-2000, địa chính trị của Ấn Độ đã thay đổi đáng kể, song vẫn giữ cơ cấu cũ. Không có gì thay đổi nhiều trong không gian vùng lân cận do không tiến tới được bình thường hóa quan hệ với Pakixtan tuy có đối thoại từ năm 2004. Vấn đề Casơmia vẫn tồn tại chừng nào phái quân sự ở Pakixtan không chịu chấp nhận giả thiết đã được thảo luận dưới thời Tổng thống Musharraf: giữ nguyên trạng phần lãnh thổ không nhất thiết phải được thừa nhận trong hiệp ước. Do Ấn Độ không khéo léo trong kiểm soát vấn đề Casơmia nên tình hình phức tạp thêm: sự có mặt đông đảo về quân sự, đàn áp và ý đồ đối thoại không thành với phái ly khai làm mất lòng tin của số đông người dân ở vùng này. Ít nhất răn đe hạt nhân đã được đề cập đến trong cuộc chiến tranh Kargil năm 1999 và trong các vụ khủng bố năm 2001. Giả thiết chiến tranh hạn chế bằng vũ khí hạt nhân rốt cuộc được cho là quá mạo hiểm. Về phương diện quân sự, Ấn Độ tăng cường khả năng với chương trình đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa và tăng cường sức mạnh của Hải quân. Đối thoại được tiến hành với Chính quyền Bush về chương trình chống tên lửa, song không có quyết định nào được đưa ra. Về mặt hạt nhân, Ấn Độ vẫn duy trì đường lối như năm 1998: tìm kiếm "răn đe tối thiểu đáng tin cậy", gia hạn các vụ thử, không đánh đòn hạt nhân trước. Ấn Độ có khoảng 70 đầu đạn hạt nhân (con số không chính thức) đặt dưới sự kiểm soát của một bộ chỉ huy chiến lược liên quân mới thành lập năm 2003, nhưng muốn sử dụng phải được chính quyền dân sự quyết định.
Sau Chiến tranh Lạnh và sau khi Liên Xô sụp đổ, Ấn Độ thấy cần phải xem xét lại vị thế ngoại giao của đất nước, hơn nữa thế giới hai cực trước đây không còn trong khi Trung Quốc lớn mạnh. Trật tự thế giới mới buộc Ấn Độ phải xích lại gần với Mỹ và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Đồng thời Ấn Độ phải giữ quan hệ tốt với Nga, nước vẫn là một nhà cung cấp vũ khí và công nghệ quan trọng, và tăng cường sự có mặt của mình trong cái được gọi là "khu vực láng giềng mở rộng", một không gian trải dài từ Trung Đông đến Đông Nam Á, từ Trung Á đến Ấn Độ Dương. "Chính sách hướng Đông" được đưa ra từ năm 1992 hướng đến Đông Nam Á phải sau một thời gian mới có kết quả, nếu không nói đến sự phát triển quan hệ thương mại. Sau khi tăng cường quan hệ với ASEAN trong những năm 1990, dấu hiệu thực sự về sự thay đổi quy chế xuất hiện năm 2005, khi Ấn Độ được mời tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á đầu tiên, một diễn đàn đối thoại hàng năm bao gồm phần lớn các nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có cả Ôxtrâylia và Niu Dilân. Đối với Trung Đông, kết quả còn hạn chế do căng thẳng trong vùng và các cuộc chơi quốc tế diễn ra ở đây. Tuy nhiên, đó là một vùng quan trọng đối với Ấn Độ do sức nặng của cộng đồng người Ấn Độ (nhất là ở vùng Vịnh) và đây là nguồn cung cấp dầu mỏ.
Mối quan hệ với Trung Quốc lại phức tạp. Trao đổi thương mại phát triển mạnh (3 tỷ USD vào năm 2000, 60 tỷ dự kiến cho năm 2010) và phải một thời gian dài sau cuộc chiến tranh năm 1962, hai nước nối lại các cuộc gặp cấp cao thường kỳ từ sau chuyến thăm Trung Quốc của Rajiv Gandhi năm 1988. Các hiệp định ký kết năm 1993 "nhằm gìn giữ hòa bình và yên tĩnh" dọc biên giới tranh chấp, rồi vào năm 1996 để "thiết lập biện pháp xây dựng lòng tin về quân sự" dọc biên giới, tuyên bố năm 2003 về "nguyên tắc hợp tác" song phương, thiết lập năm 2005 "quan hệ hợp tác chiến lược vì hòa bình và ổn định", là những giai đoạn của một cuộc đối thoại đầy rẫy những nghi kỵ lẫn nhau, nảy sinh ở Ấn Độ là do Trung Quốc vươn ra Ấn Độ Dương, tăng cường sức mạnh quân sự, lại tỏ thái độ cứng rắn về bất đồng biên giới dọc theo đường Mac Mahon ở phía Đông hay tại Casơmia ở phía Tây. Còn Trung Quốc vẫn bị phân tán tư tưởng do sự có mặt của Đạtlai Lạtma ở Ấn Độ và nghi ngờ những gì tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và các nền dân chủ ở châu Á cũng như việc mở rộng mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Nhật Bản.
Nên hiểu cuộc chơi quy mô của Ấn Độ trên bàn cờ châu Á dưới ánh sáng của sự phát triển nổi bật nhất trong 20 năm trở lại đây về phương diện ngoại giao: đó là sự xích lại gần nhau chưa từng có giữa Ấn Độ và Mỹ. Do Mỹ không hiểu chính sách không liên kết nên đã hạn chế tiềm năng đồng thuận giữa hai nước. Chiến tranh Lạnh chấm dứt phần nào đã phân chia lại quân bài về phương diện này. Các vụ thử hạt nhân năm 1998 tuy dội gáo nước lạnh (Bill Clinton áp đặt trừng phạt chống Ấn Độ và Pakixtan), song lại dẫn đến một cuộc đối thoại nhanh chóng giúp hai nước xích lại gần nhau. Chuyến thăm Ấn Độ cấp Nhà nước của Tổng thống Bill Clinton vào tháng 3/2000 đã thành công. Song các bước tiến ngoạn mục nhất lại diễn ra dưới thời Tổng thống Bush khi các nhà tân bảo thủ gần gũi với ông muốn chơi con bài Ấn Độ để kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc, hay ít ra là để tìm cách cân bằng lại nước này. Trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Bush, Nhà Trắng khẳng định lại ý muốn "giúp Ấn Độ trở thành một cường quốc thế giới vào thế kỷ 21". Năm 2004, Ấn Độ và Mỹ ký hiệp định hợp tác có tên gọi "Những bước tiếp theo trong mối quan hệ đối tác chiến lược" (NSSP) liên quan đến 3 lĩnh vực: hoạt động hạt nhân dân sự, chương trình không gian, kể cả dân sự, và buôn bán công nghệ cao. Từ năm 2005, thương lượng được tiến hành giữa hai nước để tiến tới thỏa thuận về hạt nhân dân sự. Và điều đó đã đạt được sau một cuộc chạy đua vượt chướng ngại vật thật sự. Trở ngại ở trong nước Mỹ, nhằm sửa đổi luật của Mỹ từ năm 1954 chi phối thương mại hạt nhân dân sự. Trở ngại ở Ấn Độ, nơi phái tả cộng sản, vốn ủng hộ chính phủ Manmohan Singh nhưng không tham gia chính phủ, rốt cuộc không ủng hộ chính phủ đó nữa với lý do xích lại gần quá với Mỹ. Trở ngại ở bên ngoài, vì dự thảo thỏa thuận phải được các nước thành viên Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (trong đó có Trung Quốc và Pakixtan) và các nước thành viên Nhóm Cung cấp Hạt nhân, thông qua, khi Ấn Độ cam kết tách chương trình dân sự khỏi chương trình quân sự và đặt chương trình dân sự dưới sự kiểm soát của IAEA.
Tuy nhiên, sự xích lại gần nhau giữa Ấn độ và Mỹ không có nghĩa là liên minh. Nói cho đúng hơn là hợp tác song phương, với điều kiện của Ấn Độ là nước này không bị coi là "đối tác nhỏ". Ấn Độ không muốn bị biến thành công cụ trong chính sách kiềm chế Trung Quốc, cũng không chấp nhận mọi điều khoản hợp tác quân sự do Mỹ đưa ra. Nói cách khác, nước Ấn Độ đang trỗi dậy muốn lợi dụng mối quan tâm của Mỹ đối với mình vì lý do kinh tế, tư tưởng và chính trị, song với cái giá phải trả là tính tự chủ quốc gia suy giảm. Song không phải vì xích lại gần với Mỹ, một sự kiện có tính lịch sử, mà Ấn Độ không tiếp tục thực hiện ngoại giao đa phương, một chính sách về phương diện nào đó cho thấy sự kế tục tinh thần không liên kết trong thời kỳ mới.
Là cường quốc đang lên, Ấn Độ muốn trong một thời gian ngắn trở thành một trong những cực của thế giới mới. Nhưng đồng thời, Ấn Độ cũng tìm cách cùng với một số nước Nam khác xác định lại cấu trúc đa phương của trật tự thế giới. Bốn ví dụ cho thấy điều đó. Cốt lõi của hệ thống Liên hợp quốc là Hội đồng Bảo an (HĐBA) và 5 thành viên thường trực. Ấn Độ từ lâu đã phê phán sự bá quyền có từ năm 1945 đó và đề nghị mở rộng thành phần thành viên thường trực. Năm 2004, cùng với Nhật Bản, Braxin và Đức, Ấn Độ đặt vấn đề đó trực tiếp hơn bao giờ hết tại diễn đàn LHQ. Pháp, Anh và Nga ủng hộ. Trung Quốc lần lữa và Mỹ cũng như vậy cho đến khi, trong bài phát biểu trước Nghị viện Ấn Độ ngày 8/11/2004, Tổng thống Barack Obama cũng lên tiếng ủng hộ triển vọng mở rộng này. Mặt trận thứ hai: vấn đề tái cân bằng cũng được đặt ra trong Quỹ tiền tệ quốc tế. Vai trò của Ấn Độ và một số nước mới trỗi dậy khác (trong đó có Trung Quốc) bắt đầu tăng lên so với một số nước châu Âu. Mặt trận thứ ba: tại Tổ chức thương mại thế giới, từ năm 2003, Ấn Độ đi đầu cùng với nhiều nước “phương Nam” khác yêu cầu Liên minh châu Âu và Mỹ giảm trợ giá ồ ạt cho nông dân vì tình trạng này làm rối loạn các quy định về cạnh tranh, không có lợi cho nông dân các nước “phương Nam”. Mặt trận thứ tư: cuộc đấu tranh chống hiệu ứng biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị thượng đỉnh Côpenhaghen năm 2009, Ấn Độ và Trung Quốc từ chối xác định chính sách môi trường dưới sự thúc ép của quốc tế vì cho rằng các nước tiên tiến, công nghiệp hóa từ thế kỷ 19 phải chịu trách nhiệm chính về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các nước này không thể ngăn cản các nước đang phát triển tham gia cuộc chạy đua tăng trưởng. Hai nước cũng hoạch định các chương trình nhằm thúc đẩy một nền "kinh tế xanh".
Giữa đơn cực và đa cực, Ấn Độ một khi đã tham gia hoạt động Bắc-Nam để cải tổ HĐBA, phải chơi con bài đồng thuận Nam-Nam ở mức cao nhất có thể, tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng như tại Côpenhaghen. Đồng thời, Ấn Độ cũng phải tăng cường các mạng lưới Nam-Nam có trọng tâm. Do có mặt ngày càng nhiều ở châu Phi nên Ấn Độ, sau Trung Quốc, tổ chức một cách có hệ thống các cuộc họp với các đối tác châu lục. Cùng với Nam Phi và Braxin, Ấn Độ góp phần tạo ra trục xuyên lục địa giữa các nước mới nổi lớn: đó là tổ chức IBSA ra đời năm 2003 bao gồm Ấn Độ, Braxin, Nam Phi, rồi nhóm BASIC với sự tham gia của Braxin, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc.
Những hạn chế của sức mạnh
Trong tiến trình chuyển tiếp quy mô đã được khởi động, một phần của nước Ấn Độ mới nổi vẫn "chìm". Về Tổng sản phẩm quốc nội, Ấn Độ đứng ở hàng thứ 10, thậm chí thứ 5 thế giới, song về Chỉ số Phát triển Con người (HDI) lại khác. Xếp ở vị trí thứ 119, Ấn Độ đứng giữa Cáp Ve và Timor Leste, cùng nhóm với Pakixtan (xếp thứ 125), Bănglađét (thứ 129), cách xa Trung Quốc (thứ 89), Braxin (thứ 73) và Nga (thứ 65). Ấn Độ cũng thua xa các thành viên khác của nhóm BRICS. Với 3.015 USD thu nhập tính theo đầu người, Ấn Độ đứng thứ 127 thế giới. Tình trạng nghèo khổ ở Ấn Độ cũng đáng quan tâm: 27% số người nghèo tính theo tiêu chuẩn của chính phủ, song lại là 42% nếu tính theo ngưỡng của Ngân hàng thế giới. Tuy Ấn Độ sinh ra một tầng lớp trung lưu tương đối giàu, song vẫn còn 300-400 triệu người ở dưới ngưỡng nghèo.
Bất bình đẳng xã hội và giữa các vùng gia tăng. Tỷ lệ sinh giảm khiến Ấn Độ gặp khó khăn trong việc trở thành nước đông dân nhất thế giới vào năm 2030, đứng trước Trung Quốc. Những người lạc quan nhất cho rằng Ấn Độ vẫn còn cơ hội vì có số người trong độ tuổi lao động đông nhất thế giới. Trái lại, người ta cũng lo ngại điều gì sẽ xảy ra nếu có quá nhiều người Ấn Độ đổ xô đi tìm việc làm.
Hệ thống đẳng cấp có suy yếu do tác động của cuộc "Cách mạng thầm lặng", song lại trở thành một công cụ huy động chủ yếu: huy động tìm việc làm, huy động chính trị với sự lớn mạnh của các đảng đại diện cho người nghèo, từ đó đưa Ấn Độ vào thời của các chính phủ liên hiệp vì không một chính đảng lớn nào có thể một mình lãnh đạo.
Các vấn đề nội tại cũng thể hiện ở cuộc chơi nghị viện. Một số chính khách đã phải trả giá cho sự khác biệt giữa một nước Ấn Độ mới nổi và một nước Ấn Độ xa xưa. Song dân chủ nghị viện lại đóng vai trò điều hòa: dân chủ nghị viện làm nhụt chí những người đưa ra cải cách quá cực đoan hay được áp đặt theo "kiểu Trung Quốc"; dân chủ nghị viện đôi khi giúp những kẻ mị dân thiết lập cơ sở bầu cử cho mình, song về lâu dài cũng bảo đảm có được đồng thuận tối thiểu. Các nhà đầu tư nước ngoài muốn thúc đẩy nhanh quá trình tự do hóa. Một số nhà quan sát cho rằng để đối phó với Trung Quốc, Ấn Độ phải sử dụng đa số dân chủ mới bảo đảm duy trì sự trỗi dậy của mình trong một thời gian dài được.
Nước Ấn Độ nào cho tương lai?
Một nước Ấn Độ trước đây được mô tả như một vùng đất của những sự đối nghịch đã sống lại nhờ các cuộc cải cách đang diễn ra. Đất nước của hàng nghìn nông dân tự vẫn cũng là đất nước đã thực hiện thành công chuyến thám hiểm mặt Trăng vào năm 2008. Ấn Độ đang tìm kiếm chiến lược cho một "cuộc cách mạng luôn luôn xanh", thân thiện với môi trường hơn, đồng thời, trong chương trình hạt nhân của mình, tìm cách chế ngự thorium có nhiều ở trong nước hơn urani. Tóm lại, sự tương phản giữa xếp hạng Tổng sản phẩm quốc nội và xếp hạng Chỉ số Phát triển Con người là thách thức có ý nghĩa nhất mà Ấn Độ phải vượt qua.
Liệu có thể coi Ấn Độ là một "cường quốc nghèo" như đã từng được áp dụng với Nga cách đây khoảng 15 năm không? Chưa thể kết luận được. Điều chắc chắn là Ấn Độ lớn mạnh trước khi thực sự vượt qua thách thức nghèo khổ. Nếu thành công, Ấn Độ chứng minh được rằng dân chủ chính trị có thể chứng minh một nước có số dân gần bằng 1/6 dân số thế giới bứt lên được. Kinh nghiệm đó không thể so sánh được với kinh nghiệm của những "con rồng châu Á" nhỏ hơn nhiều. Hiện chưa đến thời điểm đó, song sự thức tỉnh của Ấn Độ hiện đang góp phần đưa châu Á vào cuộc chơi của thế giới.
Châu Âu thống trị được là nhờ có thời Phục hưng, các phát minh vĩ đại, triết lý của anh em Lumières, cuộc cách mạng công nghiệp, rồi thời kỳ thực dân hóa, song cuối cùng phải nhường chỗ cho Mỹ thống trị vì châu Âu kiệt quệ sau hai cuộc chiến tranh thế giới. Ngày nay, trong khi Mỹ vẫn là cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng cũng là nước nợ nần nhiều nhất, tình thế mới đang xuất hiện trong lúc sự vượt trội của phương Tây đang sang trang. Trung Quốc và Ấn Độ đã từng chiếm một phần lớn Tổng sản phẩm quốc nội của thế giới vào đầu thế kỷ 18. Theo nghĩa đó, sự trỗi dậy của hai nước này cũng là sự hồi sinh và sự hồi sinh đó khiến ta nghĩ đến việc điều chỉnh trật tự hiện nay. Người ta nói đến một "thế giới hậu-Mỹ" là ở chỗ đó. Mỹ không sụp đổ, song một thế giới được chia sẻ đang dần dần xuất hiện. Hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 càng thúc đẩy theo hướng phát triển đó, vì các nước châu Á đã bật lên nhanh hơn châu Âu và Mỹ, những nước đang phải nhọc nhằn biến thời kỳ hậu suy thoái thành tăng trưởng thực sự.
Trong thế giới đa cực hiện nay, đâu là vị trí và hình ảnh của Ấn Độ ? Hiện nay, nước này đang chuyển động mà không từ bỏ lập trường trước đây của mình. Chủ nghĩa dân tộc Hinđu cứng rắn tuy có tạo dấu ấn ở Ấn Độ song không thắng được ở một nước đang điều chỉnh truyền thống, giữ lại giá trị của những cha đẻ sáng lập, đặc biệt là Nehru. Trong các "ý tưởng" của Ấn Độ đang được đưa lên bàn cân, mẫu hình Nehru về cơ bản vẫn đúng đắn nhất. Ứng dụng vào thời mới, mẫu hình đó tìm cách kết hợp quan tâm đến độc lập dân tộc với mở cửa ra thế giới bên ngoài.
Có thể nói rằng nước Pháp với 62 triệu dân - tương đương với một trong số 27 bang của Liên hiệp Ấn Độ- vẫn lớn gấp 2 lần Tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ về USD. Song cách tính đó có nguy cơ thiển cận vì sự lớn mạnh của các nước mới nổi lớn - đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin - đặt ra vấn đề châu Âu đáp trả sự năng động toàn cầu đó như thế nào. Liên minh châu Âu, cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, đứng trước cả Mỹ, đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ, tuy có Hiệp ước Lixbon, song vẫn chưa phải một tác nhân chiến lược tương xứng với sức nặng kinh tế cũng như gia tài trí tuệ của mình. Đứng trước "giấc mơ Ấn Độ", "giấc mơ châu Âu" xem ra kém giá trị hơn nhiều./.
Theo Tạp chí “Địa chính trị”
Vũ Hiền (gt)
Tháng 1 năm 2020, sau khi biết tin về bệnh “viêm phổi không rõ nguyên nhân” ở Vũ Hán, Trung Quốc, chính phủ và dư luận Hàn Quốc đã bắt đầu chú ý đến sự phát triển và tác động của dịch bệnh này.
Những diễn biến tại Ấn Độ, Nhật Bản và Hong Kong đã đưa ra những bài học ý nghĩa cho cuộc tranh cãi gay gắt giữa những người coi chủ nghĩa dân tộc mang bản chất hiếu chiến và những người nhìn nhận chủ nghĩa dân tộc có thể mang tính nhân dân.
Chính phủ mới của Úc - mà đứng đầu là tân Thủ tướng Malcom Turnbull - sẽ rất khác so với chính phủ tiền nhiệm dù họ đều cùng thuộc liên minh Tự do-Dân tộc. Tuy nhiên, việc vẫn còn các lực lượng bảo thủ trong đội ngũ đồng nghĩa với việc sẽ chưa thể có ngay những thay đổi lớn mang tính định hướng trong...
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà phân tích và nhà bình luận đã nhắc tới một cuộc khủng hoảng kinh tế thật sự hoặc đang dần hiện ra ở Nga. Nhiều người so sánh những diễn biến gần đây, và đặc biệt là khả năng tình hình còn xấu hơn nữa trong năm nay, với cuộc khủng hoảng kinh tế Nga tháng 8/1998.
Điều quan trọng là Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi đã đột ngột nổi lên trong nhận thức chiến lược toàn cầu.
Với việc hạ thủy tàu sân bay tự chế tạo đầu tiên mới đây, Ấn Độ thông báo họ đã gia nhập Câu lạc bộ gồm rất ít nước có khả năng này.