China_flag_jpg_1336657cl-8.jpg 

Trật tự chiến lược của Đông Nam Á sẽ ra sao nếu Mỹ buộc phải rút quân đội khỏi châu Á? Ba kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất, hai cường quốc khu vực là Nhật Bản và Indonesia sẽ lấp khoảng trống do Mỹ để lại. Thứ hai, ASEAN sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo. Thứ ba, Trung Quốc sẽ là cường quốc có khả năng lấp khoảng trống chiến lược này nhất. Kịch bản thứ ba là hợp lý hơn cả - trong trường hợp thiếu vắng hiện diện quân sự của Mỹ, tất cả các nước Đông Nam Á có khả năng sẽ ngả theo Trung Quốc.

Việc Mỹ rút bớt quân khỏi các căn cứ ở châu Á, cụ thể là ở Hàn Quốc và Nhật Bản, không phải là không có lý. Theo các cuộc thăm dò dư luận, nhiều người Mỹ cho rằng Washington nên giải quyết những vấn đề ở trong nước trước khi cố gắng giải quyết những vấn đề thế giới đang phải đối mặt. Với chủ đề “Nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử đã đe dọa rút quân đội Mỹ khỏi châu Á và châu Âu nếu các đồng minh của Mỹ không trả thêm tiền cho phí bảo trì của họ. Tuy nhiên, quan điểm của ông Trump dường như đã mềm mỏng hơn kể từ khi ông trở thành tổng thống Mỹ. Các chiến lược gia hàng đầu của Mỹ cũng kêu gọi một chính sách kiềm chế hoặc cân bằng ở nước ngoài, có nghĩa Mỹ sẽ chỉ triển khai quân đội khi những mối đe dọa nghiêm trọng thực sự xuất hiện.

Tuy nhiên, nếu không có sự hiện diện của quân đội Mỹ, các đồng minh châu Á có thể đặt câu hỏi về độ tin cậy trong các cam kết của Washington. Nói cách khác, các quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn, Mỹ-Philippines và Mỹ-Thái Lan có thể tiếp tục tồn tại nhưng sẽ bị suy yếu đáng kể. Tương tự, các mối quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ với các nước như Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam có khả năng sẽ bị hủy bỏ, và sự ngờ vực sẽ tăng lên. Kịch bản đầu tiên có thể xuất hiện với việc Mỹ rút quân đội khỏi khu vực Đông Á, khi đó Nhật Bản và Indonesia sẽ cố gắng lấp khoảng trống chiến lược này. Nỗ lực của Indonesia sẽ được thực hiện dựa trên vị thế của nước này là quốc gia lớn nhất và đông dân nhất ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nỗ lực trở thành lãnh đạo của Indonesia khó có khả năng giành được sự ủng hộ của khu vực vì Indonesia không có tiềm lực quân sự và kinh tế đủ mạnh. Hơn nữa, ký ức về thời kỳ Tổng thống Sukarno nắm quyền, khi đó Indonesia tìm cách thống trị quần đảo Malay bằng vũ lực, sẽ không thể phai nhạt. Nhật Bản có sức mạnh quân sự và kinh tế để có thể thay thế Mỹ. Những tuyên bố gần đây của Tokyo về khả năng cung cấp hàng hóa công trong khu vực - cả về mặt kinh tế và chiến lược - cũng là đáng tin cậy, và sẽ định hình những tính toán của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. Tuy nhiên, di sản của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong đó Nhật Bản đã xâm lược và chiếm đóng nhiều nước Đông Nam Á, sẽ là một trở ngại. Bên cạnh đó, Nhật Bản dường như vừa mới thức dậy từ “giấc ngủ chiến lược” của mình. Những sáng kiến khu vực mà Nhật Bản đã thúc đẩy có lẽ là quá ít và quá muộn. Một trong những sáng kiến "ngốn" tương đối vốn liếng chính trị của Nhật Bản là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng nay đã bị Chính quyền Trump làm cho tàn lụi. Nhật Bản dường như bị “tụt hậu” so với đối thủ cạnh tranh chính của mình là Trung Quốc.

Một kịch bản khác là khả năng ASEAN sẽ đi đầu trong việc xây dựng một trật tự đa phương. Nhóm ba nước Indonesia, Việt Nam và Singapore có thể đóng vai trò lãnh đạo trong việc tinh giản và chính thức hóa các chuẩn mực quan trọng để quản lý các mối quan hệ nội khối của ASEAN. Sau 50 năm thực hiện chính sách ngoại giao của ASEAN, một trật tự chiến lược không có xung đột quân sự và chính sách ngoại giao dựa trên nguyên tắc hay chuẩn mực là điều nằm trong tầm với. Thách thức chủ yếu đối với trật tự chiến lược dựa trên ASEAN là vai trò của các nhân tố bên ngoài. Với sự vắng mặt của quân đội Mỹ, liệu Trung Quốc và Nhật Bản có “cười thầm” khi ASEAN tuyên bố lãnh đạo khu vực này hay không? Rất có thể. Vì chế độ quản lý chung giữa Trung Quốc và Nhật Bản là không thể, nên mỗi nước muốn tự tìm kiếm bổn phận chiến lược với các nước Đông Nam Á.

Các quốc gia thành viên ASEAN có khả năng sẽ phải đối mặt với vấn đề nan giải khi phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Nhật Bản để thay thế Mỹ. Hành trang lịch sử của Nhật Bản ở Đông Nam Á sẽ khiến nước này gặp trở ngại lớn để có được sự ủng hộ của các nước khu vực. Tuy nhiên, có một khả năng tương đối thấp là việc cả Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tìm thấy một trật tự chiến lược do ASEAN lãnh đạo để tránh cạnh tranh chiến lược giữa hai nước lớn này. Kịch bản nhiều khả năng nhất đó là Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống chiến lược do Mỹ để lại bằng cách lôi kéo hầu hết các nước Đông Nam Á về phía mình. Nếu điều đó xảy ra, trật tự chiến lược Đông Nam Á sẽ được củng cố bằng sức mạnh cứng và mềm của Trung Quốc.

Các thuộc tính sức mạnh cứng của Trung Quốc bao gồm sức mạnh quân sự ngày càng tăng, phát triển các chiến lược quân sự bất đối xứng và sử dụng chiến lược kinh tế “cây gậy và củ cà rốt”. Tuy nhiên, những thuộc tính quyền lực mềm của Bắc Kinh chưa được thiết lập tốt. Quyền lực mềm của Trung Quốc không nằm trong chủ nghĩa Mao hay các viện Khổng Tử trên khắp thế giới. Nó có thể được tìm thấy trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của nước này. Sáng kiến BRI là rất hấp dẫn đối với khu vực bởi vì nó sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nơi không có và kết nối các thị trường trọng điểm ở phía Đông và Tây, đặc biệt là châu Âu. Lấy những thành quả phát triển kinh tế sau năm 1978 làm đòn bẩy, câu chuyện về BRI có khả năng che lấp quá khứ lẫy lừng của Trung Quốc, khi nước này đang ở đỉnh cao của quyền lực kinh tế. Thông điệp ngầm ở đây là BRI sẽ được thực hiện như Con đường Tơ lụa cổ đại, nối liền Trung Quốc với châu Âu qua tuyến đường biển và đất liền.

Hiện có những trở ngại lớn thực sự để BRI trở thành hiện thực, nhất là khi nó đi qua sân sau của hai cường quốc lớn, Ấn Độ và Nga. Tuy nhiên, nếu xem xét đánh giá của hầu hết các nước dọc theo tuyến đường BRI, tính logic kinh tế của BRI dường như là không thể cưỡng lại. Đổi lại những cơ hội phát triển với Trung Quốc, Đông Nam Á có khả năng sẽ chấp nhận sự lãnh đạo và những lợi ích chiến lược quan trọng của Trung Quốc. Tương lai của Đông Nam Á sẽ ngày càng giống như một “cái ao nhà của Trung Quốc”, tương tự như học thuyết Monroe coi Mỹ Latinh là “ao nhà của Mỹ”. Một số quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp trên biển với Trung Quốc có thể thấy rằng ngụ ý “chủ quyền không thể chối cãi” của Trung Quốc là rất đáng lo ngại. Nhưng ngay cả như vậy, sau khi cân nhắc lợi ích, nhiều khả năng họ cũng đi đến kết luận rằng trong bối cảnh thiếu vắng sự hiện diện của Mỹ, họ có thể phải sống với một trật tự chiến lược do Trung Quốc lãnh đạo. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ có nghĩa là tính hợp pháp chính trị lớn hơn và đó là điều mà hầu hết các chính phủ Đông Nam Á đều hiểu.

Tác giả Yuen Foong Khong là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore. Bài viết đăng trên "East Asia Forum".

Mỹ Anh (gt)