19135_5280a3627324f-386x290.jpg

 

Ngoại trừ một vài thời điểm “tỏa sáng”, lịch sử vấn đề an ninh đa phương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương gần như trở thành một vấn đề gây thất vọng. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác quốc phòng đa phương vốn hình thành kể từ khi hình thành cơ chế ADMM Plus vào năm 2010 đã đem lại bất ngờ. Thông qua cơ chế ADMM Plus với các thành viên gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và 10 nước ASEAN, hợp tác an ninh đa phương đã tiến triển xa hơn bất kỳ lĩnh vực hợp tác nào mà khu vực này từng có từ trước đến nay.

ADMM Plus và CUES

Với thành tựu đáng khích lệ này, không có lý do gì để ADMM Plus không được sử dụng như là một khuôn khổ khu vực mà qua đó các nước thành viên có thể cùng nhau tiến hành một cuộc diễn tập đa phương để thử nghiệm và minh chứng việc áp dụng CUES trên Biển Đông.

Bản thân ADMM Plus đã có rất nhiều thành viên, nếu không muốn nói là hầu hết, đã ký kết thỏa thuận CUES tại Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương diễn ra tại Thanh Đảo hồi năm 2014. Trung Quốc và các nước ASEAN đã thiết lập một khuôn khổ CUES riêng trên Biển Đông vào tháng 9/2016. Bằng việc đề cao thành tích đạt được trong hợp tác quốc phòng, cơ chế ADMM Plus có thể “thực thi hóa” hiệu quả CUES thông qua việc triển khai một cuộc diễn tập an ninh biển mà các hoạt động của cuộc diễn tập này dựa vào CUES.

Phát biểu tại Diễn đàn Xiangshan ở Bắc Kinh tháng 10/2016, ông Ong Ye Kung, khi đó là Quốc vụ khanh Cấp cao về Quốc phòng của Singapore, cho rằng CUES nên được mở rộng để có sự tham gia của tất cả các thành viên ADMM Plus. Ngoài ra, Tiến sỹ Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, đã đề xuất việc mở rộng CUES bao gồm cả “các nhóm tàu vỏ trắng” (tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển) - thỏa thuận CUES hiện tại chỉ đề cập đến các tàu hải quân hay còn gọi là “tàu vỏ xám” - và kêu gọi ADMM Plus áp dụng một khuôn khổ CUES tương tự đối với không phận của khu vực. Nếu cơ chế ADMM Plus chính thức thông qua CUES - và nên là như thế - thì bước đi logic tiếp theo có thể là việc thực thi bộ quy tắc này trong khuôn khổ một cuộc diễn tập trên biển. Đề xuất như thế không phải là viển vông hay bất khả thi.

Điểm mạnh và hạn chế của ADMM Plus

Thông qua các hoạt động của mình, các nước thành viên ADMM Plus và các cơ quan quốc phòng có liên quan đã xây dựng được lòng tin nếu không muốn nói là sự tin cậy, đồng thời thiết lập được cơ chế tương tác quân sự ở cấp cao hơn có thể. Người ta có thể cho rằng nếu các cuộc diễn tập hàng hải đa phương được tiến hành theo khuôn khổ ADMM Plus ở tần xuất và mức độ thường xuyên hơn, thì các nước tham gia đã và đang thực sự tương tác song phương với nhau trong các hoạt động giống như CUES rồi. Do vậy, không cần thiết phải làm quá nhiều để chuyển đổi từ các cuộc diễn tập biển đa phương theo khuôn khổ của ADMM Plus trở thành các cuộc diễn tập dựa trên CUES chính thức ở Biển Đông.

Tuy nhiên, nếu đề xuất trên trở thành hiện thực, chúng ta cần phải nhìn nhận rõ ràng về những gì ADMM-Plus có thể và không thể đạt được. Thực sự, điều này có thể xảy ra khi căng thẳng giữa các nước về vấn đề Biển Đông tiếp tục kéo dài hoặc xấu đi, các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà hầu hết (ngoại trừ Đài Loan) là các thành viên của ADMM Plus, có thể sẽ xem xét những nỗ lực “đầu tư đáng kể” của mình trong cơ chế ADMM Plus.

Suy cho cùng, khuôn khổ ADMM Plus chưa hoàn toàn tránh khỏi những khó khăn vốn đã ảnh hưởng và tác động lên Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF), ít nhất là “thói quen cố hữu” của các cường quốc khi áp đặt, gây sức ép các đối thủ chiến lược của họ tại các diễn đàn đối thoại đa phương của ASEAN. Ví dụ, như tại hội nghị cấp bộ trưởng tháng 11/2015 tại Kuala Lumpur, do không giải quyết được những khác biệt giữa các thành viên, ADMM Plus đã bị buộc phải hủy bỏ một bản tuyên bố chung đã được soạn thảo từ trước và không mang tính bắt buộc về vấn đề Biển Đông.

Vai trò gia tăng của ADMM Plus

Ngoài ra, các nước thành viên có thể tận dụng sự tham gia của mình trong các cuộc diễn tập dưới cơ chế ADMM Plus nhằm phát đi thông điệp răn đe, họ thường tìm cách đạt được thông qua sự "phô diễn" khí tài quốc phòng và năng lực không quân. Ví dụ, khi máy bay MH370 mất tích tháng 3/2014, Trung Quốc đã triển khai một biên đội gồm 18 tàu chiến và tàu hải cảnh cùng với máy bay vận tải quân sự tầm xa để hỗ trợ cuộc tìm kiếm. Có CUES hay không, thì những động thái như vậy chỉ gây bất ổn khu vực chứ không giúp gì.

Về cơ bản, việc để cơ chế ADMM Plus thực thi CUES trên Biển Đông đặt ra một câu hỏi đáng quan tâm về trọng trách và sứ mệnh gia tăng của ADMM Plus, tức là từ một cơ chế phục vụ an ninh phi truyền thống đến một cơ chế có khả năng giải quyết những thách thức an ninh truyền thống.

Một trong những kết quả không may mắn của ARF là việc diễn đàn này bị “loại bỏ” khỏi hoạt động quản lý an ninh truyền thống - cho dù đối với mối quan hệ eo biển Đài Loan, vấn đề bán đảo Triều Tiên hay vấn đề Biển Đông. Liệu cơ chế ADMM Plus có một số phận tương tự hay không còn phải có thời gian kiểm chứng. Tuy nhiên, bước đi đầu tiên hướng tới việc tránh một kết quả như vậy có thể là việc thiết lập một cơ chế ADMM Plus như là một nền tảng liên quan cho hoạt động diễn tập CUES đa phương trên Biển Đông.

Tác giả là Giáo sư Tan See Seng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore. Bài viết đăng trên trang “RSIS”.

Anh Thư (gt)