Việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Hà Nội ngày 12/10 là một dấu mốc trong lịch sử ASEAN. Lần đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng mười nước ASEAN – nơi cấu thành nên Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) tụ họp với những người đồng cấp từ tám nước đối thoại là Ôxtrâylia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Dilân, Nga và Mỹ. 
Sự kiện này là một bước tiến mới quan trọng trong hợp tác quốc phòng giữa ASEAN nhằm tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam Á. ADMM+ sẽ giúp thúc đẩy đối thoại về quốc phòng và hợp tác an ninh giữa ASEAN với các đối tác thương mại chính yếu, đồng thời mở ra cơ hội để các bên hợp tác cùng giải quyết những thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống. 


Với chủ đề “Hợp tác chiến lược vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực”, các đại biểu đã thảo luận về hợp tác trên các lĩnh vực viện trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, quân y, an ninh biển, chống khủng bố và các chiến dịch gìn giữ hòa bình. Đây là một cuộc họp có ý nghĩa vì đã mang lại cơ hội cho lãnh đạo quốc phòng những nước lớn chủ chốt như Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ gặp gỡ bên lề nhằm thảo luận các mối quan hệ song phương. 


Tuyên bố chung của ADMM+ ghi nhận các thách thức về an ninh ở khu vực và thế giới giờ đây đã trở nên phức tạp hơn và mang tính liên quốc gia, đòi hỏi các nước trong khu vực phải hợp tác giải quyết. ADMM+ chính là một cấu trúc an ninh khu vực thiết thực, mở và thu nạp đảm bảo cho các bộ trưởng quốc phòng hợp tác với những người đồng cấp của tám nước đối thoại, nhằm giải quyết những thách thức an ninh chung. 


Hội nghị đã tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời nhấn mạnh mối liên kết tổng thể tất yếu với chính ADMM và đóng góp vào các nỗ lực hiện thực hóa Cộng đồng Chính trị - an ninh của ASEAN vào năm 2015. 


ADMM+ lần thứ nhất cũng tái khẳng định cam kết đối với Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) và những nguyên tắc cơ bản về chủ quyền, bình đẳng, không can thiệp, đồng thuận và thống nhất trong đa dạng. 


ADMM+ là cơ chế hợp tác, tham vấn cấp bộ trưởng cao nhất về các vấn đề an ninh và quốc phòng giữa các thành viên ASEAN và tám nước đối thoại. 


Nhằm giúp triển khai những công việc cơ bản, các bộ trưởng đã đồng ý về việc tổ chức Cuộc họp các quan chức quốc phòng cấp cao mở rộng (ADSOM Plus). Cơ chế này, với thành phần là các quan chức quốc phòng cao cấp, sẽ triển khai những thống nhất về nhận thức và quyết định của hội nghị ADMM+. Các nhóm chuyên gia làm việc về những vấn đề an ninh và quốc phòng cùng quan tâm cũng sẽ được thành lập. Cuộc họp ADMM+ lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Brunây vào năm 2013. 


Mặc dù vấn đề Biển Đông đã không được đề cập (trong chương trình nghị sự chính thức), song báo chí vẫn cho rằng Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra những quan điểm khác nhau về những tuyên bố và tranh chấp lãnh thổ ở khu vực, cũng như cách tiếp cận của hai nước này trong việc giải quyết chúng. 


Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates muốn có một cách tiếp cận quốc tế để giải quyết những bất đồng về lãnh hải, thì Trung Quốc lại phản đối cách tiếp cận này và bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài, đồng thời chủ trương chỉ tiến hành các cuộc đàm phán song phương với từng nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. 


Ông Gates cho rằng những bất đồng liên quan đến các tuyên bố về chủ quyền lãnh hải là mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự ổn định khu vực; nhấn mạnh hải quân Mỹ sẽ không từ bỏ việc qua lại khu vực Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ám chỉ đến thái độ cứng rắn gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông và sự mở rộng phạm vi can dự của hải quân nước này. Trong khi đó, Trung Quốc phàn nàn về việc tàu chiến Mỹ qua lại vùng Biển Đông và tham gia diễn tập với hải quân Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải. 


Dù về mặt công khai ông Gates không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc, song những phát biểu của người đứng đầu Lầu Năm Góc lại phản ánh sự kình địch ngày một sâu sắc (giữa Oasinhtơn và Bắc kinh) bắt nguồn từ những ảnh hưởng về quân sự và kinh tế đang gia tăng của Trung Quốc tại khu vực vốn từ lâu do Mỹ chi phối. 

 


Sự tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực sẽ tăng trong tương lai do Trung Quốc có sức mạnh ngày một lớn về kinh tế và quân sự. Ganh đua sẽ làm gia tăng căng thẳng. ADMM+ sẽ là diễn đàn quan trọng để các cường quốc ở châu Á – Thái Bình Dương giải quyết hàng loạt vấn đề phi truyền thống mà giờ đây đã trở thành mối quan tâm chung của tất cả các quốc gia tham gia cơ chế này. ASEAN, với vai trò định hướng của mình, sẽ đóng vị trí trung tâm đưa ADMM+ tiến lên phía trước vì sứ mệnh thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực./.

Nguồn: RSIS; TTXVN