1030_russia-china-hand-shake_390x220.jpg

 

Năm 1971, lợi dụng mối lo sợ của Trung Quốc về Liên Xô, ông Nixon và Kissinger đã ra một đòn sáng suốt, chìa bàn tay với Trung Quốc, giúp Mỹ giành được ưu thế chủ đạo trong tam giác chiến lược, lật đổ ý thức hệ và chia rẽ hai chính quyền cộng sản. Nhưng tình hình hiện nay, diễn biến theo chiều hướng ngược lại khiến nhiều người Mỹ không khỏi bất ngờ, quan hệ căng thẳng Mỹ - Nga đang khiến Washington ở thế yếu trong tam giác này, đồng thời xuất hiện nguy cơ đe dọa đến trật tự toàn cầu hiện nay. Với quan hệ mật thiết nhất kể từ 50 năm qua, Trung - Nga đang có cơ hội tạo dựng trật tự thế giới mới theo ý của mình. Cùng với rạn nứt ngày càng lớn trong quan hệ Mỹ - Nga, Trung Quốc đang hưởng lợi nhiều nhất. Cho dù còn bất đồng lịch sử, lo ngại dân tộc và cạnh tranh địa chính trị, Trung - Nga đang ngày càng hướng đến một cuộc hôn nhân tạm thời. Điều này vượt khỏi dự tính và khả năng chấp nhận của giới tinh hoa Mỹ.

Lệnh trừng phạt với Nga do Mỹ chủ đạo càng làm cho Nga chuyển hướng sang phía Đông, nhất là về Trung Quốc, cho dù điều này đồng nghĩa với việc Nga phải ở vị thế thấp hơn. Về tổng thể sẽ là có lợi cho cả Nga và Trung Quốc. Tương lai năng lượng về lâu dài của Nga là ở Châu Á, hợp đồng dầu khí trị giá 500 tỷ USD với Trung Quốc sẽ hỗ trợ kinh tế đang ốm yếu của Nga. Trung Quốc đảm bảo được ổn định ở khu vực Âu - Á và có thêm một đối tác, chứ không phải đối thủ trong quá trình thực hiện hiện đại hóa. Trung Quốc ngày càng coi khu vực tiếp giáp lục địa Á - Âu kém phát triển là tương lai phát triển kinh tế của mình. Kế hoạch vành đai kinh tế con đường tơ lụa từ miền Tây tới toàn bộ khu vực Á - Âu là nhằm biến 14 quốc gia tiếp giáp trở thành nguồn tài sản chiến lược của mình.

Thành công của hợp tác khu vực Á - Âu sẽ càng làm nổi bật thành công của mô hình tư bản chủ nghĩa nhà nước tập quyền phi phương Tây, không chỉ tại khu vực này mà cả châu Phi và Mỹ latinh. Ở mức độ nào đó, quan hệ đối tác Trung - Nga đã tồn tại. Trung Quốc đã theo Nga tại Liên Hợp Quốc. Hai bên cùng ngăn chặn trừng phạt Tổng Thống Syria Al Assaad, tránh để tái hiện kịch bản lật đổ Tổng Thống  Lybia Kadaphi do phương Tây đạo diễn. Ít nhất về ngắn hạn, Moscow và Bắc Kinh tránh được cạnh tranh tại Trung Á, nơi Moscow đang dẫn dắt về an ninh và Bắc Kinh đang tập trung vào đầu tư và viện trợ. Trong khi đó Mỹ đang tập trung vào những vấn đề như khai thác đá phiến hay tình hình tại Iraq, Iran hơn là các nước Trung Á.

Chống khủng bố vốn là quan tâm của Mỹ, việc đưa quân và tiếp viện tới Afganistan đồng nghĩa với việc Mỹ và đồng minh cần đến các nước Trung Á. Nay hiện diện của Mỹ ở đây đã giảm, còn chống khủng bố có thể thực hiện bằng cách thức rẻ hơn, như không kích bằng máy bay không người lái, cũng không cần xin phép nước nào. Khoảng trống của Mỹ đang tạo cơ hội cho Trung Quốc trong ván bài Âu - Á.

Hệ lụy toàn cầu

Vượt lên trên cả đối xứng Á - Âu, Trung - Nga còn có nhiều lợi ích chung trong việc ngăn chặn vị thế bá chủ, giá trị dân chủ của Mỹ cũng như hướng tới một trật tự thế giới đa cực. Điều này đặt ra một câu hỏi sâu hơn về quản trị toàn cầu và trật tự thế giới trong tương lai. Kịch bản xấu nhất, cục diện hai cực sẽ xuất hiện với một cực là Trung Quốc, Nga và một vài thể chế độc tài Trung Á với cực còn lại là Mỹ, EU, các đồng minh và đối tác châu Á. Đây sẽ không phải là công thức mang lại hòa bình và thịnh vượng. Nhiều nước có truyền thống “không liên kết” như Ấn Độ, Brazil sẽ bị kẹt ở giữa.

Vấn đề mâu thuẫn giữa Nga - Trung

Tuy vậy, vẫn còn những dấu hiệu khác. Quy mô thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, EU năm 2014 lên đến 1,1 nghìn tỷ USD so với mức 100 tỷ của Trung Quốc với Nga. Các hợp đồng khổng lồ về dầu khí trong những năm qua đang đứng trước rủi ro hoặc có thể bị trì hoãn. Kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu năng lượng giảm, giá dầu hạ…đang buộc Trung Quốc phải tính lại bài toán về năng lượng. Luôn bị ám ảnh bởi vấn đề chủ quyền, Trung Quốc không hài lòng và không quá nhiệt tình ủng hộ cách thức can thiệp của Nga với một số nước Xô-viết cũ, ví dụ như Ukraine. Trong khi Nga cũng đang lo ngại về xu hướng “Trung Quốc hóa” tại khu vực Viễn Đông. Mặt khác, có thể Nga cũng mong đợi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và đồng minh với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và Hoa Đông sẽ đẩy Trung Quốc xích gần hơn nữa với Nga.

Quả bóng đang trong tay Mỹ

Liệu những dấu hiệu trên chứng tỏ sự gắn kết Trung - Nga chỉ là tạm thời? Liệu Mỹ có thể giành lại thế trận tương tự như tam giác chiến lược mà Kissinger đã tạo ra? Liệu thế giới sẽ hướng đến một trật tự hai cực mới hay theo hướng một trật tự quốc tế tập trung, toàn cầu hóa, một phần sẽ tùy thuộc Mỹ phát huy vai trò như thế nào. Liệu Mỹ có thể chấp nhận các bước tiếp cận khác nhau với Nga và Trung Quốc? Tìm kiếm trạng thái cân bằng mới với Nga đòi hỏi chấp nhận những thỏa hiệp không mấy dễ chịu. Tuy vậy, những phát biểu hùng hồn chống lại cả Nga và Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử đang làm cho Mỹ vuột mất cơ hội này. Người Mỹ đang bị giới truyền thông và các chiến dịch tranh cử che mắt bởi những tiểu tiết mà không thấy được những bước chuyển chiến lược lớn./.

Theo “National Interest

Vũ Hiền (gt)