Nỗ lực phát triển các khả năng A2/AD mà Bắc Kinh gọi là chiến lược “chống can thiệp” được bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng kinh tế và đánh giá những bài học kinh nghiệm được rút ra từ các cuộc chiến tranh lớn gần đây trên thế giới. Trong những năm 1960 và 1970, do lo sợ bị Mỹ và Liên Xô tấn công, Chủ tịch Mao Trạch Đông tập trung phát triển kinh tế trong nước. Chủ tịch Mao tìm cách bảo vệ Trung Quốc khỏi cuộc tấn công bằng cách tạo nên khoảng cách giữa các trung tâm kinh tế nằm sâu trong nội địa của Trung Quốc và các đối thủ có khả năng tấn công Trung Quốc. Nhưng sau khi kế nhiệm Chủ tịch Mao Trạch Đông, ông Đặng Tiểu Bình đã thay đổi hầu hết các chính sách như vậy và bắt đầu giai đoạn cải cách và mở cửa năm 1978. Nhờ chính sách của ông Đặng Tiểu Bình, trung tâm kinh tế của Trung Quốc đã chuyển từ nội địa đến các khu vực ven biển, từ đó thu hút mạnh mẽ các khoản đầu tư trong và ngoài nước.

Nhưng ý đồ phát triển chiều sâu chiến lược nhằm ngăn chặn các kẻ thù tiềm tàng thâm nhập các trung tâm kinh tế của Trung Quốc là một trong nhiều nhân tố quan trọng trong việc phát triển các khả năng A2/AD và được thúc đẩy hơn nữa trên cơ sở quan sát cũng như đánh giá các cuộc chiến tranh của Mỹ với các nước khác trên thế giới trong những thập kỷ gần đây. Từ Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1990 thông qua các hoạt động của NATO tại khu vực Balkan, các cuộc chiến tranh lật đổ Taliban, Saddam Hussein và phá hủy chế độ Gaddafi ở Libya, Trung Quốc nhận thấy sức mạnh không quân của Mỹ và đồng minh đóng vai trò rất lớn, nếu không muốn nói là trung tâm, trong chiến tranh. Trong mỗi cuộc xung đột như vậy, các lực lượng do Mỹ lãnh đạo liên tục sử dụng các loại máy bay chiến đấu và ném bom, phát động các cuộc tấn công từ trên không để làm suy yếu các khả năng phòng thủ của đối phương, đồng thời phá hủy nặng nề các cơ sở hạ tầng kinh tế, chính trị và thông tin liên lạc của đối phương với chi phí hạn chế tới mức tối thiểu. Trung Quốc cũng nhận thấy khả năng nhanh chóng triển khai sức mạnh không quân từ các hàng không mẫu hạm của Mỹ qua cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1995-1996 là một nhân tố đáng lo ngại.

Từ những thực tế đó, các nhà phân tích và các nhà hoạch định chính sách chiến lược của Trung Quốc khẳng định hỏa lực không quân là con át chủ bài để Mỹ và các nước đồng minh tiến hành một cuộc chiến tranh “không tiếp xúc, không giới tuyến, không cân xứng”. Theo quan điểm của Bắc Kinh, 3 nội dung đó là đặc điểm của “các cuộc chiến tranh khu vực trong điều kiện thông tin hóa”, trong đó sức mạnh không quân, cùng với các khả năng không gian vũ trụ và mạng, rất cần thiết để giành thắng lợi trong chiến tranh. Vì vậy Bắc Kinh yêu cầu Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đẩy mạnh các nỗ lực phát triển khả năng A2/AD nhằm ngăn chặn và nếu có thể sẽ đánh bại bất cứ đối thủ nào, kể cả Mỹ và nước đồng minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có khả năng phát động một cuộc tấn công trên không kéo dài đánh phá các mục tiêu quan trọng của Trung Quốc. Do đó hiện nay Trung Quốc đang tập trung nỗ lực phát triển các khả năng A2/AD nhằm đáp trả sức mạnh không quân đặt căn cứ trên biển cũng như trên bộ của Mỹ, không những bao gồm các hàng không mẫu hạm mà cả các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp và máy bay ném bom tầm xa.

Để đạt được mục tiêu này, chiến lược A2/AD của Trung Quốc bao gồm cả quy mô chiến lược, chiến dịch và chiến thuật:

Quy mô chiến lược được thể hiện trong cái gọi là “3 cuộc chiến tranh” pháp lý, dư luận công chúng và chiến tranh tâm lý. Về cơ bản, mục tiêu của Trung Quốc là phủ nhận tính hợp pháp của các hoạt động của lực lượng Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương bằng cách phát động cuộc đấu tranh pháp lý, kích động dư luận công chúng và chiến tranh tâm lý. Những sáng kiến này của Trung Quốc được phối hợp chặt chẽ với nền ngoại giao đa phương cùng các nỗ lực khác để giành quyền kiểm soát tất cả các nước ven biển Đông Á. Tuy nhiên, Bắc Kinh xác định Mỹ không phải là mục tiêu duy nhất của chiến lược A2/AD. Các nỗ lực phát triển chiến lược A2/AD của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào các đồng minh của Mỹ và các đối thủ khác ở khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một mặt Bắc Kinh sẽ tìm cách thuyết phục các nước đồng minh của Mỹ không cho phép Washington triển khai lực lượng tác chiến trong không phận và hải phận của họ. Mặt khác Bắc Kinh cũng sẽ đe dọa việc các nước cho phép Mỹ sử dụng không phận và hải phận sẽ là hành động chống Trung Quốc và như vậy sẽ bị nguy hiểm, nhằm ngăn chặn hiệu quả và phá hủy các khả năng triển khai lực lượng của Mỹ trong khu vực.

Quy mô chiến dịch của chiến lược A2/AD tập trung ngăn chặn các khả năng của Mỹ tiến hành các hoạt động theo thông lệ. Trên cơ sở đánh giá của giới phân tích và các nhà chiến lược Trung Quốc về hành động quân sự do Mỹ lãnh đạo trong các cuộc chiến tranh trước đây, Bắc Kinh nhận thấy việc đánh thắng trong các cuộc chiến tranh tương lai được bắt nguồn từ khả năng thiết lập “sự thống trị thông tin”. Bên nào có thể thu thập, truyền tải và khai thác thông tin tốt hơn, đồng thời ngăn chặn đối phương đạt được khả năng tương tự, sẽ là bên chiến thắng. Thực tế đối với quân đội Trung Quốc, điều này có nghĩa PLA phải tìm cách tấn công các hệ thống thông tin và đặc biệt các khả năng không gian vũ trụ của Mỹ. Bằng cách kết hợp tấn công các vệ tinh để làm gián đoạn thông tin liên lạc và hạn chế các hoạt động của chúng, đồng thời tấn công các thông tin được chuyển tải qua các vệ tinh, quân đội Trung Quốc hy vọng sẽ ngăn chặn lực lượng Mỹ tấn công hiệu quả các mục tiêu sâu trong nội địa, mặc dù quân đội Trung Quốc đã có các hệ thống phòng thủ bảo vệ lãnh thổ, có lợi thế hoạt động gần bờ biển và cơ sở hạ tầng.

Quy mô chiến thuật của chiến lược A2/AD liên quan đến các hệ thống vũ khí nhằm tiêu diệt hoặc gây tổn thất cho các khả năng của lực lượng Mỹ như các hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM), các tàu ngầm và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm xa. Hiện nay phần lớn các cuộc thảo luận về A2/AD của quân đội Trung Quốc đều tập trung vào cấp độ này. Ngoài ra, các nhà phân tích và chiến lược của Trung Quốc cũng đang thảo luận sôi nổi vấn đề liệu các hàng không mẫu hạm của Mỹ có thể hoạt động trong tầm bắn ASBM của Trung Quốc và liệu các máy bay chiến đấu F-35, với cự ly bay tương đối ngắn, có tạo nên ưu thế so với Trung Quốc hay không. Tương tự, Trung Quốc cũng ngày càng quan tâm đến các khả năng của căn cứ không quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, kể cả trên đảo Guam, chống Trung Quốc sử dụng các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp.

Ngược lại, Lầu Năm Góc đã và đang tìm cách đối phó với các nỗ lực A2/AD của Trung Quốc thông qua cái gọi là chính sách “trở lại châu Á”. Trên cấp độ chiến lược, Mỹ sẽ triển khai một thỏa thuận thương mại tự do rộng khắp châu Á mang tên Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi hoàn tất, TPP sẽ cung cấp cho các quốc gia thành viên khác nhau trong khu vực nhiều ưu đãi và quan hệ thân thiện hơn với Mỹ nhằm chống lại các nỗ lực chiến lược của Trung Quốc, từ đó hình thành 2 phe ở khu vực Thái Bình Dương. Nhưng hiện nay nỗ lực chống Trung Quốc của Mỹ đang bị hạn chế bởi những khó khăn trong chính sách an ninh và ngân sách. Mỹ cũng thường xuyên cảm thấy Trung Quốc có chung mối quan tâm trong việc cho phép Mỹ hoạt động tự do ở Tây Thái Bình Dương. Mặc dù đề cập nhiều về chính sách “trở lại châu Á”, nhưng sự cô lập của Mỹ sẽ làm giảm lòng tin của các nước đối với chính sách đó. Hơn nữa giảm bớt các cuộc diễn tập và sự hiện diện của Mỹ trong khu vực cũng sẽ ảnh hưởng đến lòng tin về vai trò ngăn chặn cũng như tính khả thi về phản ứng của Mỹ chống các nỗ lực A2/AD của Trung Quốc. Điều này càng ảnh hưởng hơn nữa đến các nỗ lực của Mỹ trong việc thuyết phục Trung Quốc chấp nhận vai trò của Mỹ trong khu vực.

Chưa rõ Washington làm thế nào để hợp tác với Trung Quốc trong việc hạn chế những hành động thâm nhập không gian mạng mặc dù ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang can dự vào các hoạt động gián điệp mạng. Tương tự, việc Mỹ mời Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập quân sự đa phương mang tên "Vành đai Thái Bình Dương" (RIMPAC) dường như có ý đồ hạn chế tầm quan trọng của A2/AD ở cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Nhưng một số nước tham gia RIMPAC như Nhật Bản nhìn Trung Quốc bằng con mắt nghi ngờ. Họ cho rằng mời Trung Quốc tham gia RIMPAC không những cho phép Bắc Kinh quan sát mà còn dẫn đến nguy cơ bộc lộ các khả năng quan trọng về cuộc chiến tranh chống ngầm của Mỹ và đồng minh, chiến tranh phòng không và các hoạt động tấn công một quốc gia đang âm mưu tìm kiếm và lợi dụng các điểm yếu của đối phương để đề ra biện pháp đối phó hiệu quả như một bộ phận trong chiến lược A2/AD của Trung Quốc. Lời mời này đã được Mỹ gửi tới Bắc Kinh, bất chấp PLA đã và đang tăng cường các khả năng A2/AD, do đó Mỹ dường như thể hiện sự yếu kém và thiếu định hướng trong việc đối phó với Trung Quốc.

Dean Cheng là nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Quỹ Heritage Foundation. Bài viết được đăng lần đầu trên The National Interest.

Văn Cường (gt)