27/02/2018
Một Trung Quốc với BRI đang "khát" năng lượng cùng nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng của các quốc gia châu Á khác và giá dầu thế giới ở mức cao cho thấy sự cần thiết phải thiết lập một cảnh báo về tương lai của yếu tố địa chính trị ở khu vực Nam và Đông Nam Á.
Mới đây, ngành công nghiệp dầu lửa cần được "hồi sinh" khi nguồn cung ngày càng giảm, trong khi giá dầu trên thế giới tăng từng ngày. Tuần trước, giá dầu thô Brent giao sau, mức chuẩn quốc tế cho giá dầu, đã chạm mức cao nhất trong vòng 3 năm qua là 70 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới cũng dao động ở mức 65 USD/thùng trong suốt 1 tháng qua.
Những đợt tăng giá dầu gần đây được cho là có nguyên nhân từ việc mùa đông năm nay lạnh hơn mức bình thường ở Mỹ và căng thẳng ở khu vực Trung Đông - cuộc xung đột giữa Iraq và người Kurd cũng như cuộc nội chiến ở Syria - song sự cân bằng của thị trường cũng bị ảnh hưởng mạnh từ quyết định cắt giảm sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga. Việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu kéo dài đến cuối năm 2018 là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giảm nguồn cung dư thừa trên thị trường dầu thế giới và đẩy giá dầu vượt ngưỡng 60 USD/thùng. Dư luận chung cũng kỳ vọng rằng việc cắt giảm sản lượng này, nếu thành công trong tương lai, có thể được kéo dài đến sau năm 2018. Những căng thẳng ở Trung Đông dường như vẫn chưa tìm được giải pháp và sản lượng dầu đá phiến của Mỹ cũng chưa đủ khả năng gây ảnh hưởng mạnh đến giá dầu thô thế giới. Tất cả những điều này cho thấy kỷ nguyên của dầu giá rẻ có thể sẽ kết thúc mãi mãi. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là những đổi mới trong công nghệ khai thác không ảnh hưởng đến giá cả, song tác động của những cuộc cách mạng như vậy đối với giá dầu trong tương lai có thể rất hạn chế. Theo đó, kể từ thời điểm này cộng đồng quốc tế có thể được chứng kiến một thị trường dầu cân bằng hơn.
Chính sự tăng giá của mặt hàng dầu thô cũng với việc gia tăng sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ sẽ có thể tác động sâu sắc đến vấn đề địa chính trị của nguồn tài nguyên này, đặc biệt vào thời điểm châu Á đang nổi lên như một điểm nóng về nhu cầu dầu lửa. Các nền kinh tế châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang được chứng kiến sự gia tăng về nhu cầu dầu lửa trong những năm tiếp theo. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu ở Đông Nam Á sẽ tăng từ mức 4,7 triệu thùng/ngày hiện nay lên mức 6,6 triệu thùng/ngày vào năm 2040. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng cùng với mức sống cơ bản được nâng lên chính là những yếu tố chính bên cạnh nhu cầu được đẩy mạnh. Trung Quốc đã nổi lên trở thành nước nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới trong năm 2017 và nhu cầu dầu của nước này được dự đoán sẽ tăng 4,6% đạt ngưỡng 600 triệu tấn trong năm 2018. Theo sát Trung Quốc là Ấn Độ với nhu cầu dầu tăng 4,3% trong năm 2018. Với nhu cầu ngày càng tăng cùng giá dầu lên cao, cuộc tranh giành về việc cung cấp, đáp ứng và đảm bảo nguồn dầu sẽ góp phần củng cố vấn đề địa chính trị của khu vực.
Một trong những tác động đáng chú ý liên quan đến việc giá dầu thô tăng hồi năm 2008 là những căng thẳng ở Biển Đông xảy ra trong cùng thời điểm. Sự gia tăng căng thẳng đó có thể được xác định có nguồn gốc từ vấn đề địa chính trị khi Trung Quốc muốn thống trị và kiểm soát các tuyến thương mại biển để đảm bảo nguồn cung cấp dầu vào thời điểm giá dầu tăng cao và sự thiếu hụt trong sản xuất đe dọa sẽ làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của nước này. Năm 2008 là một "điểm chuyển" sau đó cả tần suất và cường độ của các cuộc đối đầu ở khu vực đều tăng. Việc Trung Quốc nỗ lực thiết lập các giàn khoan dầu, cắt ngắn các chuyến thị sát thực hiện thăm dò dầu và khí đốt từ Việt Nam, đe dọa quấy nhiễu các tàu tuần tra của Mỹ và đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo và bãi đá ở Biển Đông... đã cho thấy có sự gia tăng chưa từng thấy.
Trong khi sự sụt giảm giá dầu hồi năm 2015 góp phần làm giảm bớt tình trạng mất an ninh năng lượng đối với các nước nhập khẩu dầu, thực tế cho thấy dầu giá rẻ hiện nay lại là một vấn đề của quá khứ đe dọa làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột địa chính trị hiện tại. Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là việc nhu cầu nóng về dầu lửa và khí đốt được dịch chuyển tới châu Á, cuộc cạnh tranh để tiếp cận đến những nguồn tài nguyên giá rẻ được cho là sẽ dẫn đến việc làm gia tăng các cuộc xung đột giữa các cường quốc trong khu vực.
Cụ thể hơn, sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc và các biện pháp tăng cường năng lượng của Bắc Kinh được cho là sẽ ảnh hưởng đến vấn đề địa chính trị xung quanh các tuyến đường thương mại về năng lượng. Bên cạnh đó, BRI của Trung Quốc cũng trở thành công cụ địa chính trị hữu hiệu mà qua đó Bắc Kinh nhanh chóng tăng cường sự hiện diện hải quân và giành được các hải cảng quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương. Hơn nữa, các dự án được khởi xướng với sự bảo trợ của BRI cũng tập trung phần lớn vào vấn đề năng lượng. Khoảng 60% trong số 50.000 tỷ USD vốn đầu tư trong dự án Vành đai kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) dành cho các nhà máy điện chạy bằng than. Là một phần của BRI, Trung Quốc hiện cũng đang xây dựng hai đường ống dẫn dầu và khí đốt từ cảng Rakhin (Myanmar) đến tỉnh Vân Nam ở Tây Nam Trung Quốc. Những đường ống này sẽ đưa dầu nhập khẩu từ các nước Arập đến cảng Kyaukphyu ở Vịnh Bengal của Myanmar và cũng được coi là một "tài sản chiến lược" khác của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương.
Hướng tới Nam Á, việc Trung Quốc thực hiện dự án phát triển và sau đó mua lại cảng Hambantota ở Sri Lanka cũng được xem như một cầu nối quan trọng đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng trong khu vực Ấn Độ Dương. Có thể nói, Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương hiện chiếm hơn 80% thương mại đường biển trên thế giới, trong đó có tới 70% đi qua các điểm "chốt chặn thương mại" quan trọng là eo biển Hormuz và bán đảo Malacca. Trái với bối cảnh trật tự khu vực đang diễn biến xoay quanh BRI của Trung Quốc, điều này có thể khiến Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương trở thành điểm nóng tiềm ẩn xung đột mới.
Chính sự tăng trưởng kinh tế và tính quyết đoán về quân sự của Trung Quốc ở cả hai khu vực nói trên đã làm dấy lên những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia. Các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Úc cùng với Mỹ đã tái khởi động Đối thoại An ninh Bốn bên "Quadrilateral Security Dialogue", một liên minh không chính thức để duy trì các cuộc đối thoại giữa bốn nước. Tuy nhiên, các nước trong khu vực cũng cần có chiến lược để giải quyết những lo ngại của mình liên quan đến việc đảm bảo các tuyến đường vận chuyển năng lượng và duy trì các nguồn cung cấp năng lượng. Một Trung Quốc đang "khát" năng lượng với một BRI cùng với nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng của các quốc gia châu Á khác và giá dầu thế giới ở mức cao cho thấy sự cần thiết phải thiết lập một cảnh báo về tương lai của yếu tố địa chính trị ở khu vực Nam và Đông Nam Á.
Tác giả là Niharika Tagotra, nghiên cứu sinh Tiến sĩ về chính trị quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi (Ấn Độ). Bài viết đăng trên “The diplomat”.
Vũ Hiền (gt)
Mọi thứ cuối cùng cũng phải kết thúc. Nhưng bây giờ chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu của kết thúc, hay chỉ là kết thúc của bắt đầu? Không ai thực sự biết. Trong lịch sử, đại dịch đã gây ra những hệ lụy đáng kể về kinh tế, chính trị và địa chính trị.
Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt ASEAN-Trung Quốc về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) có thể đánh dấu bước khởi đầu của Trung Quốc trong việc hỗ trợ chuyên môn cho các quốc gia khác chống lại dịch bệnh này.
Con đường tơ lụa kỹ thuật số cho thấy nỗ lực của Trung Quốc với mục tiêu trở thành một siêu cường công nghệ và thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hơn các tiêu chuẩn và quy định của mình trong lĩnh vực mạng.
Con đường tơ lụa kỹ thuật số cho thấy nỗ lực của Trung Quốc với mục tiêu trở thành một siêu cường công nghệ và thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hơn các tiêu chuẩn và quy định của mình trong lĩnh vực mạng.
Khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran trở nên sâu sắc hơn, các nước nhập khẩu dầu hàng đầu ở châu Á quan sát một cách thận trọng.
Bài viết tập hợp quan điểm của các học giả thuộc 3 trung tâm nghiên cứu khác nhau nhằm xem xét một số vấn đề cấp bách nhất xung quanh BRI. Mục đích là làm sáng tỏ những quan điểm khác nhau và xác định các lĩnh vực đồng thuận và bất đồng về các vấn đề chính xung quanh BRI.