Tháng 10/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giới thiệu ý tưởng của ông về Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 trong một bài diễn văn trước quốc hội Indonesia nhân chuyến thăm chính thức của mình đến nước này. Ý tưởng này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của khu vực và các thông tin cụ thể hơn từ phía Trung Quốc rất được trông chờ.  Tuy nhiên, trong vòng vài tháng sau đó, các quan chức Trung Quốc chỉ nhắc lại ý tưởng của ông Tập về việc khôi phục các tuyến đường buôn bán xa xưa và cải thiện quan hệ khu vực, chứ không hề cung cấp thêm chi tiếp nào về kế hoạch Con đường Tơ lụa trên Biển.

Tai Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN vào tháng 11/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường giới thiệu “Khuôn khổ Hợp tác 2+7” nhằm xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh, bổ sung cho kế hoạch Con đường Tơ lụa trên Biển. Khuôn khổ này bao gồm hai điểm đồng thuận chính trị về việc xây dựng lòng tin chiến lược và thúc đẩy sự phát triển cùng có lợi và bảy lĩnh vực ưu tiên hợp tác bao gồm hợp tác biển, tài chính, an ninh, bảo vệ môi trường, và giao lưu nhân dân. Cho đến hôm nay, các nước trong khu vực vẫn chưa nắm rõ về đại kế hoạch kết nối của Trung Quốc với mong muốn mở rộng quyền tiếp cận đến các cảng nhằm thúc đẩy thương mại biển suốt tử Đông Nam Á, Nam Á cho đến Châu Phí và Địa Trung Hải.

Thử nghiệm khả năng tuyên truyền của Trung Quốc?

Nếu xem xét cuộc tranh luận chính sách hiện đang diễn ra tại Trung Quốc, Con đường Tơ lụa trên Biển có vẻ giống như một ý tưởng đang được bàn thảo hơn và một kế hoạch tổng thể đã được vạch ra chi tiết, với ít nhất 12 cơ quan trung ương có liên quan từ bộ ngoại giao, thương mại, giao thông, nông nghiệp cho đến Ủy ban phát triển và cải cách nhà nước.

Theo các báo cáo của Trung Quốc, đã có 20 tỉnh đưa ra các khuyến nghị và đề án cho ý tưởng Con đường Tơ lụa trên Biển và dự án Vành đai Con đường Tơ lụa trên bộ. Sự phản hồi rất lớn từ trong nội bộ và các khó khăn trong việc phối hợp giữa chính quyền tỉnh và địa phương đã khiến Trung Quốc không thể truyền tải ý tưởng của mình một cách thông suốt đối với các đối tác bên ngoài.

Sự thiếu rõ ràng này, không may cho Trung Quốc, đã gây ra nhiều lời đồn đoán và nghi ngờ. Mặc dù Bắc Kinh chưa hề xuất bản bất cứ bản đồ chính thức nào về các điểm dừng trên Con đường Tơ lụa trên Biển, hãng thông tấn của nhà nước Tân Hoa Xã đã công bố một bản đồ nằm trong loạt phóng sự về “Con đường Tơ lụa mới, Những giấc mơ mới” vào tháng 5/2014. Hãng thông tấn này không nói rõ liệu bản đồ chỉ nhằm mục đích minh họa đơn thuần, tuy nhiên các nhà quan sát đã có thể nhanh chóng thấy rằng, Trung Quốc sẽ bỏ quan Philippines vì nước này không được xem là một điểm dừng trên bản đồ.

Vào tháng 11/2014, một báo cáo của tờ Thời báo Phố Wall cho rằng Philippines sẽ bị loại khỏi kế hoạch Con đường Tơ lụa trên Biển vì vụ kiện pháp lý của nước này chống lại yêu sách Biển Đông của Trung Quốc. Bài báo cũng trích lại lời của Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách vấn đề kinh tế của Philippines, bà Laura del Rosario, rằng Philippines thấy mình bị cô lập khỏi kế hoạch này.

Trung Quốc phản bác luận điểm này và nói rõ rằng chưa hề có một bản đồ chính thức nào về Con đường Tơ lụa trên Biển. Xét về khía cạnh này, nhẽ ra Trung Quốc có thể tổ chức một chiến dịch tuyên truyền tốt hơn qua kênh báo chí chính thống hoặc các kênh ngoại giao chính thức với các nước khu vực sau tuyên bố của ông Tập năm 2013.

Lợi ích kết nối hay các mối quan ngại của ASEAN?

Một điểm thuận lợi cho Trung Quốc là ở Đông Nam Á việc kêu gọi tăng cường kết nối khu vực vốn đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay. Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) được thông qua năm 2010 có thể là giải pháp lý tưởng giúp Trung Quốc làm rõ kế hoạch Con đường Tơ lụa trên Biển bằng cách gắn nó với kế hoạch kết nối của ASEAN. MPAC đã xác định 15 dự án ưu tiên nhằm kết nối cơ sở hạ tầng, thể chế và con người. Bản kế hoạch này cũng kiểm điểm lại những thành tựu đạt được  và thách thức phải đối mặt nhằm tăng cường các mối liên kết trong khu vực.

Vì Con đường Tơ lụa trên Biển của Trung Quốc là một kế hoạch quy mô lớn bao gồm nhiều khu vực, các nàh hoạch định chính sách của Trung Quốc nên cân nhắc tận dụng kế hoạch MPAC đối với khu vực Đông Nam Á và kết hợp các dự án như một phần trong kế hoạch Con đường Tơ lụa trên Biển của Trung Quốc. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian trong việc vạch ra các dự án ưu tiên, đồng thời chỉ rõ cho các nước khu vực thấy cần chờ đợi điều gì. Bằng việc giữ cho ASEAN ở trung tâm của kế hoạch này, nó cũng có thể giúp Trung Quốc xóa bỏ các lo ngoại cho rằng Trung Quốc đang muốn tạo ra một cộng đồng khu vực trong đó Trung Quốc phải là trung tâm.

Tuy nhiên, Trung Quốc không nên ngạc nhiên khi các nước khu vực có những quan ngại chiến lược về kế hoạch Con đường Tơ lụa trên Biển dù đa số đều đã công nhận lợi ích của việc tăng cường kết nối khu vực. Trong cuốn sách Roads and Rivals: Politics of Access in the Borderlands of Asia [Tạm dịch: Những tuyến đường và Các đối thủ cạnh tranh: Yếu tố chính trị trong khả năng tiếp cận các vùng đất ở Châu Á], Mahnaz Z. Ispahani đã nhận định về việc các mối quan ngại kinh tế, chính trị, chiến lược và địa lý sẽ giao thoa như thế nào trong các quyết định nguồn vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nước ngoài. Ông bình luận thêm rằng: “Các cơ sở hạ tầng cung cấp khả năng tiếp cận có thể được sử dụng cho cả hai mục đích: tùy thuộc vào vị trí và các tính năng đặc thù, các cơ sở này có thể sử dụng làm công cụ để phát triển kinh thế hoặc công cụ để bảo vệ an ninh nội địa hoặc an ninh quốc phòng.”

Các hệ thống đường sắt, đường bộ và cảng biển từ lâu đã có tầm quan trọng như là các động lực hội nhập, chính trị và chiến lược. Và người ta luôn cho rằng, việc kiểm soát các tuyến đường biển và những lối ra chiến lược ngày càng quan trọng đối với các ý định chiến lược của Trung Quốc đối với Châu Á. Những người chỉ trích Con đường Tơ lụa trên Biển của Trung Quốc đã nêu lên ít nhất hai câu hỏi chính liên quan đến an ninh khu vực: (i) Những ý định sâu xa của Trung Quốc đằng sau sáng kiến này là gì? (ii) Vai trò của hải quân và các lực lượng chấp pháp biển của Trung Quốc trong kế hoạch Con đường Tơ lụa trên Biển như thế nào?

Việc thiếu thông tin về Con đường Tơ lụa trên Biển sẽ tiếp tục gia tăng những nghi ngờ về lời khẳng định của Trung Quốc rằng nước này sẽ tách rời sáng kiến mang thuần tính chất kinh tế này ra khỏi các động lực chính trị, an ninh của mình. Ví dụ, kế hoạch Con đường Tơ lụa trên Biển của Trung Quốc đã gây ra những quan ngại chiến lược cho Ấn Độ rằng cảng container mà Trung Quốc tài trợ xây dựng cho Sri Lanka sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự sau khi tàu ngầm quân sự của Trung Quốc neo đậu ở Colombo. Ấn Độ cũng đã phản đối khi có các kế hoạch đề xuất cho việc xây dựng một căn cư sửa chữa máy bay nhỏ gần cảng phía Đông Trinconmalee.

Tác động đến tranh chấp Biển Đông?

Ở Đông Nam Á, ngày càng có nhiều nghi ngờ về việc đẩy mạnh sự phụ thuộc kinh tế trong khi vẫn chưa giải quyết được tranh chấp Biển Đông. Vào tháng 7/2014, các báo cáo gần đây ghi nhận rằng các thành phố duyên hải Trung Quốc bao gồm Quảng Châu, Hải Nam, Trạm Giang, Bắc Hải, Tuyền Châu, Chương Châu, Ninh Ba, Bồng Lai and Dương Châu đã cùng gửi một bản kế hoạch đề nghị Tổ chức Di sản Thế giới UNESCO công nhận Con đường Tơ lụa trên Biển xa xưa.

Các báo cáo từ phía Trung Quốc cũng khẳng định các cơ quan di sản của họ đã tiến hành các cuộc khảo sát khảo cổ học ở quần đảo Hoàng Sa và đang mở rộng phạm vi khảo sát xuống phía nam ở quần đảo Trường Sa. Điều này khiến các bên yêu sách lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng Con đường Tơ lụa trên Biển như một cách để tái khẳng định sự hiện diện của mình ở khu vực từ trong lịch sử, cho phép nước này tăng cường hiện diện và đẩy mạnh yêu sách ở Biển Đông. Trong khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vội vã xây dựng một bản kế hoạch chi tiết cho Con đường Tơ lụa trên Biển, có thể việc có ích cho họ hơn đó là giải quyết các mối lo ngại của khu vực, thay vì tiếp tục lảng tránh vấn đề này

Irene Chan là nhà phân tích cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Kỹ nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang RSIS Commentaries.

Kim Minh (dịch)