042309_china_navy3_800.jpg

Tháng 9/2016, Nga và Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận hải quân thường niên “Joint Sea 2016” ngoài khơi bờ biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây là đợt tập trận hải quân thứ 5 giữa hai nước kể từ năm 2012 nhưng là lần đầu tiên diễn ra ở Biển Đông. Với việc quyết định thực hiện cuộc diễn tập được công bố sau phán quyết của Tòa trọng tài, cuộc tập trận chung chắc chắn là cách để hai nước thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau trước thế giới. Financial Times bình luận cuộc tập trận có thể được xem như “một dấu hiệu của sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các quân đội lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới khi họ tìm cách chống lại ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực”.

Đối mặt với mối đe dọa chung từ Mỹ, Nga và Trung Quốc đã tăng cường quan hệ đối tác chiến lược thông qua hợp tác quân sự từ năm 2009. Trung Quốc coi việc Mỹ “xoay trục” và sau đó là “tái cân bằng” sang Châu Á như một chiến lược ngăn chặn sự trỗi dậy của họ. Sự can dự của Mỹ ở Biển Đông thông qua tự do hàng hải càng làm căng thẳng quan hệ song phương với Trung Quốc. Tại Châu Âu, Nga cảm nhận áp lực từ việc mở rộng liên tục của NATO đến các nước vùng Baltic như một mối đe dọa đến khu vực ảnh hưởng truyền thống của họ.

Tập trận hải quân chung mang lại lợi ích chiến lược cho cả Trung Quốc và Nga. Với Trung Quốc, tập trận thể hiện sự ủng hộ của Nga đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Hải quân Trung Quốc cũng có thể học hỏi thêm kinh nghiệm. Với Nga, cuộc tập trận là một phần của chính sách “xoay trục sang Châu Á” của Putin. Ngoài ra hoạt động tập trận cũng sẽ tạo điều kiện cho Nga xây dựng lại lực lượng hải quân của mình để thống trị Biển Đen. Bằng cách ủng hộ quan điểm của Trung Quốc ở Biển Đông và Châu Á, Putin cũng mong đợi sự ủng hộ tương tự của Trung Quốc về các vấn đề Syria và Ukraine.

Mặc dù Nga và Trung Quốc có quan hệ đối tác chặt chẽ nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề. Đối với Trung Quốc, khủng hoảng Ukraine có thể đánh động các lãnh đạo nước này về vấn đề ly khai ở Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan. Trung Quốc cũng phải đối mặt với tình thế chính sách khó xử giữa các nguyên tắc và lợi ích về vấn đề Ukraine. Với Nga, mặc dù hợp tác năng lượng với Trung Quốc mang lại lợi ích cho kinh tế nhưng Nga không muốn trở thành một nhà cung cấp tài nguyên thiên nhiên sang Trung Quốc. Nga cũng lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Buôn bán vũ khí của Nga với Việt Nam và Ấn Độ cũng làm đau đầu các lãnh đạo Trung Quốc.

Nhìn chung, “bàn cờ” tại khu vực Á - Âu và Châu Á - Thái Bình Dương vẫn phức tạp. Mặc dù có cử chỉ hợp tác nhưng cạnh tranh địa chính trị và thiếu lòng tin chiến lược giữa Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục hạn chế quan hệ đối tác chiến lược. Tuy nhiên, mối đe dọa chung Mỹ có thể khuyến khích Trung Quốc và Nga vượt qua những rào cản để thúc đẩy hợp tác quân sự chặt chẽ, hoặc thậm chí là một liên minh.

Các cường quốc nhỏ và trung bình, chẳng hạn như các nước ASEAN và Australia, đang bị mắc kẹt ở giữa. Diễn tập hải quân Trung - Nga và sự cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ở Biển Đông có thể cho thấy sự khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh trong khu vực. Thay vì chọn phe, ASEAN nên xem xét đóng vai trò trung gian hòa bình nhằm giảm thiểu cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc. Do một số thành viên liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông nên ASEAN cần quản lý các tranh chấp tiềm tàng, nếu không thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn. ASEAN cũng cần ngăn Biển Đông trở thành một chiến trường giữa các cường quốc.

Bây giờ là lúc tất cả các cường quốc, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nga, xem xét lại chiến lược khu vực. Các cuộc thử nghiệm hạt nhân năm 2016 của Triều Tiên và khủng hoảng Syria nhắc nhở rằng có những mối đe dọa chung cấp bách hơn cần có sự quan tâm và hợp tác chung. Các nước này cần xem xét làm thế nào để gánh vác trách nhiệm của mình trước khi cạnh tranh vị thế đứng đầu thế giới.

Theo “National Interest” (ngày 7/10)

Mỹ Anh (gt)