Ấn Độ ngày 24/8/1965 đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Singapore, trở thành một trong những nước bang giao sớm nhất với Singapore. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng hai nước sẽ ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược. Theo thông báo, sau khi Singapore-Ấn Độ trở thành đối tác chiến lược, hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, quản lý đô thị, xây dựng thành phố thông minh, quản lý nguồn nước và đào tạo.

Quan hệ song phương Singapore-Ấn Độ cũng giống như quan hệ giữa Singapore và Trung Quốc, có lịch sử lâu dài, bao hàm các yếu tố đan xen về mặt lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa. Năm 1992, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narasimha Rao đã thực hiện chính sách đẩy mạnh cải cách mở cửa và tự do hóa kinh tế, cũng vào thời điểm đó Singapore đưa ra chiến lược khu vực hóa. Sau đó, quan hệ giữa Singapore với Ấn Độ và Trung Quốc được nâng lên tầm cao mới đánh dấu bằng việc Singapore lần lượt lập các dự án xây dựng khu công nghiệp Tô Châu ở Trung Quốc và khu công nghiệp công nghệ ở Bangalore của Ấn Độ. Nếu so sánh, có thể thấy các bước cải cách mở cửa của Trung Quốc được thực hiện nhanh hơn so với Ấn Độ. Tuy nhiên, trên thực tế, quan hệ Singapore-Ấn Độ vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng. Năm 2005, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện, đó là hiệp định mậu dịch tự do đầu tiên của Ấn Độ ký với nước ngoài. Ngoài ra, quân đội Singapore cũng đạt được thỏa thuận huấn luyện ở Ấn Độ và tiến hành các cuộc diễn tập chung với quân đội Ấn Độ. Dưới nỗ lực của Singapore, Ấn Độ đã trở thành một đối tác đối thoại của ASEAN, đồng thời trở thành một thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Singapore hiện là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Ấn Độ. Số lượng công ty Ấn Độ đăng ký hoạt động tại Singapore vượt qua con số 6.000. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên nắm quyền càng mang lại nhiều động lực mới cho sự phát triển quan hệ song phương hai nước. Sau khi lên làm Thủ tướng, ông Modi cho biết muốn đưa Ấn Độ trở thành một trung tâm công nghiệp chế tạo của toàn thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, Ấn Độ và Singapore có sự bổ sung cho nhau rất lớn. Thứ nhất, Singapore là trung tâm tài chính khu vực, có thể giúp các doanh nghiệp về vốn cũng như phát triển cơ sở hạ tầng. Thứ hai, vị trí địa lý của Singapore cùng với việc Singapore đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước là một nhân tố hết sức thuận lợi giúp cho tham vọng trở thành trung tâm chế tạo toàn cầu của Ấn Độ thành hiện thực. Thứ ba, nguồn nhân tài của Singapore và nguồn nhân tài về khoa học công nghệ của Ấn Độ có thể bổ trợ cho nhau trong lĩnh vực phát triển kinh tế tri thức. Thứ tư, Singapore có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đô thị hóa, có thể giúp Ấn Độ xây dựng các thành phố bền vững hiện đại. Tất nhiên, Singapore có thể giúp Ấn Độ phát triển đến mức độ như thế nào còn phụ thuộc vào quyết tâm trong việc thực hiện chính sách chấn hưng kinh tế của chính phủ mới của Thủ tướng Modi.

Ngoài lĩnh vực kinh tế, Singapore và Ấn Độ có rất nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực chính trị và quốc phòng. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mặc dù Ấn Độ thực hiện chính sách không liên kết, song việc nghiêng dần về phía Liên Xô đã khiến nước này bỏ lỡ cơ hội phát triển chung của các nước trong khu vực. Sau khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh kết thúc, Thủ tướng Ấn Độ Narasimha Rao đưa ra chính sách "Hướng Đông", bắt đầu tái quan tâm tới khu vực. Ông Modi coi Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương trở thành trọng tâm trong sự giao lưu quốc tế của Ấn Độ.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc, cùng với chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đã ảnh hưởng tới cục diện an ninh của khu vực. Ấn Độ là nước có dân số đông thứ hai thế giới và cũng là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, là nước có lợi ích trong khu vực. Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã lưu ý rằng Ấn Độ coi Singapore là cánh cửa lớn để đi vào ASEAN và mong muốn đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, làm thế nào để đảm bảo Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ duy trì sự tương tác tích cực với khu vực không chỉ vì lợi ích của khu vực, mà còn là chìa khóa cho sự sống còn của đất nước nhỏ bé Singapore. Việc tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược Singapore-Ấn Độ sẽ giúp cho Singapore phát huy vai trò ngày càng lớn đối với sự ổn định trong khu vực, qua đó mở rộng không gian ngoại giao của Singapore.

Theo "Liên hợp Buổi sáng"

Lê Sơn (gt)