Thủ tướng nước chủ nhà Ấn Độ Modi mô tả chuyến thăm của ông Obama tượng trưng cho bước phát triển mang tính đột phá trong quan hệ hai nước, đồng thời tuyên bố rằng quan hệ đối tác Ấn Độ-Mỹ có vai trò quan trọng đối với việc định hình cục diện thế giới trong thế kỷ này. Tổng thống Obama cho rằng việc nhận lời mời tham dự lễ duyệt binh của Ấn Độ cho thấy quyết tâm của ông trong việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương. Ông cho biết: "Xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ với Ấn Độ là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mang lại thành công cho nước Mỹ trong thế kỷ 21". 

“Thu hoạch” lớn nhất trong chuyến thăm lần này của ông Obama chắc chắn là việc đạt được thỏa thuận về hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự với Ấn Độ. New Delhi đã đồng ý nhượng bộ về vấn đề chịu trách nhiệm khi xảy ra các thảm họa của các doanh nghiệp, loại bỏ những trở ngại để các công ty năng lượng hạt nhân Mỹ bước vào thị trường to lớn của Ấn Độ. Ấn Độ có kế hoạch đưa mức điện hạt nhân từ 4% hiện tại tăng dần lên đến 25% vào năm 2050. Trong khi đó, Mỹ lại ngầm thừa nhận Ấn Độ không cần phải thực hiện theo các chỉ tiêu giảm lượng khí thải carbon, dù rằng Washington năm ngoái đã cùng với Bắc Kinh đạt được thỏa thuận cắt giảm mục tiêu này. 

Hợp tác quân sự là một kết quả nữa trong chuyến thăm lần này của ông Obama. Hai nước đã nhất trí thiết lập đường dây điện thoại nóng giữa các nhà lãnh đạo, tăng cường diễn tập quân sự chung trên bộ và trên biển, đồng thời tăng cường chia sẻ các kỹ thuật về tàu sân bay và công nghệ động cơ máy bay chiến đấu. Các máy bay chống tàu ngầm và máy bay vận tải do Mỹ chế tạo đều được Ấn Độ cho “trình diễn” tại cuộc duyệt binh hôm 26/1. Đặc biệt là máy bay vận tải đã được quân đội sắp đặt hạ cánh ở các sân bay có độ cao hơn rất nhiều so với mặt nước biển, cho thấy rõ khả năng đưa quân đội của mình tới các khu vực có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở khu vực biên giới cao nguyên Himalaya. 

Ấn Độ đang tích cực tăng cường toàn diện sức mạnh quốc phòng. Trong 10 năm qua, nước này đã mua hơn 10 tỷ USD vũ khí của Mỹ, đáng chú ý là trong 3 năm tài chính gần đây, vũ khí nhập khẩu từ Mỹ đều vượt qua Nga - vốn là thị trường truyền thống của Ấn Độ. Điều này đối với New Delhi có ý nghĩa biểu tượng hết sức to lớn. Tổng thống Obama rõ ràng là đang muốn tranh thủ nắm lấy cơ hội chuyển hướng chính sách ngoại giao của New Delhi. 

Nếu so sánh trạng thái quan hệ ngoại giao Mỹ-Ấn hồi năm ngoái, càng dễ nhận thấy rằng ông Obama và ông Modi đã có những nỗ lực để cải thiện quan hệ song phương. Trước đó, hồi tháng 12/2013, việc bà Devyani Khobragade, Phó Tổng lãnh sự Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại New York bị bắt và bị cảnh sát địa phương yêu cầu cởi quần áo để kiểm tra đã gây nên làn sóng chống Mỹ mạnh mẽ ở Ấn Độ; quan hệ hai nước không chỉ ngừng các cuộc đối thoại quan chức các cấp, mà có hủy bỏ lịch trình các chuyến thăm cấp bộ trưởng của hai nước. Hơn nữa, khi ông Modi còn làm Thống đốc bang Gujarat đã từng bị Mỹ cấm nhập cảnh trong thời gian 10 năm do liên quan đến việc giải quyết các cuộc bạo loạn chống Hồi giáo địa phương. 

Sau khi ông Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ hồi năm ngoái, Mỹ đã nhanh chóng thay đổi thái độ, không chỉ cấp thị thực cho ông Modi để đến New York tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2014, mà còn sắp xếp cho ông Modi có cuộc gặp với ông Obama hai lần; ông Modi cũng nắm lấy cơ hội này để mời ông Obama tới thăm Ấn Độ, khiến cho quan hệ hai nước nồng ấm trở lại sau sự kiện của bà Khobragade. Ngày 25/1 vừa qua, ông Modi đã phá vỡ quy tắc ngoại giao thông thường khi đích thân ra tận sân bay đón, đồng thời còn ôm hôn thắm thiết ông Obama, ngầm truyền đi thông điệp về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo cũng như hai nước. 

Đối với ông Modi, mở cửa thu hút các nhà đầu tư Mỹ là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Ấn Độ mà ông khởi xướng, cũng giống như việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc mà ông đã làm sau khi lên nắm quyền, đồng thời đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái. Trong khi đó, về mặt an ninh chiến lược, ông Modi không thể không lo lắng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, do đó, ông muốn phá vỡ đường hướng ngoại giao không liên minh trước đây để hướng đến dựa vào Mỹ. Việc Mỹ không áp dụng hạn ngạch lượng khí thải đối với Ấn Độ là một thành công chính trị cho thấy tính cách ngoại giao độc tập tự chủ của ông Modi. 

Quan hệ nước lớn không thể tránh khỏi các cuộc đàm phán ngoại giao, hợp tác Mỹ-Ấn Độ cũng không nằm ngoài quy luật này khi mỗi bên đều có những toan tính riêng của mình. Đối với Mỹ, lôi kéo được Ấn Độ có thể tăng cường hiệu quả trong chiến lược “tái cân bằng châu Á” của mình; đối với Ấn Độ, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Mỹ-Ấn không chỉ có dụng ý về mặt an ninh chiến lược mà còn giúp cho chính sách phát triển kinh tế của nước này. Ở ý nghĩa này, ông Modi có lẽ là người đã giành chiến thắng lớn nhất trong cuộc chơi ngoại giao lần này.

Theo báo "Liên hợp buổi sáng"

Thuỳ Anh (gt)