Theo lịch trình, Tổng thống Mỹ Obama sẽ đến Ôxtrâylia ngày 16/11 bắt đầu chuyến thăm kéo dài 26 giờ. Trong thời gian ở Ôxtrâylia, ông Obama sẽ phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Ôxtrâylia ở thủ đô Canbơrơ. Sau đó, Tổng thống Obama sẽ đến Darwin và dự kiến sẽ cùng với Thủ tướng Ôxtrâylia Jullia Gillard công bố việc mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Ôxtrâylia. Theo đó, lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ được điều động luân phiên tới một căn cứ của Ôxtrâylia và các cuộc tập trận chung cũng như những chuyến thăm của tàu chiến và máy bay Mỹ tới Ôxtrâylia sẽ trở nên thường xuyên hơn.

Việc tăng cường xây dựng lực lượng quân sự, điều mà một số nhà phân tích và đảng Xanh cảnh báo có thể gây ra sự phản đối từ Trung Quốc và những quốc gia láng giềng khác, có khả năng tác động đến quan điểm của các cử tri về liên minh Mỹ-Ôxtrâylia. Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò, 71% số người được hỏi cảm thấy mối quan hệ giữa hai nước là "đúng đắn", trong khi chỉ có 24% cảm thấy là quá gần và 3% cảm thấy là "chưa đủ gần". Theo Giáo sư Geoffrey Garrett, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Xítni, chuyến thăm của ông Obama cho thấy rằng Mỹ cam kết tái tập trung vào khu vực này cũng như sự nổi lên của Trung Quốc sau khi bị sao lãng bởi các cuộc chiến tranh ở Irắc và Ápganixtan. 

Phát biểu trên Chương trình "Thế giới Ngày nay" của Hãng Truyền thông Quốc gia Ôxtrâylia (ABC), Obama visit 'pivotal' Giáo sư Geoffrey Garrett nhận định chuyến đi của Tổng thống Obama "rất có ý nghĩa" và là điểm trọng yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại thời điểm hiện nay. Giáo sư Geoffrey Garrett nói: "Tôi nghĩ đây thật sự là một chuyến đi quan trọng, nhất là trong bối cảnh ông Obama đang có rất nhiều rắc rối cần giải quyết ở Mỹ. Tuy nhiên, ông vẫn dành hơn một tuần để công du châu Á–Thái Bình Dương. Theo tôi, Chính quyền của Tổng thống Obama đang tập trung sự quan tâm vào khu vực này". Về vai trò của Ôxtrâylia trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Giáo sư Geoffrey Garrett cho rằng Ôxtrâylia không chỉ là một đồng minh quan trọng về chính trị và quân sự mà còn đóng vai trò then chốt trong việc thương thảo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm mang lại tự do thương mại ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương. Câu nói Mỹ không có người bạn nào tốt hơn Ôxtrâylia dường như đúng vào thời điểm hiện nay xét trên cả khía cạnh kinh tế lẫn chính trị-quốc phòng.

Việc Mỹ thúc đẩy TPP thu hút sự chú ý rất lớn bởi Mỹ đang cố gắng xây dựng một định chế kinh tế trong khu vực châu Á–Thái Bình Dương dựa trên những nguyên tắc do quốc gia này đưa ra và dẫn dắt. Về cơ bản, Mỹ muốn nói với Trung Quốc rằng nếu muốn tham gia tổ chức này thì Trung Quốc buộc phải tuân thủ những nguyên tắc mà Mỹ đưa ra và những nguyên tắc này sẽ dẫn đến những thay đổi không mong đợi ở Trung Quốc. Điển hình là Trung Quốc phải nâng cao tính thanh khoản của đồng Nhân dân tệ, mở rộng thị trường và cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đây là những đòi hỏi thay đổi lớn với Trung Quốc, tuy nhiên, nếu TPP càng có trọng lượng thì nó càng thu hút Trung Quốc tham gia.

Theo Giáo sư Geoffrey Garrett, quan hệ kinh tế song phương giữa Mỹ và Trung Quốc là lớn nhất trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, nó cũng hàm chứa sự mất cân bằng bậc nhất. Đây là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng nhưng sự căng thẳng này vẫn còn nhẹ hơn so với những căng thẳng tại vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Các nhà bình luận nói rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế tiềm lực chính trị-quân sự của Trung Quốc.Trả lời câu hỏi liệu việc hai cường quốc này tăng cường tiềm lực quân sự tại khu vực có phải là tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang trở nên quyết liệt hơn hay không, Giáo sư Geoffrey Garrett cho rằng các nhà hoạch định quân sự đều có kế hoạch ứng phó trong tình huống xấu nhất. Mỹ tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là điều tốt đẹp, tuy nhiên, Mỹ vẫn cần đảm bảo có thể đối phó lại Trung Quốc trong tình huống xấu (mặc dù khả năng xảy ra tình huống xấu chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ). Việc Mỹ có kế hoạch tăng cường quân đồn trú tại Ôxtrâylia là một minh chứng.

Kế hoạch gia tăng quân Mỹ đồn trú tại Ôxtrâylia có thể sẽ được Tổng thống Obama chính thức loan báo trong chuyến thăm Ôxtrâylia lần này. Về mức độ tác động của kế hoạch đó đến quan hệ giữa Ôxtrâylia và Trung Quốc, Giáo sư Geoffrey Garrett nhận định rõ ràng đây là một lo ngại lớn của Ôxtrâylia. Ông Geoffrey Garrett nói: "Trong 30 năm qua, Ôxtrâylia đã thành công trong việc duy trì mối quan hệ chính trị quốc phòng với Mỹ, đồng thời thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Một số người lo lắng rằng việc Mỹ gia tăng quân đội đồn trú ở Ôxtrâylia sẽ có thể khiến cho mối quan hệ Ôxtrâylia-Trung Quốc trở nên kém bền vững xét trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta luôn phải nhớ tới nguyên tắc phát triển và sẽ giải quyết được những thách thức đó"./.

 Theo Smh (15/11)

Mỹ Anh (gt)