Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey tại phiên điều trần (từ phải qua). Ảnh: AP

Báo “Hải dương Trung Quốc” đăng bài của tác giả Trương Kiến thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải, cho biết gần đây một số quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Panetta và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Dempsey tích cực hối thúc Thượng nghị viện phê chuẩn “Công ước của LHQ về luật biển”. Địa vị của các quan chức và thời điểm được các quan chức nói trên lựa chọn để thúc đẩy vào lúc này khiến người ta quan tâm.

Trước đó Mỹ xuất phát từ tính toán cá nhân luôn cố ý đứng ngoài “Công ước của LHQ về luật biển”, nay lại chủ động thúc đẩy phê chuẩn công ước, đó cũng là phản ứng của Mỹ căn cứ theo tình hình quốc tế hiện tại. Thông qua phê chuẩn Công ước, Mỹ vừa có thể chuẩn bị sẵn cho việc chủ đạo quá trình phát triển biển và địa cực trái đất trong thời gian tới, cũng vừa có thể tìm kiếm chỗ dựa về pháp luật để can thiệp tình hình Biển Đông, tranh quyền chủ đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể nói đó là một hành động đạt nhiều mục đích.

Trong lúc tranh chấp giữa Trung Quốc và Philíppin ở đảo Scarborough đang diễn ra căng thẳng, ngày 9/5 tại một diễn đàn do Ủy ban Đại Tây Dương của Mỹ và Quỹ từ thiện Pew Charitable Trusts đồng tổ chức, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cho biết khi chiến lược quốc phòng mới của Mỹ xác định trở lại “cơ sở biển” thì việc phê chuẩn “Công ước của LHQ về luật biển” sẽ giúp đảm bảo cho tự do hàng hải của Mỹ trong phạm vi toàn cầu. Mỹ từ chỗ bàng quan trở nên chủ đạo trong đàm phán sẽ tạo ra được khả năng ảnh hưởng đến tình hình phát triển của “Công ước của LHQ về luật biển” và cách giải thích về Công ước này của các nước ký kết. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã nói rõ, do không phải là bên tham gia nên Mỹ chỉ có thể đứng ngoài những quy tắc của “Công ước của LHQ về luật biển”, không thể tham gia trong quá trình quyết định chính sách biển toàn cầu, vì thế vai trò và địa vị của Mỹ đều bị mắc mớ.

Trên cơ sở điều chỉnh lại chiến lược toàn cầu và chiến lược châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ luôn có ý đồ tích cực “hành động” ở cả Biển Đông và khu vực Bắc cực. Thúc đẩy Quốc hội phê chuẩn “Công ước của LHQ về luật biển” đang là việc làm của Mỹ mà xuất phát điểm vẫn luôn nhất quán là lợi ích của bản thân nước Mỹ.

Với tư cách là bản công ước quốc tế rộng rãi nhất, toàn diện nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất trong việc quản lý và đưa vào quy chuẩn các hoạt động trên biển hiện nay, “Công ước của LHQ về luật biển” không những là cơ sở cho trật tự biển của thế giới, mà còn có ảnh hưởng lớn đối với sự thay đổi trong quan hệ quốc tế. Tính đến tháng 6 năm 2010, tổng cộng đã có 159 nước và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn Công ước luật biển. Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước vào tháng 5 năm 1996. Trong thời kỳ của Tổng thống Reagan, Mỹ tuy đã tham gia Công ước nhưng chưa chuyển lên Quốc hội để thông qua. Xuất phát từ những tính toán riêng về an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế, Mỹ luôn đứng ngoài Công ước, cho rằng Công ước không thỏa mãn nhu cầu lợi ích của mình.

Lần này tiếng nói trong nước đòi hỏi phê chuẩn Công ước xuất phát mạnh mẽ từ giới quân sự chính là phản ứng thích hợp với tình hình quốc tế trước mắt.

Trước hết Mỹ chuẩn bị sẵn cho việc chủ đạo quá trình phát triển biển và địa cực trái đất trong thời gian tới. Những năm gần đây, xu hướng nóng lên của trái đất gia tăng, núi băng ở Bắc cực tan và vùng biển Bắc cực có khả năng không đóng băng vào mùa Hè sẽ đem lại cơ hội lớn cho phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên và hàng hải quốc tế. Là quốc gia liên quan đến Bắc cực, Mỹ luôn chủ trương tìm kiếm lợi ích ở khu vực này, đồng thời đã đưa Bắc cực vào bố cục chiến lược của mình. “Công ước của LHQ về luật biển” đã xây dựng khuôn khổ pháp luật rộng rãi cho một loạt vấn đề liên quan đến Bắc cực, trong khi Mỹ vẫn chưa phải là nước ký kết Công ước, nên những yêu cầu do Mỹ đề xuất đối với khu vực Bắc cực không được thừa nhận. Vì thế thúc đẩy Quốc hội phê chuẩn là cách xem xét “lâu dài” của Mỹ. Trong khi bảo vệ quyền và lợi ích biển, Mỹ cũng luôn đồng thời tìm kiếm quyền phát ngôn và quyền chi phối về mặt quy chế trong chủ đạo các công việc về biển. Có thể thấy, phê chuẩn “Công ước của LHQ về luật biển” là việc làm phù hợp với nhu cầu lợi ích hiện thực của nước Mỹ.

Thứ hai, tìm kiếm cơ sở pháp lý để công khai can thiệp tình hình Biển Đông. Từ tháng 7 năm 2010 ở Hà Nội khi Ngoại trưởng H. Clinton tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông, đến nay, Mỹ bắt đầu tích cực can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Giữa Trung Quốc và Mỹ đã hình thành thế đối chọi tiềm tàng ở Biển Đông. Là nước ngoài khu vực, hành vi của Mỹ ở Biển Đông luôn bị Trung Quốc chỉ trích, cho rằng Mỹ đã bất chấp Chính phủ Trung Quốc nhiều lần tuyên bố, liên tục lấy cớ về tự do hàng hải để can thiệp vào vấn đề Biển Đông, thúc đẩy quốc tế hóa, đa phương hóa vấn đề Biển Đông, lôi kéo các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông diễn tập quân sự hòng nắm quyền chi phối xu hướng phát triển trong vấn đề Biển Đông, đồng thời gây áp lực chiến lược đối với Trung Quốc. Báo chí Mỹ có lần đã công khai nói rằng Mỹ phải có được cơ sở luật pháp vững chắc thì quân đội Mỹ mới có thể tiến hành trinh sát và diễn tập ở vùng biển gần Trung Quốc. Ý đồ của Mỹ muốn thông qua căn cứ pháp lý có được từ “Công ước của LHQ về luật biển” để can thiệp công việc ở Biển Đông như vậy là đã rõ.

Giữa Mỹ và Trung Quốc có sự khác biệt trong cách giải thích một số điều khoản trong “Công ước của LHQ về luật biển”. Trung Quốc cho rằng nước khác không có quyền đơn phương hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo quy định của “Công ước của LHQ về luật biển”; Mỹ lại cho rằng “Công ước của LHQ về luật biển” quy định rõ một nước không có quyền hạn chế nước khác có các hoạt động quân sự ngoài vùng lãnh hải (vùng biển trong vòng 12 hải lý tính từ đường bờ biển) của nước đó. Một sự kiện đáng được nhắc tới là, vào tháng Ba năm 2009 tàu trinh sát “USS Impeccable” của hải quân Mỹ đã thực hiện hoạt động thu thập tình báo trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc ở Biển Đông, dẫn đến sự kiện đối đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu Mỹ.

Thứ ba, xét trên bình diện chiến lược quốc tế, Mỹ có ý đồ kiềm chế Trung Quốc, tranh đoạt quyền chủ đạo ở châu Á-Thái Bình Dương. Châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành khu vực trọng điểm trong cuộc chơi về quyền lực quốc tế và địa chính trị toàn cầu. Đối với Trung Quốc, Trung Quốc coi châu Á-Thái Bình Dương là nơi an thân gửi phận và là chỗ dựa địa chiến luợc trọng yếu để phát triển hòa bình. Liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương có được môi trường an ninh hòa bình hay không, vấn đề này sẽ trực tiếp quyết định phương hướng phát triển và con đường phát triển của Trung Quốc trong thời gian tới.

Nguồn lực đầu tư của Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh... chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Mỹ thì Mỹ coi châu Á-Thái Bình Dương là nơi trọng yếu nhất để thực hiện “thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” và thi hành kế sách và sách lược ngoại giao trong 10 năm tới. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi tập trung các đối tác hợp tác chiến lược chủ yếu của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Philíppin, Thái Lan. Đồng thời châu Á-Thái Bình Dương cũng là khu vực pha trộn, đan xen, hòa nhập lợi ích tập trung nhất giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ. Biển Đông là đề tài quan trọng trong sự tác động qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến các công việc của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong tương lai quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là hợp tác hay đối đầu, phối hợp hay xung đột, kiểm soát bất đồng hay kích hoạt mâu thuẫn, tất cả sẽ được trực tiếp quyết định bởi cuộc chơi lợi ích trong quá trình diễn biến của bố cục địa chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương giữa hai nước. Mà quan hệ tác động qua lại giữa hai nước xung quanh các đề tài, kể cả vấn đề Biển Đông, cũng sẽ đều xoay quanh việc triển khai hoặc mở rộng của mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa hai nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nước Mỹ từ trước đến nay tuy vẫn luôn có ý đồ chỉ hưởng thụ những quyền lợi do “Công ước của LHQ về luật biển” đem lại chứ không muốn thi hành nghĩa vụ, nhưng quá trình thay đổi và phát triển của tình hình hiện nay buộc Mỹ phải thông qua luật pháp quốc tế để tiếp tục bảo vệ quyền chủ đạo của mình, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông “không giảm nóng” như hiện nay, nước Mỹ vốn vẫn luôn được coi là “kẻ gây phiền phức” sẽ không có lý do để không tích cực can thiệp thông qua các con đường khác nhau.

Theo báo Hải dương Trung Quốc

Văn Cường (gt)