Ngày 9/7, ba nước Mỹ, Nhật Bản và Ôxtrâylia bắt đầu cuộc tập trận chung trên vùng biển gần Brunây. Ngày 10/7, phát biểu tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mulen đang ở thăm Trung Quốc, nói rằng quân Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự có mặt tại Biển Đông. Ông nói: “Sự bất ổn của khu vực này sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia trong đó có Mỹ”. 

Những năm gần đây, sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực, nhất là Mỹ đã khiến cho vấn đề này trở nên ngày càng phức tạp. Sự can dự của Mỹ trước hết là xuất phát từ lợi ích của Mỹ. Theo tuyên bố của Chính phủ và quan chức cấp cao của Mỹ, nước này có ba lợi ích lớn tại Biển Đông. 

Một là, tự do hàng hải. Biển Đông và vùng biển gần đó không những là con đường chiến lược quan trọng để lực lượng quân sự của Mỹ từ Thái Bình Dương đi vào biển Arập và Vịnh Pécxích, đồng thời cũng là tuyến đường hàng hải chủ yếu của các tàu buôn Mỹ. 

Hai là lợi ích thương mại của các công ty dầu khí Mỹ. Các công ty dầu khí của Mỹ và phương Tây gần như đều ký thỏa thuận khai thác dầu khí với tất cả các bên tranh chấp trong khu vực, thu được lợi nhuận kếch xù từ việc này. 

Ba là cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh liên quan. Mỹ đã ký kết hiệp ước quan hệ đồng minh quân sự với các nước Thái Lan và Philíppin. 

Do những lợi ích nói trên nên việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông dường như có lý do nhất định. Song, tình hình thực tế là ba lợi ích trên của Mỹ chưa từng bị tổn hại và cũng không có khả năng bị tổn hại. Trong bối cảnh như vậy, việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông khiến mọi người không thể không hoài nghi về ý đồ sâu xa của Mỹ. 

Trên thực tế từ năm 2010 đến nay, chính sách không can thiệp vấn đề Biển Đông lâu nay của Mỹ đã có sự thay đổi. Với sự lên giọng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó, ông Robert Gates và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hội nghị An ninh châu Á Shangri La và Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN năm 2010, tính chủ động và bành trướng của Mỹ trong vấn đề Biển Đông đã có phần được tăng cường. Mỹ cho rằng vấn đề này “liên quan tới lợi ích quốc gia của Mỹ” và bắt đầu tăng cường tham gia giải quyết vấn đề này. Mỹ đã đề xuất sáng kiến, chủ trương xây dựng cơ chế quốc tế, ủng hộ thương lượng đa phương và minh bạch dựa trên “Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”, thể hiện rõ ý đồ biến vấn đề Biển Đông thành vấn đề mang tính quốc tế. Ý đồ răn đe Trung Quốc trở nên rõ nét, nhiều lần Mỹ nhấn mạnh “phản đối bất cứ quốc gia nào sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”, “phản đối bất cứ nước nào gây tổn hại lợi ích thương mại của Mỹ trên Biển Đông”, rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc. 

Việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông là có ý đồ chiến lược sâu xa hơn. Lợi dụng vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc là một phương châm cơ bản trong chính sách Biển Đông của Mỹ hiện nay. Gây rắc rối ở khu vực xung quanh Trung Quốc để cuối cùng phục vụ cho mục đích kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và bảo đảm quyền chủ đạo tại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. 

Việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông còn có ý đồ duy trì sự bá quyền trên biển của Mỹ. Cùng với sự phát triển của lực lượng trên biển của Trung Quốc, nhất là các động thái Hải quân Trung Quốc tham gia hộ tống tàu thuyền trên Vịnh Aden, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sắp chạy thử…, đều đã động chạm tới dây thần kinh nhạy cảm duy trì sự bá quyền trên biển của Mỹ. Mỹ lo lắng Trung Quốc trở thành “nước mạnh trên biển”. Là tuyến đường chiến lược quan trọng, Biển Đông cũng là vùng biển quan trọng trong phát triển lực lượng trên biển của Trung Quốc, nên cũng trở thành cái cớ để Mỹ duy trì sự bá quyền trên biển. Mỹ luôn nhấn mạnh tự do hàng hải ở Biển Đông, không ngừng tăng cường các hoaṭ động do thám tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và theo dõi, giám sát sự phát triển của lực lượng trên biển Trung Quốc. 

Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng chính sách Biển Đông của Mỹ nhìn chung vẫn là phục vụ cho chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ, mục đích căn bản nhằm giữ gìn lợi ích quốc gia của Mỹ, không mong các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực. Đây sẽ là nền tảng để hai nước Trung-Mỹ tăng cường tin cậy và loại bỏ nghi ngờ.

  Theo Đài Bắc Kinh

 Lê Quang (gt)