Ban lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra Sách trắng Quốc phòng về việc sử dụng các loại vũ khí hiện đại nhất dưới vỏ bọc bảo vệ mọi sự cướp giật và ngăn ngừa các loại chiến tranh; tăng lương cho 2,3 triệu quân nhân Trung Quốc trong thời gian tới; giao cho quân đội Trung Quốc có nghĩa vụ đảm bảo lợi ích của cường quốc thứ hai trên thế giới về kinh tế và thương mại tại khắp mọi nơi trên toàn cầu. Cho rằng, quan niệm đưa ra trước đây về an ninh khu vực, về bảo vệ lãnh hải và vùng biển quốc tế, về chiến tranh nhân dân và dân sự đã lạc hậu không đáp ứng được đòi hỏi của thời đại. Vì vậy, các lực lượng vũ trang Trung Quốc cần phải là hòn đá tảng trong sự nghiệp bảo vệ “xã hội hài hòa và ổn định”, đập tan mọi hành động phá hoại cũng như ngăn ngừa các hoạt động khủng bố; ngoài việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống “Độc lập của Đài Loan và Tây Tạng”, cần phải chống lại các phần tử ly khai nhằm xây dựng nhà nước “Đông Thổ”.

Chi phí dành cho quốc phòng của Trung Quốc sẽ đứng hàng thứ 2 trên thế giới do ngân sách quân sự năm sau cao hơn năm trước. Ngân sách chi cho quốc phòng được coi là quyết định “sáng suốt kịp thời”, nhưng đang gây lo ngại cho các quốc gia láng giềng châu Á, buộc các nước này phải tăng ngân sách quốc phòng của mình. Bắc Kinh thường dùng 1/3 chi phí quốc phòng để trả lương cho các quân nhân, 1/3 chi phí cho việc huấn luyện quốc phòng, số còn lại dùng để mua sắm các loại vũ khí. Trung Quốc cũng chi cho hoạt động do LHQ tiến hành trong công cuộc chống lại nạn cướp biển trên phạm vi toàn cầu. Nhờ hoạt động tích cực trong cuộc chiến chống hải tặc ở vùng biển Somali, hải quân Trung Quốc đã có kinh nghiệm quốc tế khi tiến hành tác chiến trên các đại dương. Từ tháng 12/2010, có 18 tàu chiến của TQ đã 7 lần thâm nhập vào vùng biển này để áp tải và bảo vệ 3.139 tàu thương mại.

Cuộc cách mạng đang diễn ra tại các nước Ả-rập cho thấy những người Trung Quốc đang tích cực hoạt động trên phạm vi toàn cầu như thế nào. Họ luôn tiến hành những hoạt động với qui mô rộng lớn nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong lĩnh vực năng lượng và đảm bảo việc cung cấp các nguyên liệu từ khu vực này. Cũng tại khu vực này, Trung Quốc đang hướng tới việc xây dựng và trang bị các công trình công nghiệp, cơ sở hạ tầng và các cảng biển. Nhưng không còn cách nào khác, Bắc Kinh đã phải đưa hàng nghìn công dân của mình từ Tunisia và Ai Cập về nước. Từ trước tới nay, trong lịch sử Trung Quốc chưa khi nào lực lượng Hải quân Trung Quốc lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc lập cầu hàng không và đường biển tại Libya để đưa người của mình về nước. Việc Trung Quốc đưa 35.800 công nhân lao động theo hợp đồng tại Libya về nước cũng dẫn đến thực trạng bất khả kháng là trên 20 tỷ USD của Trung Quốc đầu tư và đặt hàng tại Libya cũng không còn giá trị.

Theo thông tin của Tổ chức “Heritage Foundation”, sự tham gia của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp, tài chính - kinh tế là rất lớn. Chẳng hạn như Trung Quốc đã đầu tư vào thế giới Ả-rập 37 tỷ USD, vào châu Phi 43 tỷ USD, vào Tây Á (gồm Iran) 45 tỷ USD, vào Đông Á 36 tỷ USD, vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là 61 tỷ USD, vào châu Âu 34 tỷ USD. Vì vậy, vấn đề bảo vệ số vốn đầu tư nói trên và con đường thương mại khi xảy ra khủng hoảng cũng được thể hiện trong nghĩa vụ của quân đội Trung Quốc. Sách trắng lần này có sự khác biệt so với các Sách trắng trước đây, đó là vẽ ra bức tranh ảm đạm về bối cảnh hiện nay trong lĩnh vực an ninh. Trong khi tình hình khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói chung là tương đối ổn định, nhưng Trung Quốc lại cho rằng các vấn đề an ninh đang rất phức tạp và mang tính đột biến; và có cái nhìn bi quan về việc giải quyết và dập tắt những vấn đề của các nơi có xung đột, như từ Bắc Triều Tiên, nơi trở thành lò lửa gây lo ngại trong khu vực cho đến Afghanistan; cho rằng hoạt động khủng bố và những hành động của các phần tử ly khai, quá khích đang ngày càng mở rộng địa bàn. Sách trắng lần này cũng nêu rõ vấn đề đang xảy ra trong quan hệ với Mỹ, quốc gia đang củng cố thêm liên minh quân sự của mình tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như can thiệp vào các vấn đề an ninh khu vực. Do vậy, Trung Quốc cần phải tăng thêm sức mạnh cho lực lượng vũ trang của mình, như đưa vào sử dụng “các tàu ngầm, tàu cảnh giới, máy bay thuộc thế hệ mới và các loại tàu lớn hỗ trợ khác”. Nhưng Sách trắng hoàn toàn không nhắc đến máy bay ném bom tàng hình J-20; và NFN/BQP Trung Quốc đã lẩn tránh các câu hỏi liên quan đến Học thuyết quân sự mới của Trung Quốc về việc đóng tàu Hàng không mẫu hạm và mua sắm các loại khí tài khác.

Với tư cách là cường quốc có vũ khí hạt nhân nhưng Trung Quốc không có bất kỳ một sáng kiến nào hoặc một yêu sách nào để đáp lại việc Mỹ và Nga luôn tiến hành đàm phán trong lĩnh vực cắt giảm vũ khí hạt nhân. Hai quốc gia này đã đảm nhận trách nhiệm đặc biệt về việc tiếp tục quá trình cắt giảm kho dự trữ vũ khí hạt nhân đồ sộ của mình. Trong khi đó, trong Sách trắng lần này của Trung Quốc đã không úp mở thể hiện công khai sự lên gân cơ bắp và sức mạnh của mình, cho dù họ luôn trấn an sự lo ngại của các quốc gia láng giềng và của thế giới./.

 

Theo Olloo

Thúy Bình, cộng tác viên tại Nga