S 400 (RIA Novosti)

Mạng "Jamestown Foundation" (Mỹ) ngày 16/3 cho biết đầu tháng 2/2011, Bộ Quốc phòng Nga quyết định tăng cường lực lượng và các loại vũ khí hiện đại trên quần đảo Kuril. Dường như việc triển khai này của Nga liên quan đến cuộc tranh cãi về các hòn đảo và mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nga và Nhật Bản. Tuy nhiên, quyết định tái vũ trang lực lượng Nga trên quần đảo Kuril của Mátxcơva có thể nhằm mục đích lớn hơn, chứ không chỉ do tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ Nga-Nhật Bản từ tháng 11/2010. Thực tế, đây là một phần của chương trình bố trí lại toàn bộ Khu vực Quân sự Viễn Đông Nga.

Ngày 28/2, Thứ trưởng Quốc phòng Nikolai Pankov tuyên bố hiện nay lực lượng quân sự Nga ở khu vực Viễn Đông đang tiếp nhận sự ưu tiên của Bộ Quốc phòng, trong đó nhiều thành phần - chứ không chỉ các lực lượng bố trí trên quần đảo Kuril - đang được tăng cường. Các lực lượng này sẽ được tăng cường tàu ngầm hạt nhân, lực lượng không quân, phòng không, bộ binh và nhiều thành phần khác, đặc biệt cả các tên lửa S-400 là loại tên lửa phòng không mới nhất và hiện đại nhất hiện nay của Mátxcơva. Và rõ ràng việc triển khai loại tên lửa đặc biệt này không liên quan trực tiếp đến cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Nga và Nhật Bản về quần đảo Kuril. Thực tế, tháng 7/2010, Đại tướng Alexander Zelin, Tư lệnh Lực lượng Không quân Nga, loan báo Nga sẽ triển khai 2 trong số các tên lửa S-400 mới nhất ở khu vực Viễn Đông Nga.

Nga có nhiều lý do hợp lý để triển khai lực lượng và các loại vũ khí hiện đại, mặc dù chiến lược ngoại giao của nước này đối với Nhật Bản không đạt được như mong muốn. Sau vụ thử hạt nhân lần 2 của Bắc Triều Tiên năm 2009, Mátxcơva tuyên bố sẽ triển khai tên lửa S-400 ở khu vực Viễn Đông Nga. Hơn nữa, từ năm 2009, Bộ Chỉ huy Tối cao và giới lãnh đạo chính trị Nga cũng được các tin tức tình báo công khai và bí mật cảnh báo về sự phát triển sức mạnh quân sự của quân đội Trung Quốc, trong đó được thể hiện qua các cuộc diễn tập quân sự năm 2009, đang tạo nên mối đe dọa tiềm tàng đối với khu vực Viễn Đông Nga.

Thực tế, cuộc diễn tập Vostok-2010 - cuộc diễn tập quân sự lớn nhất trong lịch sử Nga và bao gồm các hoạt động vũ trang phối hợp - giả định đối phương là một cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc đánh chiếm khu vực Viễn Đông Nga và cuộc diễn tập kết thúc bằng một đòn tiến công vũ khí hạt nhân chiến thuật mạnh mẽ của các tên lửa Tochka-61 vào quân đội Trung Quốc. Do đó, việc hiện đại hóa toàn bộ lực lượng không quân, hải quân, bộ binh, lực lượng phòng không, chống tàu ngầm và các thành phần khác của Nga trên quần đảo Kuril không đơn thuần là biện pháp chủ yếu chống Nhật Bản, mà còn là việc sẵn sàng đối phó với tình hình quân sự đang thay đổi ngày càng xấu hơn trong khu vực. Tất nhiên, việc lựa chọn quần đảo Kuril làm địa điểm triển khai tên lửa S-400 và các lực lượng khác cho thấy Mátxcơva muốn dạy cho Nhật Bản một bài học chính trị công khai và hy vọng Tôkiô có thể bị bẽ mặt, từ đó sẽ nhượng bộ với Mátxcơva.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoli Serdyukov và nhiều quan chức khác cho biết, đầu tiên Bộ Quốc phòng Nga không có ý định tăng thêm binh sĩ đến quần đảo Kuril, tập trung nâng cao chất lượng của các đơn vị đã triển khai tại đó. Mátxcơva cho biết hiện nay Nga không những triển khai các tên lửa S-400 trên quần đảo Kuril mà còn triển khai một hệ thống tên lửa ven bờ cơ động Bastion, các tên lửa Yakhont có cánh chống tàu với tốc độ bay nhanh hơn tiếng động, tên lửa phòng không Tor-2 và nhiều máy bay tấn công Mi-28. Việc triển khai các hệ thống vũ khí này cho thấy Nga rất lo ngại đối phương có thể phát động các cuộc tấn công trên không, trên biển và trên bộ để đánh chiếm quần đảo Kuril và Nga mong muốn chặn đứng các cuộc tấn công đó tương đối xa bờ biển bằng cách sử dụng các tên lửa Yakhont được trang bị công nghệ tàng hình và có thể được phóng ở trên hoặc dưới mặt biển, từ mặt đất và trên không.

Rõ ràng, việc triển khai lực lượng mới của Nga trên quần đảo Kuril phù hợp với quyết định chiến lược của Mátxcơva nhằm bảo vệ toàn bộ khu vực trên không, trên biển và trên bộ của vùng Viễn Đông Nga nhằm đối phó với Trung Quốc cũng như liên minh Mỹ-Nhật Bản. Tất nhiên, việc triển khai này khiến Nhật Bản không hài lòng, nhưng trái lại Trung Quốc sẽ nhân cơ hội để khẳng định việc triển khai sẽ tăng cường quan hệ Nga-Trung Quốc để chống lại Nhật Bản.

 

Theo Jamestown Foundation