Sau khi Chính quyền độc tài Soeharto sụp đổ vào năm 1988, quá trình cải cách quốc phòng từ năm 1999-2004 dưới thời các tổng thống BJ Habibie, Abdurrahman Wahid và Megawati Soekarnoputri chủ yếu tập trung vào việc xóa bỏ những di sản của thời kỳ “Trật tự mới”. Quân đội Indonesia đổi tên từ Các lực lượng vũ trang Indonesia (ABRI) thành Quân đội Indonesia (TNI) sau khi lực lượng cảnh sát chính thức tách khỏi quân đội năm 1999. TNI sau đó bãi bỏ học thuyết “chức năng kép” vốn cho phép sỹ quan quân đội tham gia các vị trí chính trị-kinh tế quan trọng trong nước, quân nhân giờ đây không được bầu cử hay có bất cứ mối quan hệ chính thức nào với các đảng phái chính trị. Luật Quốc phòng 34/2004 của Indonesia buộc TNI tách khỏi chính trị và kinh doanh, tập trung chức năng chính là phòng thủ quốc gia. Tin tưởng rằng di sản thời kỳ “Trật tự mới” đã bị tẩy xóa, như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Juwono Sudarsono đã phát biểu trong một tuyên bố vào năm 2008 rằng tiến trình cải cách quốc phòng nước này đã đạt được 85%, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono (2004-2014) ưu tiên tái xây dựng khả năng sẵn sàng chiến đấu tổng thể của TNI. Khi sức mạnh kinh tế của Indonesia tăng lên dưới thời Yudhoyono, phúc lợi dành cho quân nhân đã dần cải thiện, công tác đào tạo huấn luyện bắt đầu được quan tâm (thành lập Đại học Quốc phòng Indonesia), hiện đại hóa công nghệ chiếm vị trí trung tâm. Với tầm nhìn “lực lượng tối thiểu cần thiết” (MEF) định hướng cho quá trình cải cách quốc phòng, ngân sách quốc phòng đã tăng gấp ba lần, từ 2,1 tỷ USD năm 2003 lên 77 tỷ USD năm 2012, trong đó ngân sách dành mua sắm vũ khí chiếm từ 7 đến 10 tỷ USD. 

Theo chương trình tranh cử, Jokowi có bốn ưu tiên quốc phòng: thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy chuyên nghiệp hóa quân đội Indonesia thông qua cải thiện phúc lợi quân nhân, nâng cấp hệ thống vũ khí, tăng ngân sách quốc phòng lên 1,5% GDP trong vòng 5 năm. Thứ hai, tăng khả năng độc lập quốc phòng bằng cách giảm nhập khẩu công nghệ nước ngoài, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, đa dạng hóa các quan hệ đối tác quốc phòng. Thứ ba, hoàn thành kế hoạch chi tiết MEF, xây dựng hải quân trở thành lực lượng uy tín trong khu vực Đông Á. Cuối cùng, xem chính sách quốc phòng là một phần không thể thiếu trong hệ thống an ninh quốc gia toàn diện và linh hoạt dưới sự chỉ đạo của Hội đồng An ninh Quốc gia (DKN). Nếu thực hiện nghiêm túc cam kết các ưu tiên quốc phòng trên, ông Jokowi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hiện đại hóa quốc phòng mà ông Yudhoyono đang theo đuổi, tuy nhiên tầm nhìn này cần được bổ sung một số điểm mới. Trước hết, cần chi tiêu nhiều hơn cho công nghệ, phát triển nhân lực, theo tính toán của Trung tâm IHS Jane, ngân sách dành cho quân nhân giai đoạn 2010 đến 2017 trung bình khoảng 4,79 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 2/3 ngân sách quốc phòng, tuy nhiên vẫn rất khiêm tốn khi tính đến mức độ chuyên môn cần thiết để thúc đẩy hiện đại hóa, vận hành duy trì hệ thống vũ khí công nghệ cao. Ngoài ra, quá trình hiện đại hóa công nghệ dưới thời Yudhoyono đã mang lại một số mặt trái, gây hậu quả không lường hết về công tác bảo trì, vận hành hệ thống vũ khí mới rất phức tạp do được nhập khẩu từ 17 quốc gia khác nhau. Trong khi “đa dạng hóa đối tác” có vẻ thuận lợi về chính trị nhưng hệ thống vũ khí phức tạp không đơn giản chút nào, đòi hỏi chi phí đáng kể trong việc bảo dưỡng, đào tạo cán bộ, ảnh hưởng đến tính năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Vấn đề nữa là ngân sách dành mua sắm vũ khí tính đến năm 2024 chia gần như đồng đều giữa các lực lượng hải-lục-không quân mà không căn cứ vào khả năng, yêu cầu hoạt động khác nhau của mỗi lực lượng. Quá trình hiện đại hóa quốc phòng dưới thời Tổng thống Yudhoyono đã dần chuyển hướng, tập trung trang bị tốt hơn “phần cứng” mà thiếu “phần mềm” (đào tạo nhân sự) và “hệ điều hành” (cơ sở hạ tầng tổ chức). Ngoài các vấn đề nhân sự đã đề cập ở trên, học thuyết quốc phòng sau khi kết thúc “chức năng kép” với mô hình mới được áp dụng cùng với nền quốc phòng toàn dân mới nhận được sự chú ý, các hoạt động tập trận thường xuyên của TNI gần đây được thiết kế để thử biến thể khác nhau của học thuyết hành động tập thể. Quá trình này đang diễn ra và cần được hỗ trợ nhưng mua sắm vũ khí lâu dài trong sự vắng mặt của một học thuyết rõ ràng sẽ làm suy yếu các khái niệm mua sắm quốc phòng dựa trên năng lực quốc gia. Mặt khác, nếu TNI quan tâm nghiêm túc mục tiêu tham gia hàng ngũ quốc gia có quân đội tiên tiến, cần phải thành lập Bộ Tư lệnh Liên khu vực, tích hợp ba lực lượng hải-lục-không quân dưới sự chỉ huy của một ủy ban chung nhằm thay thế cơ cấu chỉ huy riêng biệt hiện nay. Một tổ chức tinh gọn hơn sẽ ít hướng TNI vào các vấn đề an ninh nội địa mà tập trung nhiều hơn vào môi trường chiến lược bên ngoài vốn đang thay đổi nhanh, từ đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng, được hướng dẫn bởi một học thuyết mạch lạc, vận hành thành thạo các công nghệ tiên tiến.

Theo lộ trình chuyển đổi dân chủ năm 1998, “cải cách quốc phòng” mang hàm ý sửa chữa một số khía cạnh liên quan đến vai trò quân đội bị “bóp méo”, nghĩa là xóa bỏ những di sản của chế độ độc tài Soeharto trong khi khái niệm “chuyển đổi quốc phòng" cho thấy sự thay đổi toàn bộ thế giới quan quốc phòng, cơ cấu tổ chức và thậm chí cả sự phát triển trong tương lai, nghĩa là nó bao hàm sự thay đổi thể chế và mô hình cấu trúc, đào tạo huấn luyện, mua sắm vũ khí, kế hoạch tác chiến... Ngoài ra, tập trung vào khả năng “phòng thủ” chứ không phải “quân sự” có nghĩa là trách nhiệm thực hiện chiến lược này không chỉ riêng TNI, các cơ quan chính phủ, các nhóm xã hội dân sự, giới học giả, các nhà khoa học,… đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi quốc phòng. Tuy nhiên, quan trọng hơn, “chuyển đổi quốc phòng” là một chặng đường dài, sẽ mất khoảng 10 đến 20 năm để xây dựng và thực hiện, do đó không nên quá phụ thuộc vào tổng thống, cần phải lập kế hoạch dài hạn giúp TNI đối phó với tình hình chính trị đôi khi diễn biến phức tạp.

Với quan điểm này, tổng thống đắc cử nên xem xét chính sách khác nhau để cải tổ toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo của TNI, đẩy nhanh tiến độ, đồng bộ hóa các kế hoạch cải cách cơ cấu (tổ chức, giáo dục, ngân sách, quy trình quản lý, hoạt động nghiên cứu và phát triển...), đặt nền tảng cho quá trình chuyển đổi quốc phòng toàn diện hơn. Sẽ tốt hơn nếu ông Jokowi có thể tạo nên bước đột phá khi ông Yudhoyono không thể thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia do các nhà chuyên nghiệp dẫn dắt trong sự vắng mặt của một dự luật an ninh quốc gia dài hạn. Có thể sẽ có sự chỉ trích về chương trình chuyển đổi quốc phòng thiếu đề cập đến một số vấn đề quan trọng như các hành vi vi phạm nhân quyền trong quá khứ, cải tổ toàn diện hệ thống tư pháp quân đội, loại bỏ tâm lý không bị trừng phạt khi quân nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Tầm nhìn “chuyển đổi quốc phòng” được đề cập ở trên có thể không trực tiếp giải quyết những mối quan tâm đầu vào nhưng cải tổ nhân sự, hệ thống giáo dục là một chính sách quan trọng để ngăn chặn hành vi vi phạm nhân quyền trong tương lai - chứ không phải là khắc phục những sai lầm quá khứ, hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác của quân nhân./. 

Theo “Bưu điện Jakarta” (ngày 15/9)

Lê Sơn (gt)