Quyết định này chưa được chính phủ Trung Quốc tuyên bố công khai và cũng chưa được các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, song theo các nguồn tin của Bloomberg, việc đầu tư sẽ tập trung vào "bảy ngành công nghiệp, bao gồm các đường ống dẫn dầu và khí đốt, y tế, năng lượng sạch, giao thông và khai thác khoáng sản". Động thái này được liên kết với một kế hoạch lớn hơn, theo đó Trung Quốc sẽ bơm vào nền kinh tế của họ 10.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.600 tỷ USD) trong năm 2016. 

Năm ngoái, chỉ trong khoảng thời gian từ 16/10 đến 5/11, Trung Quốc đã "bật đèn xanh" cho 21 dự án đầu tư mới, với tổng trị giá 112 tỷ USD. Lúc đó, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã miêu tả những quyết định đó như là một phương thức "phòng vệ trước sự suy giảm đầu tư vào thị trường bất động sản". Các chuyên gia Trung Quốc cũng đã dự báo về những khoản đầu tư tiếp theo vào hệ thống hạ tầng như một cách bù đắp cho thị trường bất động sản đang suy sụp. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng hành động này không báo hiệu sự trở lại của thời kỳ kích thích kinh tế năm 2008.

Ông Nicholas Consonery từ Tập đoàn Á-Âu dự đoán rằng gói đầu tư trên 1.000 tỷ USD này "sẽ không đánh dấu một sự thay đổi quỹ đạo quyết tâm của Bắc Kinh trong việc sử dụng kích thích tài chính để thúc đẩy tăng trưởng". Thay vào đó, đây chỉ là một "chiến lược tuyên truyền", trong đó người ta "nhào nặn" các dự án đã có từ trước để tạo ra "khí thế" mới, giúp tăng cường sự tự tin của các thành phần kinh tế trong nước. Ông Consonery nhận xét rằng "chúng tôi không hy vọng Bắc Kinh sử dụng gói kích thích tài chính khổng lồ này để thúc đẩy tăng trưởng cao hơn mức 6,5-7% trong năm tới". 

Đầu tư vào hệ thống hạ tầng được đánh giá là đặc biệt quan trọng đối với các khu vực ở miền Trung và miền Tây của Trung Quốc, là những nơi phát triển chậm hơn so với các vùng duyên hải giàu có. Tháng 11 năm ngoái, có nhiều thông tin nói rằng Trung Quốc sẽ dành 16,3 tỷ USD để phát triển hạ tầng tại những khu vực nói trên, trong đó một phần để phục vụ kế hoạch xây dựng Vành đai tơ lụa về kinh tế (SREB). Tờ "China Daily" đưa tin rằng quỹ này "sẽ được sử dụng để xây dựng và mở rộng các tuyến đường sắt, đường bộ và đường ống dẫn dầu tại các tỉnh của Trung Quốc" nằm dọc theo tuyến đường “con đường tơ lụa” dự kiến. 

Trên bình diện quốc tế, SREB và Con đường tơ lụa trên biển (MSR) - cũng đòi hỏi một sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng - thể hiện một cơ hội nhảy vọt dành cho kinh tế Trung Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố việc thành lập một quỹ trị giá 40 tỷ USD để phát triển hạ tầng cho kế hoạch “Con đường tơ lụa”. Phần lớn số tiền đó sẽ được dành cho các dự án do Trung Quốc chỉ đạo tại các nước khác. Chẳng hạn như dự án đường sắt tốc độ cao mà Trung Quốc đang thảo luận với 28 quốc gia. 

Dự án "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc mang lại cơ hội không chỉ cho các công ty đầu tư và phát triển hạ tầng của Trung Quốc. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, tuyến đường thương mại được hoàn thành sẽ mở ra những thị trường mới cho hàng hóa Trung Quốc tại Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á, thậm chí ở tận Trung Đông và châu Âu. "Kế hoạch Marshall" của Trung Quốc cũng sẽ mang lại lợi ích lớn cho các công ty Trung Quốc. 

Bắc Kinh từng tuyên bố rằng những bước đi đầu tiên trong tiến trình xây dựng “Con đường tơ lụa mới” là tạo ra các con đường - đường sắt, hải cảng, đường ống và các cơ sở cần thiết khác phục vụ kết nối khu vực. Trong khi khía cạnh quốc tế của chiến lược này đang rất được chú ý thì Trung Quốc cũng sẽ cần phải bơm hàng tỷ USD vào hệ thống hạ tầng trong nước, đặc biệt là tại các tỉnh kém phát triển, trong đó có tỉnh Tân Cương được coi là "cửa ngõ vào phương Tây" của Trung Quốc. 

Nói cách khác, thông tin về kế hoạch đầu tư khổng lồ nói trên không nên chỉ được xem như một gói kích thích kinh tế mới nhất của Trung Quốc. Rõ ràng kế hoạch này sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế mà nó còn gắn chặt với sự phát triển chung của Trung Quốc và thậm chí với cả các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của nước này.

Theo "Diplomat" (ngày 8/1)

Vũ Hiền (gt)