Quan hệ quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ đang trên đà phát triển và trong vài năm qua, Hà Nội đã mong muốn mua tên lửa BrahMos từ Ấn Độ. Tuy nhiên, hai bên chưa đạt được tiến bộ về vấn đề này dưới thời của Chính phủ Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA), do đảng Quốc đại đứng đầu. Tên lửa siêu thanh BrahMos có tầm bắn 290km, đã được đưa vào phiên chế của cả ba quân chủng Hải-Lục-Không quân Ấn Độ. 
Ấn Độ có thể ký một hiệp định cung cấp thiết bị quốc phòng cho Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee từ ngày 14-17/9. Ấn Độ và Indonesia cũng có quan hệ quốc phòng tốt, trong đó có hợp tác về đào tạo và tập trận quân sự. 

Mới đây, Thủ tướng Narendra Modi đã khẳng định rằng Ấn Độ phải tiến tới tự lực trong sản xuất vũ khí, thiết bị quân sự và hướng tới xuất khẩu các mặt hàng này sang các nước bạn bè. Ý tưởng hợp tác phát triển và cùng sản xuất thiết bị quốc phòng của Chính phủ Ấn Độ không chỉ nhằm tìm kiếm công nghệ hiện đại và tự cung cấp thiết bị quân sự trong tương lai, mà còn cùng hợp tác phát triển sản phẩm để xuất khẩu tới các nước khác. Cho đến nay, Ấn Độ phải nhập tới hơn 65% nhu cầu vũ khí và đã bị các tổ chức quốc tế liệt vào danh sách nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. 

Ấn Độ cũng dự kiến sẽ xuất khẩu máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ “Tejas”, cùng các hệ thống tên lửa phòng không chế tạo trong nước như “Akash” và “Prahar” cho các nước bạn bè. “Tejas” là loại máy bay chiến đấu chiến thuật hạng nhe, đa năng, một động cơ; “Akash” là tên lửa đất đối không, có tầm bắn 25km; còn “Prahar” là hệ thống tên lửa chiến thuật có tầm bắn 150km. 

Một số nước đã thể hiện sự quan tâm tới hệ thống tên lửa Akash, hiện đã đưa vào phiên chế của Lục quân Ấn Độ, trong khi máy bay “Tejas” cũng sẵn sàng đưa vào phiên chế của Không quân nước này vào cuối năm nay sau khi có giấy phép hoạt động. Một số nguồn tin nói rằng các hệ thống vũ khí của Ấn Độ rẻ hơn so với các hệ thống vũ khí của Trung Quốc. 

Mặc dù trước đây chưa có chính sách xuất khẩu vũ khí thiết bị quốc phòng chính thức, Ấn Độ đã xuất khẩu súng trường sang Nepal và Oman, cùng các thiết bị quốc phòng khác sang Maldives, xe tăng sang Myanmar, thiết bị radar sang Sri Lanka, tàu tuần dương sang Mauritius và thiết bị phụ tùng phục vụ quốc phòng sang Việt Nam. Theo quy định hiện nay của Ấn Độ về xuất khẩu vũ khí, New Delhi không chỉ cung cấp thiết bị quân sự cho các nước bạn bè, mà cả những nước khác không có nội chiến. Ấn Độ chủ trương không cung cấp vũ khí cho những nước có nội chiến bởi không muốn nhóm nào sử dụng vũ khí của mình để chống lại nhóm kia trong nội bộ nước họ.

Báo The Economic Times

Duy Anh (gt)