Từ đầu năm đến nay, các nước ASEAN trong đó có Xinhgapo, Philíppin, Malaixia... đã lần lượt tổ chức nhiều cuộc hội thảo về vấn đề Biển Đông. Hội nghị triệu tập vào cuối năm lần này đã thu hút sự tham dự của nhiều học giả từng tham gia các cuộc hội thảo kể trên, vì vậy đây là cuộc hội thảo mang tính tổng kết. Điều khác với các cuộc hội thảo trước đây là chuyên gia và học giả của các nước có yêu sách về Biển Đông không có những lời lẽ quá khích khi phát biểu tại hội nghị. Bài phát biểu của chuyên gia các nước chủ yếu bao gồm nội dung trình bày lý do và phân tích một cách khách quan và bình tĩnh, bày tỏ các bên có thiện chí giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông. Tháng 7 năm nay, Trung Quốc và ASEAN đã ký văn bản hướng dẫn thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông”. Sau đó, Trung Quốc và Việt Nam đã đi đến thỏa thuận song phương gồm 6 điểm để giải quyết vấn đề trên biển. Tháng 11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng cùng các nước ASEAN tích cực thúc đẩy tiến trình thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông”, triển khai hợp tác thực tế, đồng thời bắt tay thảo luận việc xây dựng “Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông”. 

Các chuyên gia tham dự hội nghị đã đánh giá khá cao những diễn biến tích cực trong vấn đề Biển Đông. Trợ lý nghiên cứu thuộc Cục Nghiên cứu châu Á của Mỹ Mark Valencia nói, từ đầu năm đến nay, đã có hàng loạt tiế́n triển tích cực trong vấn đề Biển Đông và các bên liên quan tới tranh chấp đều sẵn sàng ngồi vào bàn trao đổi. Đây là một bước tiến. Các chuyên gia cho rằng, tình hình dịu đi hiện nay có lợi cho cuộc đàm phán xây dựng "Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông" sắp diễn ra trong thời gian tới, song các bên cũng nên ước tính đầy đủ mức độ gian nan của các cuộc đàm phán này. Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư Học viện Luật thuộc trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) Trương Tân Quân nêu rõ, trước khi tổ chức đàm phán xây dựng “Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông”, trước hết cần phải tổng kết những kinh nghiệm và bài học trong 10 năm qua sau khi các bên đưa ra “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông”, đồng thời tiến hành bổ sung một cách thích hợp cho tuyên bố này. Nhà phân tích người Malaixia Nazri Khalid cho rằng việc giải quyết vấn đề Biển Đông cần phải kiên tâm, các bên cần phải bắt tay từ một số vấn đề ít nhạy cảm. Các bên cần tăng cường sự hiểu biết và xây dựng niềm tin lẫn nhau thì mới có mong muốn nhiều hơn trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Các chuyên gia tham dự hội nghị nhất trí cho rằng, tranh chấp ở Biển Đông không thể giải quyết một cách nhanh chóng, cần có sự nỗ lực của hàng mấy thế hệ và các bên cần cùng nhau khai thác vì lợi ích chung. Trong thời kỳ đầu đàm phán xây dựng "Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông", việc tiếp tục thúc đẩy xây dựng niềm tin là điều hết sức quan trọng.

 Theo Đài Bắc Kinh (Đêm 15/12)

Lê Sơn (gt)