Kế hoạch này được nhìn nhận là sẽ cho phép lực lượng Mỹ và Philíppin phối hợp tốt hơn thông qua các hoạt động diễn tập chung giữa các lực lượng không quân, hải quân và lục quân cũng như mở đường cho sự hỗ trợ quân sự lớn hơn của Oasinhtơn dành cho Manila.

Theo đó, thỏa thuận khung nói trên được trông đợi sẽ thực thi các điều khoản của Hiệp ước Phòng thủ Chung Mỹ-Philíppin - quy định hai nước sẽ giúp đỡ lẫn nhau nếu xảy ra chiến tranh, và Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) song phương, cho phép quân đội Mỹ được hiện diện luân phiên tại Philíppin. Tuy nhiên, truyền thông Philíppin dẫn lời một số nhà phân tích chính trị nước này lo ngại rằng đề xuất này thực chất chỉ là tấm màn che của kế hoạch cho phép Oasinhtơn tái lập căn cứ quân sự tại Philíppin, vốn bị cấm theo Hiến pháp nước này.

Theo Điều XVIII, Khoản 25 Hiến pháp Philíppin, “các căn cứ quân sự, quân đội và cơ sở nước ngoài không được phép thiết lập tại Philíppin trừ phi nằm trong một hiệp ước đã được Thượng viện thông qua và, khi Quốc hội yêu cầu, phải được đa số nhân dân thông qua dưới hình thức trưng cầu dân ý được tổ chức vì mục đích đó, và được Thượng viện của nước đối tác thừa nhận là một hiệp ước”. Hiện giữa Philíppin và Mỹ đang tồn tại một VFA và quá trình đàm phán về thỏa thuận khung sẽ kéo dài với bốn vòng đàm phán.

Nhà chính trị học Rommel Banlaoi đã bày tỏ quan ngại về những rủi ro đối với an ninh Philíppin của thỏa thuận khung này, khi cho rằng nó có thể trở thành điểm thu hút các nhân tố chống Mỹ và thúc đẩy tâm lý chống Mỹ tại Philíppin. Ông Banlaoi nói: “Mỹ là mục tiêu chính của các nhóm khủng bố như al-Qaeda. Nếu Mỹ hiện diện ở Philíppin, các nhóm chống Mỹ có thể cũng sẽ đến hoạt động tại đây”.

Trong một tuyên bố ngày 12/8 thông báo bắt đầu quá trình đàm phán về một “thỏa thuận khung” quy định về sự hiện diện luân phiên của quân đội Mỹ, Ngoại trưởng Philíppin Albert del Rosario không hề đề cập đến các căn cứ quân sự, mà thay vào đó liên tục nhắc đến sự hiện đại hóa lực lượng vũ trang Philíppin nhờ thỏa thuận này. Theo ông del Rosario, các nhà đàm phán Philípipn “đã được trao các giới hạn để đảm bảo rằng Hiến pháp và quy định pháp luật sẽ được tôn trọng đầy đủ. Họ cũng được trao nhiệm vụ phải đảm bảo rằng lợi ích của Philíppin sẽ được bảo vệ”.

Ngoại trưởng del Rosario cũng đặt ra nhiều kì vọng đối với thỏa thuận khung này. Bởi quá trình hiện đại hóa có thể được bắt đầu thậm chí trước khi Manila có thể được trang bị những hệ thống phòng thủ cần thiết. Thứ hai, khả năng răn đe của Philíppin có thể được củng cố thậm chí trước khi quá trình hiện đại hóa bắt đầu. Thứ ba, sự nhận thức về an ninh hàng hải và chủ quyền lãnh hải sẽ có thêm động lực thậm chí trước khi Philíppin có đủ số tàu và máy bay cần thiết. Thậm chí trước khi lực lượng phòng vệ Philíppin có được số khí tài hiện đại mong muốn, họ đã biết cách vận hành và bảo trì chúng. Và cuối cùng, không kém phần quan trọng, là năng lực của lực lượng vũ trang Philíppin trong việc cứu trợ thảm họa kịp thời cho nhân dân Philippin.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nằm trong thỏa thuận khung này là phạm vi hoạt động của máy bay không người lái Mỹ tại Philíppin. Theo Chuẩn tướng Domingo Tutaan, Jr. - Người phát ngôn Lực lượng vũ trang Philíppin - máy bay không người lái của Mỹ sẽ bị cấm triển khai tại nước này nếu như nằm trong các chiến dịch thực chiến. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3/2012, Tổng thống Philíppin Benigno Aquino cũng khẳng định Manila sẽ chỉ cho phép máy bay không người lái Mỹ được tiến hành bay do thám trên lãnh thổ Philíppin và các hoạt động không kích sẽ bị cấm. 

Tuy nhiên, sự đảm bảo này của Manila hiện không thuyết phục được liên minh cánh tả đối lập. Tổng Thư ký phong trào Bagong Alyansang Makabayan, ông Renato Reyes Jr., tuyên bố Philíppin có thể trở thành “bệ phóng cho những cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ và chúng có thể đi ngược lợi ích quốc gia của Philíppin”.

Theo mạng GMA News, Philippines.

Thuỳ Anh (th)