Tháng 11/2013, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã ban hành những quy định thực thi luật đánh bắt hải sản quốc gia năm 2014, trong đó yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải có giấy phép trước khi vào các vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý, bao gồm toàn bộ những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Động thái này đã gióng lên hồi chuông báo động tại Đông Nam Á và xa hơn. 

Có thể nói, những quy định trên là một nỗ lực đáng quan ngại nhằm thực thi sự kiểm soát "mạnh tay" của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp, nhưng không báo hiệu một chiến lược mới. Điều khoản gây tranh cãi trong các quy định đánh bắt hải sản của tỉnh Hải Nam lặp lại gần như từng câu chữ của "Luật đánh cá quốc gia năm 2004". Bên cạnh đó, thời điểm công bố quy định trên trùng với tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông. Những quy định đánh bắt cá của tỉnh Hải Nam không đánh dấu một đường hướng mới trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc, mà chỉ là bước mới nhất trong một kế hoạch lâu dài nhằm tăng cường sự kiểm soát hiệu quả các khu vực tranh chấp.

Quần đảo Trường Sa và các khu vực khác của Biển Đông vẫn nằm ngoài tầm với của các quy định đánh bắt hải sản của tỉnh Hải Nam nói riêng và của Trung Quốc nói chung. Do Bắc Kinh không đủ khả năng kiểm soát và thực thi luật pháp của họ trên một vùng biển đang tranh chấp lớn như vậy nên chỉ chứng tỏ chủ quyền một cách biểu tượng. Tháng 1/2014, một tàu đổ bộ tấn công và 2 tàu khu trục Trung Quốc đã tuần tra bãi chìm James (cực Nam của Đường lưỡi bò), cách Malaysia 80 km, và tổ chức một buổi lễ thề bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc. Trên thực tế, đây là một bãi đá chìm hoàn toàn dưới biển nên nó khiến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trở nên nực cười và chỉ mang tính biểu tượng. Ngoài việc gửi một thông điệp tới khu vực, Bắc Kinh dường như đang thực hiện những hành động như vậy với hy vọng có thể khiến các nước có cùng tuyên bố chủ quyền có những hành động sai lầm, từ đó làm lợi cho Bắc Kinh, như những gì đã xảy ra tại bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham; Philippines gọi là Panatag) hồi tháng 4/2012 và việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) hồi tháng 9/2012.

Trung Quốc đang tìm cách "né tránh" luật pháp quốc tế bằng việc tăng cường sự kiểm soát hiệu quả và từng bước thay đổi thực trạng. Cuối cùng, Bắc Kinh cho rằng các nước cùng tuyên bố chủ quyền sẽ buộc phải chấp nhận sự kiểm soát của Trung Quốc. Từ nay cho đến lúc đó, sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với sự bất hợp pháp trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là ít có tác dụng. Một khi Bắc Kinh vẫn từ chối trọng tài, tránh các tòa án quốc tế và xâm lược một cách thẳng thừng, dường như họ sẽ giành chiến thắng cuối cùng trong một "canh bạc kéo dài".

Dường như khu vực Đông Nam Á đang thức tỉnh trước nguy cơ này. Trong những tuần gần đây, Malaysia có vẻ xích lại gần hơn với các nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Việt Nam tiếp tục lớn tiếng phản đối từng hành động khiêu khích mới của Trung Quốc. Và quan trọng nhất là Philippines đã đưa vấn đề Scarborough ra tòa án trọng tài quốc tế, khuyến khích các nước láng giềng cùng "vạch trần" chính sách của Bắc Kinh: vừa né tránh luật pháp quốc tế, vừa thay đổi thực tế trên thực địa. 

Theo East Asia Forum

Thuỳ Anh (gt)