Nhằm tăng cường sức mạnh trên biển và đối phó với nhiều thách thức an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, thời gian gần đây, các nước châu Á đã dồn nguồn lực vào việc phát triển hạm đội tàu ngầm mà chủ yếu là tàu chạy bằng diesel-điện. Tuy nhiên, lực lượng tàu ngầm ở châu Á đang có sự chuyển hướng mạnh về công nghệ khi trang bị động cơ AIP để có thể hoạt động lâu ngày hơn dưới mặt nước, nâng cao yếu tố bí mật và bất ngờ trong tác chiến.

Động cơ AIP là động cơ đẩy không phụ thuộc vào không khí từ bên ngoài. Khi được trang bị động cơ này, tàu ngầm có thể hoạt động mà không cần sử dụng ôxy lấy từ không khí bên ngoài. Tàu ngầm diesel-điện thông thường (SSK) có thời gian hoạt động liên tục dưới mặt nước biển ngắn, bởi chúng phải nổi lên lấy ôxy, chạy máy phát điện, sạc ắc-quy...

Thời gian qua, nhiều nước ở châu Á đã dành ngân sách quốc phòng để đầu tư và phát triển các hạm đội tàu ngầm SSK. Tuy nhiên, theo nhận xét của IISS, xu hướng sử dụng công nghệ AIP ngày càng trở nên phổ biến hơn. Thời gian lặn sâu dưới mặt nước biển của tàu ngầm SSK thông thường kéo dài từ 5-10 ngày. Nếu sử dụng công nghệ AIP, thời gian lặn có thể được kéo dài thêm hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Ưu điểm này có thể giúp tàu ngầm hoạt động lâu ngày hơn dưới mặt nước biển và chủ động triển khai các kế hoạch tác chiến.

Mười năm trước, ở châu Á-Thái Bình Dương, mới chỉ có một tàu ngầm sử dụng công nghệ động cơ AIP. Đó là một tàu ngầm huấn luyện được cải tiến của Nhật Bản. Nhưng đến năm 2015, hơn một nửa số tàu ngầm SSK sử dụng công nghệ AIP trên toàn thế giới là thuộc về khu vực này. Trong đó, Trung Quốc có 12 chiếc, Nhật Bản 6, Hàn Quốc 4 và Singapore 2.

Mặc dù hiện mới chỉ chiếm khoảng 16% trong tổng số 150 tàu ngầm SSK ở châu Á, song có nhiều dấu hiệu chứng tỏ công nghệ AIP đang ngày càng được các nước quan tâm sử dụng. IISS dự báo số lượng tàu ngầm SSK sử dụng công nghệ AIP ở châu Á sẽ tăng gấp đôi trong khoảng 5 năm tới. Tàu ngầm SSK thông thường phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp điện từ ắc-quy. Vì vậy, nó đối mặt với nguy cơ bị phát hiện cao khi nổi lên mặt nước để lấy ôxy, chạy máy phát điện hay sạc ắc-quy. Trong khi đó, tàu ngầm SSK sử dụng công nghệ AIP không nhất thiết phải nổi lên thường xuyên để lấy không khí từ bên ngoài. 

Ở châu Á, tàu ngầm là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm tăng cường sức mạnh trên biển. Những nước đã sở hữu tàu ngầm nay đang tìm cách cải thiện và nâng cấp lực lượng hiện có. Một số nước khác như Bangladesh, Myanmar, Philippines và Thái Lan cũng cân nhắc khả năng thiết lập hạm đội tàu ngầm của riêng mình. Mặc dù vấn đề chi phí vẫn là trở ngại lớn, nhưng công nghệ động cơ AIP có thể tạo điều kiện cho tàu ngầm phát huy hiệu quả khi lặn sâu và lâu dưới mặt nước biển, giúp thực hiện chiến lược chống tiếp cận/xâm nhập khu vực trên đại dương.

Bên cạnh đó, công nghệ AIP cũng thu hẹp khoảng cách giữa tàu ngầm SSK và tàu ngầm hạt nhân ở một số góc độ khác nhau. Tại châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là 4 nước đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ AIP vào các tàu ngầm SSK. Những nước này vẫn đang thúc đẩy kế hoạch phát triển hạm đội tàu ngầm SSK sử dụng công nghệ AIP từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, theo IISS, hiện chưa rõ Trung Quốc có tiếp tục triển khai chương trình đóng mới và đưa vào trang bị tàu ngầm lớp Nguyên hay không?

Về dài hạn, các nước khác trong khu vực cũng tìm cách có được công nghệ AIP cho tàu ngầm. Ví dụ, Ấn Độ dự kiến sẽ trang bị công nghệ AIP cho 2 tàu ngầm lớp Scorpene mà họ có được giấy phép chế tạo từ Pháp. Trong khi đó, Pháp, Đức và Nhật Bản đang cạnh tranh để cung cấp mẫu thiết kế mới thay thế tàu ngầm lớp Collins của Australia với những lựa chọn sử dụng công nghệ AIP.  

Joshep Dempsey, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Quân sự và Quốc phòng, IISS. Bài viết được đăng trên IISS.

Văn Cường (gt)