Mặc dù vẫn còn nhiều dè dặt tại Niu Đêli, song thực tế ông Obama là người đã mở rộng nền móng cho quan hệ hợp tác Ấn-Mỹ, vốn được người tiền nhiệm thuộc đảng Cộng hòa George W. Bush tạo dựng. Những trở ngại hiện nay trong việc thúc đẩy quan hệ song phương không phải ở Oasinhtơn mà là ở Niu Đêli - nơi diễn biến chính trị trong vài năm qua đã kìm hãm sự tiến bộ. Cách đây bốn năm, Ấn Độ lo ngại sâu sắc về cách tiếp cận của Obama đối với Pakixtan và Trung Quốc - hai nhân tố bên ngoài đã phủ bóng mây lên quan hệ Ấn-Mỹ. Sau những cân nhắc về khả năng Mỹ đóng vai trò trung gian trong vấn đề tranh chấp biên giới Jammu & Kashmir giữa Ấn Độ và Pakixtan, ông Obama đã nhanh chóng khước từ sự dính líu của Oasinhtơn vào tranh chấp Ấn Độ-Pakixtan. Năm 2009, ông Obama có vẻ chấp nhận lập luận của Pakixtan rằng Ấn Độ là một phần của vấn đề tại Ápganixtan. Vào cuối nhiệm kỳ đầu, ông Obama đã tìm cách đưa Niu Đêli can dự sâu hơn vào tiến trình ổn định kinh tế và chính trị tại Ápganixtan. Ông đã kiên quyết hơn trong việc đương đầu với các tổ chức khủng bố quốc tế tại Pakixtan. Ngoài việc cho máy bay không người lái tấn công các sào huyệt của bọn khủng bố tại khu vực biên giới miền Tây Pakixtan, ông Obama đã cho tấn công vào nơi ẩn náu của Osama bin Laden ngay trong lãnh thổ Pakixtan, tiêu diệt bin Laden và bóc trần thái độ hai mặt của Pakixtan trong cuộc chiến chống khủng bố. Dưới thời Obama, hợp tác chống khủng bố giữa Niu Đêli và Oasinhtơn được mở rộng đáng kể. 

Đối với Trung Quốc cũng vậy, chính sách của Obama đã thay đổi trong bốn năm qua. Năm 2009, ông Obama bắt đầu lưu ý rằng Oasinhtơn có thể xây dựng một đối tác trên quy mô rộng để giải quyết những vấn đề của thế giới. Chỉ hai năm sau đó, chính quyền Obama bắt đầu nói về dân chủ và “trục” quân sự tại châu Á nhằm đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc. Ông đã kêu gọi Niu Đêli đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong việc tạo sự cân bằng lực lượng tại châu Á. Trong khi những vấn đề liên quan đến sự tiếp cận của Ấn Độ về công nghệ tái chế và làm giàu nguyên liệu hạt nhân cũng như những vấn đề liên quan đến luật trách nhiệm dân sự hạt nhân của Ấn Độ vẫn chưa được giải quyết, lập trường của Niu Đêli trong trật tự hạt nhân quốc tế vẫn tiếp tục tăng. Ông Obama cũng ủng hộ Ấn Độ trong cuộc đua giành chiếc ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoài sự đóng góp vào quan hệ đối tác song phương, nỗ lực của ông Obama trong việc định hình lại quan hệ với Nga - một nhiệm vụ chưa hoàn thành và có thể được tiếp tục trong nhiệm kỳ hai - sẽ tăng cường khả năng của Ấn Độ trong việc kiềm chế động lực đang thay đổi giữa các nước lớn. Dù chưa hoàn toàn thành công, song ông Obama đã cố gắng chấm dứt cuộc phiêu lưu của Mỹ tại Trung Đông, do đó giảm được sự mâu thuẫn truyền thống giữa Oasinhtơn và Niu Đêli tại khu vực rất nhạy cảm này. Ông Obama đã thể hiện sự thông cảm đối với Ấn Độ khi Niu Đêli tiếp tục can dự với Iran. Nếu những thông tin cho rằng ông có thể tiến hành một nỗ lực mới nhằm triển khai đối thoại trực tiếp với Têhêran trở thành hiện thực, thì “điểm tiêu cực Iran” trong quan hệ Mỹ-Ấn có thể giảm bớt. 

Bất chấp động thái tích cực trong quan hệ Mỹ-Ấn dưới thời Obama, không thể phủ nhận rằng Chính phủ Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) cầm quyền tại Ấn Độ đã không tận dụng đầy đủ lợi thế. Trong nhiệm kỳ thứ nhất, bất chấp sự phản đối của cánh tả, Thủ tướng Manmohan Singh đã có những bước đi táo bạo trong việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, sang nhiệm kỳ thứ hai, ông Singh đã không thể hiện được sự nhiệt tình chính trị như vậy. Chính phủ UPA chỉ còn hơn một năm nữa để làm một điều gì đó trong nhiệm kỳ hai của ông Obama. Đã đến lúc Niu Đêli phải có sự cân nhắc về quan hệ đối tác song phương với Mỹ. Không như trước đây, khi Mỹ kiềm chế khoảng không chiến lược của Ấn Độ tại các khu vực phía Đông và phía Tây Ấn Độ, hiện giờ, chính sách Ápganixtan-Pakixtan và Đông Á của ông Obama đã mở ra những cơ hội địa chính trị to lớn cho Ấn Độ. Mọi việc hiện giờ tùy thuộc vào việc Niu Đêli sẽ phối hợp hành động như thế nào và xây dựng một lực đẩy không thể đảo ngược đằng sau mối quan hệ đối tác Ấn-Mỹ trong nhiệm kỳ hai của ông Obama. 

Theo “The Indian Express” (ngày 8/11)

Vũ Hiền (gt)