Tổng tham mưu trưởng quân đội TQ Trần Bỉnh Đức khi thăm Mỹ đã từng đến thăm căn cứ không quân Nellis và đã bày tỏ “quân đội TQ lạc hậu 20 năm so với quân đội Mỹ” trong buổi diễn giảng ngay sau đó tại Đại học quốc phòng Mỹ. Lần này Mullen được mời đến thăm bộ đội pháo binh số 2. Tuy nội dung tham quan không thấy báo chí đưa tin, nhưng nhìn từ góc độ chiến lược quân sự của quân đội Trung Cộng bấy lâu nay, quân đội Trung cộng chỉ lộ ra một số tên lửa đạn đạo vượt đại châu và vũ khí hạt nhân chiến lược đang được sử dụng chứ không công khai toàn bộ những thông tin về tên lửa đạn đạo “sát thủ mẫu hạm”.

Hành động này của Trung cộng không nằm ngoài mục đích muốn thuyết phục Mỹ, tuy thực lực quân sự TQ mấy năm gần đây phát triển vượt trội nhưng vẫn còn thua xa Mỹ, Mỹ không cần phải lo lắng về mối đe doạ của Trung cộng. Việc Trung cộng chưa cho biết về các loại vũ khí mới đang trong quá trình nghiên cứu phát triển thì ngoài việc áp dụng tư duy binh pháp Tôn Tử “năng nhi thị chi bất năng” (có khả năng làm được nhưng lại thể hiện là không thể), có thể muốn qua đó để thuyết phục Mỹ không bán vũ khí cho Đài Loan.

Thế nhưng, trong buổi diễn thuyết tại ĐH nhân dân Bắc Kinh, Mullen chỉ rõ: TQ không phải là nước lớn đang trỗi dậy mà đã là nước lớn của thế giới. Tân nhiệm Bộ trưởng QP Mỹ Leon Panetta vừa qua nhấn mạnh: Mỹ cần phải thiết thực nhìn nhận vai trò toàn cầu của quân đội Mỹ trong tương lai với việc giảm ngân sách quốc phòng nhưng đồng thời cũng phải tiếp tục giữ vững vị trí lãnh đạo toàn cầu của quân đội Mỹ. Về cơ bản, cách nói của Mullen đã hỗ trợ cho luận điểm của Panetta hay nói cách khác, địa vị siêu cường của Mỹ từ sau chiến tranh lạnh đã dần chịu ảnh hưởng của sự trỗi dậy của TQ, bắt buộc phải ngang vai ngang vế với Trung cộng trong nhiều sự vụ quốc tế, thậm chí có thể sẽ hình thành trạng thái 2 cực cân bằng giữa Mỹ với Trung cộng trong khu vực châu Á-TBD. Những thay đổi của quân đội Mỹ là bảo đảm vị trí lãnh đạo toàn cầu, củng cố lợi ích quốc gia của Mỹ, nhưng không nhất thiết tất cả các sự việc đều cần phải nằm trong sự kiểm soát của Mỹ, ví dụ như thái độ bảo thủ của Mỹ trong việc liên quân tấn công Libya rõ ràng là hoàn toàn khác với tư duy chiến lược trong 2 cuộc chiến tranh vùng Vịnh mà Mỹ cầm đầu.

Sự thay đổi về vai trò quân sự của Trung cộng, nói một cách tổng thể là quân giải phóng đang tích cực thực hiện theo hướng “đánh thắng cuộc chiến tranh cục bộ tin học hoá”. Từ việc bố trí tên lửa đạn đạo tốc độ siêu âm chống mẫu hạm với tên gọi thông thường là “sát thủ mẫu hạm” Đông Phong -21D đến việc công khai chiến đấu cơ Tiêm-20 trong chuyến thăm TQ của cựu Bộ trưởng QP Mỹ Gates, tiếp nữa là Trần Bỉnh Đức thừa nhận TQ đang xây dựng mẫu hạm sau khi thăm Mỹ, hàng loạt những đột phá về kỹ thuật quân sự đã khiến quân độ Mỹ kinh ngạc trước tốc độ thay đổi nhanh chóng về thực lực quân sự của Trung cộng cả về chất lẫn lượng. Vì vậy, sự đi lên về sức chiến đấu của quân giải phóng không chỉ tượng trưng cho sự đi lên về quốc lực tổng hợp của Trung cộng mà  nó càng nói lên là sự thay đổi vai trò quân sự của Trung cộng trong khu vực. Đây là sự chuyển đổi từ hình thái phòng vệ lãnh thổ theo hướng bảo thủ, nhẹ nhàng kín tiếng, nội hướng trước đây sang hình thái đánh đòn phủ đầu, hướng ngoại, tích cực song song giữa công và thủ. Sự thay đổi vai trò quân sự của Mỹ – Trung có thể nói là sự điều chỉnh về tâm lý của nước Mỹ, chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận trạng thái 2 cực cân bằng Mỹ – Trung tại khu vực châu Á-TBD./.


Quang Anh (gt)